Cảm xúc của tôi luôn được dâng trào với bao niềm hạnh phúc, yêu đời
mỗi khi được nắm tay dìu dắt giúp các chú thương binh đi lại, được dưng
(*) nước mời trà cho các chú, hay được cõng bế các chú không có khả năng
đi lại trong những đợt khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức tại văn phòng
Công Lý & Hòa Bình, Dòng Chúa Cứu Thế – Sài Gòn.
Những lúc rãnh rỗi tôi thường lắng nghe các chú trò chuyện với nhau,
đồng thời nhắc lại kỷ niệm bi hùng trong đời lính của các chú.
Tuy cánh tay đã cụt, đôi chân không còn nguyên vẹn hoặc đôi mắt đã mù…
nhưng các chú không hề ca thán, vẫn lạc quan, tự hào kể về những trận
chiến oanh liệt, đầy cam go trong quá khứ.
Bao chiến công lẫy lừng của người lính VNCH, trước đây tôi chỉ biết qua
trang sách hay những dòng nhạc Vàng. Bốn vùng chiến thuật là nơi mà các
chú từng giẫm đạp đó đây; bầu trời thênh thang cao vời vợi, các chú vẫn
tung hoành ngang dọc hay những cơn sóng dữ của đại dương, các chú luôn
chẻ nát trong niềm kiêu hãnh. Hôm nay đây, những con người thật của các
trận chiến ác liệt, tàn khốc trên các mọi miền đất nước; Charlie, Đắc
Tô, Qui Nhơn, Quảng Trị, Bình Định, Bình Long - An Lộc... đã khiến tôi
không thể không bàng quàng xúc động và rất tự hào về những người lính
VNCH – luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm lên trên hết
Đôi lúc cũng có những khoảnh khắc bùi ngùi lắng động. Đó là khi nghe các
chú nhắc đến câu chuyện nghiệt ngã, đau thương đầy oan trái; Chén cơm
chiều chưa kịp vơi vậy mà một trận pháo kích của quân thù đã cướp đi
sinh mạng “thằng bạn” thân hữu của mình; Nụ hôn từ giã vẫn chưa phai
trên vành môi của anh lính trẻ thì hay tin người vợ mới cưới ra đi vĩnh
viễn trên chuyến xe gặp phải mìn; Nỗi nhớ nhung chưa bày tỏ hết trọn
trong đêm của người vợ hiền thăm chồng ngoài chiến trận, thì bất ngờ
quân thù lại kéo đến. Nàng phải gạt bỏ tình riêng và sẵn sàng đứng lên,
tay cầm súng bên cạnh chồng hiên ngang anh dũng chống trả với quân thù…
Đời lính là thế!
Niềm vui bất chợt đến với họ, họ đã được gặp lại nhau sau nhiều năm xa
cách. Cứ ngỡ người bạn đã chết trong trận chiến nhưng một hôm buổi tương
phùng lại đến trong tiếng cười giao hòa cùng nước mắt.
“Tao tưởng mày chết trong trận đó rồi”, một câu nói của hai người bạn thương binh cùng đơn vị trước đây, đã được lặp đi lặp nhiều lần trong buổi tâm sự.
Chú Đào Vĩnh Ký
Chú Đào Vĩnh Ký và chú Trần Minh Hùng, hai người lính cùng đơn vị (đại
đội 1 trinh sát, lữ đoàn 1 sư đoàn nhảy dù). Vào đầu tháng 8/1974 cả hai
nhận được lệnh tái chiếm tại Quảng Trị. Không lâu sau, trong trận đồi
1062 - Thượng Hiền, hai chú đã lần lượt gởi lại dưới lòng đất quê hương
một phần thân thể của mình. Chú Vĩnh Ký mất đi đôi cánh tay và con mắt
trái. Chú Minh Hùng mất một chân trái và một phần bắp đùi. Cũng kể từ đó
các chú không còn liên lạc với nhau.
Chú Trần Minh Hùng
Sau vấn nạn 30/4/1975 ập đến, hai chú tiếp tục phải hứng chịu sự trả thù
hèn hạ của chính quyền CS. Chú Minh Hùng đăm chiêu kể lại:
“Chú còn nhớ rất rõ, vào ngày 6/10/1975 tại ngôi nhà ở Bảo Lộc, sau
khi tắm xong chú ra trước sân nhà ngồi, thì thấy một lực lượng bộ đội
đến rất đông. Một số thì bao vây quanh nhà, số còn lại thì xông vào nhà
đọc lệnh bắt chú. Nhưng điều chú thấy làm lạ là khi đọc lệnh bắt, họ
không nêu ra tội danh gì. Mãi đến gần 5 năm sau họ thả chú ra và kèm
theo tờ một lệnh tha có ghi cái tội danh thật quái gở: “hạ sĩ nhất trinh
sát sư đoàn nhảy dù.”
Nghe tới đây chúng tôi không ai bảo ai mà cùng bật cười, thì ra trên đời
này cũng có cái tội ghê gớm và khủng khiếp như vậy sao?!
Sau ngày ra tù sức khỏe của chú rất tồi tệ. May mắn là được gia đình
thương yêu giúp đỡ nên cuối cùng rồi chú cũng lấy được vợ đến nay đã
được 5 đứa con.
Về phần chú Vĩnh Ký thì chỉ bị bắt “học cải tạo” 5 ngày, nhưng hoàn cảnh
của chú neo đơn ngặt nghèo nên chú phải tự thân bươn trải kiếm sống
trong cái xã hội thối nát này, chú nói: “tuy chú bị mất đôi tay nhưng
đôi chân vẫn còn, chú có thể bắt còng bắt cua, và đôi vai này rất khỏe
vẫn còn bốc vác được. Chú có thể làm bất cứ nghề gì để mưu sinh, miễn
sao không làm công việc trái với đạo lý là được rồi. - Tất cả đều là
duyên số trời định, ông trời đã không phụ lòng mấy chú đâu cháu ơi.”
Chú choàng tay lên vai chú Minh Hùng, tự tin nói tiếp, “Tự nhiên làm quen được anh bạn tên Phú, nếu không, làm sao tìm gặp bạn hiền cùng sinh ra tử với mình.”
Các chú gặp nhau thật tình cờ. Chuyện là thế này: Một ngày nọ, người thợ
làm bánh mì tên Phú ở Sài Gòn lên dự lễ cưới con của người bạn và đồng
thời cũng là hàng xóm của chú Ký. Trong lễ cưới đó, chú Phú và chú Ký
làm quen, kết thân với nhau.
Lại một tình cờ khác, con chú Minh Hùng có người bạn ở Sài Gòn, và cha
của bạn ấy chính là chú Phú. Sau khi hỏi thăm về gia đình của bạn đứa
con mình, chú Phú mới sinh nghi và muốn gặp nói chuyện... Kể từ đó, chú
Phú và chú Minh Hùng là bạn của nhau.
Vô tình chú Phú trở thành nhịp cầu dẫn dắt để hai người bạn lính chiến năm xưa họp mặt sau nhiều năm xa cách.
Chú Minh Hùng nghẹn lòng nói: "kể từ lần đầu chú nghe giọng nói của
bạn chú qua điện thoại, chú thật sự vui mừng muốn khóc. Thật không ngờ
nó còn sống, vì đã trên 10 năm rồi con ạ."
Đến nay hai người đã xem nhau như anh em ruột thịt, họ sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau trông khốn khó.
Tuy cuộc sống của các chú vẫn còn gặp nhiều gian nan phía trước, nhưng
qua thái độ tự tin và quyết đoán của các chú, tôi tin chắc các chú sẽ
vượt mọi khó khăn nghiệt ngã trong cuộc đời...
10/9/2015
(*) Các chú không còn tay, nên mình dưng nước lên tận miệng để mời các chú.
0 comments:
Post a Comment