CTV Danlambao - Trong số các bộ ngành cầm quyền của cộng sản, Bộ Y tế đang là một trong những bộ đang gây sự căm phẫn với những vụ án trấn động dư luận. Rất nhiều vụ bê bối, bất cập từ quan chức cầm quyền trong bộ Y tế cho tới y, bác sĩ, chất lượng khám chữa kém cỏi cùng sự bất lực quá tải tại các bệnh viện. Hàng chục ca tử vong vì cách điều trị vô tâm của một số bác sĩ thuộc dạng “đỉnh cao trí tuệ” nhà sản. Hàng ngàn viên thuốc giả dễ dàng qua mặt cả một bộ ngành với hàng trăm nhân sự quản lý. Bộ mặt của ngành y tế dưới thời cộng sản chưa bao giờ phơi bày sự tồi tệ như hiện nay.
Quá nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ và sinh mạng của dân do sự lãnh đạo, quản lý vô trách nhiệm của Bộ Y tế. Vì thế mạng xã hội là nơi được nhiều người tìm đến chia sẻ và gửi thông điệp yêu cầu, đề nghị Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức Bộ Trưởng. Thế nhưng kẻ nắm giữ chức vụ và quyền lực cao nhất của Bộ Y tế vẫn cứ nhởn nhơ, trơ trẽn, tham quyền cố vị. Không những thế, Kim Tiến từng đánh tiếng sẽ xử lý những ai dám nói đụng đến vị thế của mình bằng ngôn từ mà Bộ trưởng và đảng cộng sản cho là “bôi nhọ”.
Bác sĩ Hoàng Công Truyện, người đang làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã trở thành “nạn nhân” đầu tiên của Kim Tiến vì dám “khuyên” Bộ trưởng từ chức. Trên trang facebook cá nhân của mình, bác sĩ Truyện đã đăng bức ảnh chụp cận cảnh mặt của Kim Tiến cùng nội dung cho rằng Bộ trưởng Y tế nên nghỉ việc vì yếu kém về công tác tham mưu, vấn đề an ninh ở bệnh viện...
Nguyễn Thị Kim Tiến sau đó đã “lệnh” cho cấp dưới của mình là Nguyễn Xuân Trường đề nghị côn an xác minh và xử lý chủ sở hữu trang facebook cá nhân của bác sĩ Truyện. Qua đó Nguyễn Huy Hiển, phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện. Ngoài số tiền 5 triệu hồ tệ mà sở Thông tin truyền thông phạt, bác sĩ Truyện còn bị cơ quan chủ quản là Trung tâm Y tế huyện Phong Điền kỷ luật.
“Bản án” này đã vấp phải sự phản đối của dư luận, ngay cả những quan cán trong ngành tư pháp cũng cho rằng công văn đề nghị và việc xử phạt bác sĩ Truyện “có vấn đề”. Nguyên thẩm phán TAND tối cao, Phạm Công Hùng khẳng định cần phải rút quyết định kỷ luật bác sĩ Truyện vì không thuộc trường hợp kỷ luật. Theo ông Hùng, các cán bộ công chức muốn phục vụ nhân dân tốt thì phải lắng nghe tất cả các ý kiến, trong đó có việc khen chê để rút kinh nghiệm và rà soát lại việc làm của mình. Nếu chỉ thích khen, còn chê mình thì đòi xử lý kỷ luật là việc không nên. Trong vụ việc này, bác sĩ Truyện không vi phạm Luật viên chức nên quyết định kỷ luật là sai và Bộ Y tế nên rút công văn cũng như thu hồi quyết định xử lý kỷ luật.
Về phía Bộ Y tế cũng khẳng định công văn và quyết định trên là “chặt chẽ và không sai”. Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho rằng nội dung lời “khuyên” của bác sĩ Truyện có tính chất bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, gây mất uy tín, danh dự người đứng đầu ngành. Vì trong khi toàn ngành đang nỗ lực các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì nội dung bác sĩ Truyện viết đã “tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cá nhân bộ trưởng”.
Cuộc tranh luận sẽ còn nhiều điểm thú vị diễn ra, nhưng đối với nhân dân thì chắc chắn chẳng mấy ai tin tưởng nữ Bộ trưởng gây nhiều tai tiếng và hệ luỵ tồi tệ này. Và có lẽ niềm tin đó đã trở thành thứ xa xỉ dành cho người dân khi nói đến các bộ ngành hay quan chức cầm quyền cộng sản. Qua việc xử phạt hành chính và kỷ luật bác sĩ Truyện, Bộ trưởng Kim Tiến đã thể hiện uy quyền của một quan chức cộng sản đứng đầu một bộ ngành. Dẫu có xảy ra muôn vàn “sự cố” hay thảm hoạ gì đi chăng nữa thì đó cũng không phải lỗi của những kẻ cầm quyền cộng sản. Vì thế đừng bao giờ nghĩ tới chuyện quan chức cộng sản từ chức mà đưa ra lời “khuyên” nghỉ việc. Văn hoá từ chức ở các nước phương Tây phát triển không có chỗ đứng trong xứ sở “thiên đường xã nghĩa” do đảng cộng sản cai trị.
20/10/2017
0 comments:
Post a Comment