Sau
bài phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn tài về đại học phi lợi nhuận ở Mỹ, chúng
tôi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả và nhà nghiên cứu về giải pháp
nào thích hợp cho việc quản trị đại học Việt nam hiện nay. Chúng tôi xin
giới thiệu một số thông tin và bình luận của một số nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước về các đại học ở một số nơi trên thế giới, ngõ hầu
tìm kiếm một hướng đi khả dĩ cho việc quản trị đại học nước nhà.
Cho
đến hiện nay hầu như Hoa kỳ là quốc gia duy nhất phát triển được một hệ
thống trường đại học tư thục phi lợi nhuận mạnh mẽ và đầy sức sống. Lý
do được nhiều nhà quan sát đưa ra là ở Mỹ có một số lượng lớn các nhà
tài phiệt giàu có, và những người này được khuyến khích bỏ tiền ra làm
chuyện công ích bởi chính sách ưu đãi về thuế.
Tuy
nhiên người ta cũng thấy rằng hệ thống này đang có nhiều khó khăn phải
giải quyết. Thứ nhất là học phí quá cao. Thứ hai là số sinh viên theo
học các trường tư thục hàng đầu vẫn là thuộc tầng lớp khá giả chứ không
phải những người bình dân chiếm đa số trong dân chúng.
Giáo
sư Nguyễn Đăng Hưng, trước đây giảng dạy tại Đại học Liege, nước Bỉ,
hiện đang sống ở Việt nam, có nhận xét về tỉ lệ sinh viên ở các đại học
Mỹ hiện nay:
“Nếu
mà tôi hiểu không sai, và thông tin của tôi đầy đủ thì các trường tư ở
Mỹ chỉ có 20% sinh viên thôi. 80% còn lại cũng do các trường nhà nước
giảng dạy. Bên Mỹ tư nhân mạnh hơn, nhưng nhà nước cũng còn có chỗ đứng
khá bao trùm, nếu mà ta nói đến số sinh viên theo học.”
Châu Âu và nước Úc
Ngoài
nước Mỹ, tại hai khu vực có nền giáo dục tiên tiến là Tây Âu và Úc, nhà
nước đứng ra gánh vác trọng trách trong giáo dục đại học. Hai nơi này
cũng là nơi mà nhiều sinh viên Việt nam theo học trong những năm gần
đây.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết về các trường đại học tại Tây Âu:
“Ở
châu Âu, ít nhất là những nước tôi biết như Bỉ, Pháp, Đức, và những
nước lân cận nữa, như Hà Lan, thì nó khác ở Mỹ là phần lớn các đại học,
có thể nói là đại đa số là đại học nhà nước, có thể nói đến 90% là được
chính phủ rót vốn về cho chi phí. Tiền đó là do Bộ giáo dục lấy tiền
thuế của dân mà rót về. Thế cho nên chi phí mà sinh viên đóng không cao
như bên Mỹ. Ví dụ như là đại học Liege của chúng tôi là trung bình 1000
euro một năm. So với các đại học Mỹ thì khác biệt rất lớn. Thu tiền từ
sinh viên trong chi phí chung không tới 10% ngân sách của trường. Phần
còn lại thì cũng có từ hợp đồng với các xí nghiệp, các công ty để nghiên
cứu khoa học. Việc đó cũng mang lại một số vốn nhất định. Nhưng không
phải là phần chi phí quan trọng.”
Tiến
sĩ Nguyễn Đình Nguyên, một nhà khoa học tại Úc và cũng là người quan
sát chặt chẽ giáo dục đại học Việt nam, cho biết thông tin về giáo dục
đại học tại Úc:
“Ở
Úc hiện nay theo thống kê của chính phủ thì có 43 trường đại học, trong
đó có 40 trường của chính phủ, tức là nguồn kinh phí chủ yếu do chính
phủ cấp, nhưng mà trong đó đại học họ cũng có tự túc thu kinh phí, ví dụ
như nguồn thu từ những học sinh ngoại quốc. Còn học sinh nội địa thì
học dưới danh nghĩa là không có phí, tức là học sinh được trợ cấp của
chính phủ trong thời gian học, rồi sau khi anh ta ra trường anh ta phải
trả lại cho chính phủ với tỉ lệ lãi suất rất nhỏ.”
Theo
Giáo sư Hưng ở châu Âu còn có một khuynh hướng nữa là nhà nước hóa các
trường đại học, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu khoa học tốn kém.
Nhà nước hay tư nhân, lợi nhuận hay phi lợi nhuận tại Việt nam?
Cũng
theo Giáo sư Hưng việc nhà nước gánh vác trọng trách giáo dục đại học
tại Tây Âu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngân sách nhà
nước của các quốc gia này gặp khó khăn, và người dân phải đóng thuế rất
cao.
Tại
một quốc gia châu Á là Malaysia, nơi cũng có nhiều sinh viên Việt nam
theo học trong những năm trở lại đây, thì theo một nhà nghiên cứu trong
nước, các trường đại học của chính phủ đảm trách những ngành khoa học
tốn kém, học phí thấp, còn khu vực tư nhân được xem giống như những
doanh nghiệp có thu lợi thì tiếp cận những ngành phù hợp với yêu cầu của
thị trường hơn.
Trở
lại với Việt nam, với một ngân sách nhỏ bé, hệ thống thu thuế còn chưa
được hiệu quả, giáo dục đại học là một gánh nặng rất lớn. Vì thế từ hơn
10 năm nay nhà nước Việt nam đã đề ra một chính sách gọi là xã hội hóa
giáo dục, tức là cho phép tư nhân tham gia vào việc thành lập các trường
đại học.
Nhưng
để có thể có được những trường đại học phi lợi nhuận như kiểu Mỹ thì
theo nhiều nhà quan sát trong nước đó là một việc rất khó khăn vì sẽ
không có những mạnh thường quân bỏ tiền ra cho đại học mà không thu lợi.
Điều này dẫn tới việc đại học phi lợi nhuận vẫn có những cổ đông góp
vốn.
Trong
quyết định của chính phủ Việt nam được ban hành vào cuối năm 2014, sự
tồn tại của các cổ đông này vẫn được cho phép trong các trường phi lợi
nhuận, và họ chỉ khác doanh nghiệp ở chổ là bị hạn chế số tiền lời chia
được. Điều này làm cho một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước lo ngại
là sẽ dẫn đến tình trạng thu lợi nhuận thực sự nhưng vẫn tận dụng được
những ưu đãi của nhà nước về phi lợi nhuận.
TS.
Phạm Thị Ly, một người nghiên cứu trong nước đã viết nhiều về đề tài
này, nguyên là học gỉa Fulbright về quản trị đại học tại Hoa Kỳ, cho
rằng sự phân biệt giữa Vì lợi nhuận và Không vì lợi nhuận không quan
trọng bằng việc nhà trường đã đem lại những gì cho người học và cho xã
hội, cũng như những giá trị ấy có xứng đáng với số tiền mà người học đã
trả hay không.
Và
nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cũng đề nghị là mô hình thích hợp cho
Việt nam hiện nay là nên để cho nhà nước gánh vác các lĩnh vực cơ bản
tốn kém, và nên để cho khu vực tư nhân đảm trách những ngành mang tính
thị trường, như một số quốc gia châu Á lân cận đã thành công.
0 comments:
Post a Comment