David Hutt * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - ...Ta chợt thấy một điều là rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây đều tập trung đấu tranh vào vấn đề môi trường. Tại sao? Trước tiên, vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề hệ trọng trong cả nước... Điều lý thú là lý do khác khiến các cuộc biểu tình vì môi trường gia tăng bất ngờ chính vì môi trường là một trong vài vấn đề ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Môi trường đoàn kết ngư dân nghèo với người cấp tiến tương đối giàu có ở thị thành, người tiêu dùng với nhà sản xuất, người dân chủ và người cộng sản...
*
Vào đầu năm nay tổ chức Human Righs Watch công bố bản báo cáo mới lé lộ những chi tiết về việc nhà cầm quyền Việt Nam đã sách nhiễu và hành hung tàn bạo chị Trần Thị Nga trong suốt nhiều năm trời. Cuối cùng họ bắt giam chị về tội lợi dụng truy cập "mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam", như truyền thông nhà nước tường thuật.
Thật ra những gì chị thực sự làm chỉ là tham gia vào một số cuộc biểu tình vì môi trường và thể hiện sự đoàn kết với các anh chị em hoạt động khi gặp gỡ họ tại nhà họ và khi tham dự các phiên tòa xử họ.
Không phải chỉ mình chị bị bắt. Trong khoảng vài tuần nhà cầm quyền Việt Nam cũng bắt giữ anh Nguyễn Văn Oai, cựu tù chính trị, và anh Nguyễn Văn Hóa, nhà hoạt động nhân quyền tham gia chiến dịch đấu tranh chống lại thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây ra. Nhiều tháng trước đấy, họ đã bắt giam anh Nguyễn Danh Dũng; các blogger Hồ Hải và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; và một số người phản kháng thuộc người Thượng Dega bản địa. Theo Human Rights Watch, có ít nhất 112 blogger và nhà hoạt động hiện nay đang thụ án tù chỉ vì lên tiếng.
Ta chợt thấy một điều là rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây đều tập trung đấu tranh vào vấn đề môi trường. Tại sao? Trước tiên, vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề hệ trọng trong cả nước. Vào tháng Tư 2016, những cuộc biểu tình rất lớn đã diễn ra trên khắp Việt Nam sau khi chất thải độc hại từ nhà máy thép Formosa làm cho ước tính 70 tấn cá chết trôi dạt vào bờ dọc theo hơn 200 km bờ biển miền trung Việt Nam.
Bài báo trong mục Cây Đa chuyên bàn về Châu Á của tờ The Economist số ra tuần lễ từ ngày 18 đến 24 tháng Hai tường thuật từ Đồng Hới, trung tâm tinh lỵ ở bờ biển miền trung, nơi trong suốt năm 2016 hàng ngàn cá chết trôi dạt vào bờ. Ngày nay dân chúng ở đấy vẫn còn sợ ăn cá sống xa bờ, số du khách giảm mạnh, đầu tư hầu như không còn, và ngư dân vất vả kiếm vừa đủ sống qua ngày. Tình trạng môi trường ở nơi khác cũng không sáng sủa hơn gì. Tờ The Economist tường thuật ô nhiễm lảm hỏng phần lớn cảnh quan trong nước - việc xây đập làm xói mòn đồng bằng sông Cửu Long, không khí ô nhiễm liệm kín Hà Nội trong khi phần lớn thành phố Hồ Chí Minh rất có thể chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Bản liệt kê đầy đủ các vấn nạn vẫn chưa biết bao giờ mới hết.
Điều lý thú là lý do khác khiến các cuộc biểu tình vì môi trường gia tăng bất ngờ chính vì môi trường là một trong vài vấn đề ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Môi trường đoàn kết ngư dân nghèo với người cấp tiến tương đối giàu có ở thị thành, người tiêu dùng với nhà sản xuất, người dân chủ và người cộng sản.
Đây cũng chính là lý do khiến môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng đối với chính quyền Việt Nam. Tôi đoán chừng chính quyền biết rằng, khác với chủ nghĩa công đoàn hay tự do ngôn luận, mối quan tâm đến môi trường làm cho những người chỉ trích và những người trung thành bất mãn trở nên dũng cảm. Người bần cùng nào còn có thiện cảm với chính quyền có thể chịu đựng nền truyền thông bị bịt miệng và việc đảng nói như máy thay cho quần chúng. Nhưng khi ruộng đất ngập do chất thải công nghiệp và do không được sửa sang tốt, hay khi biển chứa chỉ toàn cá độc, hay khi nhà máy do nước ngoài làm chủ coi thường môi trường trong nước, thì người ta ắt hẳn hoài nghi lý tưởng của cuộc cách mạng cộng sản.
Do vậy, chính quyền tìm cách kiềm chế sự tàn phá môi trường. Thực ra, họ có luật môi trường "xanh" khá bao quát và chặt chẽ (trên giấy tờ phần lớn còn nghiêm ngặt hơn cả luật của Trung Quốc) và những kế hoạch loại bỏ khí carbon ra khỏi nền kinh tế. Tuy vậy, như lời nhận xét đúng đắn của tờ The Economist, "Làm sao điều này lại hợp với các kế hoạch xây dựng hơn chục nhà máy nhiệt điện chạy than là chuyện chẳng ai hiểu nổi."
Tuy nhiên chính quyền Việt Nam sẽ thất bại. Có lẽ so với tất cả các mối quan tâm khác, môi trường chỉ ra rõ ràng hơn hết những vấn nạn cốt yếu tồn tại ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản mông muội.
Thật vậy, cho dù chính trị ở Việt Nam nhiều nhiêu khê, nhưng chính trị ấy thật ra khá đơn giản: không bầu cử và không có sự tham gia nghiêm túc của dân chúng, tính chính danh của chính quyền chỉ còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế. Nhưng mối quan tâm môi trường thử thách rất nghiêm trọng tính chính danh này.
Một ví dụ: từ lâu chính quyền đã tuyên bố rằng những nhà hoạt động chỉ là bọn tay sai của các thế lực nước ngoài. Bây giờ, chính chính quyền mới là một tay sai bảo vệ cho các nhà đầu tư nước ngoài bị tố cáo hủy diệt môi trường.
Quan trọng hơn, để duy trì phát triển kinh tế, chính quyền Việt Nam cần đầu tư từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, nhưng chính điều này sẽ hủy diệt môi trường, như nhân dân Đồng Hới biết rất rõ. Người phát ngôn cho Formosa, công ty ở Đài Loan, đã biết trước rất rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi ông nói người Việt Nam nên quyết định họ muốn đánh cá hay muốn " xây dựng công nghiệp thép hiện đại". Sau đấy hashtag, #TôichọnCá, trở thành phổ biến trên mạng xã hội.
Mặc dù chính quyền trung ương Việt Nam đã quyết định cần phải kiềm chế sự hủy diệt môi trường, nhưng chính quyền phải đối phó đầy khó nhọc với chính con quỷ do mình đẻ ra. Trụ cột của Đổi Mới, bắt đầu từ năm 1986, là phân cấp quản lý nhà nước, tức chuyển quyền lực từ trung ương đến các tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2004, khi chính quyền đưa ra Nghị quyết 8, rõ ràng là mọi sự đã không diễn ra đúng như kế hoạch. Nghị quyết viết "Nhận thức, quan điểm về các chủ trương, giải pháp phân cấp quản lý nhà nước giữa chính phủ và chính quyền cấp tỉnh chưa rõ ràng, rành mạch, thiếu nhất quán."
Ta tưởng không còn gì dài dòng hơn từ ngòi bút của cán bộ đảng. Tuy nhiên, rõ ràng rằng ngay từ năm 2004, chính quyền đã ý thức những sai lầm của chính họ. Dẫu vậy, sự phân cấp luôn luôn bị hỏng bét bởi những xung khắc cơ bản của chủ trương này với chế độ. Như Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright ở thành phố Hồ Chí Minh, viết trong bài báo vào năm 2016, "Việt Nam: Phân cấp trong bối cảnh chia cắt thể chế":
"Phân cấp nhất thiết đòi hỏi sự thay đổi nền tảng về vai trò của nhà nước, từ người đặt kế hoạch xã hội và người ra quyết định đến người điều hợp và người đặt ra luật lệ. Tuy nhiên, trong hệ thống tôn ti và duy nhất như Việt Nam, sự thay đổi này không bao giờ đơn giản vì sự thay đổi ấy không chỉ quan hệ đến những thay đổi trong tổ chức nội bộ của chính phủ, mà cũng phá hoại quyền lực vốn không bị kiểm soát của chính phủ."
Rồi Tự Anh nói tiếp rằng "tự thân việc tăng cường tự trị cho chính quyền địa phương không bảo đảm sự chịu trách nhiệm." Thực ra ta có thể nói ngược lại vì trước hết sự chịu trách nhiệm chưa bao giờ là nhân tố trong việc điều hành quốc gia. Không có dân chủ thì ai bắt các viên chức cầm quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm? Điển hình là những người ở cấp cao hơn. Nhưng sự phân cấp làm suy yếu dây chuyền tôn ti quyền lực này, từ đấy tạo ra một quốc gia gồm có nhiều lãnh chúa, như vài nhà phân tích khẳng định-hay "cát cứ và cục bộ" như nhà cầm quyền đã cảnh báo vào năm 2004. Tờ The Economist đã chế giễu chủ trương không hiệu quả như thế. Báo viết "trong khi những người chống không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh đã bắt đầu đóng cửa các nhà máy và hạn chế sử dụng xe hơi thì các quan tai to mặt lớn ở Hà Nội vẫn còn ra sức ngăn cản những người đi xe máy không được đậu xe trên vỉa hè."
Cuối cùng chúng ta rơi vào hoàn cảnh như thế này nơi chính quyền trung ương có thể ban hành những đạo luật nhằm kiềm chế sự tàn phá môi trường nhưng rất ít các viên chức cấp tỉnh làm theo. Thật ra, nhiều người còn phất to lên nhờ chẳng màng quan tâm đến các điều luật. Giải pháp duy nhất là phải củng cố ý chí của bộ chỉ huy từ trung ương, như vậy tổn hại đến chương trình phân cấp quản lý nhà nước đã thành hình trong bốn thập niên qua, hay cố gắng cải tạo hành vi của các viên chức chính quyền cấp tỉnh, điều này chẳng có kết quả. Bế tắc cả đôi đường nên chính quyền Việt Nam đã trở lại con đường mà họ rành nhất: bóp miệng bất đồng chính kiến và vẫn tiếp tục bình chân như vại như thường lệ.
Nguồn: Tạp chí The Diplomat ngày 22/3/2017. Tựa đề tiếng Việt của người dịch, nguyên tác tiếng Anh "Will the enviroment be the Vietnamese government's downfall?"
Bản tiếng Việt:
0 comments:
Post a Comment