Sống ở ngoại quốc khá lâu nhưng mỗi lần nghĩ tới những tiếng gõ cửa nhà vào buổi tối, tôi vẫn còn thấy gai cả người.
Kỷ niệm sớm nhất tôi còn giữ được trong ký ức về những tiếng gõ cửa ban đêm như thế là vào cuối năm 1963, lúc chế độ ông Ngô Đình Diệm vừa sụp đổ. Cuộc sống ở quê tôi, tận đáy cùng của huyện Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam, trước và sau cuộc đảo chính, thay đổi hẳn. Trước, tuy nghèo, nhưng khá êm đềm. Buổi tối, bọn trẻ con chúng tôi vẫn có thể tụ tập chơi trò trốn kiếm, chạy rong hết khu vườn này sang khu vườn khác.
Sau, hình như không lâu lắm, một đêm tự dưng nghe tiếng chó sủa rộ lên khắp xóm. Cả nhà tôi thức dậy. Ba mẹ tôi, vốn đã có nhiều kinh nghiệm từ thời kháng chiến, hình như hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra, không giấu được sự căng thẳng. Mẹ tôi ra hiệu, ba tôi lẳng lặng mở cửa sau, chui ra đám ruộng sau vườn. Mẹ tôi dặn nhỏ bọn chúng tôi: “Ba đi làm, tối nay không về nhà!” Mấy anh em đồng loạt gật đầu dù chẳng hiểu chuyện gì cả. Lát sau, có tiếng gõ cửa.
Mẹ tôi ra mở. Có tiếng đàn ông quát tháo: “Anh Bảy có ở nhà không?” Mẹ tôi líu ríu: “Tối nay anh ấy trực ở bệnh viện”. Lại vẫn giọng người đàn ông ấy: “Nhớ bảo anh ấy là bọn chúng tôi về thăm đấy nhé!” Rồi thôi. Họ quay lưng đi. Đó là lần đầu tiên “quân giải phóng” về “thăm” làng tôi kể từ sau Hiệp định Geneva.
Dù không hề đi lính hay làm việc gì cho chính quyền, ba tôi vẫn sợ hãi những người “giải phóng quân” ấy đến độ suốt đêm nằm ngoài bờ ruộng; đến tận sáng trắng, biết chung quanh đã yên ắng hẳn, mới dám lần vào nhà. Những tối hôm sau, ba tôi ở lại hẳn trong bệnh viện trên quận. Ở nhà, chúng tôi lại giật mình từng đêm khi nghe tiếng chó sủa và những tiếng gõ cửa. Rồi giọng thăm hỏi dần dần biến thành giọng hăm he. Cuối cùng, ba mẹ tôi quyết định dọn cả nhà ra Đà Nẵng. Bỏ lại quê ngôi nhà gạch mới vừa xây xong.
Suốt thời chiến tranh sau đó, tôi không còn bị ám ảnh bởi tiếng gõ cửa vào ban đêm nữa nhưng lại bị ám ảnh về những tiếng pháo kích. Nhiều lúc, đang ngủ say, ba mẹ tôi lôi cả bọn dậy, gần như ném vào chiếc hầm lộ thiên làm bằng bao cát bên hè nhà. Nằm ở đó, cả gia đình run lập cập nghe tiếng pháo kích chát chúa hay giòn tan đâu đó. Năm phút. Mười phút. Đến lúc không khí có vẻ ắng lặng hẳn, ba mẹ tôi mới cho con cái vào nhà và leo lên giường ngủ tiếp để sáng hôm sau, dậy thật sớm, chạy đi thăm dò xem có ai bị trúng đạn hay không.
Cảm giác hãi hùng vì những tiếng gõ cửa ban đêm ấy lại sống dậy vài năm sau 1975. Bản thân tôi, thành thực mà nói, chẳng có gì lo sợ. Dạo ấy, ở Sài Gòn, tôi tiếp tục đi học, và sau, đi dạy. Nhưng trong nhà tôi ở bao giờ cũng có một số anh em bà con trốn nghĩa vụ quân sự đến ngủ nhờ. Từ ngoài Trung vào hoặc từ tỉnh lên, ban ngày họ đi lang thang đâu đó ngoài phố; tối mới rón rén về nhà. Không những với họ, mà còn cả với tôi nữa, không có gì kinh khiếp cho bằng những tiếng gõ cửa sau 12 giờ đêm.
Chắc chắn đó là tiếng gõ cửa của công an khu vực đến kiểm tra hộ khẩu. Có lần, bí quá, một thằng em tôi chui ngay xuống gầm giường cô em họ trốn. Cô em tôi, rất nhanh trí, tung mềm, nằm giang chân ra, vờ như ngủ say. Khi công an khu vực mở cửa, thấy một phụ nữ đang ngủ say trong cái tư thế hớ hênh như thế, có lẽ ngại, vội vã quay ra. Em tôi thoát.
Những kinh nghiệm như thế, những người cùng tuổi tôi hay hơn, có lẽ ít nhiều đều trải qua.
Gần đây, đọc báo mạng trong nước, tôi lại thấy xảy ra cái cảnh công an đến gõ cửa nhà dân chúng vào buổi tối như thế. Lần này, những người bị gõ cửa đều là những người tương đối có tiếng tăm. Lý do công an đến gõ cửa nhà là vì họ tham gia vào các cuộc biểu tình chống các hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc. Cho đến bây giờ, dường như chưa ai bị bắt sau những lần gõ cửa như thế. Nhưng tương lai thế nào, ai biết được?
Riêng tôi, đọc những chuyện như vậy, những kỷ niệm cũ tự dưng sống dậy. Lại thấy gai gai rờn rợn trong người.
Té ra, mấy chục năm rồi, mình vẫn không quên được.
Nguyễn Hưng Quốc
* Source: http://www.voanews.com/vietnamese/news/
--------------------------------------------
* Ghi chú: Hai số điện thoại miễn phí gọi từ Việt Nam để thông tin & chia sẻ với đài Á Châu Tự Do (RFA) Ở Hà Nội: 0438 012 314 . Cư ngụ tại Sài Gòn: 0838 012 314
* Source: http://www.rfa.org/vietnamese
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment