Việc tăng giá xăng dầu với biên độ lớn được xem là mức tăng giá xăng dầu cao nhất trong lịch sử ngành sản xuất và cung cấp nhiên liệu tại Việt Nam.
Nhân viên cây xăng đang điều chỉnh giá bán xăng dầu.
Tăng đến 20%
Giá xăng A92 tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng. Mức tăng giá 20% này sẽ có những tác động ra sao đến xã hội Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Mấy tháng trở lại đây, báo chí trong nước liên tục đưa tin, giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, nên hiện tượng buôn lậu xảy ra triền miên. Đồng thời, cho đến giữa tháng 1/2011, quỹ bình ổn xăng dầu của Việt Nam lại bị gánh thêm 600 đồng cho mỗi lít dầu diesel nhập khẩu, chi tiêu từ quỹ bình ổn đã cạn kiệt với hơn 6.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Bên cạnh đó, các mức thuế nhập khẩu ưu đãi cho xăng dầu cũng xuống đến mức thấp kỷ lục 0%. Và nhất là đồng bạc lại bị phá giá hơn 9% cách đây ít ngày, thì việc tăng giá xăng dầu là điều khó tránh khỏi cho một đất nước nhập khẩu đến 70% sản lượng xăng dầu tiêu dùng nội địa như Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà dư luận bất ngờ là biên độ tăng giá xăng dầu lần này quá lớn, lên đến 20% so với mức giá cũ.
Mức tăng giá lớn lần này khiến các doanh nghiệp và người dân không có thời gian chuẩn bị và điều chỉnh lại hành vi sử dụng xăng dầu, do vậy sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo bài phân tích “Ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu: Một số phân tích định lượng ban đầu” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường ĐH Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hồi năm 2008, thì thường xăng dầu tăng giá sẽ tác động đến xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Về mặt ngắn hạn, bao hàm những yếu tố tiêu cực dễ nhận thấy như: tâm lý tiêu dùng của người dân xáo trộn, sức ép tăng giá lên những mặt hàng có liên quan đến sử dụng xăng dầu, gây sốc trên thị trường chứng khoán, bất lợi cho khu vực kinh doanh khi yếu tố đầu vào tăng giá và quan trọng nhất là tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, thì tăng giá xăng dầu xem ra lại có những biểu hiện tích cực, cụ thể là giảm sức ép của thâm hụt ngân sách do thuế khoá hoặc vay nợ nước ngoài, hạn chế buôn lậu xăng dầu qua biên giới, ngăn ngừa đầu cơ xăng dầu trục lợi, và tránh được những méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp (chẳng hạn, quỹ bình ổn) tạo nên. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng hơn sẽ khiến các doanh nghiệp điều chỉnh hành vi kinh tế của mình theo hướng tiết kiệm và sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.
Vấn đề xăng dầu ảnh hưởng đến chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI) được các nhà kinh tế phân tích khá kỹ. Theo đó, xăng dầu có “quyền số” 2% trong tổng thể giá hàng tính CPI. Nghĩa là mức tăng giá xăng dầu kỳ này của Việt Nam 20% thì sẽ tác động trực tiếp đến CPI: 20% nhân với 2% là khoảng 0.4%.
Ảnh hưởng nhiều đến xã hội
Phương tiện vận chuyển chính của người dân là xe gắn máy. AFP photo
Còn ở góc độ xăng dầu ảnh hưởng đến chi tiêu các hộ gia đình, thì phân tích này cho biết, xăng dầu chiếm khoảng gần 2.5% chi tiêu của các hộ gia đình. Như vậy, khi xăng dầu tăng giá 20%, đồng nghĩa, ngân sách chi tiêu thực của người dân nói chung giảm đi khoảng 0.5%. Nói một cách nôm na, với mức tăng xăng dầu lần này, mọi người dân Việt Nam thấy nghèo đi khoảng 0.5%.
Cũng có khá nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao những chuyện bảo hộ cho xăng dầu diễn ra quá lâu, tạo sức ép cho ngân sách quốc gia, nạn buôn lậu xăng dầu xảy ra triền miên, cũng như những nghi ngờ về tiêu cực xung quanh việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu vẫn tái diễn.
Những câu trả lời này được khẳng định qua kết luận của Bộ Tài chính. Bộ này cho biết Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn xăng dầu 1.200 tỷ đồng để bù lỗ kinh doanh xăng dầu chứ không phải để ổn định giá. Đồng thời, sau 6 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 0%. Chính phủ hỗ trợ thuế hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, thất thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu của riêng năm ngoái lên đến 7.000 tỷ đồng. Vì vậy, nạn buôn lậu xăng dầu hoành hành do giá xăng dầu Việt Nam được bảo hộ thấp hơn nhiều so với khu vực. Điều này, được báo chí trong nước ví von là “Việt Nam trợ giá xăng dầu cho cả Đông Dương”.
Những méo mó và tiêu cực trên hẳn có thể được giảm thiểu nếu như Chính phủ để giá cả xăng dầu đi theo quy luật cung cầu của thị trường. PGS, TS Ngô Trí Long (nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả) trong bài phỏng vấn với đài chúng tôi cho biết:
“Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh giá xăng dầu như thế này, chứng tỏ sự điều hành của các cơ quan chức năng hoàn toàn chưa thích ứng với cơ chế giá thị trường. Đáng lý anh muốn điều hành theo cơ chế giá thị trường, anh phải điều hoà nhịp nhàng khi lên khi xuống với giá thị trường, nhưng để cả một quá trình rất lâu dài, dồn nén rất lớn, tạo ra một sự điều chỉnh tăng quá lớn chắc chắn tác động đến các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng rất lớn.”
Chính phủ phải làm gì?
Câu hỏi đặt ra cho nhiều nhà hoạch định chính sách là liệu mức giá mới điều chỉnh lên 2.900 đồng/lít xăng A92 có phải là mức hợp lý và liệu sẽ có thêm những mức điều chỉnh khác nữa không? Bài báo “Tính đủ, giá xăng sẽ còn “sốc” hơn nữa” đăng trên vef.vn, nhận định “mức điều chỉnh mới của các mặt hàng này vẫn còn thấp xa với giá đáng lẽ phải tăng. Các mức giá có thể lên gấp đôi, gấp ba mức vừa áp dụng hôm 24/2, ngoại trừ dầu ma dút, các mặt hàng xăng dầu sẽ đều trên 20.000 đồng/ lít”
Bài báo cũng cho biết, với mức điều chỉnh vừa qua, giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng các nước trong khu vực, chẳng hạn, thấp hơn giá xăng của Lào hơn 5.000 đồng/lít, thấp hơn giá ở Campuchia hơn 4.000 đồng/lít và của Trung Quốc hơn 3.000 đồng/lít.
Như vậy, với mức giá như hiện nay, thì hiện tượng buôn lậu xăng dầu chắc chắn sẽ vẫn còn tái diễn, nhiều nhất là ở các tỉnh giáp ranh với Campuchia như: An Giang, Long An, Đồng Tháp.
Hiện nay, tình hình xăng dầu thế giới được đánh giá là phức tạp, khó lường. Giá xăng dầu thế giới năm qua tăng gần 30% so với giá bình quân năm 2009. Bộ Tài chính nhận xét sẽ có khả năng mất cân đối cung cầu dầu mỏ trên toàn cầu ở mức độ nhất định trong năm nay.
Trong bối cảnh giá xăng dầu như thế này, chứng tỏ sự điều hành của các cơ quan chức năng hoàn toàn chưa thích ứng với cơ chế giá thị trường.
PGS, TS Ngô Trí Long
Với những diễn biến như vậy, ngành dầu khí Việt Nam cần phải làm gì để tránh những rủi ro về biến động giá cả khi mà cả 2 biện pháp thuế suất và quỹ bình ổn đã được tận dụng một cách tối đa mà vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn. Theo lời T.S Vũ Thị Minh Hằng, trưởng Khoa Tài chính Nhà Nước, Đại học Kinh tế TPHCM:
“Tổng Công ty xăng dầu phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải tham gia vào thị trường thế giới như là một số các mặt hàng khác, tức là nó phải tham gia các công cụ phát sinh của nó trong việc ký kết các hợp đồng có kỳ hạn, các hợp đồng giao sau mua bán trên thị trường nguyên liệu, để góp phần vào việc phòng ngừa rủi ro của tỷ giá biến động, phòng ngừa rủi ro của giá xăng dầu.”
Việc điều chỉnh giá cả xăng dầu lần này là việc buộc phải làm, vừa chống thất thoát cho Chính phủ các khoản thu thuế, đồng thời vừa khiến giá cả xăng dầu Việt Nam lên ngang bằng hơn so với giá của khu vực. Điều quan trọng là hiện nay, Chính phủ phải cân đối mức tăng xăng dầu cũng như mức tăng điện sao cho hợp lý để nhằm đảm bảo kiềm chế lạm phát, mục tiêu lớn nhất mà các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đặt ra.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-lifts-fuel-prices-part2-vhoang-02282011193946.html
0 comments:
Post a Comment