Tuesday, June 4, 2013

Trung Quốc : hậu trường của cuộc nổi dậy Thiên An Môn


Lê Vy-RFI

Liên quan đến thời sự tại Trung Quốc, báo Le Monde trong mục địa chính trị có bài viết : « Bào Phát : hậu trường Thiên An Môn ». Tờ báo cho biết ông Bào Phát, sống tại Hồng Kông, chuyên xuất bản hồi ký của các quan chức cấp cao cộng sản Trung Quốc. Trong số đó có nhân vật Triệu Tử Dương, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị cách chức vì chống lại việc đàn áp cuộc nổi dậy tại Thiên An Môn năm 1989.
Bào Phát là người sáng lập ra nhà xuất bản New Century Press tại Hồng Kông. Từ năm 2005, anh chuyên xuất bản các hồi ký của các quan chức cao cấp cộng sản Trung Quốc, cũng như các phân tích và công trình nghiên cứu lịch sử bị cấm phát hành tại Hoa Lục. Hiện nay, 50% doanh thu của ông tại Hồng Kông là từ sách bán cho du khách Hoa Lục, một thành phần khát khao thông tin và tò mò tìm hiểu về quá khứ đã qua.

New Century Press của anh đã cho xuất bản năm 2010 chân dung châm chọc chua chát cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hay như năm 2012, “Những cuộc trò chuyện với Trần Hi Đồng” – thị trưởng Bắc Kinh, một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6/1989 đã được xuất bản.
Cho đến nay, tác phẩm xuất bản nổi tiếng nhất chính là hồi ký của cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, được ghi chép lại từ những cuộn băng ghi âm. Ông đã bị thanh trừng do phản đối vụ trấn áp cuộc biểu tình tại Thiên An Môn và chết trong hoàn cảnh bị quản thúc tại gia.
Bào Phát là con trai của ông Bào Đồng, cánh tay phải của Triệu Tử Dương trên cương vị là giám đốc bộ phận cải cách chính trị-người đã góp phần đưa Trung Quốc dần tiến theo con đường dân chủ hóa. Bị bắt năm 1989, vào năm 1992, ông Bào Đồng lãnh án 7 năm tù vì tội tuyên truyền phản cách mạng và làm lộ bí mật quốc gia. Sau khi được tự do, ông luôn bị chính quyền Trung Quốc theo dõi sát sao.
Sau khi du học tại Mỹ, Bào Phát đã sống tại Hồng Kông vào năm 2001 và anh nhận thấy rằng « có quá nhiều nguồn thông tin chưa được khai thác và chưa ai biết làm thế nào để khai thác chúng ». Bào Phát không lo bị Hoa Lục kiểm duyệt do anh xuất bản tại Hồng Kông, nhưng thỉnh thoảng Bắc Kinh cũng cố đe dọa anh.
Một cuốn sách khác đề cập đến các di sản mà ông Triệu Tử Dương và ông Bào Đồng để lại mang tựa : « Trên sân khấu và hậu trường, cải cách chính trị tại Trung Quốc trong những năm 1980 ». Cuốn sách cho độc giả biết một số cải cách tiến bộ thời kỳ ấy và ý định muốn ngăn cản đảng Cộng sản liên tục can thiệp vào các vụ việc của chính phủ. Bài báo đưa ra kết luận rằng cần vén mở các điều cấm kỵ và vượt qua mọi sự cấm đoán và ít nhất là đi du lịch sang Hồng Kông để mua những cuốn sách này.

0 comments:

Powered By Blogger