Tuesday, November 15, 2011

Cái lưỡi sẽ giết chết “con bò” Trung Quốc

Tạo hóa sinh ra cái lưỡi để trước hết là giúp cho các loài động vật bậc cao (trong đó có Bò) việc ăn uống. Vì tham ăn, nhiều con bò đã mất mạng bởi ăn phải những loại chất ngon miệng nhưng rất độc hại nguy hiểm cho cơ thể, ví dụ các loại Đạm vô cơ chẳng hạn. Có lẽ về mặt hình thức, Trung Quốc không giống những con bò. Nhưng vì họ tự sinh ra cái lưỡi, đó là “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Đã có cái lưỡi bò, ắt phải có con bò. Ta tạm ví Trung Quốc như một con Bò Tót cường tráng cũng hợp lý vậy.

Trung Quốc ngày nay đang nổi lên như một cường quốc hàng đầu thế giới về nhiều mặt. Họ mạnh và hung hăng như những con Bò Tót thực sự, sẵn sàng tấn công bất cứ cái gì trước mặt. Và nhiều năm nay họ đã chọn Biển Đông là nơi phô diễn sức mạnh, thể hiện lòng tham…

Về lòng tham, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho Trung Quốc. Bất cứ một quốc gia nào cũng muốn nước mình giàu mạnh. Một trong những cách thông thường là họ ra tay thôn tính các quốc gia láng giềng và bành trướng ra khu vực. Nếu nhìn thẳng vào lịch sử, Việt Nam chúng ta cũng từng là kẻ tham lam. Ông cha ta đã nhiều lần “mang gươm đi mở cõi”, và vì vậy mới có được một nước Việt Nam hình chữ S tuyệt đẹp, dành cho hậu thế. Chúng ta cũng chẳng có gì phải xấu hổ, vì trên thế giới đã từng có một đế quốc Nguyên Mông bành trướng từ Á sang Âu, một nước Đại Hán “ngựa chạy một đời không hết”, một nước Anh “mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”, một “nước mẹ Đại Pháp” vv.., cũng là nhờ lòng tham mà có. Nhưng cục diện thế giới hôm nay đã khác, đã có luật quốc tế, không thể cứ cậy to khỏe mà “lấy thịt đè người” là được!

Về thực lực sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đã có nhiều nhà nghiên cứu chiến lược nổi tiếng trên thế giới công bố và đưa ra những nhận định sát với thực tế. Nhưng riêng về sức mạnh quân sự, chắc chắn những nước mạnh như Mỹ, Anh, Nga, Ấn vv.., còn nhiều bí mật quân sự riêng, và Trung Quốc cũng không thể là ngoại lệ. Những gì các bình luận gia phơi bày trên mặt báo cũng chỉ là bề nổi, nhiều lắm cũng chỉ là những thông tin tình báo về lĩnh vực quân sự được phép công khai. Cuối cùng thì người ta cũng vẫn đang đoán già đoán non là chính...

Có lẽ chúng ta cũng không mất thêm thì giờ vào việc tìm hiểu sâu về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nhưng có thể khẳng định: Một nước như Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh hiện đại. Nhưng Trung Quốc đã tung ra lá bài “Biển Nam Hải” và câu chuyện “Đường lưỡi bò” nhằm mục đích gì là chính? Và họ đã sai lầm gì khi cố tình làm nóng khu vực Biển Đông?

Thứ nhất, giới lãnh đạo cầm quyền Bắc Kinh phải thừa biết là những đảo và vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà họ đã chiếm lâu nay, Việt Nam không có cách gì có thể lấy lại được.

Thứ hai, Trung Quốc cũng không thể xâm lấn thêm nữa, vì chắc chắn các nước tuyên bố có chủ quyền trên Biển Đông sẽ phản ứng gay gắt. Mặt khác, những thỏa thuận bán nước như Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh đã làm năm 1958 của phía Việt Nam hôm nay khó xảy ra. Vì những việc làm tương tự sẽ bị phanh phui ngay lập tức.

Với những lý do trên, Trung Quốc chẳng cần làm rùm beng câu chuyện "Biển Nam Hải" làm gì, vì mọi sự dường như đã được an bài từ cách nay vài chục năm. Mặt khác, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn giấu nhẹm chuyện Hoàng Sa, Trường Sa đối với dân chúng, và vẫn thể hiện sự luồn cúi thường thấy từ hơn 60 năm qua. Lẽ Ra Trung Quốc nên hài lòng với hiện trạng hiện nay. Nếu muốn có chính danh tại Biển Đông, họ chỉ cần vài động tác ngoại giao với Việt Nam thì đâu sẽ vào đó cả...

Lập luận “cái lưỡi bò” mà phía Trung Quốc đưa ra không mới, và không thống nhất. Năm 1947 thì họ vẽ cái lưỡ này gồm 11 đoạn, đến năm 1953 lại sửa lại là 9 đoạn. Như vậy là phía Trung Quốc cũng không chắc chắn với yêu sách của mình. Bản thân các dấu vẽ đứt đoạn thay vì một đường biên giới rõ ràng, cái lưỡi của con bò Trung Quốc đã thể hiện sự không chính xác. Một khi người ta không thể đưa ra sự chính xác về hình hài những tài sản của mình thì đương nhiên đó là bằng chứng của sự mạo nhận.

Việc gần đây Trung Quốc khởi động lại câu chuyện cái lưỡi bò, có lẽ ngoài mục đích tranh chấp nhằm vào nguồn lợi dầu khí, còn có những tham vọng khác: Đó là việc khẳng định sức mạnh quân sự tuyệt đối trên Biển Đông, sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với các nước nhỏ. Đây là bài toán phiêu lưu và hoàn toàn sai lầm của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tại sao họ lại không dự đoán được là Mỹ và một số nước lớn vốn không ưa gì Trung Quốc và luôn coi Trung Quốc là một thế lực đáng quan ngại, lại bỏ qua cơ hội hiện diện của mình trên Biển Đông?

Việc gây căng thẳng trên Biển Đông đang đưa các nước trong khu vực và trên thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang mới mà Việt Nam bắt buộc phải tham gia. Đồng thời chính Trung Quốc cũng là nạn nhân của cuộc chạy đua chưa có hồi kết này. Những số tiền khổng lồ hàng chục tỉ USD mà Việt Nam đang phải “bấm bụng” đổ ra để mua máy bay, tàu chiến, công nghệ quân sự, nếu được đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở cho đất nước đang nghèo đói của mình, thì sẽ có tác dụng không nhỏ đến đời sống nhân dân Việt Nam.

Nếu phía Trung Quốc thích thú và say sưa với cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, thì đó là việc họ đang đùa với tử thần. Họ đang dần đưa đất nước Trung Hoa vào nguy cơ của một cuộc chiến tranh hiện đại. Những động thái mới nhất trên Biển Đông đã cho thấy ngoài Nga, Mỹ, có cả Anh, Ấn Độ cũng đã xuất hiện. Tuy nói là “hợp tác thăm dò dầu khí”, nhưng rất nhiều cuộc ghé thăm hữu nghị của tàu chiến Mỹ, Nga, Ấn Độ vào Việt Nam, đã cho thấy vấn đề không đơn giản là như vậy.

Theo bình luận gia Gwynne Dyer thì việc đụng độ khơi mào cho một cuộc chiến tranh trên biển là rất đơn giản, và dễ xảy ra gấp nhiều lần so với các va chạm trên bộ. Vậy Trung Quốc đã có thực lực nào để sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có nhiều nước lớn tham gia tấn công họ? Có thể khẳng định: Người thất bại sẽ là Trung Quốc, vì đơn giản là họ sẽ rơi vào tình trạng “tứ bề thọ địch”. Đấy là nói đến một cuộc chiến tranh với các vũ khí và công nghệ đã công khai. Nếu như trong một tình huống nào đó, các quốc gia tham chiến phải dùng những vũ khí mạnh hơn cả vũ khí nguyên tử, như: Bom hạ âm, Bom siêu vật chất, được phóng ra từ những máy bay không gian như X37B của Mỹ? Đó sẽ là sự hủy diệt dành cho Trung Quốc…

Có vẻ như Trung Quốc đã đi sai nước cờ "Biển Nam Hải". Cái lưỡi bò thè ra không đúng lúc đã làm nảy sinh những hệ lụy quốc tế đáng quan ngại. Và hiện nay họ dường như không còn cơ hội sửa chữa sai lầm. Các nước bị Trung Quốc thách thức đã chạm lòng tự ái, và còn cao hơn thế là vấn đề khuynh loát sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc ra toàn cầu đã là một sự đe dọa cho nền kinh tế của thế giới Tư Bản từ nhiều năm nay.

Nếu muốn tránh khỏi một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xuất phát từ Biển Đông, Trung Quốc phải công khai hủy bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò”, rút quân, trao trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Nhưng vì sĩ diện nước lớn của họ, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Vậy ngoài việc Trung Quốc đang tiêu hao sức dân, tiêu hao tài sản quốc gia vào một cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa, họ còn đang đứng trước nguy cơ đối đầu với một cuộc chiến tranh quốc tế, nếu xảy ra thì có lẽ sẽ tàn khốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Và kết thúc sẽ là sự thất bại có thể nhìn thấy trước của Trung Quốc.

Ở đời, đôi khi ngay cả những người được cho là khôn ngoan và thông minh, cũng có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng: Chỉ vì tham mối lợi nhỏ trước mắt mà đánh mất những thứ đáng giá hơn thế gấp nhiều lần. Không ai có thể phủ nhận trí tuệ Trung Quốc. Nhưng lá bài “Biển Nam Hải” lẽ ra phải được xúc tiến nhanh gọn từ thế kỷ trước, nay đã quá muộn cho tham vọng của họ. Cái lưỡi sẽ giết chết “chú Bò Tót” Trung Quốc vì lý do như vậy.

Lê Nguyên Hồng

0 comments:

Powered By Blogger