Tuesday, November 22, 2011

Chuyện Từ Làng Sher Đến Thôn Bàn Thạch

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc sẽ phải cam chịu hay có một số phận xứng đáng với sự lựa chọn và cách sống của họ.”

Ngô Thế Vinh

Trải qua hàng ngàn năm, làng Sher, một cái làng nhỏ tí ở Tây Tạng, vẫn bám lấy cái sống dù ở một vị thế sinh tồn khắc nghiệt, một thềm đất hẹp nằm chênh vênh trên một sườn núi dựng đứng. Ở vị thế khô cằn này của cao nguyên Tây Tạng, lượng nước mưa hàng năm chỉ được khoảng dưới 10cm. Nhưng từng giọt nước đều được thu giữ trong một hệ thống tưới tiêu có từ thời thượng cổ. Nhiệt độ trung bình hàng năm luôn gần ở mức đóng băng (0oC), còn từ tháng Chạp đến tháng Hai thì hàn thử biểu bao giờ cũng lơ lửng trong khoảng -6oC đến -10oC.

Loài cừu ở đây có bộ lông cực dầy, giữ ấm rất tốt; lông cừu được quay và dệt thành áo quần và chăn đắp giúp dân làng chịu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông vì họ không có gì khác hơn ngoài chút hơi ấm của bếp lò.
Nhà tranh vách đất cứ mười năm thì phải lợp lại, và những cây liễu trồng dọc theo bờ kinh được dùng vào việc này. Khi một cành bị cắt đi để làm mái, một nhánh khác sẽ được ghép vào. Cây liễu có thể sống tới bốn trăm năm, và khi cây chết thì người ta sẽ trồng một cây mới. Chất thải được tái chế thành phân bón để trồng cỏ, rau và lúa mạch – nguồn thực phẩm chính ở nơi đây, gọi là tsampa – và những loại rau có củ dành cho mùa đông.
Trải qua nhiều thế kỷ dân số của làng Sher vẫn giữ nguyên, chừng ba trăm nhân khẩu. Ông Jonathan Rose, một người làm nghề xây cất và cũng là người sáng lập ra phong trào nhà xanh và hợp túi tiền, đã học hỏi được nhiều điều qua cách sinh tồn khôn ngoan mà dân làng Sher đã tìm ra trong cái hốc nhỏ bất an của họ. Rose nói: Một ngôi làng có thể sống hàng ngàn năm trong một hệ thống sinh thái như thế thì đúng là bền vững thật sự.”
Đoạn văn dẫn thượng được chuyển ngữ bởi dịch giả Nguyên Trường, và được trích dẫn từ Ecological Intelligence của Daniel Goleman (do Broadway Business xuất bản, năm 2009). Ngôi làng nhỏ được nhắc đến trong cuốn sách này, khiến tôi lên tưởng đến Bàn Thạch Thôn và sông Bàn Thạch – ở Tam Kỳ.
Tôi chưa bao giờ có cái may mắn được bước chân ra đến miền Trung của đất nước mình nên chỉ biết con sông nhỏ bé, và thơ mộng này, qua ngòi bút của tác giả Huỳnh Thục Vy – trên web Đàn Chim Việt:
Sông Bàn Thạch là một con sông rất đẹp. Sông chia làm hai nhánh, giữa hai nhánh sông là một cồn đá, chiều dài hơn 1km, khoảng giữa rộng nhất khoảng 200m, hai đầu hẹp dần. Người ta gọi cồn này là: ‘Cồn Thị’ vì ở đó có những cây thị rất lớn, cao 20m, vòng gốc 10 người ôm.
Cửa sông Bàn Thạch. Nguồn ảnh: panoramio.com
Theo lời ba tôi kể lại, cồn thị là một cồn đá, hai đầu cồn đá này là hai bãi sình, ở đó là một rừng cây ‘rán’, một loại dương xỉ lớn. Trong rừng dương xỉ có rất nhiều chim, chim Áo đà (vì nó có bộ lông màu đà giống áo nhà sư – mõ trắng rất đẹp) chim vành khuyên, chim mía, và rất nhiều cò, những con cò đậu vắt vẻo trên lùm cây bần, cây đước, chúng sống và làm tổ ở đó.
Những buổi chiều, khi đèn đường bật lên, những con cò về đậu đầy trên những lùm cây đó. Tiếng kêu trầm đục buồn buồn.
Sông Bàn Thạch sâu và thơ mộng lắm. Dưới sông đầy cá, cá bơi lội tung tăng đùa giỡn trong làng nước trong xanh. Cá nhiều đến nỗi từ trên cầu nhìn xuống chân cầu, cá tập trung thành từng bầy nhung nhúc, cá Hồng, cá Hanh, cá Tràng, cá Nâu, cá Dìa, cá Gáy, cá Thác lác, cá Căn…
Nhưng đó là ký ức của ba tôi. Giờ đây trước mặt tôi là một dòng sông chết, nước sông đen ngòm, hôi thối và đặc quánh. Dòng sông cạn vì rác mà người dân chung quanh đó đổ xuống, rác nhiều đến nỗi làm nghẽn cả dòng, còn đôi bờ thì dần thu hẹp lại.
Trên dòng sông đó lềnh bềnh những xác chết súc vật, ngập ngụa phân người trong những túi nilon, đủ thứ rác. Từ giường chiếu, mùng mền cũ, bao ximăng, bao đựng gạo, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ và cả băng vệ sinh phụ nữ ‘siêu mỏng’. Mặt nước sông phủ một lớp rêu xanh, dập dềnh xác súc vật trong làn nước đặc quánh dầu mỡ người ta xả ra từ những chiếc ghe cá và từ khắp nơi gần đó. Bây giờ cá đã chết, chim đã bay xa. Cồn Thị bây giờ không còn cây Thị nào, người ta đã đốn đi rồi.”
Dân làng Sher đã trải qua hàng ngàn năm trong một môi trường sống hết sức khó khăn. Họ canh tác trên những thềm đất cheo leo bên sườn núi dựng, với lượng nước mưa rất hạn chế, và trong điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Và họ có rất nhiều hy vọng sẽ có thể tiếp tục sinh tồn hàng ngàn năm nữa, nếu vẫn giữ nếp sinh hoạt theo những thói quen “chịu thương chịu khó” của truyền thống cũ: chắt chiu từng giọt nước mưa, trân trọng tháp từng cành liễu, và không bỏ phí bất cứ thứ gì – kể cả phân người.
Chỉ có vài ba trăm nhân khẩu, sống chênh vênh trên một sườn núi dựng giữa rặng Hy Mã Lạp Sơn, dân làng Sher khó có cơ may được cắp sách đến trường. IQ của họ, vì thế, chắc khó được cao. Tuy vậy, không ai có thể đánh giá thấp thương số EQ (ecological quotient) của những con người rất mẫn tuệ về khía cạnh thông minh sinh thái (ecological intelligence) này.
Dân ở Bàn Thạch Thôn thì ở vào một hoàn cảnh và môi trường khác hẳn. Họ được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều. Việt Nam không có những mùa Đông băng tuyết. Vũ độ ở xứ sở này lại được tính (hào phóng) theo đơn vị mét, nghĩa là cả trăm inches. Riêng Bàn Thạch Thôn vừa gần biển, lại gần sông.
“Sông Bàn Thạch sâu và thơ mộng lắm. Dưới sông đầy cá, cá bơi lội tung tăng đùa giỡn trong làng nước trong xanh. Cá nhiều đến nỗi từ trên cầu nhìn xuống chân cầu, cá tập trung thành từng bầy nhung nhúc, cá Hồng, cá Hanh, cá Tràng, cá Nâu, cá Dìa, cá Gáy, cá Thác lác, cá Căn…“
Cá chết trên sông Bàn Thạch. Ảnh: DOÃN HOÀNG. Nguồn: Tuổi Trẻ Online.
IQ của người dân ở vùng đất Ngũ Phụng Tề Phi, tất nhiên, không thể thấp. Có điều khó mà tin rằng họ có tỉ số EQ cao khi thấy “xác chết súc vật, phân người, mùng mền chiếu gối, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ, băng vệ sinh phụ nữ… lềnh bềnh… trong làn nước đặc quánh dầu mỡ” trên sông Bàn Thạch.
Nếu tình trạng này không được cải thiện, Bàn Thạch Thôn e khó có thể tồn tại đến hết thế kỷ này. Và Bàn Thạch Thôn không phải là nơi duy nhất mà người dân đang hủy hoại môi trường sinh thái qua cách ăn xổi ở thì như thế. Bàn Thạch cũng không phải là con sông duy nhất đang bị bức tử.
Nhà báo Tạ Phong Tần đã có bài tường thuật (Việt Nam: Tất cả đều đổ ra sông) với rất nhiều dữ kiện rất đáng quan ngại:
Hiện nay, nhiều con sông ở Hà Nội đã bị biến thành sông rác. Rất nhiều loại phế thải từ dịp tết, từ những cành đào, quất chưng xong sau tết bỏ đi đến lá gói bánh chưng, vỏ hộp mứt kẹo, chiếu rách, bàn thờ cũ… được tập trung vứt xuống sông.” (Tuổi Trẻ, 24/2/2010)
Nhiều dòng sông ở tỉnh cà Mau hiện nay đều ngập rác. Hằng ngày, tại chợ nông sản Cà Mau (phường 7, thành phố Cà Mau) nơi thuyền ghe tấp nập lên hàng, rất nhiều người mua bán các loại nông sản, hàng hóa cứ vô tư tống thẳng đủ loại phế phẩm, rác rưởi xuống sông. Dọc hai bên bờ sông hiện có gần 500 hộ dân sinh sống, rất nhiều gia đình thường xuyên xả rác sinh hoạt, nước thải xuống sông.” (Tuổi Trẻ, 04/3/2010)
Tất cả đều “tuồn” ra sông, rõ ràng, không phải là một cung cách sống. Đó là một kiểu tự sát tuy không chết ngay nhưng chắc chết, chết chắc, và chết hết.
Sông ở Cà Mau. Ảnh: Duy Khang. Nguồn: Tuổi Trẻ Online.
Từ Bàn Thạch Thôn, tác giả bài báo thượng dẫn, một cô gái ở tuổi đôi mươi, đã phải thảng thốt kêu:
Nếu như thế thì nguy rồi?! Trách nhiệm này thuộc về ai… một dòng sông chết, một môi trường ô nhiễm, trước hết trách nhiệm thuộc về người dân xóm tôi, sau nữa là Thành phố Tam Kỳ và cuối cùng trách nhiệm quan trọng này thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lãnh đạo và quản lý đất nước này, họ phải có câu trả lời cho vấn đề đã tồn tại hơn 30 năm nay.”
Tôi e rằng Huỳnh Thục Vy đặt kỳ vọng quá cao vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Khả năng “lãnh đạo và quản lý đất nước” của đám người này đã được Nhật Hiên, một thông tín viên của RFA đánh giá, như sau:
“… nói chung các vị đang cầm cân nảy mực trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội Việt Nam có quan trí thấp, tầm nhìn ngắn dù phần lớn đều có đủ loại bằng cấp; chưa kể cung cách trả lời hoặc ‘hòa cả làng’ hoặc nói lấy được, ‘cả vú lấp miệng em’ bất chấp người dân nghĩ gì, nguyện vọng của nhân dân ra sao, tương lai vận mệnh nước nhà thế nào. Có đại biểu đã phải kêu lên như một sự bất lực là chịu không hiểu nổi cách giải trình của các ông Bộ trưởng! Các vị không hiểu, nhân dân lại càng không thể hiểu và cuối cùng đành phải giải thích ‘cái nước mình nó thế‘!”
Nó không “thế” mãi được đâu. Cái thời mà ông Hoàng Ngọc Hiến có thể nhún vai “nói thế” (cho xong chuyện) không còn nữa. Cái giai đoạn mà những người thuộc thế hệ đến sau vẫn còn có thể tiếp tục “đành bỏ ngỏ” (theo như cách nói của nhà thơ Bùi Chát) cũng qua rồi.
Không dân tộc nào có thể sống mãi bên những dòng sông ngắc ngoải, và trong tay của bọn thực dân nội địa – những kẻ sẵn sàng tháo cạn nước của một dòng sông hay đốt cháy nguyên một khu rừng, chỉ vì cần thêm vài con cá nướng trui để nhậu chơi, và vẫn có thể trơ tráo nói rằng “đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.”

0 comments:

Powered By Blogger