Thursday, May 17, 2012

Có thể vượt qua Trung Quốc


 

“Việt Nam phải chạy đua kinh tế với Trung Quốc!” Nói thì dễ, nhưng có thể thực hiện được hay không? Có nhiều yếu tố cho thấy nước ta có khả năng đạt được mục tiêu đó.
Với điều kiện chính quyền không ngăn cản tiềm năng phát triển của người dân, đặc biệt là các thanh niên sắp vào đời, và các nhà kinh doanh tư nhân.
Trước hết, nếu giả thiết Việt Nam và Trung Quốc cùng theo một tốc độ phát triển, thì trong một thế hệ nữa chắc chắn kinh tế nước ta sẽ bắt đầu vượt qua họ, nhờ một yếu tố hiển nhiên: Người Trung Quốc ngày càng già hơn. Tức là số người Trung Quốc làm việc sẽ ít đi; số người “nghỉ hưu” sẽ tăng lên. Hiện nay cứ 100 người Trung Hoa thì có 72 người đang trong tuổi làm việc; đến năm 2050, sẽ chỉ còn 61 người trong hoạt động sản xuất. Giống như cứ bẩy người đang làm việc họ sẽ mất một người. Từ nay đến năm 2050 số người Trung Hoa trong lớp tuổi 50 sắp nghỉ hưu sẽ tăng thêm 10%; còn những thanh niên trong lứa tuổi 20, mới bắt đầu bước vào thị trường lao động, sẽ giảm đi mất một nửa. Lứa tuổi đứng giữa (trung số, median) ở Trung Quốc hiện giờ là 34.5. Ðến năm 2050, lớp tuổi đứng giữa sẽ là 49 tuổi, tức là một nửa dân số già hơn và một nửa trẻ hơn lứa tuổi này!
Một nguyên nhân gây ra tình trạng người ăn vẫn đông mà người làm thì bớt đi, là chính sách một con thi hành từ lâu. Nhưng còn một lý do khác làm dân số Trung Quốc ngày càng già hơn, là phụ nữ bớt sinh đẻ. Cách đây 30 năm, một trăm đàn bà Trung Hoa sinh 260 đứa con; hiện nay họ chỉ còn sinh 156 con (Tỷ lệ sinh sản trung bình giảm từ 2.6 xuống 1.56). Từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ này sẽ còn xuống thấp đến 1.51 con mỗi bà. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ tiếp tục sinh ít con. Ở các thành phố lớn, tình trạng càng trầm trọng; năm 2010, tỷ lệ sinh sản của phụ nữ ở Thượng Hải là 0.6.
Ưu thế của Việt Nam là dân số trẻ hơn Trung Quốc; số người trong tuổi làm việc vẫn tiếp tục tăng lên trong khi bên Trung Quốc giảm đi. Lực lượng lao động rẻ tiền ở Trung Quốc hiện nay cạn dần, các công nhân tranh đấu đòi hỏi, trung bình lương tăng 20% một năm. Vì thế hiện nay nhiều công ty quốc tế như Nike đã bỏ Trung Quốc sang nước ta mở nhà máy lắp ráp, để tiếp tục được trả lương rất thấp.
Tất nhiên, người Việt Nam không thể nào cứ tiếp tục chạy sau Trung Quốc; họ bỏ rớt cái gì thì mình lượm! Chúng ta không thể cứ theo đuôi bắt chước họ, đem bán rẻ sức lực người lao động nước mình. Muốn chạy đua với Trung Quốc, nước ta phải tìm cách “đi bước trước!” Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới tạo cơ hội cho các ngành hoạt động kinh tế mà chính Trung Quốc cũng chưa đặt chân vào. Trung Quốc đã chiếm ưu thế so với nước ta là vì họ đã bắt đầu làm ăn theo lối Mỹ từ năm 1978, trong lúc Việt Nam vẫn còn coi Liên Xô là khuôn mẫu để học tập. Nhưng từ khi cải cách kinh tế, Trung Quốc vẫn chỉ dựa trên nền kinh tế thế giới cũ, thiên về sản xuất, nhất là sản xuất hàng loạt, dùng số lớn để hàng được giá rẻ. Chính nền kinh tế cũ đó, bắt đầu từ thế kỷ 19, 20, hiện nay đang dần dần biến đổi. Sẽ đến ngày sản xuất hàng loạt không phải là sức mạnh nữa, vì không đem lại nhiều lợi lộc nhất. Kinh tế thế giới sẽ được địa phương hóa nhiều hơn, người tiêu thụ sẽ đòi hỏi được mua những thứ hàng thích hợp với cá tính của họ hơn; và họ sẵn sàng trả giá đắt hơn để nhu cầu này được thỏa mãn. Những nhà kinh doanh nào sớm bước chân vào các lãnh vực đó thì sẽ qua mặt các người kinh doanh khác.
Cần nhấn mạnh đến “các nhà kinh doanh.” Các quốc gia không sáng chế ra món hàng mới, không sản xuất và cũng không tiêu thụ hàng hóa. Chính các nhà kinh doanh vẽ kiểu các sản phẩm, thí nghiệm các thị trường, tìm cách thỏa mãn nhu cầu và sở thích người tiêu thụ. Các quốc gia không thể làm công việc đó. Muốn cho người Việt Nam qua mặt được người Trung Quốc trên mặt kinh tế thì phải tạo cơ hội, tạo ra những điều kiện để thanh niên nước mình được tự do học hỏi, phát triển khả năng, sáng kiến; và các nhà kinh doanh nước mình được tưởng thưởng theo khả năng chinh phục thị trường của họ, chứ không phải do quan hệ, chạy chọt, đút lót những kẻ quyền thế.
Một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên tin học và Internet là những xí nghiệp nhỏ và trung bình cũng có hy vọng thành công, không thua gì các đại công ty lâu đời. Những công ty nhỏ không đòi hỏi số vốn cao, không đòi hỏi phải mua máy móc đắt tiền, lúc khởi sự cũng không cần đông người làm việc. Tất cả các công ty tin học và Internet lớn nhất bây giờ đều mới ra đời trong mấy chục năm qua, trong khi các đại công ty cùng ngành tin học cứ đứng tại chỗ, trố mắt nhìn “bọn trẻ” qua mặt mình.
Ngay bây giờ, tại thành phố New York đang sinh ra một “đợt sóng mới” các nhà kinh doanh tin học và Internet, không khác gì hiện tượng diễn ra ở thung lũng điện tử California trước đây 30 năm. Tại một số tòa nhà ở khu thuê nhà còn rẻ ở New York, có những công ty “khởi nghiệp” chen chúc nhau, mỗi công ty có thể chỉ thuê vài ba chỗ kê bàn làm việc. Trong 5 năm qua, có một ngàn công ty khởi nghiệp (start up), số làm nghề tin học tăng thêm gần 2,000 người. Hiện có 400 công ty khởi nghiệp trong một khu chung quanh Union Square; tại một ngôi nhà trên đại lộ Broadway có 8 công ty khởi nghiệp thuê văn phòng. Tại một ngôi nhà trên Phố 22, với một bàn ping pong, một phòng tắm hoa sen, một cây đàn guitar, và một bộ trống, chứa năm bẩy công ty nho nhỏ; trong đó có người ăn ngủ ngay tại trụ sở công ty để khỏi phải thuê nhà trọ. Tại ngôi nhà này, đã có một công ty start up khá thành công, được Google đề nghị mua để kết hợp lại; các “nhà kinh doanh trẻ” khác coi đó là dấu hiệu “phong thủy” ngôi nhà tốt!
Người ta chưa dám tiên đoán lớp kinh doanh trẻ ở New York này sẽ thành công ngoạn mục như lớp đàn anh ở Thung Lũng Silicon hay không; nhưng hiện tượng này đang được chú ý. Những chuyên gia tin học và kinh doanh này không được một chính quyền nào trợ cấp cả. Trong hàng trăm người đó dù chỉ có 3 đến 5 người hy vọng sẽ thành công ít nhiều, nhưng giới “đầu tư mạo hiểm” (venture capitalist) sẵn sàng đánh cá đem tiền đến góp. Ở nước Mỹ không phải chỉ có thành phố New York cung cấp những điều kiện cho các nhà kinh doanh kiểu này.
Tại Trung Quốc người ta chưa tạo được môi trường để sinh ra các hoạt động kinh doanh mạo hiểm và kích thích sáng kiến, phát minh như vậy. Bao nhiêu tài năng của giới trẻ bị lãng phí, bao nhiêu người có sẵn tiền để góp vốn nhưng không có cơ hội đầu tư, chỉ biết “khoe của” bằng việc xài sang, xây nhà, mua xe, mua cả máy bay để phô trương.
Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Phải thay đổi mới hy vọng vượt qua Trung Quốc. Nếu một chính quyền Việt Nam trả tự do cho thanh niên có cơ hội học hỏi, nền giáo dục được mở rộng cho tư nhân đóng góp, cạnh tranh với nhau, thì giới chuyên viên nước ta, chỉ trong vòng mười đến hai chục năm, sẽ gia tăng không thua gì Sinpapore hay Hàn Quốc. Vừa rồi có cảnh cha mẹ học sinh xếp hàng từ đêm hôm trước để được nộp đơn cho con vào Trường Thực Nghiệm Hà Nội; chen lấn làm đổ cả cổng trường. Người ta tự hỏi tại sao trong mấy chục năm nay không có trường nào cố ngoi lên cạnh tranh với trường phổ thông cơ sở này? Nếu các trường tư được tự do hoạt động thì chắc chắn sẽ có; và đó chính là ưu điểm của kinh tế thị trường. Các học sinh trường này khi lên đại học sẽ ra sao? Hay là lại đua nhau xuất ngoại rồi ở lại nước ngoài luôn?
Nếu có một chính quyền ở Việt Nam trả tự do cho các doanh nhân thi đua khả năng mà không lo bị ai ăn cướp, ăn chặn, ăn hớt, đòi hối lộ, thì cũng chỉ cần 5 đến 10 năm nước ta sẽ có những người biết góp vốn cho những cuộc đầu tư mạo hiểm. Người ta chỉ dám mạo hiểm kiểu đó khi biết chắc rằng được đối xử công bằng theo luật lệ của cải được luật pháp bảo vệ.
Việt Nam có thể chạy đua và qua mặt Trung Quốc nếu nước ta đi bước trước, chỉ cần một bước mà thôi. Ðó là bước cải tổ chính trị. Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đang hô hào nước ông cải tổ chính trị, nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ bế tắc. Nước ta không cần nghe ai cả, hãy cứ theo lời khuyên của ông Ôn Gia Bảo. Nếu Việt Nam cải tổ chính trị sớm hơn Trung Quốc được 5, 10 năm thì chúng ta sẽ tạo được cơ hội cho kinh tế phát triển mạnh hơn, sẽ qua mặt Trung Quốc, bởi vì họ sẽ lâm vào bế tắc.
Dấu hiệu bế tắc đã bắt đầu xuất hiện với các thống kê kinh tế trong tuần qua. Tuy xe vẫn chạy nhưng tất cả đều giảm bớt tốc độ. Ðiều này cho thấy cả hệ thống đã lâm vào cảnh “hết hơi.” GDP Trung Quốc tăng lên với tỷ lệ 8.1%, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Trung Quốc dựa quá nhiều vào việc xuất cảng, nhưng số thương vụ xuất nhập cảng đều xuống thấp trong Tháng Tư vừa qua. Chính quyền Trung Quốc chuyển hướng sang việc tiêu thụ trong nước. Nhưng số hàng bán lẻ trong Tháng Tư chỉ tăng thêm 14%, tỷ lệ gia tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Số đầu tư vào tích sản cố định, ba tháng đầu năm ngoái tăng hơn 25%, năm nay chỉ tăng 20%. Ðầu tư vào nhà đất, bốn tháng đầu năm ngoái tăng 34%, năm nay chỉ tăng 19%. Số sản xuất công nghiệp tăng 9% trong Tháng Tư, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2009. Một dấu hiệu kinh tế trì trệ là số điện lực sản xuất chỉ tăng dưới 1% trong Tháng Tư, so với năm ngoái đã tăng 7%. Thị trường địa giảm mạnh nhất, vì các chính sách ngăn chặn đầu cơ. Số nhà bán giảm 15% so với năm ngoái.
Những con số trên không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sắp suy thoái. Chúng chỉ là dấu hiệu chứng tỏ “mô hình kinh tế Trung Quốc” đã sử dụng hết sức khả năng của nó; và sức sống đang cạn dần. Một chướng ngại cản trở kinh tế Trung Quốc là hệ thống ngân hàng quốc doanh. Vì chỉ lo chuyển tiền của dân cho các doanh nghiệp nhà nước tiêu phí nên các ngân hàng này sẽ gặp khủng hoảng hết vốn. Nhưng tai họa do các ngân hàng gây ra không nặng nề bằng nạn tham nhũng lạm quyền. Chính hệ thống tham nhũng sẽ giết chết “con gà đẻ trứng vàng” là các hoạt động kinh tế tư nhân. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể cải tổ được như Ôn Gia Bảo khuyến cáo, vì tất cả các quan chức cao cấp từ trung ương đến địa phương đang hưởng lợi trên hệ thống cai trị độc tài hiện tại. Họ sẽ chống lại tất cả các ý định cải tổ.
Cho nên, nước Việt Nam có cơ hội với triển vọng qua mặt Trung Quốc về kinh tế, nếu nước ta bước cải tổ sớm hơn. Việc cần làm ngay bây giờ là cải tổ giáo dục để huấn luyện các chuyên gia và các nhà kinh doanh trẻ. Khi xã hội công bằng hơn, luật lệ minh bạch và thi hành nghiêm chỉnh, khi người dân được làm ăn tự do hơn thì kinh tế phải phát triển tốt đẹp. Nếu không biết thay đổi sớm thì nước ta lại tiếp tục cảnh “theo đuôi” con voi Trung Quốc, chờ nó nhả miếng bã mía nào ra thì hít lấy! Người Việt Nam chẳng lẽ chịu nhục như vậy?
Ngô Nhân Dụng

0 comments:

Powered By Blogger