Sunday, March 6, 2016

Donald Trump có thể giải quyết được thứ mà Obama bó tay?

Donald Trump

có thể giải quyết được thứ mà Obama bó tay?


Donald Trump có thể giải quyết được thứ mà Obama bó tay?
Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định được rằng ai sẽ là người giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua đến vị trí quyền lực nhất thế giới, nhưng để hình dung ra được ai sẽ là người có thể tạo ra tác động lớn nhất đối với kinh tế Mỹ nếu nắm giữ chiếc ghế Tổng thống thì có lẽ là điều không đến nỗi bất khả thi.
Hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama đã chuẩn bị kết thúc, và người ta chỉ có thể nói rằng vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã làm tốt trong việc giúp nền kinh tế số một thế giới hồi phục sau cuộc khủng hoảng. Và giờ đây, vấn đề được đặt ra trong cuộc chạy đua lần này là: người chiến thắng sẽ làm gì với nền kinh tế. Và có vẻ như, không phải Hillary Clinton, mà Donald Trump mới đang là người có nhiều khả năng hơn trong việc giúp kinh tế Mỹ cất cánh.
Với hầu hết những ai quan tâm theo dõi đến các diễn biến trong cuộc chạy đua bầu cử ở Mỹ thời điểm hiện tại, phần lớn họ đều cho rằng các động thái tranh cử của Donald Trump có phần hơi lố lăng và hãnh tiến, điển hình của một vị tỷ phú trước khi bước sang con đường chính trị.
Lần lượt cả cựu tổng thống George Bush lẫn tổng thống đương nhiệm Barack Obama đều tin rằng Trump sẽ không thể thắng cử, ông Bush thì cho rằng ông Trump quá màu mè và không có phong thái chính trị gia, ông Obama thì thậm chí còn khẳng định 100% ông Trump sẽ không phải là người kế nhiệm mình tại Nhà Trắng. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, với chính sách kiểu dân túy của mình thì Donald Trump thậm chí có thể đưa nền kinh tế Mỹ vào thảm họa, tương tự những gì mà các nhà lãnh đạo dân túy ở Nam Mỹ hay ở Nam Âu đã làm với nền kinh tế nước mình.
Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác, chính sách mang vẻ bề ngoài dân túy của Donald Trump lại có thể là cứu cánh và là lời giải cho nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Về cơ bản, trật tự hiện tại và tương lai của kinh tế Mỹ đã được định hình, khi mà qua hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama nền kinh tế Mỹ đã gần như hồi phục sau cuộc khủng hoảng 2008; đồng thời các hiệp định thương mại lớn như TPP và sắp tới có thể là cả TTIP (Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương) sẽ định hình các trục kinh tế chính của Mỹ trong tương lai vài thập kỷ tới. Dù đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa có chiến thắng cuộc bầu cử này đi nữa, thì việc phê chuẩn hai hiệp định thương mại khổng lồ trên là điều gần như sẽ xảy ra.
Vấn đề cốt cán trong nền kinh tế Mỹ mà vị tổng thống kế nhiệm sẽ phải giải quyết vì thế sẽ là, vị thế của Mỹ trong hai khu vực thương mại khổng lồ đó (TPP và TTIP lần lượt chiếm 30% và 40% tổng khối lượng thương mại trên toàn cầu).
Nói cách khác, nước Mỹ sẽ phải làm gì trong hai khu vực thương mại đó mà nền kinh tế số một thế giới giữ vị thế trung tâm, trong khi bản thân nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: tăng trưởng chậm, thâm hụt thương mại tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp vẫn khá lớn, thu nhập bình quân hộ gia đình thì đang có xu hướng giảm dần đều kể từ đầu thế kỷ 21. Cũng không quá sai khi mà khá nhiều người đang cho rằng nước Mỹ đang có dấu hiệu đi xuống về mọi mặt kể từ những năm đầu thế kỷ 21 cho đến nay, cả về kinh tế lẫn vị thế.
Vì thế, câu khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump “make America great again” tính đến thời điểm hiện tại có thể xem là câu slogan tranh cử đánh trúng đích nhất. Bất kể hai nhiệm kỳ được xem là thành công của tổng thống Obama trong việc đưa nền kinh tế Mỹ hồi phục, thì nước Mỹ vẫn đang bước vào một giai đoạn trầm lắng. Theo thống kê, thu nhập bình quân của hộ gia đình Mỹ ở thời điểm hiện tại đang là khoảng 53.560 USD, chỉ bằng với mức thu nhập của năm 1996 và thậm chí thấp hơn so với vài năm trước khi bước sang thế kỷ 21.
Trong khi đó tình trạng thâm hụt thương mại điển hình là với Trung Quốc đang ngày càng tăng lên, còn nền kinh tế nội địa của Mỹ thì lại bị nhấn chìm bởi các làn sóng nhập cư chất lượng thấp dẫn đến năng suất lao động kém cỏi. Và để giải quyết được tất cả những bài toán nan giải này và đưa nước Mỹ quay trở lại chu kỳ phát triển thịnh vượng vốn đã bị đứt quãng trong hơn 15 năm kể từ đầu thế kỷ 21 cho đến nay, thì những chính sách dân túy mà Donald Trump đang tuyên bố có thể là một đáp án phù hợp, dù có vẻ bề ngoài hơi khoa trương mà cả thế giới đều đã thấy.
Thực vậy, các tuyên bố về việc sẽ ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Mexico và Nam Mỹ một cách cương quyết bằng cách xây một bức tường ở biên giới với Mexico, hay sẽ chấm dứt tình trạng thất nghiệp gia tăng bằng cách buộc các tập đoàn của Mỹ như Apple chuyển địa điểm sản xuất về nước, và thay đổi cán cân thương mại với Trung Quốc bằng cách đánh thuế tới hơn 40% với hàng hóa nước này. Dù các tuyên bố này của Donald Trump có phần quá khích và hơi thiếu thực tế, nhưng rõ ràng nó đã đánh trúng vào những vấn đề đáng quan tâm nhất ở nền kinh tế Mỹ vào thời điểm hiện tại. Nước Mỹ chỉ có thể quay trở lại thời kỳ phát triển thịnh vượng nếu xử lý được tất cả các vấn nạn trên, và Trump thì lại đang là người có đủ sự mạnh mẽ (và cả sự lỳ lợm) hơn ai hết để có thể đụng đến tất cả các vấn đề đó, kể cả Hilary Clinton.
Ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ đang đứng trước một sự lựa chọn. Không chỉ Trung Quốc mà cả Mỹ cũng đang đối mặt với yêu cầu một sự thay đổi mô hình tăng trưởng nếu không muốn rơi vào trì trệ. Nếu tiếp tục giữ nguyên mô hình tăng trưởng hiện nay, một xu hướng mà ứng cử viên của đảng Dân chủ là Hilary Clinton ủng hộ, thì Mỹ sẽ vẫn là nền kinh tế số một thế giới tuy nhiên khoảng cách sẽ dần được thu hẹp bởi Trung Quốc và các nước xếp sau. Còn nếu chọn cách đổi mới mô hình tăng trưởng để một lần nữa đóng vai trò là cường quốc lớn nhất thế giới và vượt trội về mọi mặt từ kinh tế đến công nghệ, thì Mỹ phải dám chọn một hướng đi khác và một người cầm lái mới.
Trong suốt hai nhiệm kỳ của ông Obama, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng trung bình 2% mỗi năm, trong khi tốc độ trung bình của Mỹ trong các giai đoạn khác luôn là trên 3%. Dĩ nhiên một phần là do ảnh hưởng kéo dài từ cuộc khủng hoảng 2008, nhưng phần khác cũng là do mô hình tăng trưởng của Mỹ cũng đã bắt đầu có dấu hiệu sắp đến giới hạn cuối cùng. Không ai có thể khẳng định Donald Trump có thể làm được điều đó, nhất là khi mọi thứ mà vị tỷ phú kiêm người dẫn chương trình truyền hình này phô bày trước công chúng đang quá màu mè và khoa trương, lòe loẹt và hình thức; nhưng Trump đang chứng tỏ ông này nhận thức được vấn đề cần giải quyết nhất hiện tại của Mỹ là gì và sẵn sàng bắt tay vào giải quyết điều đó bằng một quyết tâm mạnh mẽ nhất, dù có phần hơi quá khích.

0 comments:

Powered By Blogger