Tuesday, June 16, 2015

Việt Nam thành cường quốc ăn mì gói

Nguồn: Báo Mai



Bàn về đời sống khó khăn lúc này của người Sài Gòn, KP, một nhà báo lề phải nghỉ hưu nói, gần hai năm nay, anh và vợ không đi siêu thị nữa, không như trước đây tháng nào cũng đi mua sắm. Ðiều mà nhà báo có mức thu nhập trung bình này nói cũng khiến nhiều người sực nhớ là gia đình mình cũng rời xa các trung tâm mua sắm để gọi là tập cho túi tiền eo hẹp sống chung với thời suy thoái kinh tế tệ hại.
Ai cũng than thở không còn thói quen hay đã cắt được cơn nghiện mua sắm thì chẳng lẽ nhịn ăn, tắm gội, giặt đồ nhà chỉ bằng nước lã. Người Sài Gòn trong mọi thời đều là dân chịu xài tiền nhất cả nước.



Vậy thì ở thời điểm này người Sài Gòn nói riêng và dân Việt nói chung chịu bấm bụng chi tiền cho hàng hóa nào nhiều nhất. Xin thưa đó là mì gói. Bất chấp chỉ số thu nhập quốc dân tuột dốc không phanh, cảnh phá sản nợ nần như rươi của hàng triệu người, món mì gói là hàng hóa duy nhất đúng tầm tay với của đa số người Việt.


Ăn mạnh như tui mới đủ sức uýnh thằng Tàu chứ ... ngoại trừ trúng thực thôi !!
Kể từ khi người Nhật phát minh ra mì ăn liền đến nay thì Việt Nam là quốc gia có bước phát triển mì gói thần kỳ nhất thế giới. Không còn nghi ngờ gì về chuyện Việt Nam đã trở thành một “cường quốc” mì gói hàng đầu hành tinh.
Năm 2009, dân Việt ăn liền 4.3 tỉ gói mì, năm 2013 vượt qua mốc 5 tỉ gói. Trung bình mỗi năm, từng người Việt không phân biệt nam nữ lão ấu trụng nước sôi 57 gói mì. Và nhiều chuyên gia ẩm thực dinh dưỡng cho rằng, chắc chắn trước năm 2020 “chỉ tiêu” 100 gói mì cho từng người Việt không còn là ước đạt mà chắc chắn sẽ đạt và vượt. Hiện có 50 đại gia sản xuất mì gói và mỗi năm chỉ riêng thị trường phía Nam đạt con số hơn 2 tỷ đô la.



Các kệ hàng mì gói ở siêu thị lớn, nhỏ thời suy thoái cứu vớt sĩ diện kinh tế ViệtNam.
Người bình dân Sài Gòn, dân nhập cư điểm tâm sáng và lót dạ đêm bằng các loại mì gói giá rẻ khoảng 4,000 VNÐ/gói. Dân trung lưu thì vô các siêu thị nước ngoài mua mì gói Hàn Quốc có giá bằng tô mì thập cẩm loại ngon ở Chợ Lớn, dân có tiền hơn thì chọn mì gói chính hiệu Nhật Bổn có giá không thua phở Pasteur.
Những ai theo dõi tin tức đều biết, giá lúa chính vụ hiện nay ở các tỉnh phíaNam tuột thê thảm: 4,000 VNÐ/1 ký lúa, trong khi một gói mì hiệu Omachi sản xuất ở Việt Nam giá bán lẻ là 6,000VNÐ. Và càng thê thảm hơn nữa khi thông tin từ truyền hình nhà nước đưa tin rằng, giá một ký dưa hấu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang chờ xuất qua Trung Cộng chỉ có giá bằng nửa gói mì Hảo Hảo, loại mì gói rẻ tiền nhất.
Có một nghịch lý, nông dân và dân lao động tại đô thị lại ngày càng tăng số lượng trụng mì gói để thay thế bữa ăn chính, dù chính họ cũng biết là bỏ tiền ra mua 2 gói mì loại ăn tạm được sẽ đắt hơn mua một ký gạo loại thường.



Không phải người dân không biết nguyên liệu dầu chiên mì gói tại các công ty sản xuất mì đều là thứ dầu được sử dụng nhiều lần nên vô cùng độc hại và độc hại không kém là các phụ phẩm gia vị và chất bảo quản. Chúng tôi hỏi một anh làm nghề giao nước đá lẻ, anh nhập cư từ Thanh Hóa rằng: “Cả nhà anh ăn sáng bằng mì gói, vậy không sợ ung thư sao?” Anh trả lời: “Chả còn gì lành đâu bác ơi. Dạo nhà cháu ở quê còn không nấu cơm sáng nữa là, cả làng thế mà. Cứ mãi lo độc hại đau cả đầu.”
Về vai trò mì gói, qua chuyện cứu đói nạn nhân thiên tai hoặc cứu khổ cho những ai bị cướp đất, mất việc là việc hiển nhiên. Nhưng nhìn vào con số tiêu thụ mì gói của người Việt hiện nay thì cũng dễ đoán việc tuyên truyền mức sống dân Việt Nam đạt ngưỡng thu nhập trung bình tính theo đầu người là 1,000USD/1 người là giả dối.
Nói cách khác, việc chế độ công bố năm 2008 Việt Nam đạt ngưỡng 1,000USD thu nhập theo đầu người, “thành quả” đó chỉ thuộc về giới tư bản đỏ và một bộ phận giàu có.



Không có gì quá đáng khi có người cho rằng: Hiện nay chính những gói mì ăn liền rẻ tiền đang giúp yên bụng giới cầm quyền tham nhũng thối nát trước nỗi ám ảnh nổi dậy của các tầng lớp dân nghèo Việt Nam.

Phùng Thức

0 comments:

Powered By Blogger