Friday, December 16, 2011

Còn lâu mới bắt kịp!

Hoa Kỳ đừng lo: Trung Cộng đang vươn lên nhưng không bắt kịp được

Michael Beckley – PBD dịch

Đa số ngưòi Mỹ sợ rằng không bao lâu nữa Trung Cộng sẽ qua mặt Hoa Kỳ về sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng quan điểm này của nhiều người là sai, vì dựa trên kết quả phân tích thiếu chính xác và các ý niệm lỗi thời về sức mạnh quốc gia. Những người tin rằng Trung Cộng đang vượt qua Hoa Kỳ là phạm phải một trong ba sai lầm.


Một nhân viên làm việc tại xưởng may ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Hoạt động của cơ xưởng sản xuất của Trung Cộng đã sụt giảm trong Tháng Mười Một lần đầu tiên trong gần ba năm. REUTERS/Carlos Barria

Như Tổng Thống Obama đã nói rõ trong chuyến công du mới đây đến Á Châu, Hoa Kỳ cam kết đối phó với đà vươn lên của Trung Cộng trong vùng này. Nhưng liệu Hoa Kỳ có thành công hay không?

Đa số mọi người nghĩ là không, và có thể hiểu được tại sao họ nghĩ vậy. Trong lúc nền kinh tế của Trung Cộng tăng trưởng 9 phần trăm mỗi năm thì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bị trì trệ kinh tế và tê liệt chính trị. Kết quả thăm dò dư luận Hoa Kỳ vẫn liên tục cho thấy là đa số người Mỹ tin rằng Trung Cộng là cường quốc kinh tế vượt trội của thế giới. Và theo Trung Tâm Khảo Cứu Pew, đa số dân chúng tại 15 nước trong số 22 nước tin rằng Trung Cộng sẽ qua mặt Hoa Kỳ để thành siêu cường trên thế giới.

Nhưng quan điểm này của nhiều người là sai, vì dựa trên kết quả phân tích thiếu chính xác và các ý niệm lỗi thời về sức mạnh quốc gia. Những người tin rằng Trung Cộng đang vượt qua Hoa Kỳ là phạm phải một trong ba sai lầm.

Trước hết, họ lẫn lộn giữa tỷ lệ tăng trưởng và mức tăng trưởng chung. Kể từ năm 1991, lợi tức đầu người của Trung Cộng tăng 15 phần trăm mỗi năm, và mức chi tiêu quân sự của họ tăng 10 phần trăm mỗi năm. Trong khi đó, lợi tức đầu người tại Hoa Kỳ tăng 4 phần trăm và mức chi tiêu quân sự tăng 2 phần trăm mỗi năm. Đúng, 15 thì lớn hơn 4, và 10 lớn hơn 2. Còn có gì đơn giản hơn cho được?

Nhưng vấn đề là không thể so sánh các tỷ lệ tăng trưởng. Lợi tức trung bình của người dân Trung Cộng trong năm 2010 là 7.500$. Mười lăm phần trăm của 7.500$ thì thực ra ít tiền hơn 4 phần trăm của 47.000$, lợi tức trung bình của người Mỹ trong năm đó. Dù tỷ lệ tăng trưởng của Trung Cộng cao hơn nhưng người dân trung bình tại Trung Cộng nghèo hơn người Mỹ trung bình bao nhiêu vào năm 1991 thì ngày nay họ còn nghèo hơn thêm 17.000$ nữa.

Trong cùng thời gian đó, mức chi tiêu quân sự của Trung Cộng sụt giảm 140$ tỷ so với mức chi tiêu của Hoa Kỳ, ngay cả dù không tính số tiền chi tiêu vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Các tỷ lệ tăng trưởng của Trung Cộng cao là vì khởi điểm của họ thấp. Trung Cộng đang vươn lên, nhưng không bắt kịp.

Thứ nhì, nhiều nhà quan sát dựa vào các dấu hiệu sai sót để tính sức mạnh kinh tế của Trung Cộng. Thí dụ, một số nhà phân tích tin rằng Trung Cộng là “nền kinh tế hàng đầu về kỹ thuật” của thế giới vì nước này xuất cảng nhiều sản phẩm kỹ thuật cao hơn bất cứ nước nào khác.

Nhưng hàng kỹ thuật cao Trung Cộng xuất cảng thì không phải của Trung Cộng gì nhiều và cũng không phải kỹ thuật cao gì lắm: Hơn 90 phần trăm số hàng này là do các hãng ngoại quốc sản xuất và gồm những bộ phận nhập cảng rồi chỉ được lắp ráp tại Trung Cộng. Tỷ lệ này đã tăng lên từ từ, một khuynh hướng cho thấy các hãng xưởng của Trung Cộng đang tụt lại phía sau các hãng cạnh tranh ở ngoại quốc. Thực ra, trong bất cứ lãnh vực nào– khảo cứu và phát triển, bằng sáng chế, lợi nhuận – các hãng kỹ thuật cao của Trung Cộng đã tụt hậu nhiều hơn nữa so với các hãng của Hoa Kỳ trong hai thập niên qua.

Một con số thống kê sai lạc nữa là tỷ lệ giữa nợ với GDP(*) của Trung Cộng, mà nhà cầm quyền Trung Cộng liệt kê là 17 phần trăm. Trong khi đó thì tỷ lệ giữa nợ với GDP của Hoa Kỳ sẽ vẫn ở trên mức 60 phần trăm cho đến hết năm 2020.

Nhưng hầu hết các khoản chi tiêu của nhà nước Trung Cộng đều không được phúc trình trong các con số chính thức vì đã được chuyển qua các tổ chức đầu tư liên kết với các chính quyền địa phương. Các cuộc nghiên cứu nào có tính mức chi tiêu này thì thấy tỷ lệ giữa nợ với GDP của Trung Cộng là từ 75 đến 150 phần trăm.

Và tình hình nay chỉ có thể trở nên tệ hại hơn nữa cho Trung Cộng. Vì chính sách chỉ cho phép có một con, không bao lâu nữa Trung Cộng sẽ phải hứng chịu tiến trình già nua nặng nhất trong lịch sử loài người. Tỷ lệ giữa số công nhân làm việc cho mỗi người hồi hưu sẽ sụt giảm nhiều từ 8:1 ngày nay xuống 2:1 trễ nhất là vào năm 2040. Nội phí tổn tài khóa của mức thay đổi tỷ lệ phụ thuộc này có thể cũng đã nhiều hơn 100 phần trăm GDP của Trung Cộng. Ngược lại, số dân Mỹ trong tuổi làm việc sẽ tăng 17 phần trăm trong 40 năm tới. Tương lai tài khóa của Hoa Kỳ có thể không sáng sủa gì, nhưng vẫn còn sáng hơn tương lai của Trung Cộng.

Cuối cùng, người ta thường ghép chung tầm cỡ với sức mạnh. Không bao lâu nữa thì Trung Cộng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nhiều nhà quan sát diễn giải diễn tiến này là chuyển tiếp sức mạnh từ Hoa Kỳ sang Trung Cộng.

Nhưng tầm cỡ không phải là sức mạnh. Xét cho cùng, Trung Cộng đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong “thế kỷ nhục nhã” của họ khi mà họ bị các cường quốc Tây Phương và Nhật Bản chia năm xẻ bảy. Trái lại, Anh Quốc đã cai trị một phần tư quả địa cầu trong thế kỷ 19 nhưng ngay cả vào thời kỳ thịnh nhất thì nước này vẫn chưa bao giờ là nền kinh lớn nhất cả. Thực ra, GDP của Anh Quốc chỉ bằng nửa của Trung Cộng và nhỏ hơn nhiều so với nền kinh tế của Ấn Độ khi mà họ xâm lăng và chinh phục cả hai nước này.

Dĩ nhiên, tầm cỡ của Trung Cộng giúp cho họ giữ một vai trò quan trọng trong các vấn đề xuyên quốc, nhất là trong lãnh vực thay đổi khí hậu và mậu dịch. Hơn nữa, sức mạnh quân sự của Trung Cộng có thể đe dọa đến Hoa Kỳ mà không cần phải bắt kịp Hoa Kỳ, bằng cách áp dụng các chiến lược phi đối xứng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thương vong nhiều hơn để bù đắp cho thế yếu kém về mặt kỹ thuật của họ.

Nhưng Trung Cộng không phải là một siêu cường đang nổi lên theo kiểu Liên Xô, mà cũng không phải là một cường quốc lớn như Đức hồi đầu thế kỷ hai mươi. Họ là một nước lớn đang phát triển và sẽ vẫn như thế trong một tương lai nhãn tiền. Do đó, người Mỹ không nên sợ Trung Cộng. Nhưng họ cũng không nên ngại ngùng gì trong việc tranh giành ảnh hưởng tại Á Châu với cường quốc đang vươn lên này.

Michael Beckley is a research fellow in the International Security Program at Harvard Kennedy School’s Belfer Center for Science and International Affairs and a fellow at the Miller Center at the University of Virginia. This article is based on a forthcoming study in International Security, a quarterly journal of international affairs.

Source: CSMonitor (http://www.csmonitor.com/Commentary/Opinion/2011/1214/Don-t-worry-America-China-is-rising-but-not-catching-up)
__________________
Chú thích của người dịch:

(*) Gross National Product (Tổng Sản Lượng Quốc Nội)

0 comments:

Powered By Blogger