Sunday, March 2, 2014

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 2/3/2014

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 2/3/2014
TIN UKRAINE.
Ukraine kêu gọi tổng động viên, Hội Đồng Bảo An bất lực, Âu-Mỹ cứng rắn
Ukraine tuyên bố sẽ tổng động viên toàn bộ lính dự bị sau khi Nga đe dọa đưa quân vào Ukraine.

Quốc hội Nga hôm thứ Bảy bỏ phiếu cho phép quân Nga tiến vào Ukraine, một bước đi bị Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “vi phạm chủ quyền của Ukraine”.

Trong cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ bị cô lập về chính trị nếu họ tiếp tục biện pháp quân sự ở Ukraine.

Trong diễn biến mới nhất, hôm Chủ nhật, Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov, ra lệnh tổng động viên và không cho phép máy bay quân sự đi vào không phận Ukraine.

Vào trưa Chủ nhật 2/3, Nato sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp để bàn về tình hình Ukraine.

Căng thẳng đang lên cao ở Ukraine, không chỉ ở bán đảo Crimea, nơi có nhiều người Nga sinh sống.

Hôm thứ Bảy đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga tại nhiều thành phố của Ukraine.

Ở Donetsk, vốn là cứ điểm truyền thống của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, khoảng 7.000 người xuống đường.

Họ định chiếm tòa nhà chính quyền chính ở đây nhưng không thành công.

Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, hơn chục người bị thương trong đụng độ giữa người thân và chống Nga.

Cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và ông Putin là lần đối đầu trực tiếp hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

“Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga rõ ràng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết.

Obama đã nói với Putin rằng hành động của Nga là ‘vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có các nghĩa vụ của Nga được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và vi phạm thỏa thuận đặt căn cứ quân sự mà họ ký với Ukraine hồi năm 1997’.

Trước đó, ông Obama đã kêu gọi ông Putin đưa quân trở lại doanh trại của họ trên bán đảo Crimea.

Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề nghị triển khai các quan sát viên quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ định đến Ukraine để đảm bảo an toàn cho người dân gốc Nga, theo AFP.

Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính phủ lâm thời ở Kiev và cam kết sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nato và OSCE để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày sâu sắc.

Trong khi đó, bộ máy an ninh của ông Obama đã nhóm họp ở Nhà Trắng để cân nhắc các lựa chọn đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine – một ngày sau khi ông Obama cảnh báo rằng Nga sẽ phải ‘trả giá’ cho hành động của mình.

Trong cuộc điện đàm với Putin, Obama nói rằng phía Mỹ ngay lập tức sẽ dừng tham gia vào các cuộc thảo luận chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự kiến sẽ diễn ra tại Sochi của Nga vào tháng Sáu.

Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Tổng thống Francois Hollande của Pháp và Thủ tướng Stephen Harper của Canada về vấn đề Ukraine.

Lên án Nga bằng ‘những ngôn từ mạnh mẽ nhất’, Thủ tướng Harper đã triệu hồi đại sứ Canada ở Moscow và cảnh báo rằng nước ông sẽ theo bước Washington trong việc tẩy chay Thượng đỉnh G8.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Ramussen nói rằng hành động của Nga đang đe dọa đến hòa bình và ổn định của châu Âu, và kêu gọi Nga “giảm” căng thẳng trong khu vực.

Anh quốc tiếp nối Hoa Kỳ hoãn tham gia các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế của nhóm G8.

Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tham gia một cuộc họp qua điện thoại với 6 người đồng cấp ở châu Âu và Canada. Tham dự cuộc họp này còn có bà Catherine Ashton, đại diện chính sách đối ngoại của EU, và đại sứ Nhật tại Washington để ‘phối hợp bước tiếp theo’.

Trong một thông cáo sau đó, ông Kerry cảnh báo rằng Moscow đang đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ của Ukraine mà còn của cả khu vực.

Nếu Nga không làm giảm căng thẳng thì điều này sẽ ‘ảnh hưởng nghiêm trọng’ đến quan hệ với Mỹ, ông Kerry nói.

Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga bên lề các cuộc thảo luận ở Rome vào tuần tới.
Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ba Lan, Canada đều bày tỏ thái độ khá cứng rắn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon đã điện đàm với nguyên thủ Nga và kêu gọi Moscow tiến hành đối thoại trực tiếp với Kiev.

Tối hôm qua 1/3, Hội Đồng Bảo An đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận tình hình Ukraine. Tại hội nghị, đại sứ Mỹ Samantha Power đã yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimea và đề nghị đưa quan sát viên Liên Hiệp Quốc tới đây. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An không ra được một quyết định nào.

Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An có mục đích làm dịu tình hình cuộc khủng hoảng Ukraine. Thế nhưng, cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc họp, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã phải đấu tranh với Nga trong suốt hai tiếng đồng hồ để phiên họp có thể diễn ra công khai và đại sứ của Ukraine có thể tham dự và phát biểu.

Đại sứ Ukraine đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hành động xâm lược của Nga. Bị thúc ép trước nhiều câu hỏi, đại diện Nga không đưa ra lời giải thích về sự hiện diện của quân đội Nga tại vùng Crimea và cáo buộc Châu Âu, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này do đã ủng hộ phe đối lập Ukraine.

Hoa Kỳ đề nghị gửi các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tới Crimea. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An không ra một quyết định nào, vì Nga đe dọa phủ quyết.

Đối với các đồng minh của Ukraine, cuộc họp này của Hội Đồng Bảo An sẽ cho phép cô lập Nga và chứng tỏ rằng tình hình tại Crimea vẫn được theo dõi.

Nhằm phối hợp lập trường ngăn chặn Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, ngoại trưởng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp khẩn cấp vào ngày mai 3/3. Ngay chiều nay 2/3, Ngoại trưởng Hy Lạp, nước làm Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm Anh Quốc tới Kiev để gặp các lãnh đạo mới của Ukraine.

Một trong những áp lực của phương Tây là cảnh báo Moscow về nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế. Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hành động can thiệp quân sự của Nga sẽ tác động sâu sắc đến quan hệ Mỹ-Nga và sự hiện diện của quân đội Nga tại Ukraine là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Trả lời phỏng vấn RFI, ông Pascal Boniface, Giám đốc viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp cho rằng việc đe dọa tẩy chay G8 không có tác dụng.

"Hoàn toàn không có tác dụng gì cả, bởi vì ông Putin chỉ tin vào việc đọ sức và ông ta biết rằng về mặt quân sự, các nước phương Tây sẽ không làm gì.

"Do không muốn có rủi ro là phải đối mặt với những leo thang quân sự, ông Putin cho triển khai lực lượng, bằng cách củng cố các lực lượng quân sự đã có mặt trong khu vực Crimea. Ông ta muốn nhìn xem phản ứng của Obama. Việc Tổng thống Mỹ đe dọa không tham dự Thượng đỉnh G8, theo tôi, ít có tác dụng đối với ông Putin".

Trong khi đó, hôm nay, để làm dịu tình hình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabus kêu gọi tân chính quyền Ukraine phải chú ý tới thực tế của đất nước, nơi vốn có đông đảo cộng đồng người nói tiếng Nga và rất thân Nga:

"Tân chính quyền Ukraine cần phải tôn trọng sự đa dạng của Ukraine. Mọi người đều biết là có một phần dân cư nước này nói tiếng Nga và rất thân thiết với Nga và một bộ phận gần gũi, thân Châu Âu.

"Chúng ta cần làm rõ và muốn mọi người chia sẻ nhận thức này. Không nên đặt vấn đề hoặc là Nga hoặc là Châu Âu mà cần nhấn mạnh là đối với Ukraine, thì phải chú ý cả hai mặt, Châu Âu và Nga. Chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, nhưng cần phải tôn trọng thực tế đa dạng của Ukraine".

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến hơn hàng trăm ngàn người chạy sang Nga lánh nạn.

Lực lượng biên phòng Nga hôm nay cho biết trong tháng Giêng và tháng Hai, đã có khoảng 675,000 người Ukraine vào Nga do tình hình chính trị bất ổn tại Ukraine. Nếu cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục, sẽ có hàng trăm ngàn người Ukraine chạy vào Nga và sẽ gây ra thảm họa nhân đạo.

Theo thống đốc vùng Briansk, ở gần biên giới chung giữa hai nước, thì trong thời gian qua, có một làn sóng người Ukraine chạy sang Nga và muốn ở lại đây cho đến khi tình hình tại Ukraine trở lại bình thường.

Trước cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã gọi điện cho người tương nhiệm Nga Sergei Shoigu.

Một quan chức quốc phòng của Mỹ nói với AFP rằng Washington ‘không có thay đổi gì’ về bố trí lực lượng của họ ở châu Âu.

Lực lượng biên phòng Ukraine báo cáo tất cả biên giới của nước này, ngoại trừ Crimea, vẫn ổn định, sau khi quốc hội Nga cho phép đưa quân đến Crimea. - BBC, VOA, RFI
Chú thích.- "Theo tình hình thì nếu Nga dừng lại và chỉ chiếm Crimea thì sẽ bị du kích Tatars đánh ăn ngủ không yên, hơn nữa quân Ukraine đâu để yên cho mà chiếm dễ vậy, do đó chiến tranh chắc chắn lan rộng ra khỏi vùng Crimea và Nga sẽ sa lầy là một điều thấy rõ.

Năm 1979, Nga xâm lăng Afghanistan nhưng thất bại đưa tới kiệt quệ kinh tế. Quân đội Ukraine thiện chiến hơn Geogia nhiều nên dễ gì ăn hiếp theo kiểu ỷ lớn hiếp nhỏ. Đó là những gì mình thấy trước mắt.

Nói về Obama khi dọa Putin mà tên gấu nầy vẫn hung hăng thì Obama làm được gì? Chắc chắn quân đội Mỹ và Nato sẽ không giúp gì Ukraine, nhưng Mỹ có thể đóng băng tiền bạc, tài sản của cá nhân Putin ở nước ngoài. Lời đề nghị nầy được một số bình luận gia đưa ra trên các phương tiện truyền thông ngày hôm nay.

Nguyễn Thùy Trang - on FB



| 2.

Trung Quốc cáo buộc vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh là do "ly khai"



Giới chức Trung Quốc đã cáo buộc ‘những kẻ ly khai Tân Cương’ là thủ phạm vụ tấn công hàng loạt bằng dao ở một nhà ga xe lửa ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, làm 29 người chết và ít nhất 130 người bị thương.
Một nhóm những kẻ mặc đồ đen đã tràn vào nhà ga hôm thứ Bảy ngày 1/3 và đâm loạn xạ những người đang có mặt.

Những hình ảnh đưa lên mạng cho thấy các thi thể nằm trên các vũng máu.

Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết công an đã bắn chết ít nhất bốn nghi phạm.

Một nghi phạm nữ đã bị bắt giữ và đang được điều trị ở bệnh viện trong khi công an đang truy lùng những người đã bỏ chạy khỏi hiện trường.

Giới chức Trung Quốc mô tả vụ việc là ‘tấn công khủng bố bạo lực, có tổ chức được tính toán trước’.

Chính quyền thành phố Côn Minh sau đó cho biết những bằng chứng thu được từ hiện trường cho thấy ‘những kẻ ly khai Tân Cương đứng đằng sau vụ tấn công’.

Tuy nhiên họ không cho biết thêm chi tiết và cáo buộc này không thể kiểm chứng.

Một số người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương muốn tự trị khỏi Trung Quốc và muốn chấm dứt việc nhà nước đàn áp tôn giáo của họ.

Các nhân chứng ở Côn Minh cho biết những ai chậm chân đều bị đâm.

Những thông tin ban đầu cho biết những kẻ tấn công đều là nam giới, nhưng các nhân chứng và công an sau đó nói rằng có cả phụ nữ tham gia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh ‘nỗ lực toàn diện’ để điều tra vụ việc.

Vụ việc xảy ra chỉ một vài ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc.

Phóng viên BBC cho biết an ninh trong nước sẽ là một chủ đề quan trọng tại kỳ họp này.

Hồi tháng 10 năm ngoái Bắc Kinh đã buộc tội ‘những kẻ ly khai Tân Cương’ là thủ phạm lái xe đâm vào một đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn khiến năm người chết. - BBC


| 3.

Thái Lan bầu cử bổ sung, phe Áo Đỏ biểu tình



Cuộc bầu cử bổ sung hôm nay 02/03/2014 được tổ chức tại Thái Lan sau đợt bỏ phiếu hôm 2/2 bị đối lập ngăn trở. Phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đe dọa sẽ xuống đường tại Bangkok
Cuộc bỏ phiếu hôm nay diễn ra tại 101 địa điểm bầu cử tại 5 tỉnh, với 120.000 cử tri đăng ký. Somchai Srisutthiyakorn, một thành viên Ủy ban bầu cử nói với AFP là việc bầu phiếu diễn ra ổn thỏa, ngoại trừ việc một nhóm người biểu tình tụ tập phản đối tại tỉnh Rayong. Tại Phetchaburi, một trong những tỉnh phía nam Bangkok, cứ địa của đối lập, theo quan sát của AFP có ít cử tri đi bầu hơn. Một số tỉnh khác cũng sẽ tổ chức bầu cử nhưng chưa có lịch cụ thể.

Những người biểu tình muốn thay thế chính quyền hiện nay bằng một "Hội đồng nhân dân" không thông qua bầu cử, đã ngăn trở việc bỏ phiếu tại 10% phòng phiếu hôm 2/2. Ủy ban bầu cử cho biết sẽ không tuyên bố kết quả, cho đến khi đã bỏ phiếu xong tại tất cả các địa điểm, mà hạn chót được ấn định vào tháng Tư. Từ nay đến lúc đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn lãnh đạo với quyền hạn bị hạn chế.

Theo luật bầu cử Thái Lan, phải bầu được 95% trong số 500 dân biểu tại Hạ viện thì mới có thể lập chính phủ. Ủy ban bầu cử cũng đã ấn định ngày bầu cử Thượng viện là 30/3.

Phe đối lập vốn chưa hề thắng trong cuộc tổng tuyển cử nào từ 20 năm qua, thề sẽ hất cẳng bà Yingluck Shinawatha – bị coi là con rối của người anh, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatha. Theo nhiều nhà phân tích, trung tâm của cuộc khủng hoảng là đấu tranh quyền lực một khi có người kế tục Quốc vương Bhumipol, 86 tuổi.

Sau nhiều tháng biểu tình và bạo động đường phố đã làm 23 người chết và hàng trăm người bị thương, căng thẳng đã giảm xuống hôm thứ Sáu 28/2 với loan báo của phe biểu tình sẽ chấm dứt chiến dịch phong tỏa Bangkok. Hôm nay phe này bắt đầu dỡ bỏ các lều trại và hàng rào chướng ngại vật tại thủ đô, cho biết có thể tạm tập trung tại công viên lớn Lumpini.

Nhưng nếu áp lực từ đường phố có giảm, Thủ tướng vẫn đang bị đe dọa bởi Ủy ban chống tham nhũng, có nguy cơ mất chức và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Phe Áo Đỏ với hàng ngàn người biểu tình tối nay tại Khon Kaen, một thành trì của những người Áo Đỏ ở miền đông bắc. Thanavut Vichaidit, một phát ngôn viên của phe này tuyên bố với AFP: "Chúng tôi sẵn sàng tiến về Bangkok nếu tình hình vẫn bất ổn"

. - RFI


| 4.

Biểu tình tại Hồng Kông phản đối vụ tổng biên tập bị tấn công



Hàng chục ngàn người đã xuống đường tại Hồng Kông hôm Chủ nhật 2/3 để phản đối vụ cựu tổng biên tập của một tờ báo bị tấn công tàn bạo, và phản đối việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng đối với truyền thông báo chí.
Ông Kevin Lau Chun-to khi đang đi ra xe vào sáng thứ Tư thì bị một hung thủ từ một chiếc xe máy nhảy đến đâm bằng dao phay.

Ông Lau bị thương nặng ở mình và chân, nhưng thoát chết sau khi được giải phẫu. Hung thủ đâm ông và đồng bọn lái chiếc xe máy đã tẩu thoát.

Cảnh sát chưa xác định được động cơ của vụ tấn công.

Ông Lau, cựu tổng biên tập của tờ Minh Báo, một nhật báo tiếng Hoa nổi tiếng về phóng sự điều tra, mới đây đã bị cách chức, và thay thế bằng một nhà báo bị nghi là thân Bắc Kinh, làm dấy lên những lo ngại trong phòng tin của tờ báo này về việc Bắc Kinh có thể đang tìm cách kiểm soát tính độc lập của nhật báo này.


- VOA

| 5.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc sẽ họp với Venezuela về các vụ biểu tình



Các giới chức Liên hiệp quốc cho biết Tổng thư ký Ban Ki-Moon sẽ họp với Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela tại Geneva vào thứ Ba 4/3 tới để bàn về các cuộc biểu tình bạo động ở Venezuela chống lại chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Ngoại trưởng Elias Jaua cũng sẽ trình bày với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu.

Ðại sứ Venezuela tại Liên hiệp quốc, ông Jorge Valero trả lời phỏng vấn một đài phát thanh hôm thứ Bảy 1/3 rằng các cuộc họp sẽ là dịp để Ngoại trưởng Jaua giải thích cách thức mà chính phủ Venezuela đang thực hiện cho tiến trình hòa bình và các biện pháp được áp dụng để khôi phục lại từ những xáo trộn.

Những người biểu tình đòi Tổng thống Maduro từ chức vì đã để cho đất nước có tỉ lệ tội phạm cao, lạm phát và thiếu thốn nhu yếu phẩm như sữa và bột mì.

Chính phủ của Tổng thống Maduro, người kế nhiệm cố Tổng thống Hygo Chavez, quy cho phe đối lập cánh hữu đã gây ra tình trạng bạo động này, và cáo buộc họ nhận sự hỗ trợ của Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ bác bỏ mọi dính líu.


- VOA

6.

Tân Nội Các Ai Cập tuyên thệ nhậm chức



Nội các mới Ai Cập đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Bảy 1/3 sau khi chính phủ trước làm cả nước Ai Cập ngạc nhiên vì từ chức cách đây chưa đầy một tuần.
Tổng thống lâm thời Adly Mansour ngày thứ Ba 25/2 vừa qua đã chọn ông Ibrahim Mahlab làm tân Thủ tướng và giao cho ông nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới. Ông Mahlab đã quyết định giữ lại một số cựu bộ trưởng trong chính phủ mới của ông, gồm có tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah el-Sissi giữ chức bộ trưởng quốc phòng và ông Muhammad Ibrahim làm bộ trưởng nội vụ.

Ông Mahlab là người đứng đầu công ty xây dựng quốc doanh khổng lồ dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak và giữ chức vụ bộ trưởng nhà đất trong nội các lâm thời đã từ chức vào ngày thứ Hai.

Ông Mahlab trong một cuộc họp báo cho biết quyết tâm “dẹp tan khủng bố ở mọi ngóc ngách” của Ai Cập và vãn hồi an ninh.

Ai Cập đã gánh chịu một làn sóng đình công phản đối những thất bại kinh tế của chính phủ giữa lúc nước này đang tiến đến cuộc bầu cử Tổng thống được dự trù vào tháng 7 tới đây.

Bộ trưởng quốc phòng Sissi sẽ ra tranh cử Tổng thống.

Cựu Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi đã điều hành chính phủ kể từ tháng 7 năm ngoái sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Hồi Giáo Mohamed Morsi.


- VOA

-- Một dân tộc thông minh, dũng cảm phải cương quyết xóa bỏ quá khứ bất hạnh để trở thành một dân tộc mạnh - Cấp Tiến để thay đổi vận mệnh của dân ta.

0 comments:

Powered By Blogger