Sunday, March 6, 2016

Trúng độc chiêu, Liên Âu sắp tan rã?

Lữ Giang
Trong những năm gần đây, nước Anh đã tranh cãi khá nhiều về việc nước này có nên tách rời khỏi Liên Minh Âu Châu (European Union – EU) hay không và một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sẽ được tổ chức vào năm 2017. Nhưng trên tạp chí Spectator của Anh ngày 30.1.2016, biên tập viên chính trị James Forsyth của tờ này nói rằng bằng cách này hay cách khác, EU sẽ chìm xuống sớm. Ông tiên đoán EU sẽ sụp đổ từ 10 đến 15 năm tới đây và nói với chính phủ Cameron rằng đừng tranh cãi nữa, cứ yên tâm bỏ phiếu cho Anh ở lại trong EU vì đàng nào thì EU cũng sắp sụp đổ.
Từ thủ đô Bucharest của Romania, Chủ tịch EU là ông Donald Tusk tuyên bố: “Nguy cơ đổ vỡ là có thật” và “Đây là thời khắc then chốt”. Tiên đoán này có đúng hay không? Tại sao EU đã đi tới một tình trạng như vậy?
LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ MỸ
Hoa Kỳ với các cường quốc Châu Âu vốn là đồng minh chí cốt. Kể từ năm 1949, Hoa Kỳ và Châu Âu đã hình thành một tổ chức quân sự dưới quyền chỉ đạo của Hoa Kỳ để gìn giữ an ninh chung và khi cần có thể đối đầu với các biến cố, đó là Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization, gọi tắt là NATO). Nhưng kể từ năm 1992, khi Liên Minh Châu Âu được thành lập, Hoa Kỳ không còn mặn nồng với khối các quốc gia Châu Âu nữa mà chỉ chú tâm đến NATO. Tại sao?
Từ đống tro tàn của Thế chiến II, Liên Minh Châu Âu được thành lập do Hiệp ước Maastricht được ký ngày 7.2.1992 ở Maastricht, Hà Lan, có hiệu lực từ ngày 1.11.1993. Đó là một liên bang kinh tế và chính trị (aneconomic and political federation) có 28 quốc gia thành viên, gồm 508 triệu dân. Mục đích của Liên Minh là tăng cường hợp tác, liên kết giữa các quốc gia thành viên và xây dựng Châu Âu thành một tổ chức cực mạnh trong nền kinh tế thế giới, thông qua bốn biện pháp chính sau đây:
- Phát hành một đồng tiền thống nhất (đồng Euro),
- Xoá bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên,
- Xây dựng một hàng rào thuế quan thống nhất đối với hàng hoá nhập từ ngoài vào,

- Xoá bỏ những hạn chế đối với việc tự do di chuyển, vốn, sức lao động, hàng hoá, dịch vụ…

Nhờ tổ chức thành liên bang, số GDP của EU đứng đầu thế giới, cao hơn cả Hoa Kỳ. Về mậu dịch giữa hai bên, EU cũng hơn Hoa Kỳ. Với tư thế như vậy, EU có thể cạnh tranh với Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị, và trong nhiều trường hợp EU đã không chấp nhận những biện pháp mà Hoa Kỳ muốn áp đặt cho EU như vụ Ukriane, vụ Trung Đông... Dĩ nhiên là Hoa Kỳ đã “nóng mặt” và trong nhữngnăm gần đây EU đã phải tiếp nhận nhiều đòn choáng váng từ Mỹ
XUẤT KHẨU KHỦNG HOẢNG KINH TẾ VÀ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ
Từ 2007 đến 2009, Hoa Kỳ lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng do những sai lầm về kinh tế và gian lận tài chính. Các cường quốc kinh tế khác như Nhật và Trung quốc đều chịu ảnh hưởng, nhưng EU bị ảnh hưởng nặng nhất vì có quan hệ kinh tế và tài chánh mật thiết với Hoa Kỳ. Đức và Ý rơi vào suy thoái, Anh, Pháp và Tây Ban Nha bị giảm tăng trưởng. Khu vực đồng Euro bị rơi vào cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ ngày được thành lập.
Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp "Nới Lỏng Định Lượng"(Quantitative Easing – QE), tức bơm tiền vào nền kinh tế, để giải quyết những khó khăn của nước Mỹ, không cần biết nó sẽ ảnh hưởng đến thế giới như thế nào. Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) đã bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ qua 3 đợt: QE1 (12/2008), QE2 (11/2010 - 6/2011) và QE3 (từ 9/2012) với tổng số tiền lên đến khoảng 4.600 tỷ USD, nhờ vậy nền kinh tế Mỹ phục hồi lại, và trị giá đồng dollar được hạ thấp xuống giúp Hoa Kỳ cạnh tranh dễ dàng hơn.
Trong khi đó đồng Yield của Nhật, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Euro của EU tăng cao, không thể cạnh tranh thương mại được. Cuộc chiến tranh tiền tệ đã xảy ra. Các nước trong EU đòi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phải “Nới Lỏng Định Lượng” như Mỹ để cứu vãn nền kinh tế, nếu không họ sẽ tách ra khỏi EU.
Luật của EU không cho phép ECB áp dụng biện pháp“Nới Lỏng Định Lượng” như ở Mỹ, nhưng nhờ những sửa đổi, Chủ Tịch ECB đã chấp thuận bơm vào nền kinh tế EU ít nhất 1.100 tỷ euro (1.300 tỷ USD) kể từ 22.1.2015, mỗi tháng 60 tỷ euro. Do đó, đồng Euro đang từ 1,54 USD đã xuống đến mức có lúc chỉ bằng 1,049 USD, nhờ vậy EU bắt đầu cạnh tranh được và đi lên lại. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng đã bỏ ra 80.000 tỷ Yeild (654 tỷ USD) để cứu vãn nền kinh tế Nhật. Trung Quốc không làm như vậy mà can thiệp vào thị trường chứng khoán và liên tục phá giá đồng nhân dân tệ.
Nhưng khi nền kinh tế EU chưa phục hồi, làn sóng di dân đổ tới đang làm EU nghiêng ngả.
TẠO RA KỊCH BẢN UKRAINE VÀ KÉO EU NHẬP CUỘC
Năm 2014, khi chuẩn bị mở cuộc tấn công vào Syria, Mỹ đã tạo ra biến cố Ukraine để cầm chân Nga và thúc đẩy Pháp, Đức và Anh đứng ra đối đầu với Nga.
Mỹ đã cho tiến hành một kế hoạch khá đơn giản là hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” gồm các thành phần thân Mỹ và Âu Châu, tìm cơ hội cướp chính quyền, rồi tuyên bố xin gia nhập EU, sau đó là NATO. Khi các biến loạn xảy ra, chính ông Victoria Nuland, Phụ Tá Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Thượng Nghị Sĩ John McCain đã đích thân đến thủ đô Kiev để yểm trợ “phe ta”.
Nắm rất vững sách lược của Mỹ, Nga đã chuẩn bị kế hoạch đối phó. Ngày 21.2.2014, Nga điều động phe đa số thân Nga ở bán đảo Crimea tuyên bố tự trị và xin sáp nhập vào Nga. Nhưng thảm họa không dừng ở đây. Sau khi Mỹ và các nước EU áp dụng các biện pháp chế tài đối với Nga, Nga đã xúi giục và yểm trợ các tỉnh có đông người Nga ở phía đông và phía nam Ukraine hình thành các lực lượng ly khai và đòi tự trị. Một cuộc chiến đã xảy ra giữa quân chính phủ và quân ly khai, nhưng với sự yểm trợ của Nga, quân chính phủ không thể đánh bại quân ly khai được.
Trong cuộc họp báo hôm 28.8.2014 tại Washington, Tổng Thống Obama tuyên bố: Chúng tôi sẽ không hành động quân sự để giải quyết vấn đề Ukraine. Những gì chúng tôi đang làm là huy động cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Nga.”
Khi tuyên bố như vậy, Mỹ muốn đẩy Pháp và Đức đứng ra đối đầu với Nga ở Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel là người cương quyết chống lại sự áp đặt này. Hôm 7.2.2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về một giải pháp hòa bình cho Ukraine.Hôm 9.1.2015, Thủ tướng Angela Merkel đã đến Washington gặp Tổng thống Obama để thảo luận về một giải pháp cho Ukraine. Bà tuyên bố: "Tôi tin chắc rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột". Sau đó, một thỏa hiệp ngưng bắn đã đạt được tại Hội nghị hòa bình ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 12.2.2015.
Trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ) ngày 9.2.2015, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho biết: “Cấm vận (Nga) đã gây tổn thất lớn cho chúng ta. Đến nay EU đã thiệt hại 21 tỉ euro. Riêng Tây Ban Nha chúng tôi thiệt hại nặng về nông nghiệp và du lịch”.
Đây là đòn thứ hai Mỹ đánh vào EU.
LÀN SÓNG DI DÂN SYRIA VÀ NHỮNG BÍ ẨN
Báo chí Châu Âu và Hoa Kỳ đã viết hàng ngàn bài mô tả và phân tích khá chi tiết về cuộc di tản lớn vừa qua từ Bắc Syria đến Châu Âu, nhưng có rất ít cơ quan nghiên cứu viết bài phân tích về nguyên nhân đưa đến cuộc di dân kinh hoàng này.
Như chúng ta đã biết, trước khi Hoa Kỳ khai mở cuộc chiến tại Trung Đông, Syria có dân số khoảng 21 triệu người. Năm 2003, khi Mỹ mở cuộc chiến Iraq, Syria đã tiếp nhận 1,3 triệu người tỵ nạn từ Iraq. Năm 2011, dưới danh nghĩa là “Cuộc cách mạng hoa lài”, cuộc nội chiến ở Syria đã được phát động kể từ ngày 15.3.2011 và kéo dài đến ngày nay. Theo tài liệu, tính đến tháng 5/2015, đã có khoảng 4,1 triệu người Syria bỏ nước ra đi, trong đó có 1,15 triệu ở Lebanon, 2,5 triệu ở Saudi Arabia, phần còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iraq hay Ai Cập. Nói chung, hầu hết những người Syria bỏ nước ra đi đều tìm đến các nước đồng tôn giáo và phong tục với họ ở trong vùng, chỉ có một số rất nhò đi qua các nước Châu Âu. Vậy nay tại sao trên 3 triệu người ở Bắc Syria lại tràn qua Châu Âu?
Trong bài “Tại sao những người tỵ nạn đang đi đến Đức? - Và họ có lưu lại không?”, Rossalyn Warren, một phóng viên lão thành của báo BuzzFeed News ở New York đã phỏng vấn nhiều người di dân từ Syria: Khi được hỏi họ đi đâu, họ liền trả lời: “Nước Đức”. Hỏi rằng ở đâu họ sẽ được hoan nghênh nhất, đa số trả lời ngay: “Nước Đức”. Đức trở thành điểm đến cuối cùng của họ! Tại sao?
Bài “Ai là Twitter thu hút người tỵ nạn vào Đức” đăng trên website globalresarach.ca ở Canada cho biết học giả Vladimir Shalak, một chuyên gia cao cấp của Viện triết học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, đã khám phá ra trong tháng 8, bắt đầu có nhiều các quảng cáo đăng trên Twitter cho biết Châu Âu mở cửa cho người tị nạn với khẩu hiệu “Welcome, refugees” (Chào mừng, người tị nạn), một nữa các quảng cáo này mời gọi đến Đức và khoảng 10% mời gọi đến Hungary. Các cuộc sưu tra cho thấy đa số các "tweets" (mẫu tin ngắn) với câu “Welcome, refugees” mời gọi đến Đức đã phát xuất từ Mỹ và Anh. Đi xa hơn nữa, người ta thấy có nhiều "tweets" thuộc các hội NGO. Nói một cách khác, các di dân Syria đã được người ta cố tình hướng dẫn tới Đức và nói nước Đức chào đón họ.
Những kẻ lãnh nhiệm vụ loan truyền tại chỗ và đẩy người Syria đi qua Châu Âu là bọn buôn người. Trước hết người di dân được dẫn vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó đi qua Hy Lạp, đến Serbia, Hungary hay Áo rồi tới Đức.



Migrant route to Germany
Vấn đề được đặt ra là tại sao Thổ Nhĩ Kỹ, một đồng minh chí cốt của Mỹ, đã mở cửa biên giới cho hàng triệu người bỏ Syria đi qua Châu Âu một cách dễ dàng? Trước đây, bọn buôn người chỉ dẫn từng toán nhỏ qua biên giới này và phải nạp tiền “mãi lộ” mới được qua, tại sao nay Thổ lại cho đi tự do?
Hiện nay Đức đã phải đón nhận trên 1,1 triệu người. Các nước sát biên giới như Italy, Hy Lạp và Hungary là những quốc gia phải đối mặt với áp lực lớn nhất. Trong cuộc họp tối 18.2.2016 tại Brussels, Ủy Ban Châu Âu đã phải bỏ ra 3,3 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này cho phép người di dân tạm trú trong lãnh thổ Thổ. Hiện đã có trên 2 triệu ở đây. Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia đã bác bỏ một kế hoạch của EU nhằm phân phối 120.000 người di dân cho tất cả các nước trong khối. Nếu bắt bị buộc, họ chỉ nhận người không theo đạo Hồi. Anh Quốc chỉ nhận 2000 người mỗi năm!
HIỆP ƯỚC SCHENGEN SẼ KHÔNG CÒN?
Tạp chí Deutsche Welle của Đức cho rằng cuộc khủng hoảng nhập cư ở Châu Âu sẽ đem lại sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen, kéo theo sự sụp đổ của EU. Tại sao?
Hiệp ước Schengen là một hiệp ước ấn định về quyền tự do đi lại được 6 quốc gia Châu Âu đầu tiên ký kết ngày 27.11.1990 tại làng Schengen ở phía đông nam Luxembourg, gồm có Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý. Tính đến 19.12.2011, đã có 26 quốc gia gia nhập Hiệp ước Schengen gồm 22 quốc gia EU và 4 nước Đông Âu. Hy Lạp và Vatican vẫn ở ngoải.
Hiệp ước Schengen quy định các công dân của các quốc gia thành viên của Schengen được tự do đi lại trong khối Schengen không cần Chiếu khán nhập cảnh (Visa). Đối với các công dân của các nước ngoài hiệp ước Schengen, muốn vào vùng Schengen phải xin một Visa đồng nhất gọi là Visa Schengen tại sứ quán hay lãnh sự quán của nước tới đầu tiên, sau đó có thể tự do đi lại trong vùng Schengen. Loại Visa này thường chỉ có thời hạn tối đa là 3 tháng.
Nay nếu để cho những người Hồi Giáo từ vùng Trung Đông đến định cư, họ sẽ đương nhiên hưởng quy chế hiệp ước Schengen, nền an ninh của Châu Âu không thể bảo đảm được. Vì thế, một số quốc gia bắt đầu thiết lập các chốt kiểm soát. Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo… đã tạm thời ngừng áp dụng hiệp ước Schengen. Việc đóng cửa biên giới trong nội bộ EU này sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế tiêu cực. Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, phát biểu trong phiên họp của Nghị viện Châu Âu ngày 20.1.2016: “Nếu như chúng tôi đóng cửa biên giới, nếu như thị trường nội địa bắt đầu chịu những tác động tiêu cực thì sẽ có một ngày nào đó chúng tôi phải nghi ngờ rằng liệu chúng tôi có thực sự cần đến một đồng tiền chung hay không”. Schengen đổ vỡ còn tạo ra tình trạng gia tăng thất nghiệp và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên Châu Âu.
CHÂU ÂU ĐANG THẤM THẤM ĐÒN?
Trong 28 quốc gia thuộc EU, Đức có dân số lớn nhất (82 triệu). Với tổng sản lượng quốc nội (GDP) hơn 2.271 tỷ Euro, Đức là nước có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Đức cũng là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu, hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, Đức và Pháp thường đóng vai trò lãnh đạo EU về cả kinh tế lẫn chính trị, đối nội cũng như đối ngoại. Đức không tham gia vào việc thực hiện kế hoạch “Một Trung Đông Mới” của Mỹ. Bà Thủ tướng Merkel và Tổng Thống Hollande đã cương quyết chống lại việc Mỹ muốn hai nước này đứng ra đối đầu với Nga trong vụ Ukraine. Nói rõ hơn là Đức không ngán Mỹ.
Thông thường, Đức có vẽ không quan tâm đến làn sóng di dân, vì dân số Đức ngày càng suy giảm và Đức đang cần những người nhập cư. Nhưng trường hợp này hoàn toàn khác. Trong cuốn “One Man’s View of the World”, ở mục “Châu Âu: suy yếu và không hòa hợp”, cựu Tổng Thống Singapore Lý Quang Diệu đã viết:
“Trong hai ba năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo Châu Âu, bao gồm David Cameron, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel, lần lượt tuyên bố hiện tượng đa văn hóa đã thất bại tại những nước này. Nói cách khác, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ định cư ở Đức đã không trở thành người Đức, cũng như người Algeria và Tunisia ở Pháp, không trở thành người Pháp. Càng ngày người Châu Âu càng thấy khó hòa nhập những con người này… họ đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn không dễ tìm ra lối thoát.”
Trong cuộc phỏng vấn của báo Le Figaro, nhà báo Mỹ Christopher Caldwell đã nói: “Nước Pháp sẽ vở tung trong máu và nước mắt trong vòng 15 hay 20 năm nữa”.Ông cho rằng những người cai trị hiện nay và trong tương lai không có khả năng ứng phó trước hiểm họa Hồi Giáo. Và rồi, mọi người Pháp sẽ cam chịu luật Shariah của đạo Hồi, do các chính trị gia thỏa mãn những yêu sách của cử tri Hồi Giáo.
CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT
Quả thật làn sóng di dân Hồi Giáo đang giáng vào EU một đòn chí tử, nhưng vì tầm quan trọng của EU đối với sự tồn vong của các nước trong vùng, nên các nước có khả năng trong EU, nhất là Đức và Pháp, đang áp dụng mọi biện pháp để cứu vãn EU. Thủ tướng Angela Merkel đã từng nhận định:
“Nếu không có Liên Minh Châu Âu chúng ta sẽ phải lo lắng lắm, liệu chúng ta có thể tồn tại trước những nước mạnh như Mỹ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu? Nước Đức và mọi nước Âu châu khác dù cho có mạnh mấy đi nữa thì cũng đều quá nhỏ bé. Chỉ qua việc Liên hiệp, Âu châu chúng ta mới mạnh hơn.”
Tổ chức "Bertelsmann Foundation" ước tính nếu Hiệp ước Schengen đổ vỡ, EU sẽ thiệt hại lên đến 1.400 tỷ euro trong 10 năm tới.
Qua biến cố nói trên, Chiến Lược Chiến Tranh Ủy Nhiệm (Proxy War Strategy) của Hoa Kỳ càng trở nên khó áp dụng tại Âu Châu, vì hai nước lớn là Đức và Pháp có lý do để từ chối dứng ra làm đầu tàu chống Nga và Hồi Giáo quá khích thay Mỹ. Tỷ phú George Soros của Mỹ đã đề nghị các cường quốc Châu Âu hợp tác với Nga để đầu tư vào những nơi di dân được đẩy ra đi (như Syria) và đưa họ trở lại. Ông gọi đó là một thứ “Kế hoạch Marshall”. Ông cho rằng đó là phương cách tránh cho EU khỏi tan rã.
Trong bài “The Danger of a Weak Europe”, Joseph S. Nye, Jr, cựu trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, hiện là giáo sư Đại học Harvard, đã cảnh báo: “Một nước Mỹ mạnh hay một Châu Âu mạnh đều sẽ không thể đe dọa đến những lợi ích sống còn hay quan trọng của nhau. Nhưng một Châu Âu suy yếu năm 2016 sẽ có thể gây tổn hại cho cả hai bên.”
Ngày 3.3.2016
Lữ Giang

0 comments:

Powered By Blogger