Đài BBC dùng 2 chữ “khốn đốn” để mô tả tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay; do khốn đốn của đất nước, đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam đã phải tổ chức cuộc hội nghị trung ương lần thứ ba hồi đầu tháng Mười 2011, để các đảng viên thuộc cấp lãnh đạo thảo luận với nhau rồi thông qua chính sách “3 cải cách”:
(1) cải cách các công ty quốc doanh để giảm thiểu lỗ lã,
(2) cải cách phương thức đầu tư để bỏ vốn vào những chỗ cần vốn bành trướng, và
(3) cải tổ hệ thống ngân hàng để cho vay vốn căn cứ theo nhu cầu kinh doanh, tránh bớt ảnh hưởng của nể nang, quen thuộc.
Chính sách “3 cải cách” được dự trù sẽ hoàn thành trong thời gian 5 năm, nhưng hai tiến sĩ kinh tế quốc nội, và một hãng thông tấn ngoại quốc lại không tin là chính sách này khả thi.
Hãng thông tấn “đa nghi” này là Reuters; trong bài tường thuật được phổ biến hôm Chúa Nhật 13 tháng 11, Reuters tỏ ý ngờ vực khả năng của Nhà Nước Việt Nam có thể vượt qua sự kháng cự của các công ty quốc doanh và những nhóm lợi ích khác, kể cả những tập đoàn tư nhân có nhiều ảnh hưởng chống lại những thay đổi lớn và bất lợi cho quyền lợi riêng tư của họ.
Hai vị tiến sĩ ngờ vực chính sách “3 cải cách” là ông Lê Đăng Doanh và ông Trần Đình Thiên.
Tiến sĩ Doanh nói: “Chúng ta đang nghe những lời tuyên bố rất mạnh, nhưng chúng ta cần hành động mạnh, chứ không cần tuyên bố mạnh”.
Cũng như mọi người Việt Nam khác, ông Doanh không còn bị những lời tuyên bố hùng hồn và những chính sách hão huyền hào nhoáng thuyết phục nữa.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thuộc viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam, và đã tham gia vào hội đồng tư vấn cho chính phủ về các chính sách tài chính, nhận định: “Tái tổ chức nền kinh tế quốc gia là việc không thể tránh né, nhưng lại là việc làm gây rất nhiều va chạm”.
Ông Doanh nhận định trong bài diễn văn đọc vào phiên khai mạc kỳ họp thứ nhì Quốc hội khóa 13 ngày 20 tháng Mười, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ thực hiện 3 cải cách đó, nhưng lại không đả động gì đến việc công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin bị công ty Elliott WIN Netherlands BV kiện ra trước tòa thương mại Anh quốc về tội không trả món nợ 600 triệu Mỹ kim, trả làm 10 lần, mỗi nửa năm một lần, và mỗi lần 60 triệu Mỹ kim.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo tình hình hiện tại chưa đủ “đau đớn” để các nhà lãnh đạo Việt Nam có những quyết định thật sự táo bạo.
Một trong các kinh tế gia hàng đầu tại Việt Nam, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương, cảnh báo hệ lụy lớn trong vụ Vinashin; ông nói “sức lan tỏa của vụ kiện sẽ rất lớn”.
Ông Thành nói: “... chỉ số tín nhiệm về nợ của chính phủ Việt Nam bị giảm xuống, khiến chính phủ khó đi vay trên thị trường tín dụng quốc tế, hoặc nếu vay được thì lãi suất phải trả cũng rất cao”.
Nói cách khác, dù có trả được nợ thì thành tích không trả 60 triệu đầu tiên trong số 600 triệu tiền nợ vẫn khiến Việt Nam bị liệt vào loại khách hàng có bad credit đối với những cơ quan vay mượn quốc tế.
Khuyến cáo của ông Thành không phù hợp với quan điểm của chính phủ Việt Nam, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phản bác: “Việt Nam không liên đới trách nhiệm với Vinashin, công ty này tự vay phải tự trả. Chính phủ không trả nợ thay cho Vinashin”.
Ông Ninh không biết là chính phủ Việt Nam hoàn toàn chịu trách nhiệm về số nợ 600 triệu, vì dù không trực tiếp vay nhưng Nhà Nước đã đứng bảo đảm cho số tiền vay này.
Khó vay thêm nợ, nhưng chính phủ Việt Nam lại không giảm được sức nuốt của các công ty quốc doanh, hoặc công ty tư nhưng có thân nhân làm lãnh tụ Việt Nam. Lãnh tụ đang mạnh thế nhất tại Hà Nội là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cậu Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông, vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Một trong nhiều bức điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ bị Wikileaks tiết lộ, có bức đề ngày 26 tháng Chạp 2006 đề cập đến liên quan giữa cậu Nghị và công ty Bitexco. Ông Seth Vinnick, Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Hồ (năm 2006), báo cáo với Bộ Ngoại Giao là cậu ấm Nghị có quan hệ với công ty xây dựng đang lớn mạnh tại Việt Nam là Bitexco, công ty xây một loạt nhà cao tầng tại Hà Nội và Thành Hồ.
Bitexco kinh doanh trên những địa hạt bất động sản, thủy điện, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư tài chính, đầu tư khai thác khoáng sản.
“Cô Chiêu” là cô Nguyễn Thanh Phượng, 31 tuổi; mặc dù còn rất trẻ, nhưng cô Phượng đã là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân hàng Viet Capital Bank (Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt), có số vốn 3,000 tỉ đồng Việt Nam (142 triệu Mỹ kim).
Chồng cô Phượng là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt. Ông Hoàng, người Mỹ gốc Việt, hiện là Tổng Giám đốc của Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam (IDGVV), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, truyền thông và công nghệ từ năm 2004.
Thiếu sót có thể làm sụp đổ một chính phủ trong thế giới tự do là thiếu transparency -thiếu minh bạch- nhất là thiếu minh bạch trên địa hạt tài chính. Ngược lại, minh bạch tài chính lại là quả bom làm nổ tung chính phủ cộng sản Việt Nam hiện nay.
Thử hình dung nếu Wikileaks tiết lộ được tài sản tư của cậu ấm Nghị hoặc tài sản của cô chiêu Phượng, thì chắc chắn tài sản tư của Tổng thống George W. Bush, hay của Tổng thống Barack Obama không thể so sánh được với tài sản của hai người trẻ Việt Nam này.
Giữa một nước Việt Nam với gần 90 triệu người nghèo đói họ làm giàu nhờ công khó chắt bóp, góp nhặt tiền đầu tư của chính phủ.
Một vụ đầu tư vừa nổ tung tại Paris với những nét tiêu biểu cho phương thức đầu tư không minh bạch tí nào của chính phủ Việt Nam.
Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp bỏ tiền ra mua một bất động sản tọa lạc tại số 80 đường Monge, 75005 Paris, để lập nên trụ sở Foyer Vietnam (Nhà Việt Nam), gồm một nhà hàng Việt Nam và những tiện nghi hội họp, tuyên truyền, v.v...
Ngay chính giữa nhà hàng là hình cụ Hồ, do đó bị người Việt Paris gọi là “Quán Cụ Hồ”.
Nhưng thân danh sứ quán của một quốc gia mà lại đi bán nhà hàng, lại khai thuế, đóng thuế cho chính phủ Pháp, thì cũng khó coi, nên sứ quán Việt Nam tại Paris để một Hội Việt Kiều thân Hà Nội đứng làm chủ. Người nhân danh hội này đứng ra khai thác “Quán Cụ Hồ” là ông Võ Văn Thận.
Sau nhiều năm làm ăn xuôi lọt, ông Thận bị trục xuất ra khỏi quán ngày 12 tháng 11 năm nay. Ông Thận nói với đài BBC, lực lượng trục xuất ông là một nhóm người Pháp “có tiền án” ông nghi là do Sứ quán Việt Nam gửi đến.
Ông Thận nói giữa thanh thiên bạch nhật, ông cùng vợ và hai con gái nhỏ, cùng với hai người khách (con của nhà thơ Thanh Thảo) từ Việt Nam sang chơi đã bị những người Pháp “lực lưỡng” đột nhập vào nhà hàng Foyer Vietnam, và nhốt họ trên tầng hai trong vài tiếng.
Khi ông Thận được trả tự do, “Quán Cụ Hồ” đã đổi chủ. Người chủ mới, ông Nguyễn Bình, nói ông được Đại sứ quán Việt Nam ủy quyền quản lý Vietnam Foyer và đã lập ra trang web mới cho nhà hàng.
Việc tròng tréo đầu tư mua “Quán Cụ Hồ”, tròng tréo làm thương mại dưới tên một người khác, dĩ nhiên là bất hợp pháp đối với luật pháp của Pháp; và việc sử dụng lực lượng đầu gấu Tây để thực hiện việc thay đổi người quản lý cũng không bình thường, dù nhái lại chiến thuật “nhân dân tự phát” chính phủ đã sử dụng tại Thái Hà.
Tuy nhiên, việc đầu tư này còn bình thường ở điểm Nhà Nước Việt Nam đầu tư khi trong tay có tiền. Việc bất bình thường được thảo luận trong Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản lần thứ III hồi đầu tháng Mười 2011 là tìm cách vẫn đầu tư, dù không có tiền.
Việc làm phù thủy này đã được một nhà đầu tư Mỹ, ông Bernard Lawrence “Bernie” Madoff, thực hiện thành công trong suốt 38 năm (từ 1970 đến 2008); trong thời gian dài gần 4 thập niên đó, Madoff thu vào 65 tỉ Mỹ kim theo phương thức Ponzi, phương thức lấy tiền đầu tư của những người mới bị lừa, để trả tiền lời cho những người bị lừa đầu tư từ trước.
Vụ kiện Vinashin đang biến Việt Nam thành một con nợ có bad credit, không vay mượn được nữa, trong lúc thủ tướng vẫn cần nhiều ngoại tệ để đầu tư vào những công ty của cậu ấm Nghị, cô Chiêu Phượng, và vài trăm công ty nuốt đầu tư của những “hạt giống đỏ” con nhà nòi.
Câu chuyện đầu tư giả của ông Madoff kết thúc vô cùng buồn thảm. Ông bảo hai đứa con trai ông đứng ra tố cáo việc ông lừa gạt vài chục ngàn người lấy tiền, hy vọng việc tố cáo bố trước pháp luật sẽ giúp hai đứa con ông được sống ngoài vòng tù tội.
Ngày 29 tháng Sáu 2009, Madoff bị kết án 150 năm tù giam; ngày 11 tháng Chạp 2010, cậu ấm Mark Madoff tự tử.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng và gia đình các lãnh tụ Việt Nam có tránh được những bản án trừng phạt của tòa pháp luật và tòa lương tâm không?
Nguyễn Đạt Thịnh
0 comments:
Post a Comment