Thư mời tham gia nhóm hành ộng sách hóa nông thôn và tham vấn cộng đồng
Tôi rất mong mọi người dành 10 phút đọc bức thư này để cùng tôi hành động vì một nông thôn Việt Nam tiến bộ, an toàn, bền vững , nhân văn và một Việt Nam được tôn trọng trên trường Quốc tế bằng việc sẽ tham gia đóng góp những cuốn sách thiết thực và nhân văn đến những nơi người dân đang khao khát được đọc chúng.
1. Về tôi (Tôi là ai?): Tôi là Nguyễn Quang Thạch, sinh năm 1975 tại xã Sơn Lễ – Hương Sơn – Hà Tĩnh, có số CMND là 1830021810 do CA Hà Tĩnh cấp ngày 10/6/2008. Hiện là giám đốc Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, có địa chỉ đăng ký tại số 7, ngách 445/10, ngõ 445, Lạc Long Quân, Hà Nội. Tôi là người sáng lập ra mô hình Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, và đồng sáng lập mô hình tủ sách giáo xứ/giáo họ.
2. Tại sao tôi kiên trì đeo đuổi việc đưa sách về nông thôn?
Chúng ta thường chứng kiến những đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền do người mẹ thiếu kiến thức cơ bản về thai sản; chứng kiến sự vô cảm của rất nhiều sinh viên trong thời gian học đại học; chứng kiến những đứa trẻ nông thôn lang thang tại các bãi rác thành phố để kiếm sống, chứng kiến những người dân nông thôn phải lam lũ kiếm tìm sự mưu sinh trên các đường phố Hà Nội, chứng kiến nhiều điều tệ hại khác đã xảy trong đời sống xã hội do thiếu tri thức gây nên…. Nếu là một công dân có trách nhiệm, khi chứng kiến những điều đó hẳn bạn sẽ tự hỏi CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÃ HỘI CỦA CHÚNG TA TỐT ĐẸP HƠN? Từ những cảm nhận về những gì xảy ra quanh mình, tôi suy nghĩ rằng chỉ có tri thức mới giúp cho đất nước mình nói chung và người dân nông thôn nói riêng có đời sống vật chất lẫn tinh thần tốt hơn. Tôi không muốn tiếp tục thấy: những đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật về thể chất do mẹ chúng thiếu kiến thức, những đứa trẻ khuyết tật về mặt tâm hồn do chúng không được tiếp xúc với tri thức thực sự, những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc do thiếu hiểu biết; những ông chồng chỉ biết ăn nhậu và đánh vợ; và sự vô cảm của công dân trong xã hội…. Bởi thế, tôi khao khát được mang những tri thức thực sự đến với những người đang cần có nó, tôi muốn tất cả người dân nông thôn CÓ SÁCH ĐỌC.
3. Tôi đã làm gì để thực hiện việc đưa sách về nông thôn?
Bằng tiền túi lương thiện của mình và trong 10 năm (1997-2007), tôi đã tự nghiên cứu, thiết kế ra các mô hình tủ sách cho nông thôn. Tháng 3/2007, cũng bằng 5 triệu đồng tiền túi của mình, tôi đã khởi động Mô hình tủ sách dòng họ. Đến tháng 9/2009, với thêm khoảng 15 triệu trích từ tiền lương cá nhân do làm việc cho PMU85 của Bộ GTVT, BTC của Bỉ và World Vision và SỰ ỦNG HỘ bằng sách và tiền của khoảng 100 cá nhân khác, tôi đã xây dựng được 30 tủ sách dòng họ ở 10 tỉnh trên cả nước. Đến tháng 10/2009, sáng kiến Tủ sách dòng họ nhận được 400 triệu từ cuộc thi sáng kiến phục vụ cộng đồng.. Trong 2 năm, với sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm khác và số tiền của giải thưởng, tôi đã xây dựng thêm 56 tủ sách nâng tổng số tủ sách lên 86 ở 20 tỉnh khác nhau. Đặc biệt, trong đề án nâng cao văn hóa đọc quốc gia, Mô hình tủ sách dòng họ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục khuyến khích xây dựng trên toàn quốc.
Tháng 5/2010, với 500.000 tiền túi của mình và 1.850.000 huy động từ cha mẹ học sinh, tôi lại khởi động thêm Mô hình tủ sách phụ huỵnh đặt tại lớp 7A3 của trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. 4 tháng sau, phụ huynh của tất cả các lớp đã góp tiền xây dựng 8 tủ sách khác. Sau 1 năm hoạt động, số sách được mượn đưa về nhà gấp 6 lần thư viện nhà trường và sách mượn đọc tại chỗ đã tăng 55 lần so với thư viện nhà trường. Nhờ vào kết quả của mô hình mà 5 trường khác trên bàn huyện Quỳnh Phụ đã triển khai nhân rộng mô hình. Rộng hơn nữa, Phòng giáo dục huyện đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình đến 77 trường học khác trên toàn huyện.
Tháng 10/2011, cùng với một luật sư Công giáo, tôi khởi động thêm mô hình tủ sách giáo xứ. Mô hình này sẽ do những người công giáo tiếp tục nhân rộng.
Tết cổ truyền năm 2010, tôi đã đi xuyên Việt bằng xe máy giới thiệu mô hình tủ sách dòng họ và kêu gọi đưa sách về nông thôn.
Trên cơ sở tự nguyện và khát vọng cá nhân vì một nông thôn Việt Nam tiến bộ, bền vững và nhân văn, tôi đã cống hiến cho tiến trình sách hóa nông thôn là 14 năm và số tiền xấp xỉ 5.000 USD.
4. Tại sao tôi viết thư này tới mọi người?
Do số lượng dòng họ và các trường học xin sách để xây dựng các tủ sách do tôi đã khởi xướng ngày càng tăng lên, tôi đã đứng ra kêu gọi mọi người chung tay với tôi để giúp đỡ hàng chục triệu người dân nông thôn, đặc biệt là hàng triệu học sinh, có sách đọc. Tôi quyết đinh tiếp tục dành toàn thời gian cho việc đưa sách về nông thôn với mục tiêu mỗi tháng xây dựng 2 tủ sách dòng họ và 8 tủ sách phụ huynh để giúp ít nhất 3.000 người dân có sách đọc/tháng. Vì mục đích này, tôi đành bỏ việc với mức lương 900 USD/tháng sau 2 tháng làm việc.
TÔI MONG RẰNG: Khi đọc xong bức thư này mọi người sẽ CÙNG NẮM TAY TÔI HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT VIỆT NAM TỐT ĐẸP HƠN bằng cách tham gia Nhóm hành động sách hóa nông thôn và sẽ chia sẻ cho nông thôn Việt Nam mỗi tháng 20.000 đồng.
Tôi kỳ vọng rằng người Việt sẽ giúp người Việt giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn trong thời gian nhanh nhất khi có 3.000 người tham gia vào nhóm này.
5. Tham gia nhóm hành động sách hóa nông thôn và đóng góp cho nông thôn mọi người sẽ được gì?
(i) Được chia sẻ trách nhiệm với nông thôn bằng sách
(ii) Dòng họ hoặc ngôi trường của chính mọi người sẽ được xây dựng tủ sách.
6. THAM GIA NHÓM HÀNH ĐỘNG SÁCH HÓA NÔNG THÔN VÀ ĐÓNG GÓP CHO NÔNG THÔN NHƯ THẾ NÀO?
Đăng ký thành viên https://www.facebook.com/groups/sachhoanongthon/ hoặc gửi mail đến sachhoanongthon@gmail.com
Khi đã thấy tin tưởng và muốn chia sẻ trách nhiệm với nông thôn Việt Nam, thành viên của nhóm gửi đóng góp mỗi tháng một cuốn sách bằng 20.000 đồng đến:
TÊN tài khoản: Nguyễn Quang Thạch
Số tài khoản: 0101000509045
Tên ngân hàng: Vietcombank, chi nhánh Vinh
Số tiền từ khoản cá nhân sẽ được chuyển sang tài khoản của Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng. Các chi tiêu gồm việc trả lương cho nhân viên, hoạt động văn phòng, mua sách và vận chuyển sách đến các dòng họ và trường học tuân thủ tuyệt đối pháp luật hiện hành. Trung thực, minh bạch, giải trình, trách nhiệm và tận tâm là những chuẩn mực bất biến trong mọi hành động của tôi. Sách hóa nông thôn vì một nông thôn Việt Nam an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn là giá trị cốt lõi của Nhóm hành động sách hóa nông thôn.
7. Các tủ sách được xây dựng thế nào?
Tủ sách dòng họ: Dựa trên cơ sở các dòng họ đăng ký xin sách cũng như chấp nhận đóng tủ đựng sách và cắt cử người quản lý, Chương trình xây dựng tủ sách nông thôn sẽ tặng cho mỗi dòng họ từ 150-180 đầu sách và được tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách.
Tủ sách phụ huynh: Dựa trên cơ sở phụ huynh đã góp tiền đóng tủ và mua sách, Chương trình xây dựng tủ sách nông thôn sẽ tặng cho mỗi lớp học từ 50-70 đầu sách và học sinh được tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách.
Dựa trên sự đóng góp của mọi người, kế hoạch xây dựng các tủ sách sẽ được đưa ra vào ngày 20 hàng tháng.
Các hoạt động được thể hiện tại đây http://sachlangque.net/
THAM VẤN CỘNG ĐỒNG: Rất mong mọi người tư vấn cho tôi cách thu nhận đóng góp của những người tự nguyện tham gia nhóm Hành động sách hóa nông thôn vào tài khoản cá nhân rồi chuyển sang tài khoản Trung tâm do nhà nước giám sát và quản lý như nêu ở Phần 6 có hợp pháp
Theo Blog Nguyễn Xuân Diện
0 comments:
Post a Comment