Ngày
19 tháng 9 năm 2013, truyền thông quốc tế loan tải Nhật tháo bỏ hai lò
phản ứng điện nguyên tử cuối cùng ở Fukushima nơi bị hư hại vì trận động
đất và sóng thần kinh hoàng hồi tháng 3 năm 2011.Thủ Tướng Nhựt cũng
yêu cầu công ty TEPCO giải quyết vấn đề rỉ nước nhiễm phóng xạ trước
cuối tháng 3 năm 2014.
Hoạ vô đơn chí. Trong Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai, Mỹ bỏ hai trái
bom nguyên tử trên hai thành phố Nhựt. Để cứu nước, cứu dân, Nhựt Hoàng
lúc bấy giờ cắn răng nói với thần dân đành phải chấp nhận điều mà quốc
gia dân tộc này không thể chấp nhận được là đầu hàng. Thủ Tướng Nhựt
chịu tội trước Nhựt Hoàng và đồng bào và tự sát bằng gươm theo truyền
thống hiệp sĩ đạo Samurai của Nhựt.
Gần đây Nhựt vừa bị cơn sóng thần, một thiên tai thiệt hại trầm trọng
nhứt từ Thế Chiến 2 đến giờ. Và thêm một hậu quả trầm trọng hơn nữa, ba
lò phản ứng nguyên tử làm ra điện nổ sau cơn sống thần. Hậu quả cả năm
chưa khắc phục được. Bây giờ nước có chất phóng xạ còn rò rỉ ra biển dù
phải nói kiến thức, kinh nghiệm, khả năng của lực lượng chuyên viên và
công nhân về nguyên tử của Nhựt không thua Nga và Mỹ- chớ đừng nói VNCS
hầu như chưa có gì.
Trong tai hoa Fukusima, Nhựt Hoàng Akihito lần đầu tiên sau Thế Chiến
Hai đích thân qua truyền hình, truyền thanh xúc động trình bày cùng
quốc dân quốc gia dân tộc Nhựt đang trải qua một “biến cố hoàn toàn
không dự báo được” “với một quy mô chưa từng thấy”. Số nạn nhân càng
ngày càng cao, và phải di tản trong những điều kiện vô cùng khó khổ.
Ngài “cầu nguyện cho sự an toàn của đông đảo người dân, “đảm bảo là cả
nước sẽ dấn thân vào công cuộc cứu nạn” và kêu gọi quốc dân bình tĩnh
vượt qua cơn khó khổ.
Còn Thủ Tướng Nhựt Naoto Kan đích thân bay xuống hiện trường. Nội các
và chánh quyền địa phương làm việc 24 giờ một ngày, làm bất cứ điều gì
có thể làm được và không từ bỏ cơ hội nào để cứu cấp nạn nhân và ổn định
đời sống. Chính Thủ Tướng Nhựt kêu gọi Mỹ yểm trợ. Mỹ dùng trực thăng
xả nước làm nguội các lò nguyên tử mà không thành công.
Số nạn nhân vì sóng thần và động đất trong 5 ngày đầu thôi đã đếm
được, 3.676 chết, 7.558 mất tích và 1.990 bị thương. Mỗi ngày con số này
mỗi tăng. Cả một đoàn xe lửa bị cuốn. Phải nói thiệt hại thật kinh hồn.
Đó là chưa nói thiệt hại do phóng xạ của các lo nguyên tử có thể gây ra
nếu không kiểm soát được.
Truyền thông Nhựt, phát thanh, phát hình, loan tải tin tức liên tục,
người dân nhờ thế nắm vững tình hình. Dân trí rất cao, tinh thần cộng
đồng rất mạnh, dân chúng Nhựt cố gắng giữ bình tĩnh dù trong cơn hoảng
loạn. Chấp hành nghiêm chỉnh lịnh của chánh quyền. Không đầu cơ tích
trữ. Nhiều hình ảnh rất cảm động và đáng ca ngợi. Dù trong khó khổ, trời
lạnh, không nhà, cụ ông, cụ bà, tráng niên và trẻ em Nhựt nhận một
miếng sushii cứu trợ vẫn kính cẩn nghiêng mình gần 90 độ để cám ơn theo
phong tục tiếp nhân xử thế của người Nhựt.
Nhựt là một nước kinh tế tiên tiến (hiện là thứ ba hoàn cầu chỉ sau
Mỹ, mới sau Trung Quốc gần đây thôi ), chánh trị dân chủ, tự do cao, dân
trí cao mà trước biến cố ba lò điện nguyên tử nổ còn chới với. Kinh tế
của Nhựt đứng hàng thứ hai trên thế giới rất lâu đời. Sự phát triễn bền
vững. Danh hiệu made in Japan là một bảo đảm phẩm chất tốt. Ngoại thương
Nhựt đều hoà trên các thị trường thế giới, nhứt là Tây Âu, Bắc Mỹ.
Tai hoạ lò nguyên tử xây gần bờ biển bị sóng thần làm nổ hậu quả
nghiêm trọng. Liên Âu phải họp để bàn biện pháp kiềm soát 58 lò của 13
nước thuộc Liên Âu trong đó nhiều lò thành lập cùng thế hệ với các lò
của Nhụt bị nổ. Thủ Tướng Đức thận trọng hơn ra lịnh đóng của những lò
hoạt động trước 1980 trong vòng ba tháng để kiểm soát an toàn. Mỹ cũng
thế, TT Obama yêu cầu xem xét độ an toàn của các lò nguyên từ của Mỹ.
Còn Nga thủ tuớng Vladimir Putin cũng thế.
Ở Á châu, Ấn Độ có hai lò điện nguyên tử, Thủ tướng Manmohan Singh ra
lệnh kiểm tra an toàn toàn bộ. Trung Quốc có 27 đang xây dựng và 50
đang dự trù, cho biết sẽ “rút ra những bài học” nhưng vẫn đẩy mạnh
chương trình nguyên tử. E ngại dân hoảng loạn trở ngại cho kế hoạch lò
nguyên tử của nhà nước, TC cấm cửa không cho người dân truy nhập vào
những dữ kiện rò rĩ nguyên tử.
Riêng VN có kế hoạch xây tổng cộng 8 cái trong vòng 20 năm tới. Nhà
máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ khởi công vào năm 2014. Ông Viện trưởng
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Vương Hữu Tấn nói tai nạn nguyên tử ở
Nhật sẽ không có ảnh hưởng gì đến các kế hoạch điện nguyên tử ở Việt
Nam.
Nghe Ô Viện trưởng quá tự tin, quá chủ quan, “duy ý chí” nói mạnh như
thế, người ta không khỏi lo. Nga và Nhựt khoa học kỹ thuật cao hơn VN
nhiều mà còn bị nổ lò nguyên tử Tcherbonyl và ở Fukushima. Con Người
không qua nỗi Ông Trời.
Thiên tai Con Người có thể dự báo, đề phòng hậu quả chớ chưa ai ngăn
cản được núi lửa, sóng thần, bão tố. Còn dịch hoạ ai dám bảo đảm hoàn
toàn tránh được các cuộc phá hoại, khủng bố, hành động ôm bom tự sát vì
thù ghét hay mục chánh trị, cuồng tín.
Người Nhựt có tiếng là thận trọng, kỹ lưỡng mà còn bị như vậy, thì VN làm sao không lo.
Gần đây ở VN bắt đầu có triệu chứng động đất ngoài biên, rung chuyển
Saigon, Hà nội và một số tỉnh bờ biển. Hai lò nguyên tử đầu tiên làm ở
Ninh Thuận rất gần bờ biển. Một nhà khoa học về điện nguyên tử ở Pháp Ô.
Nguyễn khắc Nhẫn bày tỏ lo ngại khi lò điện nguyên tử VN nổ thì đất
nước VN sẽ tách ra làm đôi.
Với đà tham nhũng thành quốc nạn người ta lo nén bạc sẽ đâm toạt tờ
giấy khi đấu thầu và giám sát các dự án làm lò nguyên tử cho VN, nhứt là
cho các công ty xây dựng thân thế của VN phó thầu san lắp mặt bằng, làm
nền móng, v.v…
Khi có chuyển xảy ra, chắc chắn hệ thống báo động, báo nguy của VN
không bao giờ bằng của Nhựt cả. Việc huy động cấp cứu, ngăn chận của nhà
cầm quyền sẽ chậm lụt, thiếu phương tiện và tinh thần hơn Nhựt. Nhứt là
cái bịnh bưng bít của CS sẽ ngăn trở sự tham gia tiếp cứu của ngoại
quốc, của người dân cứu trợ cũng như tỵ nạn.
Ai là người chịu hậu quả nặng nề nếu lò nguyên tử VN rò rĩ hay nổ vì
lý do nào đó. Khỏi nói cũng biết là người dân VN đóng thuế để nhà nước
làm lò và lãnh đủ phóng xạ khi lò rò rĩ hay nổ.
Cái thói “cha chung không ai khóc”, núp dưới bóng tập thể, chờ” trên
đưa “hướng giải quyết”để vô trách nhiệm cá nhân của CS sẽ làm việc cứu
trợ chậm trễ, tại hoạ sẽ trầm kha – là cái chắc.
Lãnh đạo là tiên liệu, hy vọng những người cầm đầu Đảng Nhà Nước VNCS
không bốc đồng như Ông Vương Hữu Tấn Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên
tử Việt Nam, mà mà lắng nghe nhiều người chuyên môn, nhiều đại diện dân
hơn, suy tư nhiều hơn trong việc thành lập lò điện nguyên tử./. (Vi
Anh)
0 comments:
Post a Comment