Joseph Cao, Người Cô Đơn
Tôi viết những dòng chữ này khi Luật Sư Cao Quang Ánh, vị Dân Biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc gây quỹ cho cuộc chạy đua vào Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ tháng 11 sắp tới. Đến nay, chưa thấy những cá nhân hay tổ chức, hội đoàn Người Việt nào đứng ra lập ban vận động, tiếp tay với ông tổ chức những sinh hoạt gây quỹ tranh cử. Đường vào Điện Capitol Nhiệm Kỳ 2 của ông đang thu hẹp dần và xem chừng đang xa dần tầm tay với.
Nhớ lại năm ngoái, khi ông Ánh vừa được đắc cử vào Hạ Nghị Viện Mỹ, Người Việt khắp nơi vô cùng vui mừng và xem đó là một bước ngoặt quan trọng của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung trong nỗ lực gia nhập vào dòng sinh hoạt chính trị của quốc gia nơi mình chọn làm quê hương thứ hai. Ngày đó, không ít tổ chức Người Việt Tỵ Nạn đã nghĩ ngay tới việc tiếp tay gây quỹ cho ông Ánh để ông có thể tiếp tục bám trụ tại Quốc Hội Mỹ. Thế rồi thời gian qua đi, chỉ chưa tới một năm sau, giờ đây nhiều hội đoàn, tổ chức, thân hữu đã chuyển sang thái độ lạnh nhạt, thậm chí chống đối vị Dân Biểu Người Việt duy nhất trong Quốc Hội Hoa Kỳ từ sau chuyến đi Việt Nam của ông.
Vào cuối năm 2009 khi mà ông Ánh trái lệnh Đảng Cộng Hòa để bỏ phiếu thuận dự luật cải tổ y tế của Tổng Thống Obama, chiều theo nguyện vọng của những cử tri trong khu vực mà ông đại diện. Khi đó, ông Ánh vẫn còn nhận được sự khen ngợi và thán phục của nhiều người, trong đó có những người chỉ một thời gian rất ngắn sau đó quay ra chỉ trích, lên án ông gay gắt.
Ông Ánh bị chống đối vì một số sự kiện và lời phát biểu sau chuyến thăm Lào, Campuchia, Việt Nam và Nhật Bản cùng với 2 đồng viện là Dân Biểu Mike Honda và Dân Biểu Eni Faleomavega vào đầu tháng giêng 2010. Người ta đưa ra tấm ảnh ông Ánh “bị” Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn “quàng vai bá cổ” để chỉ trích ông, người ta trách rằng ông đã không dùng cơ hội đến Việt Nam trong cương vị Dân Biểu Mỹ để nói lên những lời buộc tội Cộng Sản đanh thép ở giữa Sài Gòn hay Hà Nội, người ta phê phán ông Ánh chịu chấp nhận những điều kiện do Nhà Nước Việt Nam đặt ra để được cấp visa...
Trong cương vị Dân Biểu Hoa Kỳ, đến Việt Nam để thực hiện một số những Công Tác Ngoại Giao Cho Nước Mỹ, chắc chắn ông phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định, phải dùng những ngôn từ có tính “Ngoại Giao”. Nếu một ông Dân Biểu Người Mỹ làm những cộng việc giống y như ông Ánh đã làm khi ở Việt Nam (tiếp xúc với một số giới chức cầm quyền để đặt ra một số yêu cầu về vấn đề nhân quyền...) thì chắc sẽ được Người Việt Nam mình ở Hải Ngoại ủng hộ. Cũng những việc như vậy mà người thực hiện là một ông Việt Nam da vàng mũi tẹt thì lại bị tấn công một cách không thương tiếc! Như vậy thử hỏi có công bằng hay không? Nếu ông Ánh thắt chiếc Cravate có hình Quốc Kỳ Màu Vàng Ba Sọc Đỏ khi gặp các Quan Chức Cộng Sản Việt Nam, nếu ông Ánh tổ chức họp báo tại Sài Gòn và chỉ trích Việt Nam nặng lời. Chỉ cần làm như vậy thôi, khi ra khỏi Việt Nam, “Hoàn Tất Sứ Mạng” là chấm hết thì chắc là sẽ nhận được những tràng pháo tay rôm rả.
Trong chuyến về Việt Nam, ông Ánh đã không thể tiếp xúc với những Chiến Sĩ Dân Chủ vì những giới hạn của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam, thế là bị chỉ trích, bị so sánh với bà Loretta Sanchez. So sánh làm sao được khi hai người đến Việt Nam trong hai tư thế khác nhau, với sứ mệnh khác nhau. Vả lại, chuyện gặp gỡ những Chiến Sĩ Dân Chủ hay không, không quan trọng bằng làm được gì cho họ. Nếu chỉ gặp để lập thành tích rằng “tôi có gặp các nhà đối kháng”, rồi sau đó đâu lại vào đấy thì cũng vô ích. Ở đây, xin được nói ngay là tôi không hề chỉ trích bà Dân Biểu Sanchez. Trái lại, tôi vô cùng ngưỡng mộ và tri ân bà về những đấu tranh không mệt mỏi cho Công Cuộc Dân Chủ Hóa Việt Nam. Tôi chỉ muốn trình bày những lý lẽ để trả lời những sự chỉ trích nhắm vào Dân Biểu Cao Quang Ánh.
Bên cạnh đó, có những lời phát biểu của ông Ánh cũng bị chống đối dữ dội, điển hình là những lời phát biểu:
1- “Người dân có nhiều quyền tự do hơn trước đây trong việc làm ăn buôn bán miễn là không dính gì đến chính trị.”
2- ”Nói chung người dân Việt Nam ngày hôm nay có tự do thờ phượng nhưng không có tự do tôn giáo. “Chính quyền” để yên cho những ai chỉ đi nhà thờ hay nhà chùa để lễ bái, cầu nguyện. Còn những ai đòi quyền độc lập cho giáo hội, muốn hoạt động tôn giáo, thực hiện công tác xã hội, mở trường, mở bệnh viện, bảo vệ tài sản của cơ sở tôn giáo… đều bị đàn áp nặng nề...”
3- “Tôi cố gắng tạo cơ hội để một lớp người trẻ được đào tạo theo tinh thần dân chủ của Hoa Kỳ, có kỹ năng cao về hoạt động tổ chức, và có đạo đức. Họ là những hạt mầm của xã hội dân sự tương lai. Do đó tôi chủ trương tạo điều kiện để các thành viên ưu tú của dân tộc Việt Nam được “tiếp cận” hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.”
Hình như những người chỉ trích ông Ánh muốn ông ấy LUÔN LUÔN bôi đen hình ảnh của Cộng Sản Việt Nam bất chấp sự thật thế nào. Xin nhớ cho rằng ông Ánh xuất thân là một thầy tu, xin nhớ cho rằng ông Ánh đang là Dân Biểu Liên Bang, những điều ông Ánh phát biểu, người ta (cả bạn lẫn thù) đều có thể kiểm chứng và chất vấn ông sau này nếu nó chỉ là “phân nửa sự thật”...
Về 2 ý thứ nhất và thứ hai: Xét ra, “cầm quyền” Việt Nam hôm nay chỉ chú tâm vơ vét. Người dân có thể làm hầu như mọi việc giống như ở các xứ tây phương (thậm chí còn làm được các việc mà tại các xứ tự do bị cấm, thí dụ như phá hoại môi sinh, thả chó cắn chết người...), miễn là đừng đặt vấn đề về sự cai trị độc quyền của Đảng Cộng Sản, để yên cho họ tha hồ buôn dân bán nước, vơ vét cho đầy cái túi tham không đáy của họ cùng với gia tộc và tay sai của họ. Như vậy, ông Ánh bảo Cộng Sản cho làm mọi thứ, ngoại trừ chính trị là không sai. Chính vì sự cấm đoán đó mà chúng ta phải tranh đấu: Đòi tự do dân chủ là gì nếu không phải là yêu cầu Cộng Sản để cho người dân được tư do lập chính đảng, tham gia sinh hoạt chính trị bình đẳng với Đảng Cộng Sản, là đòi hỏi Cộng Sản để người dân có quyền thành lập các phương tiện truyền thông và qua đó đặt vấn đề với nhà cầm quyền về những sự bất công, bất hợp lý trong mọi lãnh vực, đặc biệt là trong chính trị v.v..
Còn về ý thứ 3, đó cũng chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì. Chính Liên Hiệp Quốc cũng chủ trương “Giáo dục là phương tiện hữu hiệu nhất để chống lại độc tài, áp bức, bất công và nghèo đói”. Cũng trong ý đó, Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã viết:
“Nếu nhân loại mọi người đều biết.
Cộng Sản là gì, tự nó sẽ tan đi
Thứ sinh thành từ ấu trĩ ngu si
Sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt”
Thế Lực Đỏ (1973)
Cứ cho là ông Ánh phát biểu sai, khi đã là ý kiến của một người thì nó có thể đúng, có thể sai, đó là điều bình thường. Thái độ trưởng thành và có thiện chí là đối thoại, thuyết phục chứ không phải thóa mạ, chống báng hay đặt điều bôi xấu. Trong buổi họp báo của ông hôm 13/1/2010, trong số những người đặt câu hỏi, tôi đã nghe được những giọng hằn học, xoi mói, sẵn sàng gây sự chứ không phải cái thái độ của những người có thiện chí muốn tìm hiểu hay muốn xây dựng.
Rất nhiều Người Việt mình có một đặc tính khá đặc biệt: Cũng chống độc tài Cộng Sản, cũng đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam nhưng hễ ai đó có cách đấu tranh khác với mình thì lập tức bị “dị ứng” và tìm cách lên án, chống phá. Có khi bôi nhọ, hành hung. Xin đơn cử một thí dụ: Bây giờ, ai cũng công nhận rằng đấu tranh bất bạo đông là con đường duy nhất để Dân Chủ Hóa Việt Nam. Cách nay hơn 20 năm, khi Khối Cộng Sản chưa bị sụp đổ, nếu ai đó có viễn kiến, hô hào đấu tranh bất bạo động, vận động đòi Cộng Sản chấp nhận cho lập đảng đối lập, chắc chắn sẽ bị chụp ngay cái mũ Cộng Sản hay chí ít cũng là cò mồi để chia ghế với Cộng Sản.
Những Phương Pháp Cổ Điển mà Người Việt Tự Do đã làm 35 năm nay như Biểu Tình, Tuyệt Thực, Kháng Thư, Tuyên Cáo... dường như tác dụng của nó không được như chúng ta mong muốn. 35 năm qua rồi, Cộng Sản Việt Nam vẫn còn đó bên cạnh 3 nước Cộng Sản cuối cùng. Ngay cả trong những thời điểm lịch sử vô cùng thuận tiện để thực hiện một cuộc thay đổi, khi kẻ thù bơ vơ, mất phương hướng, không còn hậu thuẫn, thì than ôi, chúng ta không thể thực hiện một cuộc khởi động. Tôi không hề chống những cuộc biểu tình để nói lên lập trường, tôi chỉ muốn nói rằng đấu tranh có nhiều phương pháp và không ai được phép giành độc quyền chân lý. Dân chủ là chấp nhận khác biệt. Bao lâu còn có những người hay tổ chức chủ trương độc quyền chân lý thì khó mà có thể nói chuyện hợp tác, và nếu không hợp tác được với nhau thì làm sao đạt được mục đích chung trước một kẻ thù gian xảo, mưu mô và phương tiện dồi dào hơn chúng ta bội phần.
Ba Lan may mắn hơn Việt Nam vì không có một Cộng Đồng phức tạp. Quả thật, nếu Ba Lan cũng phức tạp như Việt Nam mình thì khi ông Walechsa và Công Đoàn Đoàn Kết chấp nhận những thiệt thòi, chịu lép vế lúc bắt đầu cuộc tuyển cứ với Đảng Cộng Sản cầm quyền, chắc là sẽ nhận lấy những lời thóa mạ không thương tiếc của những người cùng chiến tuyến là “cò mồi”, “chia ghế”... Và, biết đâu, vì vậy mà tiến trình dân chủ hóa Ba Lan bị chậm lại và không thành.
Trong Chương Trình Café Wifi của Đài RFA mới đây, có một bạn du học sinh trẻ phát biểu một câu thế này: “Truyền thông ở trong nước thì nói cái gì Đảng và Nhà Nước làm cũng tốt hết, còn truyền thông ở Hải Ngoại thì bất cứ cái gì của Nhà Nước Việt Nam làm cũng đều xấu cả...”. Quả vậy, ở trong nước ai dám nói rằng việc Đảng làm không tốt là “mệt” ngay. Còn ở ngoài này ông Ánh mới phát biểu như vậy là đã bị tấn công “tối tăm mặt mũi”. Xem ra, cách hành xử của những người chống ông Ánh có cái gì hơi giống với những kẻ mà chính họ chống đối nhân danh dân chủ, tự do, nhân quyền.
Nếu mai đây, có ai đó đứng ra tổ chức gây quỹ tranh cử cho DB Ánh, chắc rằng sẽ có những người đứng ra tổ chức biểu tình chống đối hay phá hoại bằng những cách thức khác. Những người ấy có thể vì thiếu thông tin, hay vì nông nổi nên chống phá. Bên cạnh đó, thế nào cũng có những người nhận được chỉ thị của “trên” để chống phá, không cho ông Ánh còn hiện diện trong Cơ Quan Lập Pháp cao nhất của nước Hoa Kỳ. Loại ông Ánh khỏi Quốc Hội Mỹ là điều Cộng Sản Việt Nam vô cùng mong muốn và quyết tâm thực hiện.
Ở Nghị Hội Âu Châu, đại diện cho nước Pháp cũng có một Nghị Sĩ Người Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Liêm, sinh năm 1964 tại Sàigòn. Có ai nghe nói về vị Nghị Sĩ Âu Châu gốc Việt này không? Chắc là không, hoặc rất ít, vì ông Liêm chỉ làm những công việc thông thường của một vị dân cử trong Quốc Hội Âu Châu, và không làm gì đặc biệt liên quan đến Việt Nam để được Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại biết đến. Xét cho cùng, ông Liêm không làm điều gì sai, ông làm việc cho nước Pháp, cho cử tri Pháp đã tín nhiệm đảng của ông. Nếu một ngày nào đó ông Ánh nhủ lòng rằng: “Làm việc cho Người Việt Nam phức tạp và phiền toái quá, thôi thì mình trở về với cương vị một Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ bình thường cho khoẻ” thì kẻ thiệt thòi không phải là những người chống đối ông hôm nay mà chính là những người dân trong nước đang bị bịt miệng, chèn ép và tước đoạt quyền làm người.
Xin hãy bình tâm nhìn lại những gì ông Ánh đã làm được từ ngày bước chân vào Điện Capitol để thấy rằng: Trong khả năng, điều kiện của mình, ông luôn nỗ lực trong việc tìm sự ủng hộ của chính giới Hoa Kỳ đối với cuộc đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ. Nói gì thì nói, chưa ai dám lấy Nón Cối chụp lên đầu ông Ánh. Không ai phủ nhận rằng ông Ánh cũng mong muốn và nỗ lực vận động cho nước Việt Nam có dân chủ, dân Việt Nam được tự do, Người Việt Nam được sống như những con người, không bị cường quyền chà đạp, không bị thế giới khinh khi. Không ai có thể chối cãi rằng tiếng nói của những người như ông Ánh trong Diễn Đàn Quốc Hội Mỹ là thuận tiện và vô cùng cần thiết cho Tiến Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam. Một chữ ký của ông Ánh trong cương vị Dân Biểu Hoa Kỳ có giá trị hơn cả chục ngàn chữ ký của những người tầm thường như bạn, như tôi ký trên những bản thỉnh nguyện thư. Một lời phát biểu của ông trước Diễn Đàn Quốc Hội Hoa Kỳ có trọng lượng hơn hàng chục Cuộc Biểu Tình, hàng trăm Bản Tuyên Cáo... Bởi vậy, nếu ông Cao Quang Ánh không còn trong Quốc Hội Mỹ nữa, thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là Công Cuộc Đấu Tranh để giành lấy quyền làm người cho dân Việt Nam, giành tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam. Loại ông Cao Quang Ánh khỏi trong Quốc Hội Mỹ, kẻ vui mừng nhất không ai khác hơn là Tập Đoàn Cộng Sản Việt Nam, những kẻ tàn ác với dân, ươn hèn với giặc.
Kim Nguyên (VQ Bỉ) Brussels, ngày 19/03/2010
0 comments:
Post a Comment