Ngồi sát cạnh Tổng thống Barack Obama trong suốt bữa quốc yến do chính phủ Nam Dương khoản đãi 18 vị quốc trưởng phó hội Thượng Đỉnh Đông Á tại Bali, Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn thấy còn nhiều vấn đề ông cần bàn cãi với nhà lãnh tụ Hoa Kỳ, do đó ông yêu cầu một buổi thảo luận thêm vào ngày hôm sau, thứ Bảy 19 tháng 11, ngày ông Obama rời Nam Dương.
Trên chuyến bay trở về Mỹ, một viên chức Bạch Cung nói với phóng viên truyền thông tháp tùng tổng thống suốt 9 ngày công du Á Châu, là Trung Quốc băn khoăn với chủ trương của Hoa Kỳ, mà Trung Quốc cho là đang tạo ra nhiều phức tạp trong liên hệ giữa hai nước.
Ông nói hai vị nguyên thủ đã thảo luận về: việc nâng giá đồng Hoa kim, điều ông Obama đã nêu lên từ ngày đầu tiên trong những phiên họp của APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation - Hiệp Hội Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương) tại Honolulu; việc mở rộng hải lộ Biển Đông cho mọi hoạt động thương thuyền; và việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong hòa bình.
Trước đó ông Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo các “lực lượng bên ngoài” đừng can thiệp vào những cuộc tranh chấp của những quốc gia sống ven Biển Đông.
Ông không gọi đích danh, nhưng ai cũng biết ông dùng 4 chữ “lực lượng bên ngoài” để ám chỉ Hoa Kỳ, và ai cũng hiểu là đòi hỏi của Mỹ bắt Trung Quốc nâng giá đồng Hoa kim là giới hạn số hàng hóa Trung Quốc đang ồ ạt xuất cảng; chủ trương của Mỹ giữ hải lộ Biển Đông mở rộng cho mọi thương thuyền là gián tiếp phủ nhận Biển Đông không phải là hải phận Trung Quốc; và chủ trương những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết ôn hòa là bênh vực những nước nhỏ như Việt Nam và Phi Luật Tân, vốn phải nhượng bộ vì sợ sức mạnh của Trung Quốc.
Nam Dương là trạm chót của chuyến công du 9 ngày với thành tích thực hiện cuộc họp APEC tại Honolulu, thăm Úc Châu, và ký với Úc thỏa ước trấn đóng 2,500 quân nhân Hoa Kỳ trên lãnh thổ Úc để bảo đảm an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ hoạn nạn; và họp hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á.
Đọc diễn văn trước quốc hội Úc, Obama nói những diễn biến tại Á Châu-Thái Bình Dương đang quyết định tình hình Á Châu trong 100 năm nữa, và ưu tiên tối thượng của Hoa Kỳ là duy trì sự có mặt trên vùng này.
Tại Nam Dương, Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ trợ giúp 600 triệu cho kế hoạch y tế công cộng của nước này; ngược lại Nam Dương ký mua 230 chiếc Boeing 737 của Mỹ với giá 22 tỉ.
Trước bữa quốc yến, ông Obama cũng tiếp kiến lãnh đạo hai quốc gia, Phi Luật Tân và Mã Lai, và đàm đạo với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Obama tuyên bố Mỹ-Ấn đồng quan điểm coi cuộc họp Thượng Đỉnh Đông Á là cơ hội giúp hai nước thảo luận thêm về những vấn đề an ninh hàng hải, giới hạn vũ khí nguyên tử, bành trướng hợp tác và cứu giúp thiên tai.
Trong một buổi họp báo hôm thứ Bảy 19 tháng 11, cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon tái khẳng định Hoa Kỳ không can dự vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng tin tưởng các cuộc tranh chấp đó phải được ôn hòa giải quyết.
“Hoa Kỳ quan tâm đến việc tự do hàng hải, tự do chuyên chở hàng hóa và giải quyết ôn hòa mọi tranh chấp,” Donilon nói. “Chúng tôi không tranh chấp, cũng không bênh vực phe nào trong những tranh chấp. Tuy nhiên, với tư cách là một thế lực hải quân trên toàn cầu, chúng tôi muốn thấy những nguyên tắc đó được áp dụng khắp nơi”.
Donilon còn nói ông không phê bình hay nhận xét về lập trường của nước nào cả, mà chỉ ghi nhận toàn bộ những nước ASEAN đều nêu vấn đề này lên trong cuộc hội thảo ngày thứ Sáu 18 tháng 11.
Một phóng viên hỏi ông phải chăng những ngôn từ “gay gắt” mà Tổng thống Obama dùng khi nói về Trung Quốc trong chuyến công du Á Châu-Thái Bình Dương lần này đã khiến viên chức quốc phòng Trung Quốc nghĩ là Hoa Kỳ đang tìm cách cô lập hoặc bao vây Trung Quốc.
Donilon trả lời là nhiều lần Tổng thống Obama đã ca ngợi sự thành công kinh tế của Trung Quốc, và trong chuyến Á Du lần này ông cũng không hề nói Hoa Kỳ sẽ cô lập ai hoặc bao vây ai.
Nhưng thật sự ông Obama đã nói những gì?
Tại Úc, ông nói Hoa Kỳ sẽ mở rộng ảnh hưởng tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương, bành trướng thực lực để “ngăn chặn những đe dọa nền hòa bình”, mặc dù Hoa Kỳ phải giảm bớt chi phí quốc phòng và chấm dứt hai cuộc chiến tranh, nhưng ông không để việc cắt giảm ngân sách quốc phòng ảnh hưởng đến nhu cầu của Mỹ hiện diện tại Á Châu.
Ông còn nói trước quốc hội Úc: “Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, đến đây để ở hẳn lại đây”; ông còn xin mọi người “nhận thức rõ quyết tâm của Hoa Kỳ là ở lại Á Châu-Thái Bình Dương trong suốt thế kỷ này”.
Trên bình diện kinh tế, Obama nói: “Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã nói là Trung Quốc phải giữ đúng luật chơi; nhưng họ không giữ luật. Một thí dụ là họ định giá đồng Hoa kim quá thấp, khiến hàng hóa các nước xuất cảng qua Trung Quốc trở thành quá đắt, không bán được, và hàng hóa xuất cảng từ Trung Quốc qua các nước khác lại quá rẻ, giết chết mọi tranh thương; điều này gây thiệt thòi cho doanh nhân và công nhân Hoa Kỳ.
Chúng tôi đã nói với Trung Quốc là họ phải thay đổi việc làm phá lệ này, và bảo họ nên đặt nặng những nỗ lực kinh tế vào thị trường quốc nội của họ, và, trên doanh vụ xuất cảng, điều chỉnh đúng giá đồng Hoa kim”.
Dĩ nhiên, Tổng thống Obama không nói gì về việc cô lập hay bao vây Trung Quốc, nhưng viên chức Trung Quốc cũng không sai khi nói Hoa Kỳ đang làm công việc đó; vì tựu trung, tăng giá đồng Hoa kim là làm cho sản phẩm ‘made in China’ đắt hơn, và khuyến cáo việc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp Biển Đông là khiến những quốc gia sống ven Biển Đông cứng rắn hơn trong mọi thương thuyết về chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang thay đổi qua những áp lực Hoa Kỳ tạo ra trên cả hai bình diện quân sự và kinh tế. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ đã có vài chục ngàn quân tại Bắc Á, đặt trong những căn cứ trên lãnh thổ Nhật và Nam Hàn. Nhưng căn cứ Darwin trên lãnh thổ Úc lại là căn cứ đầu tiên của Mỹ tại Nam Á để “răn đe, ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh”.
Trên bình diện kinh tế, ông Obama thành lập khối Thị Trường Tự Do Xuyên Thái Bình Dương (Transpacific Trade Partners).
“Hoa Kỳ vẫn luôn luôn là một quốc gia Thái Bình Dương; chúng tôi giao thương với nhiều quốc gia trong vùng. Đa số hàng xuất cảng của Hoa Kỳ đều đi về thị trường này, thị trường đã cung cấp cho Hoa Kỳ 5 triệu công ăn việc làm,” Obama tuyên bố. “Thái Bình Dương còn là khu vực đang phát triển rất nhanh, do đó tôi có ý định nhân đôi số hàng Hoa Kỳ xuất cảng sang vùng này”.
Chính sách kinh tế chủ trương công bằng giá cả ngăn cấm Trung Quốc tài trợ hàng xuất cảng bằng cách đánh giá thấp đồng Hoa kim không chỉ là mũi dùi chọc thủng túi ngoại tệ của Trung Quốc mà còn là nhịp cầu đưa sản phẩm Mỹ vào Á Châu.
Obama hãnh diện ông rất thẳng thắn trong những giao tiếp với Trung Quốc; ông bảo họ phải tăng giá đồng Hoa kim lên để hàng Mỹ trên thị trường Trung Quốc trở thành rẻ hơn hiện nay, và để hàng Trung Quốc trở thành mắc hơn trên thị trường Mỹ, hầu tạo cơ hội tranh thương, tạo công ăn việc làm cho công nhân Mỹ.
Ông không mời Trung Quốc gia nhập khối TPP (khối Thị Trường Tự Do Xuyên Thái Bình Dương) để hàng Trung Quốc không được miễn thuế, trở thành mắc hơn và không cạnh tranh được với hàng của những quốc gia Đông Nam Á, hội viên TPP.
Obama còn nói thẳng với Trung Quốc là Hoa Kỳ “muốn” thấy những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông được giải quyết ôn hòa, không có áp lực quân sự.
Hoa Kỳ không cô lập, không bao vây Trung Quốc; Hoa Kỳ chỉ không cho Trung Quốc gia nhập TPP, chỉ không buôn bán với Trung Quốc nữa, ngày nào đồng Hoa kim chưa được định đúng giá; và Hoa Kỳ đặt 2,500 quân trong một căn cứ Bắc Úc, để có thể kịp thời can thiệp, bảo vệ hòa bình trên Biển Đông.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn có gì để nói nữa mà phải xin gặp Tổng thống Obama trong một cuộc thảo luận vào giờ thứ 25? Lập trường của Mỹ rất minh bạch, nhưng cũng rất độc; chính sách của Mỹ chỉ chủ trương: trên Biển Đông, Trung Quốc đừng hiếp đáp những nước yếu nữa; và trên thương trường, Trung Quốc đừng tiếp tục thủ đoạn gian lận nữa.
Tôi không tin Obama thay đổi lập trường sau khi tiếp kiến Ôn Gia Bảo lần chót trước phút rời Nam Dương trở về Hoa Kỳ.
Nguyễn Đạt Thịnh
0 comments:
Post a Comment