Martin Niemoller, một người Đức đạo Tin Lành, đã có một đoạn văn lừng danh đi vào văn sử học và trở thành kinh điển để khai phóng và thay đổi thái độ thờ ơ của con người trước sự bất công của xã hội hay trước sự tàn bạo của chính quyền. Đoạn văn đó như sau:
"Khi (Đức) Quốc-Xã bắt bớ sát hại người Do Thái, bởi vì tôi không phải là người Do Thái, cho nên tôi thờ ơ không cùng người Do Thái phản kháng chống lại. Rồi khi họ thảm sát người Công giáo, bởi vì tôi cũng phải là người có đạo Công giáo, cho nên tôi cũng thờ ơ không cùng người Cộng giáo phản đối chống lại. Rồi sau đó họ đàn áp bắt bớ công đoàn, tôi cũng không phải thợ thuyền của công đoàn nên cũng thờ ơ không cùng với công đoàn phản đối chống lại. Đến khi Đức Quốc Xã bắt bớ sát hại chính những người theo đạo Tin Lành như tôi, tôi vùng lên, tôi chống lại, tôi tranh đấu, nhưng đến lúc này thì đã quá muộn. Bởi đến lúc tôi nhận ra cần phải vùng lên chống bọn Quốc Xã tàn bạo thì chẳng còn ai có thể đứng cạnh tôi mà tranh đấu cùng tôi cả!"
Đoạn văn này rất nổi tiếng vì Niemoller phân tích chính xác nguồn gốc của căn bệnh VÔ TRI trong các xã hội chịu đựng sự độc tài tàn bạo. Đó là không nhận thức, không thấy được sự liên hệ của những việc bất công trong xã hội lúc nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chính bản thân mình.
Gần đây, có rất nhiều người đấu tranh than phiền và mất dần niềm tin vào người dân Việt Nam, bảo rằng thời "Xuống Hố Cả Nút" (XHCN), người dân trở nên VÔ CẢM. Chẳng hạn như chuyện Cộng Sản Hà Nội sang nhượng biển đảo rõ ràng như thế nhưng chẳng ai cảm thấy đau lòng, hay chuyện cộng sản cướp chùa lấy đất kinh doanh, cũng chẳng ai cảm thấy đau lòng, hoặc là người nghèo Vũng Áng nay không thể sống bằng nghề cá vì biển có độc của Formosa, cũng chẳng mấy ai quan tâm, chuyện hai mẹ con phải cởi truồng phản đối bị cưỡng chế đất đai ở Cần Thơ cũng chẳng mấy ai quan tâm, chuyện gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn can trường, cũng chẳng mấy ai biết v.v... Càng ngày có vẻ như nhiều người tranh đấu cảm thấy nản lòng vì sự thơ ơ của người dân trước thời cuộc.
Thực tế, xin được phép nhấn mạnh, bản chất của con người vĩnh viễn không bao giờ VÔ CẢM. Con người hành động tàn nhẫn hay thờ ơ trước tội ác hay bất công của xã hội, hoàn toàn là do nhân thức chưa thấy rõ tác hại của hành động hay thái độ của mình. Gốc rễ của việc một người thản nhiên khi nhìn thấy tội ác là vì hoàn toàn không nhận ra sự thản nhiên của mình sẽ gây hại trực tiếp đến mình trong một tương lai rất gần. Cho nên tên gọi đúng của căn bệnh này là VÔ TRI.
Do bản chất tự nhiên, để một người có thể có cảm xúc và phản ứng trước một việc xảy ra thì sự việc đó phải trực tiếp liên hệ đến nhận thức của người này. Nếu mối liên hệ trực tiếp giữa sự việc và nhận thức không được hình thành thì con người sẽ thản nhiên và không hành động gì cả.
Khi một sự việc xảy ra trong xã hội, nhận thức của một người sẽ lập tức truy xét sự việc này xem có liên quan gì đến quyền lợi kinh tế, địa vị của mình hay không? Có liên quan gì đến tình cảm hay huyết thống của mình hay không? Có liên quan gì đến hoàn cảnh mà mình đang sống hay không? Có liên quan gì đến lý tưởng niềm tin mà mình đeo đuổi hay không? v.v... Thành thử ra, nếu nhận thức cho thấy không có một sự liên quan nào cả thì đương nhiên con người bổng thờ ơ trước sự việc xảy ra.
Cơ sở của nhận thức là giáo dục và thông tin. Giáo dục đem đến cho con người khả năng suy xét phản biện khách quan khoa học một cách sâu sắc. Thông tin đem đến cho người những ghi nhận, những dữ kiện cần thiết để nhân thức làm cơ sở cho mọi suy xét bởi suy xét của con người thường được thông qua hai cách: so sánh và giả dụ. Cả hai cách này đều cần những thông tin để nhận thức dùng như là những nền tảng căn bản cho so sánh và giả dụ.
Cho nên nếu giáo dục và thông tin bị lệch lạc hay ít ỏi thiếu thốn thì nhận thức của con người cũng bị lệch lạc hay thiển cận. Sống dưới một nền chính trị độc tài tàn bạo chuyên bôi bác bóp méo nhồi sọ trong giáo dục để tuyên truyền cho chế độ và che đậy hoặc đưa thông tin lừa gạt như bọn Đức Quốc Xã thời của Niemoller hay của bọn Cộng Sản như người Việt Nam chúng ta đang sống ngày nay, thì đương nhiên, nhận thức của con người sẽ bị lệch lạc và thiển cận.
Tuy nhiên, đoạn văn của Niemoller lại càng quan trọng hơn là vì chỉ ra cho giới chính trị gia, những nhà cải cách, những nhà giáo dục hay những người lãnh đạo tinh thần các tôn giáo thấy được cần phải liên kết sự việc trong xã hội trực tiếp vào nhận thức của con người, nhằm kêu gọi hay thúc đẩy những phản ứng ích lợi của con người, cho con người trong xã hội.
Các bác sĩ thì vận động "nếu chính ngừa thì né được bệnh", thế là mọi người sẵn sàng chịu đau đi chính ngừa vì lời kêu gọi này liên hệ trực tiếp đến sức khỏe của mọi người. Nhà Phật thì dạy muốn thoát khỏi khổ đau trước mắt thì phải bỏ hết tham, sân, si, dục vọng v.v..., bao người rắp tâm tu luyện vì lời kêu gọi này liên quan trực tiếp đến khát vọng xóa bỏ khổ đau trong đời thường của mọi người.
Bởi vậy những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho tương lai và vận mạng của Tổ quốc Việt Nam không thể nản chí và than vãn trước tình trạng suy đồi vô cảm của cả xã hội Việt Nam ngày nay để rồi phải bỏ cuộc mà phải ráng giúp người dân thấy được sự bất hạnh hôm nay của người này do bị Cộng Sản đàn áp là nỗi bất hạnh ngày mai của chính mình.
Nếu cả xã hội của Việt Nam ngày hôm nay thờ ơ vô cảm không vùng lên phản ứng để giúp đỡ gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn, hay không chịu tranh đấu giúp đỡ cho hai mẹ con phải cởi truồng để giữ đất tại Cần Thơ chẳng hạn, đó không phải là vì xã hội Việt Nam thiếu tình thương hay sợ hãi mà là vì nhận thức của cả xã hội không thấy được mối liên hệ trực tiếp của các nạn nhân này đối với mình.
Hệ thống tòa án và nền Tư-pháp không đại diện và không phục vụ cho Công Lý, mà chỉ phục vụ cho quyền lợi của đảng trị, lúc nào cũng luôn thẳng tay bóp méo Công Lý, ảnh hưởng không chừa một ai trong chúng ta ngày nay tại Việt Nam.
Sự bất công đến với tất cả chúng ta mỗi ngày, từ việc xin giấy tờ hợp thức hóa căn nhà khi xin sổ đỏ sổ xanh, từ việc di dời xin hộ khẩu, từ việc mua bán thuế má, từ việc xin việc làm hay xin nhập viện chữa bệnh v.v... Để đối phó với những trở ngại giấy tờ và luật pháp bất công lên đầu lên cổ chúng ta từ nhà cầm quyền, chúng ta đã buộc phải hối lộ các cán bộ công chức. Thậm chí, ngay cả người Việt hải ngoại về nước, họ cũng phải để tiền kẹp vào hộ chiếu, thông hành hay passport tại phi trường để khỏi bị sách nhiễu phiền toái bởi nhân viên Hải quan.
Hối lộ đã trở thành là phương thức duy nhất cho tất cả người Việt Nam chúng ta ngày nay nhằm để giải quyết những bất công của chế độ đè nén trực tiếp lên chúng ta mỗi ngày. Ngay cả cảnh sát giao thông cũng có thể đè nén chèn ép chúng ta một cách phi lý.
Khi chúng ta hối lộ công chức trước mọi việc đời thường, chúng ta đã chính thức chấp nhận quyền được sách nhiễu phi lý của chế độ lên đầu lên cổ chúng ta và chối bỏ khả năng và sức mạnh đấu tranh cho công bằng mà người dân của chúng ta lúc nào cũng có.
Tại sao người dân chúng ta chối bỏ sức mạnh đấu tranh của mình trước sự bất công do nhà cầm quyền gây ra?
Đơn giản là vì ai ai trong chúng ta cũng thấy rõ chế độ độc tài Cộng Sản có quân đội côn an và nhà tù quá mạnh, cho nên muốn phân bua và trình bày bất công mà mình chịu đựng, chúng ta cần sự ủng hộ của số đông người dân, của xã hội nhưng nếu chúng ta kêu gọi mọi người giúp đỡ, ai sẽ giúp bản thân chúng ta khi mà chính bản thân chúng ta đã làm ngơ trước bất công của kẻ khác?
Bài học của Niemoller thời Quốc-Xã lại một lần nữa vang vọng mạnh mỗi ngày trong xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản độc tài tàn bạo chúng ta ngày nay, chỉ có điều, chúng ta không nhận ra đó thôi.
Những người công nhân Việt Nam trẻ, nghèo đói túng quẫn bị giới chủ nhân Tàu, Đại Hàn, Đài Loan… đàn áp chèn ép lương bổng một cách dã man từ cắt lương hay bắt quì gối hành hạ khiến buộc phải chấp nhận liều lĩnh bỏ việc phản đối, chúng ta không phải là công nhân nên chúng ta mặc nhiên nhìn họ đấu tranh trong đơn độc.Thậm chí, cộng sản ra tay bắt bớ kết án phi lý người đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, hay tìm cách hạ thủ họ lén lút, tất cả chúng ta, một xã hội Việt Nam 90 triệu dân không hề phản đối giùm cho họ mà chỉ thản nhiên đọc tin tức. Chúng ta đâu phải là công nhân!
Do vậy, những người con Việt trẻ trung này buộc phải chịu bóc lột của giới chủ nhân mỗi ngày một thậm tệ để có đồng lương mà sống. Chúng ta giúp không công cho nhà cầm quyền buộc những người công nhân này phải vì cuộc sống mà chịu đựng bất công. Cho nên, nếu ngày mai chúng ta cần lực lượng đông đảo này bênh vực cho những bất công của chính chúng ta, lực lượng này đâu còn đủ mạnh, đâu còn nghị lực và khả năng đoàn kết lại để giúp chúng ta nữa.
Rồi khi một ngôi chùa bị giải tỏa một cách phi lý, vi phạm quyền sở hữu trắng trợn để lấy mặt bằng buôn bán kinh doanh làm giàu cho cán bộ cộng sản, chúng ta cũng mặc nhiên im lặng không phản ứng, bởi vì chúng ta đâu phải là Phật tử của chùa này!
Từng ngôi chùa một, từng nhà thờ một lần lượt bị mất đất mất đai, bị giải tỏa trong đó có chùa của riêng bản thân chúng ta lui tới sinh hoạt nhưng chúng ta hết cách chống lại vì ngày hôm qua, chúng ta đâu có giúp đỡ Phật tử hay Giáo dân của những ngôi chùa khác, những Nhà thờ khác bị bọn quan chức cộng sản cướp đất giải tỏa?
Hai mẹ con ở Cần Thơ cởi truồng chống giải tỏa quá bất công nhằm đánh động xã hội lên tiếng cứu giúp trước nạn cường quyền bịt miệng dân lành, chúng ta cũng im lặng vì đâu phải là đất của chúng ta hay nhà của chúng ta bị giải tỏa! Đến khi chúng ta bị tịch thu cướp nhà bất công bởi chế độ Cộng Sản, ngoài hối lộ để lo lót ra, chúng ta còn làm gì hơn vì đâu ai cùng cảnh ngộ còn đó để giúp chúng ta. Tất cả các nạn nhân trước đó bởi sự bất công của cộng sản đã bị dồn vào góc tối của xã hội, giam cầm tù đày và đâu còn đủ sức để đến bên chúng ta giúp chúng ta nữa!
Khi gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn đối đầu với cường quyền, 90 triệu dân của chúng ta cũng tiếp tục im lặng không nhào ra đường lên tiếng phản đối giúp. Nay họ bị tù đày, chúng ta làm sao có họ bên cạnh khi bất hạnh bị cướp bốc đến với chúng ta trong một tương lai rất gần?
Kề từ năm 2010, khi cả ngàn người dân Vũng Áng chịu đựng sự di dời xáo trộn cho một dự án đầu tư Formosa quá tàn nhẫn bất công và phi lý, bất chấp sự an cư phồn thịnh lâu đời và đang bị nghèo túng bần cùng hóa vì không còn cách để sinh nhai kiếm sống, tất cả chúng ta ở Nha Trang, ở Đà Nẵng, ở Sài Gòn, ở Cà Mau, ở Hải Phòng, trên cả nước... đã làm gì để cứu những người dân Vũng Áng khỏi bị mất nhà mất cửa, mất biển, mất nghề?
Khi họ đồng lòng vùng lên năm 2014 để chọi thẳng với Formosa nhằm cố cứu cá, cứu biển, cứu môi trường ra khỏi thảm họa sẽ xảy ra trong tương lai và đã xảy ra như chúng ta thấy thì cả xã hội Việt Nam chúng ta, do thiếu nhận thức, không ai nhìn thấy được hậu quả môi trường thảm khốc của ngày hôm nay ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người chúng ta từ chai nước mắm đến con cá mua ngoài chợ, cho nên vào năm 2014, chúng ta đã để người dân Vũng Áng bị đàn áp trong tuyệt vọng để rồi hai năm sau đó, Formosa chỉ cho chạy thử lò luyện thép thì đã có cả triệu con cá và toàn bộ môi sinh trù phú của bờ biển miền Trung bị hủy hoại.
Bài học của Niemoller mãi mãi là một chân lý cho xã hội Việt Nam chúng ta, mãi mãi vang vọng và xảy ra mỗi ngày trên thân phận người Việt chúng ta cho đến khi nào tất cả chúng ta chịu thay đổi nhận thức, nhận thấy rõ mọi việc xảy ra trong xã hội, từ xa đến gần, dù lớn hay nhỏ, trước hay sau gì cũng ảnh huởng trực tiếp đến quyền lợi an sinh của mỗi người Việt mình.
Càng thờ ơ không đấu tranh để cải thiện xã hội thì người thiệt thòi đầu tiên chính là chúng ta, chứ không ai khác hết.
Chủ nghĩa Cộng Sản còn tồn tại ở đất nước Việt Nam chúng ta không phải vì cộng sản hùng mạnh mà là bởi vì chúng ta từ trong nhận thức, đã lựa chọn chấp nhận chịu đứng bất công đàn áp hơn là sẵn sàng đứng lên tranh đấu giải phóng chính chúng ta ra khỏi bất công đàn áp.
Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền trong mỗi chúng ta vẫn luôn là khát vọng nhưng chúng ta không muốn tự mình đấu tranh để đạt đến sự thỏa mãn của khát vọng Tự Do chân chính này mà mong đợi sẽ có lãnh tụ nào đó, một đảng phái nào đó đấu tranh dành thắng lợi giùm cho chúng ta.
Khát vọng Tự Do Dân Chủ không đòi hỏi sự sáng suốt của lãnh tụ, sự tài ba của đảng phái mà cần chính sự can đảm, nghị lực kiên trì bền bỉ của mỗi công dân Việt Nam từ Nam chí Bắc.
Sự vô cảm của cả xã hội chúng ta ngày hôm nay nếu có chính cái giá mà chúng ta phải trả cho sự vô cảm của chính chúng ta ngày hôm qua trước bất công của những người khác trong xã hội.
Chúng ta đã thờ ơ không vùng lên đấu tranh hay ào ra đường đấu tranh đòi lại Công Lý cho năm trăm ngàn quân dân cán chính miền Nam trong các trại học tập cải tạo tập trung của Cộng Sản theo kiểu Phát-Xít, mặc nhiên để họ chết dần mòn khổ đói trong các trại này miễn là chúng ta không bị vào trại tập trung là được. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa này dù ít dù nhiều cũng đã hy sinh cho Tự Do cho chúng ta nhưng khi họ cần chúng ta đấu tranh cho họ, chúng ta đã ngần ngại suy tính.
Cũng không ai đã chịu nhào ra đường bênh vực cho những người bị cướp tài sản và bị đẩy đi Kinh Tế Mới khổ sai miễn là người đi vùng "kinh té mới" không phải là chúng ta.
Chúng ta lựa chọn chịu đựng thay vì cả xã hội đồng loạt ào ra đường biểu tình cương quyết giữ lại quyền công dân đã bị tước đoạt.
Không phải người dân của chúng ta lúc bấy giờ không đủ mạnh hay không đủ can đảm trước họng súng của Cộng Sản mà là vì chúng ta không đủ nhận thức. Chúng ta không đủ nhận thức để thấy rõ chúng ta đang bị tướt đoạt quyền công dân đã được Liên Hiệp Quốc thừa nhận nên chúng ta bị lừa gạt bởi Cộng Sản.
Chúng ta không đủ nhận thức để thấy được giá trị của đấu tranh cao cả và thiết thục cho quyền lợi an sinh xã hội của chúng ta hơn là chịu đựng. Không thể trách cứ sự vô cảm của xã hội ngày hôm nay khi chính bản thân chúng ta là tấm gương sáng cho sự vô cảm của ngày hôm qua.
Nếu như nhận thức là một quá trình và khát vọng Dân Chủ Công Lý cứ lớn mạnh trong người chúng ta mỗi ngày và cũng là động lực duy nhất để cải thiện đời sống an sinh xã hội của chúng ta thì xin hãy kiên nhẫn, tự tin và kiên tri tiếp tục đấu tranh vì rõ ràng, chủ nghĩa Cộng Sản đã cáo chung và sự chờ đợi ở nơi chúng ta không phải là những thất bại lỗi lầm của quá khứ mà chính là thành công của tương lai.
Không còn một trở ngại nào có thể thay đổi quyết tâm của chúng ta được nữa!
29.07.2016
0 comments:
Post a Comment