Thursday, March 30, 2017

Obamacare Thoát Nạn


AuthorVũ LinhPosted on:2017-03-30

Tin nóng hổi giờ chót, dự luật y tế của khối CH thay thế Obamacare chết trong trứng nước và chủ tịch Hạ Viện, Paul Ryan, đã rút lại không mang ra biểu quyết, 
với sự đồng ý của TT Trump. Ông Ryan cũng cho biết hiện giờ chưa có kế hoạch nộp lại, có nghiã là sẽ không có gì hết trong tương lai gần. Trong khi chờ đợi, Obamacare vẫn được duy trì không có gì thay đổi hết.
Thất bại này một lần nữa xác định vấn đề cải tổ hệ thống y tế của Mỹ là việc làm cực kỳ khó khăn. Từ thời TT Roosevelt đến nay, tổng thống nào cũng thấy cần phải thay đổi, nhưng phần lớn thất bại, chỉ làm được từng phần. Như TT Johnson thành công với Medicare và Medicaid (một phần nhờ lợi dụng cảm tình của dân chúng với đảng DC sau khi TT Kennedy bị ám sát), và TT Bush con với Plan D trợ cấp tiền thuốc cho người già. TT Clinton thử nghiệm cải tổ quy mô nhưng dự luật của ông –giao cho bà Hillary soạn thảo- cũng chết trong trứng nước, không hội đủ hậu thuẫn ngay trong nội bộ đảng DC, giống hệt như tình trạng hiện nay.
TT Obama là người duy nhất thành công thay đổi được hệ thống y tế một cách hết sức quy mô qua cái gọi là Obamacare được thông qua tháng Ba 2010.Nhưng sự thành công của ông cũng mang nhiều tỳ vết. Trước hết nhờ cơn bão 2008 giúp đảng DC chiếm tuyệt đại đa số tại Hạ Viện, và nhất là nhờ DC chiếm luôn đa số 60 ghế kiểm soát cả Thượng Viện một cách tuyệt đối, một hiện tượng hình như chưa từng có. Dù vậy, việc thông qua cũng phải nhờ cách “đi cửa sau”, lách qua thủ tục biểu quyết của Thượng Viện. Để rồi Obamacare thành luật, nhưng lại bị trên dưới 60% dân Mỹ chống.

Sau khi bắt đầu được áp dụng, Obamacare đã gặt hái được kết quả cũng rất đáng tranh cãi. 
Thành công hay thất bại, phần lớn là do đứng nhìn từ phiá nào.

Cũng giống như bất cứ bộ luật nào khác, Obamacare mang lại lợi ích cho nhiều người
 nhưng cũng mang tai hoạ đến cho nhiều người khác.
Đại cương thì có hai cái lợi lớn mà không ai có thể lật ngược hay sửa lại được. 
Đó là việc bắt các hãng bảo hiểm phải nhận bảo hiểm cho những người trước đó đã mang bệnh, bất kể bệnh nặng nhẹ; và việc giúp cho rất nhiều người không đủ khả năng tài chánh có thể mua bảo hiểm được qua trợ cấp của Nhà Nước, đưa đến triển vọng toàn dân đều có bảo hiểm y tế hết, không chừa ai. Hai khối người đã bị bệnh và người nghèo nhất nhận trợ cấp đã hưởng lợi lớn của Obamacare nên ủng hộ Obamacare hết mình.
Ngược lại, cái giá phải trả rất nặng cho những người khác. Trong 7 năm ngắn ngủi qua, dân Mỹ đã thấy:

Chi phí y tế, tiền mua bảo hiểm cũng như chi phí dịch vụ y tế, đã tăng rất mạnh trong khi tiền bệnh nhân phải trả trước khi hãng bảo hiểm trả -deductibles- cực kỳ cao;

- Tất cả mọi người bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế, một gánh nặng cho giới trẻ khoẻ mạnh không có nhu cầu y tế, 
và cho giới trung lưu chưa đủ giàu để chi trả nhưng lại “giàu” quá mức được lãnh trợ cấp; việc tất cả bị ép buộc mua bảo hiểm vừa có tính “nhân đạo” vì bảo đảm mọi người đều có bảo hiểm y tế,vừa có tính “mánh mung” kinh tế vì đó là cách duy nhất có thể tài trợ chi phí bảo hiểm cho những người đã có bệnh nặng từ trước;

- Obamacare cũng đã gián tiếp giữ 
tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao vì chính sách này gây tốn kém lớn cho các công ty, nhất là công ty với mức nhân công khoảng khít nút trên 50 người: quá lớn nên bị bắt buộc phải cung cấp bảo hiểm tập thể cho nhân viên, nhưng lại quá nhỏ không đủ thu nhập để trả chi phí này, đưa đến tình trạng rất nhiều công ty không muốn phát triển thuê thêm nhân viên quá mức 50 người, hay chỉ thuê nhân viên bán thời để khỏi phải mua bảo hiểm tập thể;
- Hầu như tất cả mọi người đều phải thay hãng bảo hiểm, 
chương trình bảo hiểm, đổi luôn cả bác sĩ, bệnh viện, thậm chí thuốc đang uống, vừa phiền toái vừa tạo bất an cho bệnh nhân;
- Hầu hết các hãng bảo hiểm, nhất là các hãng tương đối nhỏ nằm trong hệ thống Obamacare đều bị lỗ nặng, đưa đến phá sản hay rút ra khỏi hệ thống;
đẩy thiên hạ vào tay vài đại công ty bảo hiểm tha hồ định giá, nhiều khi cắt cổ; sở dĩ các hãng bảo hiểm lỗ nặng hết vì cái cột trụ của Obamacare bị gẫy đổ: giới trẻ không chịu mua bảo hiểm, tức là không chịu trả chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế cho những người bị bệnh và những người lớn tuổi.
Nhìn vào cái giá phải trả thì ai cũng thấy về lâu về dài,
 Obamacare sẽ không thể tồn tại. Ngay chính TT Clinton cũng phải nhìn nhận Obamacare là cái gì “điên rồ nhất”. Trong vấn đề này, thực sự đã có sự đồng thuận là “phải làm gì” để cứu vãn tình thế.
Ở đây, có nhiều cách nhận định trách nhiệm của TT Obama. Có người cho rằng TT Obama đã cố gắng đẻ cho bằng được Obamacare để “lưu danh muôn thuở” mà không lưu tâm đến hậu quả tai hại lâu dài. Có người khác cho rằng TT Obama biết trước những khó khăn nhưng chấp nhận vì tính toán những lỗ lã sẽ giúp tiêu diệt các hãng bảo hiểm tư nhân, giúp Nhà Nước tóm thâu được ngành bảo hiểm y tế như tại Âu Châu hay Canada, một bước tiến lớn trong tiến trình xã hội hoá cả nước. Sự thật, tính toán này sai bét, lỗ lã đưa các hãng bảo hiểm nhỏ đến phá sản, dồn ngành bảo hiểm vào vài đại gia thao túng thị trường.
Nhiều người thắc mắc tại sao các chương trình y tế của Tây Âu thành công mà lại không thể áp dụng được tại Mỹ. 
Họ không hiểu là hệ thống y tế Tây Âu hầu như miễn phí cho tất cả mọi người do Nhà Nước chu cấp sống được là nhờ dân chúng bị đóng thuế... tới bến, tới gần nửa mức lợi tức trong khi ở Mỹ, thiên hạ chỉ đóng trung bình 15%-20% thuế. Một điều không ai không đồng ý là mọi ý nghĩ tăng thuế đều là điên nặng, không thể nào thực hiện tại nước Mỹ này.
Trước viễn tượng “không thể sống còn” của Obamacare và việc đa số dân Mỹ thuộc giới trung lưu chống Obamacare, thì cải tổ Obamacare đã trở thành nhu cầu thiết yếu mà ngay cả bà Hillary khi tranh cử cũng phải nhìn nhận. Việc này cũng phần nào giải thích sự đắc cử của ông Trump sau khi ông long trọng hứa sẽ hủy Obamacare ngay sau khi chấp chánh.
Một vài người nhận định dự luật cải tổ được gọi là Trumpcare “bị đánh bại vì không tốt hơn Obamacare”. Có người hô hoán “CH không đủ phiếu dẹp Obamacare”. Vài người khác lý luận Trumpcare thất bại vì đa số dân Mỹ ủng hộ Obamacare. Như bà dân biểu Nancy Pelosi đã lớn tiếng khoe Obamacare thắng lớn, được dân Mỹ ủng hộ quá mạnh khiến CH không đụng tới được. Tất cả đều không phải là sự thật mà chỉ mang tính xuyên tạc phe phái. Sự thật là đa số dân Mỹ vẫn chống Obamacare và Hạ Viện dư thừa phiếu để thu hồi hay chỉnh sửa hay “dẹp” Obamacare, nhưng vấn đề là họ không có sự đồng thuận trong giải pháp thay thế, chứ không phải họ muốn bảo vệ Obamacare.
Đại để, ai cũng đồng ý cái nhà mục nát Obamacare cần phải kéo xụp xuống,
nhưng lại chưa có sự đồng ý xây nhà mới như thế nào, đành phải chấp nhận sống trong căn nhà mục nát đó chứ không thể kéo xụp để mọi người chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chưa kéo xuống được không có nghiã là căn nhà mục nát đó bất thình lình trở thành một dinh thự lộng lẫy vững vàng.
Phải nói ngay là chẳng có cái gì gọi là “Trumpcare” hết. 
Cái mà mọi người nhìn thấy là một dự thảo của một khối đa số dân biểu CH tại Hạ Viện do chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cầm đầu, chưa thành dự luật được nữa. Nếu muốn gắn tên một cách chính xác thì phải gọi là Ryancare. Họ đã thành công thuyết phục được TT Trump chấp nhận, nhưng vẫn chưa có được hậu thuẫn cần thiết ngay trong nội bộ CH để có thể được cả Hạ Viện chấp nhận. Tất cả dân biểu khối DC chống dĩ nhiên, nhưng một số không nhỏ dân biểu CH cũng không chấp nhận, đưa đến tình trạng đếm không đủ phiếu để thông qua.
Trong khối CH, có 3 khuynh hướng chính. 
Khối đa số do ông Paul Ryan cầm đầu và được TT Trump hậu thuẫn đã thảo ra được một đề nghị. Nhưng bị hai khối chống. Đó là khối Freedom Caucus là khối bảo thủ cực đoan khi họ cho rằng dự luật đề nghị chỉ là Obamacare pha chút nước lạnh cho đỡ đắng thôi.Họ chống lại việc tiếp tục dùng thuế chi trả tiền trợ cấp mua bảo hiểm dưới bất cứ hình thức nào, và chống lại việc bị đóng phạt nếu không mua bảo hiểm. Và khối ít bảo thủ hơn Tuesday Group cũng chống nhưng vì lý do ngược lại là đã đi quá xa khi không ép buộc mọi người phải mua bảo hiểm. Tức là dự luật bị cả hai phe cực đoan chống, nghe có vẻ tốt vì tính trung dung ôn hoà, nhưng vì sự chống đối đó, có thể có tới 30 dân biểu CH chống. Khi tất cả 193 dân biểu DC chống thì chỉ cần 22 dân biểu CH cũng chống là dự luật không thông qua được. Như TT Trump nói, CH chỉ thiếu có 9 phiếu.
Việc thu hồi dự luật được cả truyền thông phe ta và phe đối lập DC nhẩy tưng tưng ăn mừng, khua chiêng trống như “thất bại lớn nhất” của TT Trump,nhưng theo chính báo phe ta Washington Post thì thất bại đó lại có lý do chính là TT Trump không thực sự ủng hộ đủ mức. Từ cả tháng nay, việc soạn thảo dự luật do chủ tịch Hạ Viện lãnh trách nhiệm trong khi TT Trump hầu như không để ý vì ông không hoàn toàn tin tưởng, cứ hỏi đi hỏi lại “có chắc là dự luật này tốt nhất không?”. Mãi cho đến tuần cuối cùng thì ông mới thật sự hồ hởi cố gắng nói chuyện với các dân biểu CH chống đối. Nhưng ông đã thất bại, không thuyết phục được họ. Chủ tịch khối bảo thủ cực đoan Freedom Caucus tuyên bố “nếu nhìn vào cá nhân TT Trump thì tất cả chúng tôi sẵn sàng ủng hộ dự luật này, nhưng nếu nhìn vào dự luật, vào chính sách, thì chúng tôi không thể đồng ý được vì cử tri của chúng tôi không thể chấp nhận được”.
Dù viết TT Trump chưa chú ý đúng mức, nhưng cuối cùng thì WaPo cũng quay qua chỉa mũi dùi vào TT Trump và kết luận thất bại này đã phá tan hình ảnh một nhà kinh doanh tuyệt hảo trong nghệ thuật điều đình thương thảo mà lâu nay ông Trump vẫn thường khoe khoang. Thất bại này theo WaPo, chứng minh TT Trump chỉ giỏi điều đình mua bán nhà cửa với các doanh nhân thôi, chứ hoàn toàn mù tịt về việc đấu tranh chính trị với các chính khách, nghiã là trực diện với những người chịu sự chi phối của cả chục ngàn cử tri. Ông đã thất bại ngay cả trong nội bộ CH thì làm sao có thể làm việc được với khối đối lập DC hay đi xa hơn nữa, đấu võ với Putin, Tập,...
Theo ý kẻ này, lập luận TT Trump chưa chú ý đúng mức có lẽ là lý do chính xác nhất. Trước tuần cuối cùng, chẳng những TT Trump ển ển xìu xìu, có vẻ không quan tâm lắm, mà ông lại còn nói rõ nếu dự luật không thành công thì ông sẽ để cho Obamacare tự động chết vì ông tin chắc Obamacare sẽ tự hủy diệt trong vài ba năm tới khi các hãng bảo hiễm lỗ quá, phải rút ra hết, chi phí bảo hiểm tăng quá cao, dân tình quá bất mãn, thì lúc đó chính khối DC sẽ bị áp lực đòi thay đổi Obamacare, nghiã là khi đó thời điểm sẽ thuận lợi hơn, dự luật sửa đổi Obamacare có nhiều hy vọng được thông qua hơn.
Một ngày trước khi Hạ Viện được dự trù biểu quyết, TT Trump nói rõ một là biểu quyết thuận thay đổi, hai là cứ để Obamacare y nguyên, chứng tỏ ông sẵn sàng chấp nhận sống với Obamacare. Nôm na ra, TT Trump tin rằng Omabacare nguy hại nhưng phần đông thiên hạ chưa... thấy quan tài chưa đổ lệ nên vẫn khó cải tổ. Đợi cho họ lãnh nạn rồi thì chỉnh sửa sẽ dễ hơn nhiều.
Cái nhìn thực tế này có cái hại là khi đó sẽ không thiếu gì người đổ lỗi cho TT Trump đã quá lơ là với đại họa này.

Một cách khác giải thích sự thất bại là việc làm quá gấp rút.
 Trước đây, TT Obama đã mất cả năm trời mới sanh ra được Obamacare, và dù vậy, chính kẻ này cũng đã có quan điểm là vì nhu cầu lưu danh nên TT Obama gấp rút tung ra nên Obamacare bị luộm thuộm, hư hỏng tứ phiá. Bây giờ TT Trump muốn thay thế Obamacare trong vòng hai tháng thì quả là quá hấp tấp hơn nữa, không đủ thời gian tham khảo ý kiến mọi phiá, cũng như không có thời gian “rao hàng” quảng cáo sản phẩm để mọi người sẵn sàng chấp nhận, đặc biệt là chưa đủ thời gian để bác bỏ các luận điệu có tính phóng đại hù dọa kiểu như với cải tổ mới, tiền mua bảo hiểm sẽ tăng lên cao hơn mức lợi tức, một chuyện cực kỳ vô lý nhưng không ít người vẫn tin. Khi nghe TTDC doạ sẽ có 24 triệu người mất bảo hiểm thì cả nước run sợ là dĩ nhiên. Tại sao CH lại quá hấp tấp như vậy? Đó là vì họ muốn lợi dụng đà chiến thắng bầu cử nóng hổi,rồi nếu thông qua được cải tổ y tế thì sẽ lại có trớn xúc tiến những dự án cải tổ lớn khác.
Đây là chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hơn 300 triệu dân, không phải là chuyện có thể thực hiện được trong vòng hai tháng, nhất là khi khối CH không có chuẩn bị giải pháp thay thế trước. Trong mấy năm qua, khối CH tại Hạ Viện đã biểu quyết cả trăm lần thu hồi Obamacare, nhưng ai cũng hiểu rõ chỉ là làm cho có hay cho vui thôi vì không ai nghĩ CH sẽ có cơ hội thắng lớn cả Toà Bạch Ốc, Thượng Viện lẫn Hạ Viện để có dịp thay thế Obamacare được. Chưa hề có một cố gắng cụ thể nào để có một giải pháp thay thế. Phải nói chiến thắng của TT Trump và phe CH trong kỳ bầu cử vừa qua đã là một bất ngờ thực tế quá lớn.

Chính ông Ryan cũng thú nhận trong cuộc họp báo công bố quyết định thu hồi dự luật là phe CH đã đóng vai trò đối lập quá lâu, bây giờ bất ngờ mang trách nhiệm nắm quyền nên thiếu chuẩn bị.
Nhìn về tương lai, chuyện gì sẽ xẩy ra?

Obamacare sẽ không thay đổi gì hết cho đến sớm nhất là mùa thu năm tới, trước ngày bầu cử giữa muà, nếu khi đó TT Trump bị áp lực quá mạnh của cử tri ép ông “phải làm gì”. 
Quý độc giả đang có bảo hiểm y tế như thế nào thì vẫn cứ tiếp tục ít ra trong hai năm nữa. Không có bảo hiểm, sẽ vẫn phải đóng tiền phạt. Giới nghèo vẫn lãnh trợ cấp tiền mua bảo hiểm. Các hãng bảo hiểm vẫn không có quyền từ chối khách hàng nào hết. Sẽ không có ai bị mất bảo hiểm hết.
Vài người hăng tiết chống Trump đã mau mắn tố thất bại này chứng tỏ TT Trump không có khả năng lãnh đạo đất nước. Không hiểu như vậy khi TT Clinton thu hồi dự luật cải tổ y tế của ông năm 1992 thì sao ông vẫn làm tổng thống đủ hai nhiệm kỳ?
CNN dĩ nhiên cũng “quên” thất bại của TT Clinton 
để chạy tít “thất bại lớn nhất lịch sử 100 ngày đầu của một tổng thống”.

Nhìn ra ngoài Obamacare, thất bại vừa qua của TT Trump sẽ rất tai hại cho ông. 
Các chính khách của cả hai đảng bớt sợ ông, và dám chống ông mạnh hơn. Sẽ tạo khó khăn cho việc thông qua các chương trình lớn của ông như ngân sách mới (giảm chi tiêu nặng), cắt giảm thuế quy mô cho tất cả mọi cá nhân và cho các công ty, cải tổ giáo dục, cắt giảm thủ tục hành chánh và số lượng công chức, nâng cấp hạ tầng cơ sở,... Ngay cả việc phê chuẩn thẩm phán Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện cũng sẽ gặp khó khăn hơn.
Quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề... đầu tiên, tức là tiền đâu? 
Kế hoạch cải tổ Obamacare được dự đoán sẽ tiết kiệm cho Nhà Nước hơn 300 tỷ đô, giúp việc giảm thuế là kế hoạch tới của TT Trump được dự trù sẽ tung ra tháng Tám tới. Bây giờ không có số tiết kiệm này mà giảm thu nhập thuế nữa thì ngân sách sẽ thâm thủng nặng, ảnh hưởng luôn đến các kế hoạch nâng cấp hạ tầng cơ sở được ước tính sẽ tốn khoản 1.000 tỷ.
Không cải tổ Obamacare được, không giảm thuế được, không chỉnh trang hạ tầng cơ sở được, TT Trump sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ. Bà Hillary vẫn còn đủ “trẻ” để nghĩ đến chuyện thử lửa lần thứ ba vào năm 2020. (26-03-17)

Vũ Linh


*******************************************
Đính chính:

- Trong bài viết tuần trước, tác giả viết sai lầm là tướng Flynn cần sự phê chuẩn của Thượng Viện trong chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Thật ra, chức vụ này không cần phê chuẩn của TV và tướng Flynn đã tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi TT Trump nhậm chức. Phần còn lại vẫn chính xác: tướng Flynn vẫn chưa hề bị kết tội gì (tuy FBI có thể đang điều tra), và nếu có tội thì có từ chức cũng không thoát tội.
- Cũng trong bài đó, kẻ này viết TT Trump năm 1995 khai lỗ kinh doanh “900 tỷ”; đúng ra là “900 triệu”.

Bài tuần rồi được viết gấp rút vì lý do riêng, nên có nhiều sơ xuất không chấp nhận được. Lỗi hoàn toàn của tác giả. Xin cáo lỗi quý độc giả và đa tạ những độc giả đã sửa sai.
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.comBài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

0 comments:

Powered By Blogger