Sunday, August 19, 2012

Hậu Duệ Ngày 19/8



Thùy Linh - Dạo này mình hay quên ngày tháng thứ. Mỗi khi có việc lại hỏi cô em cùng nhà: hôm nay thứ mấy? Ngày mấy? Tháng thì ngần ngừ một lúc cũng nhớ ra. Nhưng nhớ như in chủ nhật này là ngày 19/8 vì bạn bè thì được công an khu vực đến hỏi thăm là ngày 19/8 có ra bờ Hồ dạo chơi không? Nếu nói đi xa thì mặt các anh công an khu vực dãn ra hẳn, lại tán chuyện thêm rồi mới về. Nhưng có việc khiến mình nhớ lắm là vì anh hàng xóm có nhà cho thuê, cứ đến hẹn lại lên, ngày 19/8 (và nhiều ngày khác nữa trong năm) công an khu vực lại đưa giấy mời đi dự lễ mặc dù anh ta chả liên quan gì đến lực lượng chuyên chính hùng hậu này.

Hỏi thì rõ là người ta không cần sự có mặt của anh, nhưng rất cần cái phong bì của anh có mặt…Rồi thỉnh thoảng lại nghe thông báo: chúng em (chúng cháu) sắp đi nghỉ hè, anh (chú) cho xin ít…Thế nên nhiều người kinh doanh, buôn bán đến ngày 19/8 là thường không có mặt ở nhà với lý do rất…tế nhị. Nhưng đây là chuyện mình chán chả muốn nói đến vì gần như diễn ra ở các nơi, từ phường đến quận, thành phố. Đôi khi quay mặt đi với cái xấu diễn ra hiện nay không phải vì thỏa hiệp với nó, mà sợ mình trở nên xấu tính hay moi móc thiên hạ, và có thể sẽ trở thành người nói nhiều.
Tại sao ngày 19/8 lại trở thành kí ức (phần nhiều) là nỗi đau nhỉ? Nhìn lại tình hình thế giới và Việt Nam lúc đó và bây giờ để suy ngẫm chút...
-Khủng hoảng kinh tế trong những năm 1929 – 1933 ở các nước tư bản ảnh hưởng đến toàn thế giới, cũng như cuộc khủng hoảng hiện nay tác động đến VN.
–Năm đó chủ nghĩa phát xít thắng thế thì bây giờ là ngược lại, chủ nghĩa độc tài bị kéo đổ ở nhiều nước.
–Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản họp tại Matxcơva (tháng 7/1935) dưới sự chủ trì của G. Đimitơrốp thì hiện nay các đảng cộng sản gần như biến mất, và số còn lại không thể tập hợp lại thành lực lượng đông đảo.
Còn tình hình trong nước thì sao?
-Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đã tác động sâu sắc không chỉ đến đời sống các giai tầng và tầng lớp nhân dân lao động mà còn đến cả những nhà tư sản, địa chủ hạng vừa và nhỏ - Hiện nay cũng vậy, nhất là trong một thế giới phẳng.
-Trong khi đó, bọn cầm quyền phản động ở Đông Dương vẫn ra sức vơ vét, bóc lột, bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ và thi hành chính sách khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta – Hiện nay sao nhỉ? Có gì khác trước sau cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” cách đây gần 70 năm?
Hãy xem chủ trương và nhận thức được coi là mới mẻ của đảng CS lúc đó?
-Chủ trương đấu tranh quyền dân chủ, dân sinh: yêu cầu cấp bách trước mắt của nhân dân ta lúc này là tự do, dân chủ, cải thiện đời sống + Kẻ thù trước mắt nguy hại nhất cần tập trung đánh đổ là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng + Chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Giờ đây chống họa xâm lăng của Trung Quốc cũng quan trọng như yêu cầu cấp thiết về dân chủ, tự do và tìm cách thoát nghèo cho người dân vậy. Không thể làm cái này mà không tiến hành đồng thời việc kia.
-Mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ: Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định kết chặt với cuộc cách mạng điền địa + Tập trung đánh đổ đế quốc rồi sau mới giải quyết vấn đề điền địa + Nhưng cũng có khi vấn đề điền địa và phản đế phải liên tiếp giải quyết, vấn đề này giúp cho vấn đề kia làm xong mục đích của cuộc vận động. Hiện nay, sở hữu ruộng đất cũng đã được phân tích nhiều rằng, ruộng đất phải về tay dân cày. Đất đai phải trở thành sở hữu của người dân. Hậu duệ của những người dân tham gia Tổng khởi nghĩa 19/8 đang bị chính quyền cướp trắng đất đai của họ dưới danh nghĩa phát triển và “sỡ hữu toàn dân”. Một tầng lớp địa chủ đỏ đã và đang hình thành trên khắp cả nước. Một đất nước nông nghiệp mà hơn 80% dân khiếu kiện liên quan đến đất đai là sao?
Dường như lịch sử đang lặp lại? Dường như lịch sử đang khẩn thiết yêu cầu dân tộc VN quay lại bước đi ban đầu sau rất nhiều tang thương, mất mát, đau khổ, phản bội, nghèo đói triền miên, bất công, phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo…Và đáng sợ hơn cả xã hội VN hôm nay chả khác là bao với xã hội phong kiến tập quyền xưa kia nhưng được mạo nhận với rất nhiều mỹ từ. Giờ đây mục đích tốt đẹp không thể biện hộ, thay thế cho phương pháp, đường lối sai lầm. Nhân dân không thể là những vật làm thí nghiệm cho các cuộc cải cách liên tiếp thất bại mà vẫn không chịu thừa nhận, sửa chữa.
Cuộc cách mạng tư sản dân quyền đã biến thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bởi mục tiêu trước mắt là giải phóng dân tộc, đưa dân tộc vào cấc mối mâu thuẫn giai cấp nên đến giờ vẫn là cuộc đấu tranh giai cấp kinh hoàng, lòng người nghi kỵ, ly tán.
Còn cuộc cách mạng thổ địa vốn kêu gọi được sự ủng hộ của đông đảo nông dân thamgia cách mạng thì giờ đây rất nhiều nông dân đang phải đơn độc đấu tranh giành, giữ mảnh đất nuôi sống họ cùng gia đình.
Và ngày 19/8 sẽ luôn luôn khiến nhiều người phải ngậm ngùi, đau khổ, luyến tiếc, phẫn uất về cái giá mà họ đã phải bỏ ra cho một tương lai bất an, bất ổn, bất công, bất minh, bất xứng…
Nguồn: Blog Thùy Linh

0 comments:

Powered By Blogger