S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – “Nhà báo Du Uyên vừa sưu tập một mớ đơn từ, xem ra, hơi lạ:
“Đầu tiên là đơn của đứa trẻ lớp 7 viết để xin thôi học vì nhà quá nghèo không có gạo ăn. Đơn thứ hai của người anh trai viết xin cho em gái đang nguy kịch về nhà vì gia đình không đủ tiền để tiếp tục điều trị, chủ nhân bức thư này cũng là người đàn ông nổi tiếng trên cộng đồng mạng Việt Nam lẫn thế giới vừa qua trong tấm ảnh ông đi xe máy chở xác người cuốn trong một chiếc chiếu, lộ đôi chân đong đưa ra ngoài.
Ảnh: Đất Việt
Cuối là đơn xin giảm tội tử hình của nạn nhân viết cho kẻ gây án, và đơn xin chết của vị cán bộ đã lỡ đứng ra kể tội một số vị cán bộ khác…
Chỉ bốn tờ thôi chắc cũng đủ nói hết hiện trạng các tờ đơn được viết ra hàng giờ hàng phút hàng giây từ hàng triệu người rải đi khắp đất nước này.”
Du Uyên tưởng vậy “cũng đủ” nhưng tôi e là còn thiếu. Cùng với đơn xin nghỉ học “của một đứa trẻ lớp 7 vì nhà quá nghèo không có gạo ăn,” còn có đơn xin thôi học của một em học sinh lớp 10 “vì học hành còn yếu” nữa – theo như bản tin (“Lòng Tự Trọng Của Một Học Trò Dốt”) trên báo Dân Trí:
“Người viết đơn là Trần Văn M., học sinh lớp 10. Nguyên văn phần nội dung đơn, M viết: ‘Hôm lay, em viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường…’
Ảnh: vietnamnet
Sau nội dung tờ đơn là lời bình của nhà thơ Bùi Hoàng Tám:
“Với trình độ như hiện nay, M. không đủ khả năng ‘đọc thông, viết thạo’, một tiêu chuẩn của học sinh lớp 1. Như vậy, đã gần 10 năm qua, em luôn ‘ngồi nhầm lớp’. Một giả thiết đặt ra: Nếu không xin nghỉ học, M. hoàn toàn có thể học hết THPT và sau đó, tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Và với tỉ lệ đỗ 98 – 99% hiện nay, việc em có tấm bằng tú tài là hoàn toàn trong tầm tay.
Bước tiếp theo, nếu có ‘ô dù’ che chắn, em xin đi làm một hai năm, sau đó theo một lớp chuyên tu, tại chức và chỉ 4 năm sau nữa, em có bằng cử nhân. Từ đây, con đường quan lộ hoàn toàn có thể mở ra đối với em. Biết đâu, sẽ chẳng có ngày xuất hiện tấm danh thiếp TS. Trần Văn M. chủ tịch hoặc giám đốc…
Thế nhưng Trần Văn M. đã xin nghỉ học. Lý do em đưa ra thật đáng trân trọng: Sợ làm ảnh hưởng đến lớp 10H và em tự nhận thấy mình ‘không xứng đáng làm học sinh của trường”. Đó chính là danh dự, tính tự trọng và lòng dũng cảm. Phải là người giàu lòng tự trọng, quý danh dự và rất dũng cảm, em mới viết được lá đơn này.
Gần đây, tình trạng một số lãnh đạo không đủ năng lực để đảm nhận chức vụ ‘ngồi nhầm chỗ’ được giao không phải là hiếm. Trong đó, số người không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ mà còn để xảy ra tiêu cực ở những cơ quan nằm trong bộ máy nhà nước cũng không ít. Thế nhưng cho đến nay, hình như chưa thấy có vị lãnh đạo nào đủ lòng tự trọng và danh dự, sự dũng cảm để xin từ chức giống như em Trần Văn M làm đơn xin nghỉ học.
Hi vọng sẽ có ‘một ngày đẹp trời’ nào đó, chúng ta thấy xuất hiện trên thông tin đại chúng đơn từ chức của một bộ trưởng, một chủ tịch tỉnh hay một vụ trưởng, một chủ tịch huyện và thậm chí chỉ là chủ tịch xã với lý do để bộ ngành hoặc địa phương mình phụ trách sa sút ‘không xứng đáng với nhiệm vụ được giao”.
“Hi vọng” của Bùi Hoàng Tám, ngó bộ, hơi xa thực tế. Giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay, rõ ràng, còn rất “quyến luyến” với quyền lực – theo tâm sự (hơi buồn) của dịch giả Phạm Nguyên Trường:
“Mình chỉ là một kỹ sư quèn, cả đời chỉ làm những việc lèn tèn, chẳng có trách nhiệm gì, sai thì đồng nghiệp hay lãnh đạo sẽ sửa ngay, thế mà đúng 60 là có quyết định nghỉ hưu tắp lự; trong như những kẻ có quyền cho mình nghỉ hưu và những kẻ có quyền cho những người có quyền với mình nghỉ hưu, tức là những người mà ‘sai một li đi nhiều dặm’, ‘sai con toán bán nhiều con trâu’, 60 vẫn xin ở lại, thậm chí 70 vẫn không chịu về hưu thì có liêm sỉ không?”
Phạm Nguyên Trường đặt vấn đề “liêm sỉ” khiến tôi lại nhớ đến chuyện tự sát một của một nam sinh (bằng cách uống thuốc diệt cỏ) vì danh dự của em bị xúc phạm, theo VTNews:
Chiều 17/1, người thân gia đình em Nguyễn Thanh T., (17 tuổi) học sinh lớp 9, trường THCS Tịnh Bắc, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, cho biết đã gửi đơn đến cơ quan chức năng Quảng Ngãi cầu cứu vì cho rằng công an xã đưa em T. đi ‘làm việc’ sai quy trình.
Theo lời người thân của em T. phản ánh với báo chí, sáng 11/1, nghi ngờ trước đó em T. lấy trộm tiền của một người ở cùng xã nên khi đang học trong lớp thì công an xã Tịnh Bắc đến trường và trao đổi với cô giáo đang dạy, đưa T. về trụ sở UBND xã Tịnh Bắc làm việc, nhưng gia đình không biết.
Đến trưa cùng ngày thì 2 công an xã Tịnh Bắc đưa em T. về nhà và tìm xem em T. có cất giấu gì không, rồi đưa lại về trụ sở xã. Đến buổi chiều, gia đình nhiều lần muốn vào gặp T. nhưng không được.
Cũng theo người nhà em T., đến 19h tối cùng ngày, công an xã Tịnh Bắc mới gọi người thân đến ký giấy bảo lãnh đưa T. về nhà. “Khi về nhà cháu T. nói bị oan, không trộm tiền mà phải khai có trộm tiền để khỏi bị đánh (?)", ông Nguyễn Văn Hương, cha T. cung cấp thông tin.
Sáng 13/1, gia đình phát hiện T. tự tử bằng thuốc diệt cỏ, để lại thư tuyệt mệnh để lại với nội dụng: "Ba má ơi, con xin lỗi. Con chưa báo hiếu được cho ba má. Con sống không được nữa rồi. Mang nỗi oan đó vào người nhưng chẳng có ai tin con nên con xin lỗi ba má đi trước đây....".
Sau khi phát hiện, người nhà đã đưa em T. đi cấp cứu, rồi chuyển ra BVĐK Đà Nẵng. Đến chiều 15/1, em T. được BVĐK Đà Nẵng trả về và đến khuya 16.1 thì em T. tử vong.
Cho rằng việc công an xã Tịnh Bắc đưa em T. đi làm việc mà không có người thân là sai quy trình, nghi ngờ bị đánh đập... nên gia đình đã làm đơn gửi cơ quan chức năng Quảng Ngãi.
Trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Linh chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc thừa nhận ngày 11/1, có hai công an xã đến trường THCS Tịnh Bắc mời em T. về trụ sở UBND xã làm việc. Lúc làm việc có cậu của T. (em ruột bà Thái) chứng kiến, sau đó bà Trương Thị Thái – mẹ T. đến viết giấy bảo lãnh đưa T. về nhà.
“Tôi khẳng định không có chuyện công an xã đánh đập T. Tuy nhiên vì vụ việc có liên quan đến nhiều em khác nên công an huyện đang thụ lý hồ sơ vụ việc”, ông Linh nói.
Ảnh: VTNews
Đại tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng công an huyện Sơn Tịnh cho hay: "Em T. đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp trước đó. Công an cũng đã có giấy mời em T. lên làm việc. Tại đây trước sự có mặt của người nhà, em T. cũng đã khai nhận thực hiện nhiều vụ trộm cắp".
Ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: "Qua báo cáo thì khi làm việc, công an xã Tịnh Bắc có lập biên bản và người thân em T. chứng kiến. Không có chuyện công an xã đánh đập, dẫn đến em T. bức xúc tự vẫn".
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng Quảng Ngãi điều tra làm rõ.
Nguyễn Thanh T. Từ trần vào ngày 16 tháng 1 năm 2016. Gần một năm “điều tra” đã trôi qua nhưng cơ quan chức năng Quảng ngãi” vẫn chưa “làm rõ” được sự việc. Cái chết thương tâm của em, kể như, là đã chìm xuồng!
Tuy thế, những lá đơn/thư (thượng dẫn) của thế hệ các em đã mang đến cho mọi người một niềm hy vọng. Dù sau hai phần ba thế kỷ bị đầy ải, dầy xéo bởi một bọn cầm quyền lưu manh (và bất cố liêm sỉ) nhưng đức tính tự trọng vẫn còn được giữ nguyên trong lòng dân Việt.
17.11.2016
0 comments:
Post a Comment