Friday, February 25, 2011

Vụ án ăn khách và nỗi buồn đức Thánh

Khánh Linh – Vụ án “nhà báo bị đốt khi đang ngủ” ăn khách đến đau lòng! Đức Thánh Trần ngậm ngùi nhìn cảnh con cháu chen lấn, xô đẩy, cướp giật ấn. Chuyện cứu cụ Rùa loay hoay sau nhiều tháng, nhiều hội thảo cuối cùng cũng đặt ra được thời hạn chốt phương án cứu trợ cuối cùng. Những lát cắt của Phát ngôn – Hành động tuần này buồn nhiều hơn vui.

Vụ án ăn khách một cách đau lòng!

Chọn bình luận về vụ “nhà báo bị đốt khi đang ngủ” thật sự là “nỗi buồn” của Phát ngôn – Hành động tuần này, bởi điều người viết mong muốn hơn cả là báo chí hãy bình tĩnh hơn, “nhân văn” hơn khi khai thác câu chuyện đau lòng này, và nếu được thì hãy đưa tin khách quan diễn tiến vụ việc chứ đừng nên cầm đèn chạy trước cơ quan pháp luật. Bởi 4 tuần đã trôi qua từ khi nhà báo của báo Người lao động trút hơi thở cuối cùng, tính thêm 10 ngày điều trị tại bênh viện Chợ Rẫy (từ rạng sáng ngày 19/1 khi anh bị nạn), thì câu chuyện đau lòng của cố nhà báo Hoàng Hùng đã được báo chí liên tục nhắc đến theo chiều hướng ngày hôm sau đau hơn ngày hôm trước.

Dồn dập là cảm giác ở thời điểm hiện tại, còn điểm lại “mật độ” tin bài trên báo chí, có thể thấy rõ mức độ nóng dần của thông tin. 10 ngày đầu tiên khi nhà báo Hoàng Hùng đang điều trị tại bệnh viện, thông tin không nhiều lắm. Khi anh mất đi trong sự tiếc thương của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp… và sự xót xa của dư luận, mật độ tin bài nhiều hơn. Nhưng bước “nhảy vọt” như giá vàng tuần qua chỉ thật sự rõ ràng sau khi công an liên tục tiến hành thẩm vấn bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng trong nhiều ngày liền. Và thông tin lên đến “đỉnh điểm” từ ngày 21/2, khi bà Liễu ra đầu thú (vào đêm 20/2).

Vài ngày vừa qua, báo chí cứ như gặp vận may mắn, khai thác hết công suất câu chuyện ăn khách một cách đau lòng này từ đủ mọi góc cạnh. Gọi là đủ mọi góc cạnh thôi, chứ thật ra thông tin cũng hao hao như nhau trên các báo, chủ yếu là phỏng vấn cụ Nguyễn Thị Kim Nga – mẹ nhà báo Hoàng Hùng, bà Trần Thị Thúy Nga – chị bà Thúy Liễu, Hiếm hoi có bài phỏng vấn nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (báo Lao động), người đã “có công lớn” thuyết phục bà Liễu ra đầu thú. Còn lại là một số lượng rất lớn các bài đều thuộc dạng thông tin thì ít mà bình luận, hay đúng hơn là bình loạn thì nhiều, bởi chủ yếu cũng là xào lại những thông tin đã cũ, chỉ được đúng cái tít “giật gân”!

Vài ngày vừa qua, báo chí cứ như gặp vận may mắn, khai thác hết công suất câu chuyện ăn khách một cách đau lòng này từ đủ mọi góc cạnh.

Chẳng mấy ai đủ sức đọc hết những tin bài ào ạt trong mấy ngày vừa qua bởi quá nhiều về số lượng, khá trùng lặp về thông tin. Nhưng chỉ cần đọc ngẫu nhiên vài tờ báo, vẫn thấy thông tin có những điểm khác nhau lạ lùng, dù cùng phỏng vấn một người. Vừa có báo khẳng định mẹ nhà báo Hoàng Hùng khẳng định bà Liễu là người tốt, lại thấy có báo bóng gió xa xôi theo kiểu bà Nga có ý chê trách con dâu, cứ như kiểu đã là hung thủ thì hiển nhiên phải là người xấu toàn diện. Chợt thấy khâm phục những tờ báo hiếm hoi chỉ thuần túy đưa diễn tiến thông tin, không tranh thủ câu chuyện đau lòng để… bán báo.

Chưa kể, xem lại thông tin trên báo chí từ khoảng sau ngày 10/2, đã xuất hiện những “nghi ngờ” hung thủ chính là bà Thúy Liễu, dưới dạng lời đồn thổi, những thông tin úp mở kiểu “hung thủ là người thân”, rồi cách nói bóng gió xa xôi về những thông tin (dĩ nhiên toàn tin xấu) xung quanh bà Liễu. Chợt nghĩ, báo chí có tự cho mình quá nhiều quyền khi buộc tội trước cả cơ quan điều tra. Giả sử, cơ quan điều tra kết luận bà Liễu vô tội thì những người đưa tin theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô liệu có chút áy náy? Lẽ dĩ nhiên, sau khi bà Thúy Liễu tự thú, điều giả sử này đã không có lý do gì để tồn tại và theo logic học thuần túy thì đương nhiên giới truyền thông cứ thế mà chạy hết công suất mỗi khi có dịp cầm đèn chạy trước…điều tra viên.

Theo kết luận điều tra, bà Liễu chắc chắn có tội, tội rất nặng, khi bà đang tâm đốt người chồng bao năm gắn bó, người cha của hai con gái mình. Nhưng tội đến đâu chắc chắn sẽ bị pháp luật xử đến đó, rõ ràng pháp luật không có ý “dung tha” cho bà vậy thì thông tin trên mặt báo cũng không nên quá nóng trong việc kết tội thay nữa.

Chính sự “hướng dẫn” của báo chí từ trước khi bà Liễu thú tội đã khiến dư luận tò mò nhiều hơn, câu chuyện trở nên nóng hơn, để rồi chính báo chí lại rơi vào vòng luẩn quẩn, không có nhiều thông tin nhưng vẫn phải giữ nhiệt, biết cứ khai thác mãi những người thân của vợ – chồng nhà báo Hoàng Hùng là nhẫn tâm, bởi họ vừa là người nhà của nạn nhân, cũng lại là người nhà của hung thủ thì nỗi đau của họ còn tăng gấp bội, nhưng không khai thác họ thì lấy gì để viết? Chỉ thương người mẹ già còm cõi của nhà báo Hoàng Hùng, thương những đứa trẻ bơ vơ vô tội vừa phải chịu đựng hai lần nỗi đau, vừa chứng kiến gia đình mình thành “miếng mồi” cho báo chí mổ xẻ.

Nếu thường xuyên theo dõi mục Pháp luật trên các báo, sẽ thấy còn nhiều những câu chuyện thương tâm khi người trong nhà giết nhau, nhưng lại không mấy chuyện “được” (hay bị) trở thành điểm nóng của báo chí.

Người ra đi đã ra đi trong im lặng, không tiết lộ gì về kẻ đã giết mình. Hẳn nhiên không ai có thể đau đớn hơn cố nhà báo Hoàng Hùng trước sự thật đau lòng, nhưng anh đã im lặng ra đi. Cũng không ai biết được, anh có hận người vợ đã đốt lửa giết mình không? Chỉ biết rằng, anh đã khóc khi được hỏi về bóng người anh nhìn thấy, chứ không công bố thông tin, dù với những người thân. Chợt nghĩ, nếu Hoàng Hùng biết trước dư luận sẽ “mổ xẻ” câu chuyện theo cách phơi bày càng nhiều càng tốt thông tin xung quanh gia đình anh thế này, không biết anh sẽ xử lý ra sao? Anh sẽ làm gì để bảo vệ những người thân còn ở lại?

Có chút an ủi vì đây đó trong ngút ngàn thông tin về vụ việc, vẫn có những điểm sáng khi kêu gọi dư luận chuyển hướng sang lo cho những người “vô tội” đang sống, như xây lại căn nhà cho mẹ nhà báo Hoàng Hùng, hay lo cho tương lai của hai bé Hồng Nhung – Hồng Châu. Chỉ xin “dư luận” hãy bình tĩnh nghĩ lại, để hướng quan tâm vào những câu chuyện cần đến sức mạnh của cộng đồng nhiều hơn là câu chuyện rất cụ thể này.

Đức thánh Trần… in ấn?

Tuần qua, không thể không nhắc đến chuyện lễ hội, cụ thể hơn là chuyện Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định). “Đến hẹn lại lên”, cứ mỗi dịp đầu năm, sau kỳ nghỉ Tết dài, báo chí lại được dịp bùng nổ vì đủ chuyện xung quanh lễ hội. Cũng có một lý do khách quan là đầu năm chưa có nhiều sự kiện chính trị – xã hội nóng, nên văn hóa mới có dịp trụ vững trên mặt báo lâu đến thế. Mở màn bằng những thông tin xung quanh sự đông đúc của lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử,…, nhưng chỉ thật sự nóng “hừng hực” vào đêm 14, rạng ngày 15 tháng Giêng (đêm 16/2) khi lễ khai ấn đền Trần diễn ra. Cũng dễ hiểu, bởi chỉ duy nhất lễ khai ấn đền Trần diễn ra đúng một thời điểm nhất định (lại vào ban đêm), chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ, trong khi các lễ hội khác đều kéo dài nhiều ngày, không đi trước thì đi sau (dù đến được vào ngày khai hội vẫn là… thích nhất). Chỉ kéo dài vài tiếng, lại nhất định phải mang về bằng được cái ấn làm quan ăn lộc, làm gì chẳng chen cướp nhau?

Trước khi lễ khai ấn diễn ra, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng ban tổ chức đã khẳng định chắc như đinh đóng cột trên báo Tiền phong rằng “Ban Tổ chức cho xây dựng thêm các điểm để phát ấn tại các khu vực Đền: gồm 75 điểm phát ấn (trước đây chỉ có 4 điểm) nhằm tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy; có hướng dẫn cụ thể cho khách thập phương nhận ấn an toàn, thuận tiện”, rồi “Ban Tổ chức cũng đã bố trí 3 bãi trông giữ xe lớn (khoảng 3.000 xe) đảm bảo chỗ đỗ cho các ô tô về dự lễ”.

Mấy ngày sau khẳng định của ban tổ chức, những người trực tiếp đi dự lễ hội được “tận hưởng” một không khí khác hẳn, chen lấn, xô đẩy, chẳng còn đâu sự an toàn thuận tiện. Rồi việc gửi xe thì được chặt chém lên gấp 5, 10 lần, chưa kể hàng chục thứ dịch vụ ăn theo khác, chưa kể chuyện những người ngất xỉu, chưa kể sự nhộn nhạo, tranh cướp ở một nghi lễ lẽ ra phải rất tôn nghiêm.

Đọc thông tin về chuyện in ấn, lại nghĩ mà tội cho các cụ được giao trọng trách in ấn. Theo thông tin của ông Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ thủ từ đền Trần (Nam Định), thì đó phải là những người “cao tuổi, có đạo đức, khỏe mạnh, gia đình không có chuyện buồn” ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Thay vì được thanh thản ăn Tết, các cụ phải “hì hục” đóng ấn từ ngày mồng 1 Tết đến hết ngày 12 tháng Giêng.

Làm một phép tính sơ sơ, với chỉ 10 – 15 cụ, lại đóng ấn thủ công trong 12 ngày, giả sử để in được 12 vạn ấn thì mỗi ngày các cụ phải đóng được 1 vạn ấn, tức mỗi giờ đóng được 416 ấn, nghĩa mỗi cụ trong mỗi giờ phải ấn con dấu lên vuông vải khoảng 30 – 40 lần liên tục không ngơi nghỉ cả ngày lẫn đêm, không ăn, không nghỉ. Mà quên, chỉ có một cái ấn để in thôi, cụ này đóng dấu in thì các cụ còn lại phải… chờ đợi, không thể tất cả cùng làm một lúc, nghĩa là trong một giờ cái ấn duy nhất đó sẽ phải đóng kịp 416 lần, nghĩa là mỗi giây phải đóng hơn 1 lần. Đến đây thì thấy ngay là chuyện này chỉ có thánh mới có thể làm nổi, người trần thì sức vóc lực điền cũng không tài nào làm được.

Mà giả sử các cụ có đóng đủ ấn cho 12 vạn người đi chăng nữa, thì đến khi số khách lên nhiều hơn thì sao? Rồi mỗi người đến nơi có phải chỉ muốn lấy 1 ấn thôi đâu? Rồi còn bao người không cần đến vẫn có ấn nữa chứ? Mà như ông Trần Huy Chiến đã nói rõ, phải khai ấn vào đúng tiết xuân, nghĩa là ít nhất phải từ 1 Tết. Cứ đà này, không khéo sẽ đến một ngày, mùa xuân năm nay, các cụ phải làm lễ xin khai ấn cho… lễ khai ấn năm sau, để rồi cả năm sẽ hì hục in ấn, đóng ấn? Không biết in nhiều quá rồi có đến ngày cái ấn duy nhất kia bị mờ đi không? Mới phóng trí tưởng tượng một lúc thôi, đã thấy đủ chuyện thánh thần rồi.

Trong khi đó, rất nhiều nhà sử học, văn hóa học đã thẳng thắn lên tiếng về việc lễ khai ấn đã bị xuyên tạc, trước kia trong lịch sử không hề có việc phát ấn. Những con người tâm huyết đó đã rất thẳng thắn đề nghị dừng việc phát ấn, để lễ khai ấn trở lại đúng với ý nghĩa tốt lành của việc khởi đầu một năm làm việc mới hanh thông, nhưng những đề nghị kia vẫn vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ của địa phương, cũng với lý lẽ khoa học rằng ngày xưa có phát ấn. Chuyện khoa học không lẽ lại khó minh định đến thế sao? chỉ sợ khoa học “đội lốt” những lợi ích rất thiển cận khác, còn nếu đã là khoa học, thì xin cứ đặt thẳng vấn đề ra mà bàn thảo tới nơi tới chốn, rồi quyết định thật dứt khoát.

Lại tiếp một giả sử, nếu bây giờ các vua Trần còn tại vị, được hỏi ý kiến về việc phát ấn, và các ngài có “miễn cưỡng” đồng ý phát ấn đi chăng nữa, thì cũng phải phát cho những ai “đủ tiêu chuẩn” nào đó thôi, chứ không thế “bạ ai cũng phát” được. Thôi thôi, xin dừng luồng suy nghĩ tại đây, chứ không lại sa đà vào những tiêu chuẩn, những chức vụ, những bằng cấp thì… mệt lắm.

Nghĩ lại, có khi báo chí cũng phải chịu trách nhiệm lớn trong sự nhốn nháo của lễ khai ấn đền Trần? Ai bảo báo chí cứ tập trung “nã đạn” vào đây, trong khi hàng trăm lễ hội khác, chắc chắn đỡ nhộn nhạo hơn, đỡ “tai tiếng” hơn, lại chẳng được báo chí đoái hoài? Mở báo ra chỉ thấy đền Trần, làm gì người dân chẳng lao vào đó? Cũng không thể không “trách” nhà nước ở chỗ này, bao nhiêu lễ hội đang yên lành trong dân, trong cộng đồng, tự nhiên nhà nước lại chỉ tập trung đầu tư cho một vài lễ hội thành cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia, có bao nhiêu lãnh đạo cao cấp đến khai hội, làm gì người dân chẳng sốt ruột mà theo. Thế nên, lễ khai ấn đền Trần năm sau sẽ thế nào, đành chờ xem những động thái của nhà nước trong năm Tân Mão này đã. Ước gì…

Cụ rùa hay chuyện “đau đẻ chờ sáng trăng”?

Cuối cùng, lại “miễn cưỡng” bình thêm một chuyện nữa đã trở đi trở lại trên Phát ngôn hành động vài lần, chuyện cứu cụ Rùa Hồ Gươm. Riêng trong chuyện này, phải công nhận dư luận có đóng góp rất quan trọng, bởi chính những áp lực từ dư luận đã tạo thêm sức ép để thành phố phải bớt “rùa” hơn trong việc bảo vệ cụ Rùa, khi yêu cầu ngày 25/2 là hạn cuối cùng phải có phương án cứu Cụ.

Có lẽ, sau khi tổ chức cả một hội thảo quốc tế về Bảo vệ Rùa Hồ Gươm (ngày 15/2), chính quyền thành phố Hà Nội cũng cảm nhận rõ rằng, với những chuyện cấp bách, không thể trông chờ vào hội nghị, hội thảo. Mất bao công sức và thời gian chuẩn bị nhưng kết quả có thể đoán trước là các ý kiến sẽ rất khác nhau, người muốn đưa lên bờ thì chắc chắn sẽ có người bảo phải để dưới nước, người bảo phải chữa theo cách này thì chắc chắn sẽ có người bảo nhất định chữa theo cách kia mới đúng. Giả sử có nghiêng về một phương án rồi thì cũng sẽ có hàng chục cách thức khác nhau để thực hiện, biết phải theo cách nào? Không lẽ sau mỗi hội thảo lại tổng kết ý kiến, rồi lại tổ chức hội thảo tiếp theo để bàn về những ý kiến đã rút ra từ hội thảo đầu tiên? Riêng về chuyện hội thảo, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Garvan, Úc) đã có một bài bình luận quá xuất sắc rồi, chẳng nên có thêm bất kỳ bình luận nào khác nữa.

Rùa Hồ Gươm đuợc đánh giá là loại rùa quý chỉ (có thể) còn vài cá thể trên thế giới
… sống giữa lòng thủ đô với vô số thương tích

Giờ đã lỡ tổ chức một hội thảo rồi, thì thôi, xin chỉ một lần thôi, đừng bao giờ có lần thứ hai nữa. Càng hội thảo, hội nghị thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng mà vấn đề lỡ bị coi là nghiêm trọng thì không ai dám nhận trọng trách, rồi sẽ xảy ra chuyện liên ngành, liên sở, liên bộ…cùng chìa vai gánh trọng trách. Khi đó thì có lẽ cụ rùa phải chờ đến khi Quốc hội họp mới quyết được phải cứu cụ bằng cách nào! Có khác nào đau đẻ chờ giăng sáng hay chuyện bẩm cụ, con tằm nó ăn lá dâu, nó nhả ra tơ, người thợ dệt lấy tơ tằm dệt vải, dệt vải xong mang ra chợ bán; bà nhà mua vải mang về may áo cho cụ và, bẩm cụ, cái áo cụ đang bị…cháy ạ!? Nghe xong thì cái áo ấy đã thành than!

May thay, thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rồi, do hẳn Phó chủ tịch UBND thành phố – ông Nguyễn Văn Khôi làm trưởng ban, và Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Lê Xuân Rao làm phó ban rồi, nghĩa là Chủ tịch đã khẳng định Hà Nội phải chịu trách nhiệm, và trong các sở ban ngành thì Sở Khoa học – công nghệ là quan trọng nhất, đừng “đùn đẩy” sang các sở khác nữa. Một điểm thú vị là trong ban chỉ đạo có một cá nhân rất cụ thể dù chẳng có chức vụ gì là PGS. TS Hà Đình Đức, có lẽ là người “lao tâm khổ tứ” với cụ rùa hồ Gươm nhất Việt Nam. Vậy thì ban chỉ đạo cấp tập mà làm việc đi thôi, đừng có dây dưa, bảo họp chốt xong vào 25/2 rồi có vấn đề gì đó chưa thể bàn thảo, lại tiếp tục họp tiếp.

Lẽ ra, trong khi còn phải họp để quyết định việc sẽ chữa trị cho cụ rùa như thế nào, thì một việc có thể làm ngay được từ rất lâu rồi, là bắt tay vào làm sạch hồ Gươm, bởi hồ Gươm sạch thêm chút nào, là cụ rùa dễ thở hơn chút đó, đỡ nhiễm trùng hơn chút đó. Nghĩ lại, giá việc cụ rùa ốm nặng diễn ra vào thời điểm khác, đừng phải là năm hết, Tết đến như vừa rồi, chắc việc cứu trợ cụ và dọn dẹp hồ Gươm sẽ được triển khai nhanh nhẹn hơn nhiều. Ai bảo cụ đã mấy trăm năm ở với con cháu rồi, mà không biết rằng đó vốn là thời điểm rất “nhạy cảm”, khi hết chính quyền bận tổng kết năm, đến người người bận quà cáp, rồi sắm Tết, rồi nghỉ Tết, vào đầu năm mới cũng phải lo đi… lễ hội. May mà những lễ hội “nóng” nhất đã kết thúc, không khí làm việc đã dần trở lại khẩn trương, nên có thể hy vọng ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa sẽ dũng cảm làm và dũng cảm chịu trách nhiệm.

Đừng như chuyện bắt rùa tai đỏ, thử nghiệm rồi mới thấy chưa bắt được bao nhiêu, chẳng biết đến bao giờ hồ Gươm mới sạch bóng rùa tai đỏ? Đã thế, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT – người nuôi và kinh doanh rùa tai đỏ nhiều năm qua - vẫn khẳng định rùa tai đỏ là nguồn lợi thủy sản rất lớn, “hiện các thương lái vẫn đặt mua với giá 200.000 đồng/kg. Nên tuy đồng thuận phải bắt sạch rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm nhưng ông Khôi mong được mua lại toàn bộ rùa tai đỏ bắt được để… xuất khẩu làm món ăn, và còn xin được cấp phép trở lại việc nuôi rùa tai đỏ với cam đoan sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất nuôi, nhốt rùa tai đỏ an toàn. Dù đây chưa phải chuyện cấp bách, nhưng vẫn đề nghị những người có trách nhiệm cấp phép cần hết sức cân nhắc thiệt hơn, đừng vì chuyện đề xuất mua hết rùa tai đỏ bắt được mà lại vội vàng cấp phép ngay. Có khi, riêng chuyện này lại đáng… hội thảo quốc tế, để trì hoãn việc ra quyết định. Chỉ khổ cụ rùa!

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-25-trang-page

Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói :
"CS không thể nào sửa chửa, mà cần phải đào thải nó."

0 comments:

Powered By Blogger