Việt Nam - lãnh thổ của Trung Quốc?
Wed, 08/17/2011
Song Chi.
Đọc những thông tin ngay trên báo chí chính thức của nhà nước Việt Nam thời gian qua mà cứ lấy làm lạ. Không hiểu các “trí tuệ đỉnh cao” trong Bộ chính trị và toàn bộ bộ máy cơ quan ban bệ từ trên xuống dưới làm việc, quản lý ra sao mà Việt Nam bây giờ cứ như là cái ao nhà, là lãnh thổ của Trung Quốc!
THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC VÀO RA VIỆT NAM NHƯ CHỖ KHÔNG NGƯỜI
Từ chuyện thương lái Trung Quốc đến tận cảng cá, ao vườn… để thu gom nông hải sản từ chính tay những người nông ngư dân mà báo chí đã liên tục lên tiếng từ mấy tháng nay.
Họ thu mua đủ loại từ cao su, thủy hải sản, trứng vịt, dừa, vải thiều, sắn lát, thịt gia cầm… cho tới các nguyên liệu gỗ, giấy, hồ tiêu…với giá cao hơn giá thị trường khiến cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải lên tiếng kêu cứu vì thiếu nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh việc nông dân vui mừng vì bán được giá cao hơn là những tai hại, rủi ro mà báo chí cũng đã vạch ra. “…đa số đều cho rằng sự quá phụ thuộc vào một thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, lại còn chủ yếu là xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch đang chứa đựng nhiều rủi ro tìm ẩn.
Ngoài ra, việc chạy theo nhu cầu bất thường của các thương nhân Trung Quốc sẽ dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta. Và, việc thu gom ồ ạt của thương nhân Trung Quốc sẽ gây ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối một số sản phẩm trong nước.
Những lo ngại này rất đáng quan tâm bởi trong quá khứ đã không ít lần nông dân Việt Nam đã phải ngậm “trái đắng”.
Còn nhớ, những năm 2001 – 2002 nông dân và thương lái ở các tỉnh phía Bắc đã phải ngậm ngùi nhìn giá long nhãn rớt giá thê thảm từ 140.000 – 180.000 đồng/kg xuống còn 40.000 – 60.000 đồng/kg, thậm chí năm 2004, giá chỉ còn 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Cũng trong những năm 2004 – 2005, đứng trước việc thương lái Trung Quốc thu mua dưa hấu với giá khoảng 10.000 đồng/kg nên nông dân miền Trung đã ồ ạt trồng dưa hấu nhưng “kết quả” của niềm vui ấy là hàng trăm xe chở dưa hấu phải nằm lại và đổ bỏ ở cửa khẩu Lạng Sơn do không xuất được sang Trung Quốc.
Và rất nhiều ví dụ khác tương tự đều có nguyên nhân từ việc thu gom của thương nhân Trung Quốc như quả cau vào những năm 2007 – 2008, rau bắp non, tắc kè hay đỉa trong thời gian gần đây, … (“Bất ngờ từ việc Trung Quốc săn lùng nông sản VN”, báo SGTT).
Cũng trong bài báo này, tác giả đề cập đến một đặc điểm cũng rất đáng lưu ý là việc thương nhân Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm của VN phải đóng gói, dán nhãn Trung Quốc “
Như vậy, những sản phẩm do chính tay nông dân Việt Nam làm ra nhưng vẫn mang thương hiệu khác, điều này cho thấy các sản phẩm nông sản này cũng chẳng khác gì so với những mặc hàng gia công khác như may mặc, điện tử, phầm mềm, …
Và khi đó, các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam lại đang phải đành “núp bóng” dưới các thương hiệu Trung Quốc.
Nhưng trớ trêu thay khi các sản phẩm kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc như quả dâu tây và rất nhiều sản phẩm khác thì lại đang xuất hiện với các thương hiệu Việt Nam và được bày bán công khai tại thị trường Việt Nam!”
Xưa nay, người VN đã có những “kinh nghiệm xương máu” khi làm ăn với Trung Quốc. Họ không tôn trọng luật pháp, luật lệ quốc tế, cũng không tôn trọng sức khỏe của người tiêu dùng, chỉ nghĩ đến cái lợi của mình, trở mặt như chơi. Nếu các nước châu Âu mua hàng của VN, chắc chắn sẽ không có hiện tượng bắt VN phải dán nhãn của họ. Chưa kể, hàng hóa TQ từ lâu nay vẫn bị mang tiếng hàng dỏm, kém chất lượng, độc hại, bị nhiều nước tẩy chay. Nay với hiện tượng “tráo nhãn” như vậy thì chẳng bao lâu hàng VN cũng sẽ bị mang tiếng, bị tẩy chay. Nền kinh tế VN sẽ khốn đốn.
THUÊ ĐẤT, THUÊ RỪNG VN…
Gần đây, ở một số nơi thuộc tỉnh Vĩnh Long, có hiện tượng người Trung Quốc núp bóng dân địa phương thuê đất trồng khoai lang.
Trả lời báo Dân Việt, bài “Người Trung Quốc thuê đất: chuyện không nhỏ”, “ông Nguyễn Văn Tập - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: “Vùng nguyên liệu trồng khoai lang ở Bình Tân khoảng 6.000ha.
Người Trung Quốc mới thuê với diện tích nhỏ nên chưa ảnh hưởng nhiều đến vùng trồng khoai lang ở địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài nếu người Trung Quốc “núp bóng” người bản xứ thuê đất nhiều thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Khi có diện tích đất lớn, họ có thể sẽ thao túng cả vùng trồng khoai lang. Hiện tại, hơn 70% sản lượng khoai lang ở địa phương đều xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với khoảng 400 tấn/ngày, nên chỉ cần họ ngưng xuất một vài tháng là nông dân không biết tìm đường đâu mà tiêu thụ.”
Còn ông Nguyễn Trần Bạt-Chủ tịch, Tổng Giám đốc Investconsult Group trong bài “Chuyên gia nói về hiện tượng người Trung Quốc thuê đất” (Báo Dân Việt) thì nhìn hiện tượng này là một sự tranh giành không gian sống, không những thế, “Đó là một hệ thống các hành vi.
Như tôi đã phân tích, hệ thống các hành vi ấy có phải là âm mưu chính trị hay không hay nó chỉ là bản năng kinh doanh thông thường. Với một đà như thế này thì từ sản phẩm cho đến ruộng đất, từ đất canh tác công nghiệp là rừng cho đến đất canh tác cây lương thực đều có vấn đề cả.
Vậy thì một người vô tâm cũng dễ dàng nhận thấy là có một chiến lược.
Chiến lược ấy có chất lượng như thế nào, có ý đồ sâu sắc như thế nào, có tham vọng lâu dài như thế nào thì buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc…”
Lại nhớ đến chuyện VN cho các công ty Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn tại một số tỉnh biên giới phía Bắc mà trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã gióng lên hồi chuông cảnh cáo vào đầu năm 2010.
Xét về mặt kinh tế, giá cho thuê rừng rẻ như bèo khiến dư luận không khỏi thắc mắc sao không cho các doanh nghiệp trong nước thuê cho an toàn?
Bên cạnh đó, việc cho thuê rừng với một diện tích lớn (hơn 300,000 hecta), thời hạn lâu dài (50 năm), tại các tỉnh có vị trí xung yếu biên giới có nguy cơ lớn đến an ninh, quốc phòng Việt Nam như thế nào, đã được các vị tướng, những nhà chuyên môn lên tiếng.
Báo Vietnam Net lúc đó đã đi cả một loạt bài phóng sự về việc các công ty thuê rừng đang làm gì tại những nơi này, và mọi người đều lạnh người khi nhận ra nguy cơ quá rõ ràng.
Từ việc những vùng đất sau khi cho thuê trở nên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không ai biết họ thực sự đang làm gì trên đất rừng của ta, cho đến những vị trí mà họ thuê, có nhiều nơi từng là địa điểm rất quan trọng về mặt chiến lược trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979!
Chủ quan, mất cảnh giác đến thế là cùng!
Sau khi dư luận lên tiếng, có thông tin phản hồi từ phía các giới chức ban ngành liên quan rằng sẽ rà soát lại sự việc và xử lý! Chả biết đến nay thì cái sự kiểm tra và xử lý này đến đâu rồi!
NGƯỜI TRUNG QUỐC CÓ MẶT Ở KHẮP NƠI
Người Trung Quốc có mặt ở VN ngày càng nhiều. Tại một số tỉnh sát biên giới Việt-Trung, người Trung Quốc qua lại làm ăn buôn bán, hàng Trung Quốc tràn ngập, có thể mua bằng tiền VN và cả bằng nhân dân tệ! Báo Giáo dục VN ngày 2.8 có bài “Mua cốc trà đá, trả bằng Nhân dân tệ” phản ánh ở Lạng Sơn, đi chợ mua hàng Trung Quốc, tiêu tiền Trung Quốc, “cứ như kiểu chợ Trung Quốc trên đất Việt Nam” vậy!
Mới đây, báo chí lại đồng loạt lên tiếng về hiện tượng người hàng ngàn lao động Trung Quốc trái phép đang có mặt ở VN!
Cách đây hai năm, vào tháng 4.2009, báo Tuổi Trẻ cho đăng loạt bài phóng sự-ký sự “Lao động nước ngoài đổ vào Việt Nam”. Phải nói là vào thời điểm đó loạt bài trên báo Tuổi Trẻ đã tạo hiệu ứng rất mạnh với dư luận bởi trước đó, đa số người dân vẫn chưa biết rõ về tình trạng có hàng chục ngàn người lao động Trung Quốc tràn sang Việt Nam như vậy, và bởi, những chuyện gì có dính dáng đến Trung Quốc vẫn thuộc loại “nhạy cảm” ở xứ này.
Hơn 2 năm sau, vấn đề người lao động Trung Quốc tại Việt Nam, một lần nữa lại nóng trở lại trên hàng loạt tờ báo từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VNExpress, Dân Việt…cho đến BBC, RFA, RFI….Theo đó, người lao động Trung Quốc đang có mặt ở khắp mọi nơi, từ công trường nhà máy đạm ở Cà Mau, tại 2 dự án xây dựng nhà máy alumin ở Tây Nguyên, các nhà máy điện ở Quảng Nam, khu công nghiệp tỉnh Long An v.v…Chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số đó là lao động không phép và lao động phổ thông, không có tay nghề.
Đây là hệ quả của việc lâu nay các công ty Trung Quốc thường trúng thầu rất nhiều dự án lớn ở Việt Nam. Cũng theo báo chí, có đến 90% các gói thầu trọn gói EPC (Engineering/ Procurement/Construction) thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay đã thuộc về các công ty Trung Quốc, phần lớn là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất. Và khi triển khai thực hiện, các nhà thầu Trung Quốc thường đưa người của họ sang Việt Nam làm việc. Không chỉ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao, mà cả công nhân làm những công việc lao động phổ thông.
Như vậy, khi Trung Quốc thắng thầu các công trình lớn, VN rõ ràng là bị thiệt đơn thiệt kép. Các công ty VN mất cơ hội thực hiện và cung cấp các thiết bị phương tiện cho quá trình thực hiện các dự án bởi vì các nhà thầu Trung Quốc thường xử dụng toàn bộ thiết bị của họ cho đến cái đinh, con ốc họ cũng mang từ Trung Quốc sang. Chất lượng công trình do nhà thầu Trung Quốc thường kém do bỏ thầu thấp, tiến độ thi công lại bị chậm, khiến VN bị thiệt hại về nguồn vốn vay rất lớn và gánh thêm nhiều chi phí rủi ro khác. Báo SGTT ngày 17.11.2010 đã từng có bài “5 dự án nhiệt điện chậm trễ và các nhà thầu Trung Quốc” gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế-xã hội, tình hình cung ứng điện trong nước. Thế nhưng, mới đây, một tổ hợp công ty của Trung Quốc lại tiếp tục trúng thầu xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than ở tỉnh Trà Vinh với tổng vốn đầu tư lên khoảng 1.3 tỉ USD!
Người dân thì mất cơ hội có công ăn việc làm. Trong khi rất đông lao động trong nước đang thiếu việc, phải bôn ba đi ra xứ người để làm thuê qua các chương trình xuất khẩu lao động hàng năm của nhà nước-thực tế là một hình thức buôn nô lệ lao động và VN là một trong những quốc gia tai tiếng về vấn đề này.
Tình trạng người lao động Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi trên đất VN còn đặt ra nguy cơ về an ninh, quốc phòng. Bài học Con ngựa thành Troie khiến nhiều người VN quan tâm đến vận mệnh đất nước không khỏi lo lắng.
Qua tất cả các mặt vừa nêu, người dân không khỏi tự hỏi những người lãnh đạo cao nhất và toàn bộ bộ máy cơ quan chính quyền cồng kềnh mà hơn 86 triệu nhân dân phải è lưng đóng thuế nuôi, họ làm việc, quản lý như thế nào mà để đất nước ra nông nỗi này?
Chính sự yếu kém trong điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, tầm nhìn ngắn, thói quen “tư duy nhiệm kỳ”, cục bộ, cộng với sự ích kỷ, tệ tham nhũng, luôn luôn đặt sự tồn tại và quyền lợi của đảng, của chế độ, thậm chí, chỉ của những nhóm lợi ích... lên trên tất cả đã đưa đến hậu quả này. Việt Nam ngày càng bị lệ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Để đe dọa Việt Nam, chưa cần đến quân sự, nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ cần dở những chiêu trừng phạt, đánh phá về kinh tế là Việt Nam sính vính! Việt Nam bây giờ chẳng khác nào lãnh thổ của Trung Quốc, Trung Quốc tự do khai thác, vơ vét tất cả những gì có lợi, đưa người sang làm ăn rồi tìm cách ở lại, sinh sống lâu dài, mặt khác, VN lại biến thành một bãi rác để Trung Quốc tống tháo những mặt hàng kém chất lượng, hàng độc hại sang! Và nếu một ngày nào đó chiến tranh Việt Trung lại xảy ra, thì việc cài cắm hàng trăm cơ quan, công trường với hàng chục ngàn người Trung Quốc ở khắp nơi sẽ trở thành một sự lợi hại khôn lường!
songchi's blog
0 comments:
Post a Comment