Sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại công trường Cách Mạng ở Havana, ĐTC Phanxicô đã ghé thăm Fidel Castro tại nhà riêng.
Theo lời của LM Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông cuả Vatican, cho biết thì có khoảng 10 người trong gia đình Castro hiện diện, gồm vợ ông và nhiều đứa cháu.
Cuộc thăm viếng được mô tả là ‘riêng tư
và thân thiện’ đã kéo dài khoảng 40 phút. ĐGH tặng cho Castro 2 cuốn
sách về thần học và Castro tặng lại cho ĐGH một cuốn sách nói về chính
sách tôn giáo dưới thời cuả ông, cuốn “Fidel and religion” viết bởi một
LM Ba Tây dòng Đa Minh có chủ chương Thần Học Giải Phóng là LM Frei
Betto, và một cuốn sách ‘lớp vỡ lòng’ cuả một LM dòng Tên từng là thầy
dậy cuả ông trong những năm 1940.
ĐGH Phanxicô đã nhiều lần phê bình Cuba. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1998 khi còn là Hồng Y, Ngài viết rằng chế độ độc tài toàn trị và tham nhũng cuả Cuba cần phải bị xoá bỏ để thay vào một chế độ dân chủ.
Theo lời LM Lombardi thì quan điểm cuả ĐGH về tự do tôn giáo ở Cuba không phải chỉ là việc được thờ phụng mà thôi mà cần phải bao gồm quyền mở trường học, quyền làm việc xã hội và những công việc mục vụ khác.
Theo tin cuả tờ Washington Post thì chiều nay ĐGH cũng có thể gặp riêng với những người Cuba bất đồng chính kiến mà chính quyền vẫn thường tố cáo là những phần tử phản động,
tay sai và là ‘lính đánh thuê’ cuả các thế lực thù địch. Nhắc lại trước
đây nhiều tuần chính quyền Cuba đã ruồng bắt nhiều nhân vật chống đối
và tất cả những “ladies in white”. Tuy nhiên trong Thánh lể buổi sáng,
mặc dù công an kiểm soát rất chặt chẽ, vẫn có một nhóm nhỏ tiến tới sát
ĐGH hô to khẩu hiệu ‘Tự Do !” và tung truyền đơn ra ngoài. Nhóm đó đã bị
công an cảnh sát bắt đem đi ngay.
Trong thánh lễ tại công trường Cách Mạng, ĐGH đã nhắn nhủ chính quyền Cộng Sản hãy “phục vụ cho con người, chứ không nên phục vụ cho một ý tưởng.”
“Đó (Phục vụ cho con người) là loại phục
vụ đích thực,” ĐGH nói trong bài giảng, “chúng ta cần phải cảnh giác
đừng để bị cám dỗ vào loại phục vụ (ý tưởng) kia, loại đó chỉ tự phục vụ
cho riêng nó mà thôi.”
“Cũng có loại phục vụ (cho con người)
nhưng chỉ chăm lo việc giúp đỡ ‘những người cuả mình’,” ĐTC nói tiếp.
“Loại này luôn để mặc ‘những người cuả chúng bay’ ra bên ngoài, tạo ra
một thể chế loại trừ.”
Đám đông dân chúng Cuba đã tụ tập nhiều
giờ trước bình minh để được có dịp nhìn thấy ĐGH, quảng trường đã đầy từ
3 giờ trước lễ. Phỏng đoán có 300 ngàn người tham dự. Hội Hồng Thập Tự
đã thiết lập nhiều trạm y tế để săn sóc cho những người có thể bị kiệt
sức.
ĐGH đã đi xe quanh quảng trường để gặp gỡ dân chúng, bế bồng con trẻ, thăm hỏi người bất toại.
Người ta nhận thấy có nhiều vị Hồng Y
tháp tùng ĐTC, như ĐHY Sean O’Malley, tổng giám mục Boston (HK), ĐHY
Theodore McCarrick, tổng giám mục về hưu cuả Washington (HK) và ĐHY
Peter Turkson cuả Gana (Phi Châu).
Tham dự thánh lễ còn có ông Chủ tịch Cuba Raul Castro và bà Tổng Thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner.
Riêng ông Raul Castro thì từng nói ĐGH là nguồn cảm hứng cho ông và ông đang suy nghĩ về việc gia nhập đạo Công Giáo.
Castro đã ca tụng ĐGH trong bài diễn văn chào mừng hôm thứ Bảy, nhưng
không đề cập đến những vấn nạn tự do dân chủ, mà chỉ nhắc nhở tới những
điều Ngài chỉ trích về chủ nghĩa tiêu dùng và sự suy thoái môi trường.
Castro cũng cảm ơn ĐGH đã giúp Cuba và Mỹ thiết lập bang giao, nhưng
cũng nhắc thêm rằng Mỹ cần phải trả lại căn cứ quân sự Guantanamo Bay
cho Cuba.
Trang trí cho buổi lễ, người ta đã trưng
bày một một bức hình ‘Lòng Chuá Thương Xót’ vĩ đại với dòng chữ “Hãy
đến cùng Ta.” Bức hình tương phản với các hình ảnh cách mạng có sẵn ở
đây. Đây là lần đầu tiên chính quyền Cuba cho phép trưng bày một hình
ảnh tôn giáo tại quảng trường Cách Mạng như thế này, theo ý kiến cuả
nhiều người dân tham dự thánh lễ.
Và chính quyền cũng cho mở những làn sóng Wi Fi, và yêu cầu những người sử dụng gửi lời chúc mừng tới ĐGH.
Trần Mạnh Trác
Diễn văn của Đức GH Phanxicô dành cho sinh viên trẻ tại Trung Tâm Văn Hóa Félix Varela, Havana
Các bạn thân mến,
Tôi
rất vui được hiện diện với các bạn tại đây ở Trung Tâm Văn Hóa này, nơi
quan trọng xiết bao đối với lịch sử Cuba. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì dịp
may này, được gặp mặt rất nhiều bạn trẻ, những người, qua việc làm, việc
học hành và huấn luyện của họ, đang mơ về và đang thực sự tạo ra tương
lai cho Cuba.
Tôi
cám ơn Leonardo vì những lời chào mừng của bạn, và nhất là vì, dù nói
tới biết bao nhiêu điều quan trọng và cụ thể như các khó khăn, các mối
lo sợ, các niềm hoài nghi của chúng ta, có tính vừa thực chất vừa nhân
bản, bạn vẫn đề cập với ta về hy vọng. Bạn ấy đã nói với chúng ta về các
giấc mơ và khát vọng từng bén rễ vững chắc trong tâm hồn người trẻ
Cuba, vượt lên trên các dị biệt của họ về giáo dục, văn hóa, niềm tin và
ý nghĩ. Leonardo thân mến, xin cám ơn bạn, vì khi tôi nhìn tất cả các
bạn, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi cũng là chữ “hy vọng”.
Tôi không thể tưởng tượng được việc một người trẻ lại không có sức sống,
không có giấc mơ hay lý tưởng, không khát mong một điều gì đó vĩ đại
hơn.
Nhưng
ở giờ phút lịch sử này, một người trẻ Cuba nên có loại hy vọng nào?
Không có gì hơn hay kém niềm hy vọng của bất cứ người trẻ nào tại bất cứ
nơi nào trên thế giới. Vì hy vọng nói với ta về một điều gì đó bén rễ
sâu trong mọi trái tim con người, độc lập với các hoàn cảnh cụ thể và
điều kiện lịch sử của ta. Hy vọng nói với chúng ta về nỗi khát mong,
niềm hoài bão, lòng mong mỏi có được một cuộc đời thành toàn, niềm khát
vọng hoàn thành những điều cao cả, những điều làm tâm hồn ta ngập tràn
và nâng tinh thần ta lên những thực tại cao thượng như chân, thiện, mỹ,
công lý và tình yêu. Nhưng nó cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Nghĩa
là sẵn sàng không để mình bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn hạnh phúc
mau qua, giả dối, lạc thú tức khắc và vị kỷ, bởi cuộc sống tầm thường và
tự lấy mình làm trung tâm, một cuộc sống chỉ có thể đổ đầy lòng ta bằng
buồn bã và đắng đót. Không, hy vọng phải mạnh dạn; nó phải biết nhìn
quá bên kia tiện ích bản thân, những an toàn và bù đắp nhỏ mọn chỉ giới
hạn chân trời ta; nó phải mở lòng ta cho những lý tưởng lớn lao giúp làm
cho đời ta nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Tôi muốn hỏi mỗi người trong
các bạn: Điều gì lên khuôn đời các bạn? Điều gì đang nằm sâu trong trái
tim các bạn? Các hy vọng và khát vọng của các bạn đặt ở đâu? Các bạn có
sẵn sàng đặt mình lên tuyến phục vụ một điều gì đó lớn lao hơn không?
Có
lẽ các bạn sẽ thưa: “có, thưa cha, con được các lý tưởng đó lôi cuốn
mạnh mẽ. Con cảm nhận được lời mời gọi của chúng, vẻ đẹp của chúng, ánh
sáng rạng rỡ của chúng trong trái tim con. Nhưng con thấy mình yếu đuối
quá, con chưa sẵn sàng quyết định đi theo con đường hy vọng. Mục tiêu
thì cao cả đấy nhưng sức con thì yếu quá đi. Tốt nhất là bằng lòng với
những điều nhỏ mọn, không cao cả gì nhưng thực tiễn hơn, trong vòng với
hơn”. Tôi có thể hiểu được phản ứng này; cảm thấy bị trĩu nặng bởi khó
khăn và các điều quá đòi hỏi là chuyện thông thường thôi. Nhưng các bạn
hãy ý tứ đừng để mình bị cám dỗ mà nhụt chí là thứ làm tê liệt lý trí và
ý chí ta, hay lãnh cảm là hình thức bi quan triệt để trước tương lai.
Các thái độ này kết thúc ở chỗ một là trốn chạy khỏi thực tế mà sa vào
ảo tưởng vô ích, hai là ích kỷ tự cô lập hóa và hoài nghi bịt tai trước
tiếng kêu than đòi công lý, sự thật và tình người đang nổi lên giữa ta
và trong chính ta.
Nhưng
ta phải làm gì? Làm thế nào tìm thấy các nẻo đường hy vọng ngay trong
các hoàn cảnh ta đang sống? Làm thế nào biến các niềm hy vọng thành
toàn, chân thực, công lý và chân lý trở thành một thực tại trong cuộc
sống bản thân của ta, trong đất nước ta và trong thế giới ta? Tôi nghĩ:
có ba ý tưởng có thể giúp duy trì niềm hy vọng của ta luôn sống động:
Hy
vọng là một con đường gồm cả ký ức lẫn biện phân. Hy vọng là nhân đức
để đi khắp nơi. Nó không đơn thuần là nẻo đường ta theo vì thích nó,
nhưng nó có một cùng đích, một mục tiêu rất thực tế và soi dẫn đường ta
đi. Hy vọng cũng được nuôi dưỡng bằng ký ức; nó không chỉ nhìn tương lai
mà còn nhìn cả dĩ vãng và hiện tại nữa. Để luôn tiến tới trong đời,
ngoài việc biết mình muốn đi đâu, ta cũng cần biết ta là ai và ta từ đâu
đến. Các cá nhân hay các dân tộc nào không có ký ức và xóa bỏ dĩ vãng
của mình đều liều mình đánh mất bản sắc và tiêu diệt tương lai của mình.
Thành thử ta cần nhớ ta là ai, và di sản thiêng liêng và luân lý của ta
bao gồm những gì. Tôi tin rằng điều này chính là kinh nghiệm và cái
nhìn thông sáng của Cha Félix Varela, người Cuba vĩ đại. Biện phân cũng
cần thiết, vì điều chủ yếu là cởi mở đối với thực tại và biết giải thích
thực tại này mà không sợ thiên kiến. Các giải thích phiến diện và có
tính ý thức hệ là điều vô ích; chúng chỉ làm méo mó thực tại bằng cách
cố gắng nhét nó vào những khuôn khổ tiên kiến, chỉ tổ gây thất vọng và
tuyệt vọng. Ta cần biện phân và ký ức, vì biện phân không mù quáng; nó
được xây dựng trên các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý vững chắc, giúp ta
nhìn thấy điều thiện và điều chính đáng.
Hy
vọng là con đường ta cùng người khác tiếp nhận. Một tục ngữ Phi Châu
nói rằng: “Muốn đi nhanh, thì đi một mình; muốn đi xa, thì đi với người
khác”. Cô lập và sống xa cách không bao giờ phát sinh được hy vọng;
nhưng gần gũi và gặp gỡ người khác thì có. Để một mình, ta sẽ không đi
tới đâu cả. Mà với loại trừ, ta cũng không thể xây dựng tương lai cho ai
được, cho cả ta cũng không. Đường hy vọng đòi phải có nền văn hóa gặp
gỡ, đối thoại, một nền văn hóa vốn có khả năng thắng vượt tranh chấp và
kình chống khô cằn. Muốn tạo ra nền văn hóa này, điều sinh tử là coi các
phương thức suy nghĩ khác nhau không hẳn là nguy cơ mà là phong phú và
phát triển. Thế giới cần nền văn hóa gặp gỡ này. Nó cần những người trẻ
biết tìm cách biết nhau và yêu nhau, cùng nhau đồng hành trong việc xây
dựng xứ sở, một cuộc hành trình mà José Martí từng mơ ước: “với mọi
người, và vì lợi ích mọi người”.
Hy
vọng là con đường liên đới. Nền văn hóa gặp gỡ tự nhiên sẽ dẫn ta tới
nền văn hóa liên đới. Tôi rất thán phục trước điều Leonardo nói lúc đầu,
khi bạn ấy đề cập tới tình liên đới, coi nó như nguồn tạo sức mạnh để
lướt thắng mọi trở ngại. Không có liên đới, không nước nào có tương lai
cả. Vượt lên trên các tính toán và tư lợi khác, ta không những phải quan
tâm tới những người có thể là bằng hữu ta, người đồng hành với ta, mà
cả những ai suy nghĩ khác với ta, những ai có ý nghĩ riêng nhưng không
kém nhân bản và có tính Cuba như ta. Khoan dung không thôi chưa đủ; ta
còn phải đi xa hơn thế, từ thái độ nghi ngờ và phòng ngự phải tiến qua
thái độ chấp nhận, hợp tác, phục vụ cụ thể và giúp đỡ hữu hiệu. Đừng sợ
liên đới, phục vụ và giúp một tay, để không ai bị loại trừ khỏi con
đường này.
Con
đường sống trên đươc soi sáng bởi một niềm hy vọng cao hơn: đó là niềm
hy vọng phát sinh từ đức tin vào Chúa Kitô. Ngưòi tự làm Người trở thành
người đồng hành với ta. Không những Người khuyến khích ta, Người còn
đồng hành với ta nữa; Người ở bên cạnh ta và giơ bàn tay thân hữu của
Người cho ta. Là Con Thiên Chúa, Người muốn trở thành một người như ta,
đồng hành với ta trên đường. Niềm tin vào sự hiện diện của Người, vào
tình bạn và tình yêu của Người làm sáng lên mọi hy vọng và mọi giấc mơ
của ta. Với người cạnh bên, ta học được cách biện phân điều có thực, gặp
gỡ và phục vụ người khác, và bước theo con đường liên đới.
Các
bạn trẻ Cuba thân mến, nếu chính Thiên Chúa đã bước vào lịch sử ta và
trở thành nhục thể nơi Chúa Giêsu, nếu Người đỡ lấy các yếu đuối và tội
lỗi của ta, thì các bạn không nên sợ hy vọng, hay tương lai, vì Thiên
Chúa ở cạnh bên ta. Người tin tưởng các bạn và Người hy vọng nơi các
bạn.
Các
bạn thân mến, tôi xin cám ơn các bạn vì cuộc gặp gỡ này. Xin niềm hy
vọng nơi Chúa Kitô, người bạn của các bạn, luôn hướng dẫn các bạn trên
đường đời của các bạn. Và xin các bạn nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên
Chúa chúc lành cho tất cả các bạn.
Vũ Văn An
0 comments:
Post a Comment