Sunday, September 20, 2015

Giá Trị Thực Của Sự Thất Bại ?

“Vinh quang lớn nhất đời người không phải là không bao giờ vấp ngã, mà là biết đứng dậy sau những lần vấp ngã?”. Câu nói này liệu còn đúng trong xã hội quá thực tế ngày nay? Khi mà vẻ hào nhoáng lớp vỏ bên ngoài, sự thành công được tung hô quá mức cần thiết. Ai cũng say sưa nói về thành công. Quá nhiều chương trình trên các các phương tiện truyền thông đại chúng dành cho những người thành công. Các bạn trẻ được “nhồi nhét” những tấm gương thành công đến nỗi đôi lúc nghĩ thái quá về nó. Và, thực tế đáng buồn là chúng ta ghét sự thất bại như thể chúng ta đã được “cài đặt” rằng thất bại sẽ không bao giờ đến với tôi. Mà chẳng thấy mấy ai thích nói đến thất bại. Vậy, chẳng lẽ sự thất bại không có một giá trị nào?

Tiếp nối bài viết “Bạn sẽ khởi nghiệp từ đâu?” với thông điệp là “Hãy action thực hiện ước mơ & và chinh phục mục tiêu” của mình. Hôm nay Nhung sẽ chia sẻ với các bạn góc nhìn về sự Thất bại trước khi đạt thành công.
Thất bại bị xem là điều cấm kỵ?

Sinh viên ra sức học tập để không phải rớt trong thi cử. Các cầu thủ không bao giờ muốn là đ
i thua cuộc trong bất kỳ trận đấu nào. Các doanh nhân thì sao? Họ không muốn nghe hai từ "phá sản". Thậm chí với thể thao, 2 từ Thất bại cũng ám ảnh các cầu thủ trong những trận đấu kịch liệt, như việc tổng Cty Becamex – đơn vị bảo trợ tài chính của đội bóng đất Thủ ra “tối hậu thư” cho đoàn quân của HLV Cho Yoon Han nếu như không cải thiện được thành tích, đơn vị này sẽ trả đội bóng về cho tỉnh nhà… và không biết từ khi nào hai từ thất bại lại reo rắc từ từ trong suy nghĩ của chúng ta.

Nghịch lý thất bại của thất bại

Thay vì nhìn thất bại là một bài học để phản chiếu vào đó, chúng ta lại đi trách móc và oán giận. Chính chúng ta tìm cách “mua vui” cho sự thất bại bằng cách không công nhận sự tồn tại của nó. Vì sao bạn lại công nhận thành công của người khác ? Có phải vì nó hiện hữu trong cuộc sống thực. Vậy lý do gì khiến bạn lên án sự thất bại? Phải chăng bạn chưa bao giờ gặp rắc rối hoặc thất bại trong cuộc sống và công việc?
Nó cũng giống như việc bạn mong muốn thấy cầu vòng lấp lánh nhưng không muốn trời mưa chỉ vì mưa làm bạn ướt át. Xin hãy nhớ rằng, để có cầu vòng tự nhiên, phải có cơn mưa, bạn ạ!
Thất bại giúp gì cho ta?

Với những người thiếu ý chí và nhận thức, Họ sẽ quay lưng lại với sự thất bại và bị nhấn chìm bởi vòng suy nghĩ lẩn quẩn chất chứa nhiều cảm giác sặc mùi chán nản. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những câu chuyện tự tử chỉ vì không thi đậu đại học hay thất bại trong tình yêu thì nhảy cầu.
Nói như vậy, không phải là Tôi chưa bao giờ thất bại. Nhưng tôi nhìn nó ở một khía cạnh khác của sự thành công. Khi còn là một sinh viên năm nhất, tôi vẫn xem nhẹ việc học và vịn vào cái cớ sinh viên năm nhất chưa quen cách học mới, đến mức chẳng buồn đi thi học kỳ trong khi các bạn tôi luôn học hành chăm chỉ. Thời gian đó tôi dành cho các việc làm thêm để lấy kinh nghiệm thực tế. Có lẽ bạn đoán được kết quả rồi đó, tôi phải thi lại ở một vài môn. Cái cảm giác xấu hổ khi bước vào vòng thi lại ám ảnh tôi ngay sau khi kết thúc. Với một người 12 năm liền luôn đạt thành tích học tập tốt, đây có lẽ khá sốc với riêng bản thân tôi…
Nhưng, thay vì để thất bại dẫn dắt, tôi bắt đầu nhìn lại lý do dẫn đến kết quả hiện tại. Và đến khi tôi đọc được câu nói ““So với những người thất bại, những người thành công thật sự đã thất bại nhiều lần hơn, chỉ đơn giản là vì họ đã cố gắng nhiều lần hơn!”. Từ đó tôi quyết tâm thay đổi kết quả học trong những học kỳ tới. Tôi đi học sớm hơn và chọn những vị trí hàng đầu để tập trung và dễ dàng hỏi ý kiến giáo viên. Tôi bắt đầu lên thư viện trong những ngày rảnh rỗi và chủ động học nhóm cùng bạn bè đồng thời tham gia vào các cuộc thi học tập tại trường. Và, kết quả là điểm số học tập của tôi tăng lên, tăng lên trong những học kỳ sau mặc dù tôi vẫn đủ thời gian cho những công việc part-time. Cho đến học kỳ cuối, tôi đã chinh phục đượt cái ngưỡng của mình. Tấm bằng khen của trường đã là minh chứng cho sự quyết tâm thay đổi và theo đuổi mục tiêu. Bạn thấy đấy, đằng sau mỗi thất bại sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều nghị lực để đứng lên, hành động để thay đổi.
Có một câu tục ngữ nói rằng :
“chính trong các cuộc khủng hoảng & chiến tranh lớn các vĩ nhân được sinh ra”. Ý của câu này không phải vĩ nhân không được sinh ra trong các giai đoạn khác, mà nó chỉ ngụ ý rằng không có khủng hoảng thì phần thiên tài nhất trong họ không được bộc lộ ra rõ nét nhất. Nếu ngắm nhìn bầu trời ban đêm, ta sẽ nhận ra rằng trời càng tối, các vì sao càng sáng ! Tại sao ban ngày ta không thể thấy sao trời ? Không phải các vì sao không có ở đó mà vì có quá nhiều ánh nắng ! Ta cần bóng tối để làm các vì sao nổi bật hơn.

Đối đầu với thất bại

Khi đối đầu với sự thất bại, phần lớn chúng ta chỉ có 2 thái độ :
Một là oán trách và đổ lỗi cho ngoại cảnh hay một ai khác ngoại trừ chính ta. Ta gào thét, oán hận, cay đắng những gì xung quanh mình và cảm giác như cả thế giới đang quay lưng lại với mỗi mình ta.
Hai là chấp nhận thất bại đó như là một kinh nghiệm. Và tìm cách làm thế nào để vượt lên, đi tiếp lộ trình mục tiêu của mình.
Một bí mật có lẽ chúng ta đã biết nhưng chưa khai thác triệt để nó chính là khi bạn thường xuyên hấp dẫn một điều gì đó, năng lượng của bạn sẽ lan tỏa ra trong vũ trụ và chính mong ước hoặc suy nghĩ của bạn lập đi lập lại hằng ngày, và tới một thời điểm nào đó điều mà bạn đang khao khát hoặc nghĩ tưởng sẽ gõ cửa bạn. Bạn có tin không?
Sự thất bại hay thành công cũng vậy. Nó không đến từ tự nhiên mà là do quá trình kiến tạo suy nghĩ từ trước của bạn, khiến tạo hành động theo một tư duy đã lập trình sẵn, và kết quả hiển nhiên phần nào sẽ giống những gì bạn mong muốn.
Càng nhiêu thất bại đầu đời sẽ rèn giũa được nhân cách và ý chí của chúng ta, giúp ta đi nhanh và chắc hơn trong tương lai. "Bạn chỉ biết quý vẻ tráng lệ của các đỉnh núi cao vời vợi khi đã đúng ở vực sâu thẳm nhất".

Giá trị thực của Thất bại

Những người càng thành công thì chắc chắn họ đã trả giá rất nhiều cho những lần thất bại. Tuy nhiên, 1 điểm chung của họ là nhìn thất bại ở một khía cạnh khác không đơn thuần bằng nghĩa đen đơn thuần của nó. Mà đó chính là một sự trải nghiệm tuyệt vời. Cũng giống như trong 1 bài hát, không thể nào chỉ có những nốt thăng, mà phải có những nốt trầm để bài hát ấy hài hòa & thăng hoa hơn. Nói đến đây, tôi bất chợt nhớ lại câu nói quá đỉnh của ca sỹ Thu Minh dành riêng cho thí sinh Quốc Huy trong vòng đối đầu The voice tối qua “Đây không phải là sự thất bại! Em hãy nhớ nhé, đây là một kinh nghiệm”.
Chỉ đơn thuần trong một câu nói, nhưng chúng ta thấy rằng những người thành công họ xem sự thất bại ở một khía cạnh hoàn toàn khác cũng giống như thay vì nghĩ bạn đã thất bại thì hãy nhìn nó như “thành công đến chậm”
Và…………..
Xin hãy nhớ rằng, để có cầu vồng bạn phải có cơn mưa . Không còn cách nào khác . Những lần gặp khó khăn khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn và không còn đau khổ nữa . Bạn chỉ trở nên vững vàng hơn nếu bạn biết học hỏi từ những khó khăn. Trong nhiều trường hợp chính tạo hóa đã luôn gửi những thông điệp đó đến cho ta. Bằng chứng là những cây nào phải thường xuyên đối mặt với các trận bão tố và cuồng phong không những khỏe mạnh hơn mà rễ cũng ăn sâu hơn vào đất. Những cây nào phải đấu tranh để dành được ánh nắng mặt trời trong các khu rừng nhiệt đời rậm rạp chắc chắn sẽ khỏe mạnh và cao to hơn các ging dây leo bám quanh chúng và những cây dương sỉ núp dưới tán của chúng.
Từ những thất bại chúng ta học được nhiều điều hơn từ thành công . Ta sẽ hiểu ra mình nên làm gì. Và chắc chắn người chưa từng phạm phải sai lầm sẽ không bao giờ khám phá được bất cứ điều gì.Thông điệp dành tặng cho các bạn hôm nay là:
“Hãy làm tất cả những gì bạn có thể làm . Bởi vì hãy nhớ rằng khi chúng ta vén màn sự thất bại xuống là cả một bầu trời xanh trong ngập tràn hạnh phúc sẽ dang tay chào đón. Và thành công đến từ những điều đơn giản ấy…”

Bài viết bởi: Lê Hồng Nhung
Nguồn: clbkinhdoanhonline.com

0 comments:

Powered By Blogger