Monday, June 2, 2014

Từ Xứ sở Tự do trở về mất tự do (I)

Nguyễn Tường Thụy

Tôi là người thứ 4 trong đoàn điều trần trở về Việt nam, sau Nguyễn Đình Hà, Lê Thanh Tùng, Ngô Nhật Đăng.

Tai Mỹ, tôi đọc tin, được biết Ngô Nhật Đăng bị giữ 7 giờ, Lê Thanh Tùng 20 giờ và Nguyễn Đình Hà 24 giờ. Nguyễn Đình Hà còn bị thu hộ chiếu, máy ảnh, laptop, ipad, và một số đồ lặt vặt khác. Lê Thanh Tùng bị đánh ngay sau khi xuống sân bay, rất đau.


Phóng viên Chân Như, RFA chụp cùng blogger Nguyễn Tường Thụy tại sân bay Dulles hôm 25/4/2014
Bạn bè ở Mỹ khuyên tôi nên để máy móc, thiết bị tác nghiệp, ngoại tệ lại, các bạn sẽ gửi về sau. Nhưng tôi quyết định mang hết về, với ý cứ làm mọi việc sòng phẳng xem sao. Rủi có mất thì cũng có cái gì đó để viết, để tố cáo. Mặt khác, tôi ngại phiền phức cho các bạn, các bạn đã vì tôi quá nhiều rồi.

Khi đi, tôi đi thẳng từ Nội Bài, quá cảnh ở thủ đô Seoul rồi tới Washington, DC. Vé bay mua của hãng Korean Air là vé khứ hồi nên chiều về thì ngược lại. Vé chiều về phải 2 lần đổi: một lần đổi sân bay và một lần đổi ngày.

Anh Minh người đổi vé và đưa tôi ra sân bay ở Los Angeles còn lo cho tôi thêm dịch vụ người phục vụ, chở bằng xe lăn và lo mọi thủ tục mặc dù tôi nói không cần phải thế, lối đi lại trong sân bay cũng không có gì bỡ ngỡ. Mặt khác tôi còn sức, để người khác phục vụ tôi cảm thấy ngài ngại thế nào ấy. Nhưng anh cứ làm, với lý do sợ tôi mệt và đỡ mất công hỏi han lối ra vào. Thảo nào tôi đến sân bay ở Los Angeles, quá cảnh ở Hàn Quốc hay về đến sân bay Nội Bài đều được nhân viên hàng không săn sóc.

Trước khi về, tôi đã dặn vợ tôi, bạn bè tôi hành trình và giờ của chuyến bay. Cả chiều đi và về đều chính xác, không chậm trễ.

Ở nhà, vợ tôi thuê một chiếc xe 7 chỗ ngồi chở vợ con và một số bạn ra sân bay (giờ máy bay hạ cánh là 9h30' tối ngày 19/5/2014) Một số anh em đi xe bus đến. Có người đi xe máy từ tỉnh khác xuống.

Tôi cũng tính sẵn cách đối phó với công an khi về đến sân bay Nội Bài. Ngoài tư trang, một ít quà, tôi có một chiếc laptop, môt iPad mini, hai thứ đều mới, 1 chiếc điện thoại mang từ VN sang. Riêng ngoại tệ, tôi gói vào một tờ giấy A4, kê rõ tiền 100 USD bao nhiêu tờ, loại 20, 5, 1 USD bao nhiêu tờ, tổng cộng là bao nhiêu. Ngoài ra không có giấy tờ gì lạ, như một khách du lịch bình thường.


Thực ra, tôi biết, nếu công an VN theo sát tất cả mọi hoạt động của chúng tôi bên Mỹ, ghi hình đầy đủ thì cũng chẳng có bằng chứng nào kết tội chúng tôi. Hầu hết, các hoạt động của chúng tôi đều đã được đưa lên mạng do các đài, báo hoặc do chính chúng tôi đưa lên.

Nhưng tôi không muốn họ mượn cớ, lằng nhằng kéo thêm thời gian giam giữ vì điều đó chỉ khổ cho vợ con tôi và các bạn của tôi đang quyết tâm chờ cho đến tận khi tôi được thả ra. Cũng có thể họ vin vào điều này điều nọ để thu giữ máy tính hoặc thứ gì đó, có đòi được cũng mệt mỏi... Vì vậy, tôi định trước cho mình một lối xử sự, đó là giữ thái độ bình thản, trả lời ngắn nhất có thể, không sa vào tranh cãi, không mắc mưu khiêu khích, nói thẳng quan điểm của mình nhưng không gay gắt. Thực ra, đó cũng là lối xử sự của tôi trong tất cả mọi tình huống cũng như khi viết bài.

Đúng 9h 30' tối, máy bay tiếp đất. Tôi báo cho vợ tôi máy bay vừa tiếp đất. Khi máy bay dừng, tôi báo là máy bay dừng. Tôi làm thế để bên ngoài biết chắc chắn tôi đã về tới sân bay mà còn đấu tranh khi tôi bị bắt giữ. Tôi quyết định không nhờ người phục vụ nữa. Vất vả lắm tôi mới nói võ vẽ được câu: - I can walk (Tôi tự đi được) nhưng nhân viên hàng không Hàn Quốc cứ ra hiệu bắt tôi ngồi xuống tại chỗ chờ. Đợi hành khách ra hết, một nhân viên đến lấy và khoác đồ cho tôi hướng dẫn tôi đi theo.

Vừa tới cửa sân bay, đã có nhân viên phục vụ với xe đẩy chờ sẵn. Tôi ngồi lên. Cùng lúc, tôi thấy một kẻ đang nhằm vào tôi quay clip. Tôi giơ điện thoại ra chụp lại. Tôi nhìn ra xung quanh thì thấy hơn chục đứa lố nhố xung quanh, thường phục có, sắc phục có. Những chiếc máy quay hoạt động liên tục. Chúng yêu cầu cậu đẩy xe đi theo chúng.


Chiếc máy quay đầu tiên khi ra khỏi cửa máy bay
Chúng giăng quân ra để bắt tôi như bắt một tên tội phạm quốc tế.

Vợ tôi lại gọi điện. Tôi thản nhiên rút máy ra nói chuyện bình thường. Tôi nói rằng công an đang bao vây tôi. Rồi tôi gọi lại, hỏi những chuyện bình thường. Nhưng dường như đã hết mức kiềm chế vì trước mặt chúng mà tôi cứ thản nhiên như không, một tên giằng lấy máy. Tôi nói nhanh vào máy:

- Chúng nó cướp máy của anh đây này.

Chúng yêu cầu người phục vụ chở tôi vào một phòng trong sân bay. Tôi đưa thẻ gửi đồ cho người phục vụ để anh lấy hành lý ký gửi.

Chúng kéo nhau ra ngoài. Trong phòng chỉ có một đứa ngồi cùng với tôi. Tôi thấy điện thoại của tôi đang trong tay nó. Tôi bảo:

- Yêu cầu trả điện thoại cho tôi để tôi liên lạc với gia đỉnh.

Cậu ta cười khẩy:

- Anh nhầm mặt hàng rồi đấy. Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Quân đều đã qua tay tôi cả. Làm cái gì cũng phải biết điểm dừng.

Một lát sau, cậu ta bỏ ra ngoài. Tôi ngồi một mình được một lúc thì bước ra phòng ngoài nói với mấy đứa đang đứng xung quanh:

- Tôi yêu cầu cho gặp người có trách nhiệm cao nhất ở đây.

Cậu bảo tôi "nhầm mặt hàng" nhắc lại câu nói với tôi khi còn ở trong phòng (anh nhầm mặt hàng rồi đấy...) với giọng đầy đe dọa.

Tôi bảo:

- Tôi không quan tâm đến anh là ai. Yêu cầu của tôi là một việc bình thường của một công dân bình thường.

Tôi quay trở lại vào phòng. Chúng nó lại vào vây quanh lấy tôi.

Cậu đẩy xe lăn đã mang valy ký gửi vào. Trong người tôi lúc này còn mấy tờ đô la lẻ nhưng trong tình thế ấy, tôi không đưa tiền tip cho cậu ta nữa mà chỉ cám ơn.

Một đứa đẩy va ly đến gần tôi bảo tôi mở ra. Tôi nói:

- Tôi không có nhu cầu mở va ly lúc này.

Chúng nói cái gì tôi không nhớ, chỉ biết ý rằng không mở cũng không được với chúng, rồi bê phắt valy để lên bàn.

Cậu bảo tôi nhầm mặt hàng lục ra từng thứ, kiểm tra rất cẩn thận. Kiểm tra đến đâu, xếp vào đến đấy giống như tôi đã xếp. Động tác khá thành thục.

Xong chúng bảo tôi lên xe chở đi. Tôi đeo ba lô còn một đứa kéo valy cho tôi. Thấy có cả đứa mặc sắc phục mầu sẫm mang theo dùi cui lên ngồi sát tôi. Cảnh bắt một người không còn mấy sức khỏe, không có tấc sắt trong tay được huy động một lực lượng khá hùng hậu. Tôi đã quen với cảnh dùng số đông để áp đảo, khủng bố tinh thần.

Chừng dăm phút, tôi nhận ra chúng chở tôi vào đồn công an cửa khẩu Nội Bài.

Xuống xe, tôi đi theo chúng vào một phòng ở sâu bên trong. Tôi nhìn quanh, căn phòng làm việc khá tồi tàn.

Cậu bảo tôi "nhầm mặt hàng" bắt đầu vào việc, giới thiệu tên là Vũ, ở Bộ công an.

24/5/2014

------------------------------

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 2)
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

. Hai máy quay chĩa vào tôi ở hai góc độ: trước mặt và bên trái ở cự ly rất gần. Ngoài việc ghi hình, có lẽ họ cũng muốn tạo ra không khí đe dọa.

Giới thiệu xong, sợ tôi không nhớ, Vũ nói lại một lần nữa rằng cậu ta từng làm việc với Nguyễn Quốc Quân, Trịnh Hội. Không biết cậu ta có khuất phục được Nguyễn Quốc Quân và Trịnh Hội không, nhưng tôi hiểu ngầm ý rằng, đến “cỡ” ấy cậu ta còn “trị” được thì tôi chẳng là cái “đinh” gì.

Cậu ta bảo, tôi 35, chỉ bằng tuổi con anh thôi nhưng ở đây, tôi hơn anh tất cả các mặt. Tôi có 5 mặt hơn anh là….

Ba cái hơn kia thì tôi không nhớ cụ thể, hình như cậu ta bảo cậu ta ở tư thế người của Bộ, đang thi hành công vụ và gì gì nữa. Tôi chỉ nhớ rõ hai cái hơn là “trình độ của tôi hơn anh” và “tôi khỏe hơn anh”

Tôi lạ vì câu “tôi chỉ bằng tuổi con anh” và kinh ngạc vì câu “tôi khỏe hơn anh”. Câu này cậu ta còn nhắc thêm mấy lần nữa. Liệu câu ta có ngầm ý đe dọa sẽ đánh tôi?. Giả sử như cậu ta không khỏe hơn tôi thì cậu ta còn có sự giúp sức của cả cái ê kíp làm việc hôm ấy cơ mà. “Mãnh hổ nan địch quần hồ” (hổ dù khỏe cũng khó mà thắng nổi bầy cáo đông).

Cả một thời tuổi trẻ của tôi đã bỏ lại trong quân ngũ, từ năm 1970 cho tới khi về hưu. Nếu tôi còn sức thanh niên thì cũng chẳng thể nào đánh lại được đám đông công an ấy. Đó là chưa kể họ đánh tôi thì không sao chứ tôi khẽ động vào người họ là tôi bị tống vào tù vì tội chống người thi hành công vụ ngay.

Cậu ta nói tôi chỉ bằng tuổi con anh, như vậy, người sinh thành ra cậu ta cũng trạc tuổi tôi, và cũng như tôi, ông yếu hơn con trai ông. Không biết ông có bao giờ lo sợ vì con trai nó khỏe hơn mình không. Còn với tôi, tôi chẳng bao giờ sợ thằng con trai cao 1m75 của mình vì nhà tôi có trật tự, các con tôi được giáo dục tử tế. Tôi không bao giờ đánh giá giá trị của con người bằng cơ bắp hay bằng khối lượng của xác thịt.

Tôi giữ thái độ bình thản, mặc cho cậu ta nói. Càng nói, tôi càng thấy nhận thức của tôi và cậu ta rất trái ngược nhau.

Cho tới khi Vũ khoe mình là tiến sĩ thì tôi còn kinh ngạc hơn. Thì ra tiến sĩ của ngành công an như thế này đây.

Vũ nói rất nhiều (cậu ta cũng thừa nhận như vậy) còn tôi thỉnh thoảng chen vào một câu. Tôi không thể nhớ được hết, chỉ nhớ đại ý. Ngoài ra, có những ý tôi quên hẳn vì tôi đang trong tình trạng rất mệt mỏi. Bảo chúng tôi sang Mỹ nhận tiền của Việt Tân, bảo Lê Quốc Quân bị bắt rồi thì tôi là nhà dân chủ hàng đầu…

Tôi nói, tôi không có khả năng hoạt động dân chủ (đánh giá về tôi như vậy là quá cao, tôi làm sao sánh được với Lê Quốc Quân kia chứ). Tôi chỉ phản ánh xã hội và bày tỏ thái độ chính trị của mình, điều này nằm trong khuôn khổ của hiến pháp.

- Anh sang Mỹ với tư cách gì, anh đại diện cho ai? Anh mà dám đại biện cho báo chí VN?

- Bà Sanchez mời tôi. Tôi đi với tư cách cá nhân, tôi phát biểu hay hoạt động gì của tôi cũng với tư cách cá nhân.

- Anh gặp những ai ở Việt Tân?

- Tôi gặp những người trong ban tổ chức. Ban tổ chức có 5 thành viên mà Việt Tân là một trong 5 thành viên ấy. Tôi không quan tâm đến ai là Việt Tân nhưng tôi có biết cô Li, cô Hồng Thuận và ông Đỗ Hoàng Điềm.

- Ông Điềm là chủ tịch Đảng Việt Tân, Hồng Thuận, Li cũng là Việt Tân đấy anh không biết à.

-Thế à, nghe anh nói tôi mới biết. Tôi có biết cô Hồng Thuận, cô Li là trợ lý của bà Sanchez lo việc liên lạc và tổ chức cho khách mời sang Mỹ. Nếu tôi biết họ là Việt Tân, tôi còn tìm hiểu kỹ hơn nữa ấy chứ, để xem Việt Tân như thế nào. Nếu họ là Việt Tân thì tôi thấy ai cũng sáng sủa, đàng hoàng, tử tế, có học vấn, có tâm huyết và đặc biệt năng lực làm việc rất tốt.

- Anh bảo anh không biết ai là Việt Tân cơ mà, sao anh lại nhận xét về họ như thế?

- Về nguyên tắc, tôi không phải là cán bộ tổ chức của Việt Tân nên tôi không thể khẳng định mặc dù có ai đó bảo họ là Việt Tân. Còn anh chẳng vừa nêu ra mấy người, bảo là Việt Tân đó sao. Nếu những người đó là Việt Tân thì họ đúng như vậy thật.

- Anh biết ông Đỗ Hoàng Điềm trong trường hợp nào?

-Ông ấy mời chúng tôi đi ăn. Mời thì tôi đi, tôi không quan tâm người đó là ai. Tôi thấy bữa ăn diễn ra vui vẻ, nói chuyện vui, hỏi thăm lẫn nhau chứ chẳng nói chuyện chính trị gì. Sau tôi được cho biết ông Điềm là trung ương Việt Tân do một người nào đó ở RFA nói. Thực ra ông Điềm không nói, có lẽ vì ông ấy khiêm tốn chứ không việc gì ông ấy phải giấu.

27/5/2014


-----------------------

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 3)
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Vũ hỏi:

- Anh có biết Hoàng Tứ Duy không?

- Không, có thể tôi gặp rồi mà không biết tên hoặc quên tên.

- Hoàng Tứ Duy là người cao cao ấy.

- À có phải là cái anh cao ráo đẹp trai đó không (mấy hôm nay đọc tin, tôi mới biết Hoàng Tứ Duy là người phát ngôn của Đảng Việt Tân)

- Anhh có gặp Hoàng Cơ Định không?

- Không.

Một viên công an đưa ra 1 ảnh chụp chung in từ máy ra:

- Có phải hình anh đây không?

- Ảnh in bằng giấy đen trắng làm sao tôi xác nhận được.

- Nhưng anh có chụp ảnh với mọi người chứ?

- Tôi chụp với rất nhiều người. Ai rủ vào chụp tôi cũng chụp hết.

Một người đưa ra cho tôi bản in 6 bài điều trần từ facebook của tôi:

- Đây có phải là phát biểu của anh không?

- Anh in ra từ đâu thì hỏi chủ trang ấy. Tôi nhớ làm sao được.

- Không, anh chỉ cần xác nhận bài phát biểu của anh thôi.

- Tôi không thể xác nhận vì in ra có thể không còn nguyên văn. Nhưng ý tôi như thế nào thì tôi nhớ. Mỗi người chúng tôi chỉ có 1 phút 20 giây đến 1 phút 30 giây nên không nói được nhiều.

- Anh có nói rằng Nhà nước VN độc quyền quản lý báo chí?

- Vâng, đấy là sự thật.

- Anh cho rằng, cần phải có đa nguyên, đa đảng?

- Đúng thế. Tôi nêu lên quan điểm của tôi chứ chưa đòi nhưng rồi tôi sẽ đòi.

Vũ tiếp tục công việc tuyên truyền, rằng Việt Tân bây giờ tan tác, trước đây bao nhiêu giờ chỉ còn bấy nhiêu (tôi không nhớ con số cậu ta nói). Việt Tân đòi chia sẻ quyền lãnh đạo. Cậu ta bảo cậu ta là đảng viên, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảng, cậu căm thù bọn phản động...

Thấy tôi không mặn mà gì với những lời lẽ hùng hổ của cậu ta, độc thoại chán, cậu ta khiêu khích:

- Sao, anh không nói được gì à, nhà dân chủ nổi tiếng mà như thế này sao.

Tôi bảo:

- Anh không bao giờ thuyết phục nổi tôi đâu và tôi cũng chẳng có ý định thuyết phục anh. Anh nên bỏ giọng qui chụp, khiêu khích đi. Tôi thấy không cần thiết phải tranh luận với anh. Tôi sẽ tranh luận khi ra tòa.

Cậu ta dằn giọng:

- Ra tòa là quyền của chúng tôi nhé.

Tôi nói tiếp:

- Mặt khác, nếu thích thì tôi chỉ tranh luận với tỉ lệ 1/1 (về số người và hoàn cảnh cũng phải như nhau, chứ không phải tôi đang bị bắt giữ trong đồn công an như thế này) Tốt nhất anh nên chấm dứt lối nói như thế này và chuyển sang làm việc chính thức. Anh muốn hỏi tôi điều gì thì hỏi đi.

Cuối cùng thì cậu ta bỏ đi, chẳng biết về hay ngồi phòng nào khác nhưng từ đó tôi không thấy cậu ta nữa. Xem ra, lối nói của cậu ta là tùy hứng chứ không có hệ thống.

Tôi ngồi trong phòng, biết là vợ con tôi và các bạn tôi đang ở bên ngoài đấu tranh đòi người. Sau đây là lời kể của vợ tôi:

Chúng tôi hơn 10 người đến sân bay Nội Bài trước giờ máy bay hạ cánh.
Đợi cho hành khách của chuyến bay ra hết, không thấy anh Thụy ra, chúng tôi kéo đến phòng quản lý xuất nhập cảnh.


Đòi chồng tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh
Tôi vào phòng nói về việc chồng tôi đi trong chuyến bay ấy nhưng giờ không thấy đâu. Họ bảo vậy thì chị làm đơn trình báo chồng chị mất tích. Tôi bảo, không phải mất tích. Chồng tôi báo máy bay đã hạ cánh đúng 9 giờ 30 nhưng giờ là 10 h 30 rồi không thấy chồng tôi ra. Chồng tôi đang gọi điện cho tôi thì bị công an cướp điện thoại.

Họ cầm đơn đi hỏi. 1 giờ sau quay lại bảo chồng chị đang ở đồn công an cửa khẩu. Cơ quan công an còn làm một số việc về an ninh quốc gia.

Vẫn là cái giọng qui chụp. Việc làm của chồng tôi mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia? Có mà ảnh hưởng đến quyền lợi ích kỷ của họ thì có.

Chúng tôi giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho chồng tôi. Họ bảo không được giăng biểu ngữ nhưng chúng tôi cứ giăng, cứ chụp.


Chúng tôi thuê tắc xi đến đồn công an cửa khẩu. Lái xe tắc xi đòi đúng 100 nghìn đồng chứ không chịu tính theo cây số như qui định. Khoảng 12 giờ thì chúng tôi đến được cổng đồn.

Cổng đóng. Đợi cho đến lúc có một chiếc xe 24 chỗ vào, nhân lúc đó tôi mới xông vào hỏi.

Một tên đẩy tôi ra. Tôi nói:

- Tôi đi tìm chồng tôi.

Hắn bảo:

- Không chồng con gì ở đây hết

Tôi nói:

- Thế vợ con ông không có tội gì mà bị bắt giam ông cũng nói như thế à? Ông là ác thú à?

Mọi người bảo chụp lấy ảnh nó.

Hắn bảo:

- Chụp đi, chụp 10 kiểu cũng được

Rồi hắn lẩn vào trong

Tôi quan sát cổng đồn công an lúc này rất nhộn nhịp. Xe lớn, xe bé, xe máy, người đi bộ náo loạn cả lên. Sao có một chồng tôi mà họ huy động lực lượng đông như thế này. 

Chúng tôi đứng ở cổng đồn hô khẩu hiệu đòi người rồi chụp ảnh. Mọi phẫn nộ:

- Quân hèn với giặc, ác với dân. Có giỏi thì ra Biển Đông mà nhổ giàn khoan của giặc đi, đừng bắt nạt dân.

Tôi thấy công an Việt Nam làm những điều thật vô lý và vô ích, tự nhiên đẩy tôi vào thế đối nghịch. Tôi thấy chồng tôi chẳng làm điều gì sai trái mà vẫn bị bắt tới 8 lần. Tôi đã đến bao nhiêu đồn công an để đòi chồng.

Tôi nói to với hy vọng chồng tôi trong ấy nghe thấy:

- Anh Thụy ơi! Em chờ anh ngoài này. Chờ đến bao giờ cũng được.

Cháu Trần Bùi Trung, con trai cô Bùi Thị Minh Hằng nói vọng vào:

- Bác Thụy ơi! Vững lòng nhé bác, mọi người luôn bên bác.

Mọi người cũng hô to tên chồng tôi

Hai cháu công an ra bảo:

- Các bác đừng hô nữa, để cho người ta còn ngủ.

Đài RFA gọi điện phỏng vấn tôi. Sự việc diễn ra như thế nào thì tôi trả lời như vậy.

Liên tục những cuộc điện thoại của bạn bè gọi đến, nói là ngày mai sẽ đến sân bay sớm tiếp sức. Tôi nhẩm tính, như vậy là sớm mai sẽ có 2 xe nữa tới sân bay.

Nhưng rồi 4 giờ 30 họ thả chồng tôi ở nhà ga. Chúng tôi ào đến với một niềm vui khôn xiết. Chúng tôi bảo nhau đưa ngay tin lên và gọi điện để cho ai sáng sớm định lên thì đừng lên nữa.



29/5/2014

****************************

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 4)
Nguyễn Tường Thụy

Cảm ơn bạn đọc đã đồng hành trong câu chuyện của tôi. Tôi không có ý định để mọi người phải chờ, nhưng tôi không có nhiều thời gian. Tôi viết được đến đâu post luôn đến đó.

7 giờ trong trạng thái mệt mỏi, không có phương tiện hỗ trợ, nên tôi chỉ dựa vào trí nhớ. Vì vậy có thể những chi tiết không theo trật tự thời gian như chi tiết sau có thể đưa lên trước và ngược lại. Cũng có những chi tiết bị quên, sau khi post lên mới nhớ ra. Chuyển sang văn viết nên tôi không thể mang nguyên câu nói (và cũng không thể nhớ nguyên văn) còn từ ngữ nếu không nhớ chính xác thì dùng từ đồng nghĩa hay gần nghĩa nhưng đảm bảo trung thực.

Tôi chỉ viêc kể, còn nhận xét như thế nào là quyền của các bạn.

Có vẻ như bạn đọc rất thích thú với nhân vật Vũ (Vũ tiến sĩ) trong ghi chép này nên tôi kể thêm chút nữa.

Khi Vũ đang ca ngợi lý tưởng của cậu ta và thao thao chửi bới bọn phản động, một tay công an đến bảo tôi:

- Đã làm chính trị thì đừng sợ, sợ thì đừng làm (có lẽ vì cậu ta thấy tôi thường ngồi im, không đối đáp với Vũ)

Tôi nói:

- Tôi không làm chính trị. Tôi không có khả năng và tuổi cũng cao rồi. Tôi không có tham vọng chính trị mà tôi chỉ bày tỏ thái độ chính trị. Tôi phản ánh sự thật và nói lên chính kiến của mình. Tôi chỉ là giọt nước góp phần làm nên biển cả. Vợ tôi nói, cô ấy không đồng ý cho tôi nhận bất cứ vị trí nào trong chính quyền, cô ấy muốn tôi vẫn là chồng cô ấy. Tôi đồng ý với ý kiến này. [Cô ấy bảo: “Em chỉ sợ có chút quyền chức trong tay, anh sẽ biến thành con người khác”].

Tôi ý thức được việc làm của mình. Nhiều người đấu tranh ôn hòa, bày tỏ thái độ chính trị theo đúng Hiến pháp qui định nhưng vẫn bị bỏ tù. Điều này họ đều lường trước nhưng vẫn dấn thân.

Không thể nói rằng “tôi không có gì để sợ”. Con người phải có cái để mà sợ. Đó là sợ làm những điều gì hại cho Đất Nước, cho Dân Tộc.

Có người nói vâng (hoặc đúng vậy), tán thành cái nỗi sợ mà tôi vừa nêu ra làm tôi hơi ngạc nhiên.

Vũ hỏi:

- Anh cho rằng nhiều người đã phải trả giá. Tại sao anh nói thế? (ý Vũ nói đến câu “nhiều blogger đã phải trả giá, kể cả đi tù với mức án nặng nề” trong nội dung điều trần của tôi tại Quốc hội Hoa Kỳ).

Tôi nói:

- Trần Văn Hải - Điếu Cày với hai án tổng cộng 14,5 năm, Tạ Phong Tần 10 năm rồi Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất… gần đây nhất là Ba Sàm, thế chưa đủ sao.

Trước khi ra khỏi phòng thẩm vấn, Vũ nói rằng hôm nay cậu ta làm việc như thế, chứ chưa dùng đến phương pháp khác… Tôi hiểu phương pháp mà cậu ta nói ở đây ngầm ý là phương pháp... chân tay.

Vũ tiến sĩ đi rồi, trong phòng lúc này có tôi 5,6 người còn lại. Tôi không biết tên bất cứ một ai trong số này vì họ không giới thiệu mà tôi cũng không hỏi.

Việc thẩm vấn lại tiếp tục. Lại quan tâm đến mối quan hệ của tôi với Việt Tân và bản điều trần. Tôi vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, tránh mắc mưu khiêu khích, chỉ nói khi thấy cần thiết.

Thực ra, tôi chưa bao giờ quan tâm tìm hiểu Việt Tân như thế nào. Quan niệm của tôi là tiếp xúc với ai không quan trọng, vấn đề là mình nói thế nào và hành vi của mình ra sao. Trong luật Việt Nam, các hành vi bị xử lý tôi không thấy có hành vi tiếp xúc với Việt Tân. Tôi cũng không thấy văn bản nào cấm Việt Tân hoạt động. Và như đã nói ở kỳ trước, xét về nguyên tắc, tôi không thể khẳng định ai là Việt Tân khi tôi không là cán bộ tổ chức của Đảng này.

Vì vậy, khi tiếp xúc hay trả lời phỏng vấn tôi chẳng bao giờ quan tâm xem người đó là ai, “phản động” tới mức nào. Điều quan tâm của tôi là phải tôn trọng sự thật, đừng bịa đặt hay thêm bớt.

Nghe nói Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Lại có ý kiến cho rằng, Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng. Vì vậy, nhiều người sợ dính líu đến Việt Tân. Cũng có những người cho rằng, cứ ai bị tuyên truyền nói xấu nhiều nhất thì phải hiểu ngược lại.

Ông Đỗ Hoàng Điềm có kể cho chúng tôi nghe một chuyện:

Năm 2007 ông có dịp nói chuyện với tổng thống Mỹ George Walker Bush trong Nhà Trắng. Ông nói vui:

- Ông có biết là ông đang tiếp chuyện trùm khủng bố không?"

George W. Bush cũng khôi hài:

- Ông là khủng bố vậy thì tôi đồng lõa với khủng bố.

Còn ông phó Tổng thống ngồi bên nói:

- Các ông là khủng bố thế thì tôi là đồng lõa với ai?


Tổng thống Mỹ George Walker Bush tiếp ông Đỗ Hoàng Điềm tại Nhà Trắng (ông Điềm ngồi đầu tiên, phía tay trái ông Bush)
Nước Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc chống khủng bố. Chẳng lẽ Việt Tân là tổ chức khủng bố mà Mỹ lại dung túng?

Tôi đã gặp một số người được cho là đảng viên đảng Việt Tân, họ đều nói mục tiêu của họ là đấu tranh cho một nước Việt Nam mới. Họ muốn có một chế độ có khả năng đưa đất nước phát triển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Hôm biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, tôi thấy tràn ngập cờ Việt Nam Cộng hòa. Một người giải thích: “Bây giờ chưa có cờ nào thì dùng tạm cờ này để đối chọi lại cờ đỏ thôi. Sau này đất nước thay đổi, cần phải có một lá cờ khác, chung cho cả nước”....

30/5/2014

-------------------------

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ cuối)
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Họ lại tiếp tục hỏi về hoạt động của tôi bên Mỹ. Mọi hoạt động của đoàn điều trần đã được công khai trên báo chí. Tôi trả lời cho qua chuyện vì chẳng có gì mới. Nói nhiều, nói hết cũng chẳng giúp ích gì cho họ và chẳng hại gì cho tôi, chỉ mất thời gian vô ích. Tôi luôn nghĩ đến vợ con tôi và bạn bè đang vất vả đứng trước cổng đồn đòi người. Tôi chỉ muốn gọi điện ra bảo mọi người về, còn tôi họ giữ đến bao giờ cũng được. Nhưng điện thoại của tôi đang bị khống chế.

-Anh phải biết người ta mời ăn cơm thì họ phải có mục đích gì chứ?

- Tôi nghĩ họ quý chúng tôi thì họ mời. Ai mời thì chúng tôi đi nếu muốn. Nếu có mục đích gì thì tôi cũng chẳng phải bận lòng. Nhưng bữa ăn diễn ra vui vẻ, không nói chuyện chính trị gì hết.

Tiếp xúc với các thành viên trong Ban tổ chức, trong đó có Việt Tân, tôi thấy một điều là họ chỉ làm theo trách nhiệm của mình sao cho chu đáo, bày tỏ tình cảm quý mến chúng tôi chứ họ không tuyên truyền hay khuyên chúng tôi nên làm gì cả. Họ cũng chẳng bao giờ giới thiệu cho chúng tôi biết về tổ chức của họ. Với Việt Tân, có lẽ họ muốn tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ họ, tự tìm hiểu xem họ là ai, như thế nào, có đúng như những gì đã tuyên truyền không. Đó là bản lĩnh của những người tự tin. Khi liên lạc với tôi để sắp xếp cho tôi đi, Lilli Nguyen nói thẳng với tôi rằng, nếu chú không ngại Việt Tân thì đi, chắc chắn sẽ là một chuyến đi bổ ích.


Với Lilli Nguyen. Hai chú cháu tại QH Mỹ. Tôi bảo: Giao lưu với cháu khi ở nhà, thấy cháu rất đáng yêu. Sang đây gặp cháu, chú thấy cháu đáng yêu hơn nhiều.
Họ lại quay lại nội dung điều trần của tôi, nhấn vào chuyện tôi nói cần phải có một thể chế đa nguyên:

- Anh xem ở Thái Lan, biểu tình, bạo động mất ổn định xã hội…

- Thái Lan hơn VN nhiều chứ. Thời kỳ 1954, VN ngang bằng các nước Đông Nam Á, nếu không nói là hơn. Sài Gòn từng được coi là Hòn ngọc Viễn Đông. Nhưng rồi các nước bỏ ta quá xa. Bây giờ đã kém họ, tốc độ lại chậm hơn thì nguy cơ tụt hậu lại càng cao. Trên thế giới có 4 quốc gia có yếu tố XHCN bị chia cắt và theo hai chế độ khác nhau. Nhưng phần nào theo XHCN thì đều kém phần theo Tư bản: Tây Đức phát triển mạnh hơn Đông Đức, Hàn Quốc phát triển hơn hẳn Bắc Triều Tiên, Đài Loan hơn Trung Hoa lục địa, còn Việt Nam, năm 1975, Miền Nam Việt Nam hơn Bắc Việt Nam. Thế nhưng trước khi bị chia cắt thì cả nước là như nhau.

[Trong 4 quốc gia bị chia cắt, đến nay chỉ có Việt nam thống nhất bằng chiến tranh, Nước Đức thống nhất bằng phương pháp hòa bình, thêm gánh nặng bởi người anh em cộng sản. Còn Trung Quốc và Triều Tiên thì chưa nhưng có vẻ chẳng anh nào muốn đánh anh nào mặc dù Trung Hoa lục địa và Bắc Triều Tiên hô giải phóng rõ to từ nhiều chục năm trước]

Có vẻ họ không hào hứng lắm về chủ đề này.

- Anh có biết tôn chỉ mục đích của Đảng Việt Tân không?

- Không, tôi không quan tâm.

- Họ có cho tiền anh không?

- Không, họ là một tổ chức làm việc rất chuyên nghiệp, việc tiền nong là điều tế nhị nên cho hay không họ phải cân nhắc chứ không phải họ không có tiền.

- Anh mang theo bao nhiêu tiền?

- Ba nghìn

- Anh tiêu những cái gì?

Tôi bảo mua laptop, máy bảng, tiêu vặt còn lại thế.

- Họ có mời các anh tham gia Đảng Việt Tân không?

- Không.

- Nếu cho anh định cư ở Mỹ, anh có đi không?

- Không, đất nước thì như thế, nhân dân còn khổ quá. Visa của tôi 1 năm, tôi chỉ đi bấy nhiêu ngày.

Cũng có khi câu chuyện đi ra ngoài lề, xoay về nước Mỹ. Tôi nói qua rằng, tôi mới đi qua 2 bang ở Mỹ thôi, thấy rất trật tự, sạch sẽ, nhiều cảnh đẹp.

Một cậu nói:

- Việt Nam cũng có nhiều cảnh đẹp chứ.

- Cảnh đẹp thiên nhiên thôi. Tôi cũng đã thăm nhiều phong cảnh ở VN. Nhưng do yếu tố con người nên cảnh đẹp mà rất lộn xộn.

- Nhưng Việt Nam thì phải từ từ, không thể đốt cháy giai đoạn.

Câu nói của cậu ta khiến tôi liên tưởng đến chuyện VN đi lên chủ nghĩa xã hội do đốt cháy giai đoạn nên mới ra như thế. Nhưng câu nói của cậu ấy vô hình trung mang ý rằng VN cần phải theo mô hình của Mỹ, nhưng bây giờ không thể bằng ngay được. Ý nghĩ đó khiến tôi vui vui.

Qua buổi thẩm vấn, tôi thấy họ quan tâm đến những điều rất nhỏ như chẳng để làm gì, không hiểu tư duy của họ như thế hay họ muốn làm nghiêm trọng vấn đề. Việc được mời đi ăn mà phải cảnh giác với động cơ của người mời là một lối tư duy thảm hại.

Việc tuyên truyền về Việt Tân, nói mãi cũng tạo nên được hiệu quả là nhiều người sợ dính đến Việt Tân. Họ hù dọa những ai nhận tiền nước ngoài khiến nhiều người sợ. Rồi chẳng có tiền nhưng vẫn nói là nhận tiền, xuyên tạc những người yêu nước đi biểu tình vì tiền. Tôi đã tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Cộng từ năm 2011 đến nay, lấy danh dự cá nhân, tôi khẳng định tôi chưa bao giờ được phát tiền hay nhìn thấy ai đã nhận tiền. Truyền hình Hà Nội trong bản tin trưa vào một ngày biểu tình hẹn khán giả buổi tối sẽ công bố cảnh người biểu tình nhận tiền nhưng rồi đến tối chẳng thấy đâu nên được một phen tẽn tò.

Trong những hành vi bị xử bởi Bộ Luật hình sự, không hề có hành vi tiếp xúc với người này người nọ, tổ chức này tổ chức khác, nhận tiền nước ngoài, đi Mỹ phát biểu về các vấn đề chính trị. Việc phát biểu ở đâu cũng là như nhau chứ không phải ở Mỹ thì tội to hơn, ở VN thì có thể tha thứ. Điều 88 Bộ luật hình sự có nói về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước nhưng không phân ra tuyên truyền chống Nhà nước ở nước ngoài thì án nặng hơn tuyên truyền chống Nhà nước ở trong nước. Tuy vậy sang Mỹ, chúng tôi nói năng còn dè dặt hơn nhiều.

Chúng tôi sang Mỹ, nói sự thật, nêu lên chính kiến của mình, đương nhiên không phải tuyên truyền chống Nhà nước. Vậy mà việc chúng tôi đi Mỹ, họ làm như sự kiện động trời lắm. Huy động lực lượng công an bắt ngay tại cửa máy bay, thẩm vấn, đe dọa, tạo ra một không khí khủng bố. Người khác trong đoàn còn bị đánh, bị giữ tài sản, câu lưu tới 24 giờ. Họ cứ làm như chúng tôi lật đổ chính phủ đến nơi.

Họ đưa biên bản đến bảo tôi xem lại rồi ký. Tôi đọc qua thấy đại loại như tôi đã kể nhưng chỉ một phần và cũng chỉ là một phần so với những gì đã thông tin trên báo chí hay trên trang mạng cá nhân. Không thấy ghi nhiều câu nói của tôi. Tôi bảo, có một vài từ không chính xác, như xác nhận ghi thành thừa nhận, nhưng thôi, điều đó chẳng quan trọng, sửa nó be bét ra.

Sau đó, họ để tôi ngồi một mình, còn họ làm việc của họ, tình trạng này rất lâu, chẳng nhớ là mấy tiếng.

Ngồi không một lúc, tôi bảo:

- Đề nghị các anh bố trí cho tôi chỗ nghỉ, tôi rất mệt.

- Ở đây là nơi làm việc, không có chỗ nằm, anh có thể nằm tạm ra ghế.

Tôi nhìn vào chiếc ghé băng gỗ rồi vẫn ngồi thản nhiên. Tôi cũng không tỏ ra sốt ruột, không hỏi còn gì nữa không. Có lúc mệt và buồn ngủ quá, tôi ngồi gục đầu xuống bàn nhưng cũng chẳng chợp mắt được. Ngồi chán, tôi đoán có thể họ chờ xin quyết định tạm giam tôi cũng nên.

Có lúc họ bỏ ra ngoài chỉ còn một mình tôi. Tôi thấy điện thoại của tôi để trên bàn. Tôi rất muốn gọi cho mọi người đang bên ngoài bảo mọi người cứ về nhưng tôi không muốn để họ đánh giá là tôi gọi “trộm” mặc dù máy của tôi và việc khống chế điện thoại của tôi là bất hợp pháp.

4h20’, họ mang laptop và máy bảng của tôi sang trả, bảo rằng giao lại đầy đủ mọi thứ cho anh, anh kiểm tra lại máy, buổi làm việc kết thúc ở đây. Tôi uể oải đứng dậy rồi thong thả thử máy. Tôi định bấm máy báo tin cho mọi người là tôi sắp ra nhưng họ bảo, đừng gọi điện từ trong này, ra ngoài gọi gì thì gọi. Tôi nghĩ cũng chẳng cần thiết tới mức phải nói lại nên ok.

Tôi nhét máy vào ba lô, nói:

- Việc bình thường, có gì đâu mà nghiêm trọng thế. Tôi lật đổ nhà nước này thế quái nào được.

Khi đưa lại hộ chiếu cho tôi, tôi mỉm cười:

-Vậy là lại tiếp tục sang Mỹ nữa.

- Cái đó là quyền công dân của anh, anh đi đâu là việc của anh.

Tôi chợt nghĩ đến Nguyễn Lân Thắng, Phạm Chí Dũng, Anna Huyền Trang. Giá mà họ tôn trọng quyền công dân của các bạn ấy thì chuyến đi Mỹ của chúng tôi sẽ vui và kết quả tốt đẹp hơn nhiều.



Hình ảnh của Lân Thắng và Huyền Trang trong buổi điều trần tại QH Mỹ
Họ chở tôi ra nhà ga. Vợ tôi và bạn bè tôi ào đến. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau trong niềm hân hoan hiếm có.



HẾT

0 comments:

Powered By Blogger