Author: Thanh Phương | Source: RFI | Posted on: 2017-10-15 |
Một nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 13/10/2016.REUTERS/Kham
Nếu căng thẳng về hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang và cuối cùng dẫn đến xung đột trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ riêng Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, mà cả một số nước khác cũng bị tác động lây, nặng nhất là Việt Nam và Nhật Bản. Đó là dự báo mà công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra ngày 03/10/2017. Ngân Hàng Thế Giới hôm 04/10 cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Theo Moody’s, nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, nạn nhân đầu tiên dĩ nhiên sẽ là Hàn Quốc, nhưng một số quốc gia khác cũng sẽ bị tác động dây chuyền, trong đó có Việt Nam. Đơn giản chỉ là vì nhiều tập đoàn của miền nam Triều Tiên như Samsung hay LG đã đưa Việt Nam vào dây chuyền sản xuất của họ, qua việc xây nhiều nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh và hàng điện tử tại Việt Nam, lợi dụng giá nhân công còn rất thấp.
Riêng tập đoàn Samsung hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, đóng góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. « Ông lớn » này mà « sổ mũi » thì kinh tế Việt Nam cũng bị « hắt hơi » lây. Chẳng hạn như năm 2016, do sự cố Galaxy Note 7 mà tập đoàn Samsung đã bị thiệt hại nặng và kinh tế Việt Nam lúc đó cũng đã bị sụt giảm theo. Năm 2017, phần lớn cũng nhờ Samsung khởi sắc trở lại mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 ước tính đạt được đến 7,46%.
Theo lời ông Martin Petch, đặc trách về tín dụng của Moody’s, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất nếu dây chuyền sản xuất toàn cầu bị rối loạn do sản xuất ở Hàn Quốc bị ngưng trệ hay suy giảm. Hiện giờ, khoảng 20% hàng hóa bán thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam là từ Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc cũng chiếm hơn 5% tổng sản phẩm nội địa GDP.
Cũng theo lời ông Petch, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ đối đầu với những thách thức to lớn trong việc đề ra và thi hành các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để đối phó với khủng hoảng. Ông báo động là rủi ro cao hơn dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến các hệ số tín nhiệm của Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân Hàng Thế Giới, ngày 04/10, vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương. Báo cáo đưa ra dự báo khả quan là mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ đạt 6,4% năm 2017, một phần là nhờ tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn là dự báo ban đầu.
Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể tác động đến viễn cảnh tích cực đó, mà hàng đầu là mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có thể leo thang thành xung đột vũ trang, gây rối loạn trao đổi mậu dịch và kinh tế. Đây là lần đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới nhấn mạnh như thế đến Bình Nhưỡng và các mối đe dọa địa chính trị trong một báo cáo kinh tế quan trọng.
Tại Jakarta ngày 03/10, bộ trưởng Tài Chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng đã bày tỏ quan ngại về tác động của khủng hoảng Bắc Triều Tiên đến nền kinh tế của các nước ASEAN. Bà Indarwati cho rằng những yếu tố giúp cho các nước Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, chẳng hạn sức mua ngày càng tăng của thành phần trung lưu, có thể sẽ « thay đổi hoàn toàn » do những nguy cơ về an ninh và địa chính trị.
--------
--------
0 comments:
Post a Comment