Đất Nước Tôi Bây Giờ Rất Lạ.
Từ Bao Giờ Thói Hèn Hạ Thành Quen.
Tàu nước Lạ đi vào vùng “nhạy cảm” .
Tàu nước tôi bỏ bãi cá than trời…
Quê tôi ngày xưa, khi cần thì người dân chúng tôi thỉnh thoảng nhờ đến cảnh sát, nhưng không sợ, vì chẳng làm gì sai trái. Quê tôi bây giờ sai hay không sai, người dân vẫn phải sợ cảnh sát công an, vì họ là người có quyền lực nhất. Tất cả các loại công an đều có quyền sinh sát trong tay. Công an là lớp người làm giàu mau, sống sang trọng nhất và sung sướng nhất trong tầng lớp nhân dân xã hội chủ nghĩa. Có rất nhiều loại công an.. Tôi xin kể trước tiên là công an kinh tế.
Công an kinh tế:
Việc chính của các ngài công an kinh tế là đi vào chợ, vào các cửa hàng. Việc đầu tiên là hoạnh họe tra hỏi các chứng từ hàng hóa, rồi kiếm cớ lấy hàng của người ta. Dù có hóa đơn hay không có hóa đơn, cũng bị chúng tìm cách tịch thu. Chúng tịch thu từ những món hàng đắt tiền, đến mớ rau mớ cá.. Những cửa hàng lớn thì chúng tịch thu (ăn cướp) hàng hóa như điện thoại di động, nồi cơm điện, máy móc, dĩa hát, máy truyền hình v..v…. Các ngài cho cớ là số hàng này nhập lậu? Người bán hàng nào biết hàng nào lậu, hàng nào không lậu? Có trời mới biết? Vì người trong thị trấn mua hàng từ các tiệm buôn ở thành phố? Khi mua hàng hóa thì phải trả tiền. Hàng hóa nhập vào trong nước, thì có nhà nước quản lý chứ, cớ sao ra đến hàng ngoài chợ bảo là hàng nhập lậu? Nhưng mọi người chỉ có miệng ăn, mà không có miệng nói. Một quốc gia không có pháp luật! Kẻ có quyền, có thế bao giờ cũng đè lên đầu đám dân đen.
Mỗi lần đi kiểm tra như vậy, bọn công an thường đem theo sau là xe tải, để chở đồ ăn cướp về. Tội nghiệp nhất là những người buôn rau, buôn cá ở vỉa hè các chợ. Công an quăng cả gánh rau, cả gánh cá của người dân lên xe chở về đồn, để chia nhau ăn. Chúng viện lý do là lấn chiếm lề đường, trở ngại lưu thông? Chẳng ai dám lên đồn mà xin lại, vì chẳng bao giờ chúng nó cho lại mà xin, đến chỉ mất công vô ích mà thôi. Hàng hóa chúng cướp giật về được chia cho các quan chức trong cơ quan ăn, gọi là hàng tịch thu.
Nhiều khi, trở ngại khi tịch thu, chúng nêu ra vấn đề “phạt.” Nếu có những món hàng giá trị, chúng muốn lấy thì chúng xoay xở bắt đóng tiền phạt, mà giá tiền phạt nhiều hơn giá trị món hàng. Giá 300 ngàn thì chúng phạt 500 ngàn đồng, thế là khi bị đóng phạt thì người buôn bỏ luôn, bỏ cả vốn thả cho chúng chia nhau ăn! Thôi thì bỏ cho yên cái thân. Đêm về nghe tủi hờn giẫm nát tim gan phèo phổi của mình. Người dân trong nước xã hội chủ nghĩa là thế đấy! Mặc nhiên chúng lấy không hàng hóa của người khác, mà chúng tôi gọi bọn cướp ngày. Tội nghiệp nhất là những người buôn gánh bán bưng. Ngày ấy coi như nhịn đói, phải đi vay mượn ít trăm ngàn tiền vốn, mua gánh hàng khác, buôn bán lại để nuôi gia đình.
Những chuyện oan ức trong nước tôi, có hàng vạn hàng ức hàng triệu chuyện như vậy. Kêu trời, trời không thấu, kêu đất đất không nghe! Kêu cán bộ chính quyền địa phương, thì có bao giờ được giải quyết đâu? Dân thấy công an kinh tế, ngoài miệng chào hỏi nhưng trong ruột thì lo sợ vô cùng.
Kế đến là công an giao thông:
Công an giao thông, trang bị sắc phục màu vàng, (nhiều người đi buôn gọi thầm là chó vàng) thường đứng tụm năm tụm ba trên các ngả đường. Có súng, có mũ hẳn hoi. Chúng nó thổi bất cứ loại xe nào đi trên tuyến đường ấy. Trước tiên là xe chở khách. Khi nghe còi thổi toe một cái thì tài xế, xuống xe mang theo giấy tờ xe, bằng lái, kèm theo 50 hay 100 ngàn tùy theo số lượng khách hàng trên xe. Thế là sau khi coi qua loa giấy tờ, chúng nó cầm được số tiền bao nhiêu, nếu ít cho xe qua bên kiểm soát, kha khá thì cho đi. Nếu tài xế nào không biết luật đưa tiền, chỉ trình giấy thì xin đậu lại chờ kiểm soát. Với mọi thủ đoạn, trăm ngàn lý do để phạt: xe chở quá tải, xe không an toàn mặt này hay mặt khác, để chúng có cớ phạt. Chúng có hàng trăm ngàn lý do, trăm ngàn thủ đoạn để phạt, chỉ vì chủ tài xe không biết “chi” cho công an. Nếu đóng phạt thì chủ xe còn gì mà ăn? Mà không đóng thì không chạy được. Người lái xe khổ, người đi đường đã khổ, người đi buôn càng khổ hơn. Một việc tốt nhất là gặp công an giao thông thì đưa tiền. Đó là luật! Luật bóc lột, luật ăn cướp!
Chúng nó ăn tiền trắng trợn, nên chỉ cần vào công an giao thông, ít nhất là một năm thì tên nào cũng nhà lầu ô tô. Vài năm sau tên nào cũng bụng phệ, xe hơi, như những chú ba tàu ngày xưa. Nước tôi chưa có ông công an nào nghèo cả.
Tiếp đến là công an hình sự:
Con ông lớn thì thường tiền dư bạc thừa, nên con cái bị xì ke ma túy. Mười ông lớn có chín ông có con cái bị bịnh này. Số khác thì ra ngoài chơi bời, đánh lộn hành hung ngay cả trường học. Ai cũng sợ cậu ấm cô chiêu, học dốt mà thầy cô cũng phải sợ, nhưng họ lại sợ công an hành sự. Công an hành sự mà gặp mấy vụ này thì no. Chúng nó bị bắt thì phải ra tay ngọt. Cho nên con ông lớn bị bắt, thì công an hình sự mập. Phải hối lộ cho chúng tiền triệu triệu, để chúng thả về, chứ không thì mất mặt ông bà lớn đấy. Quê tôi, toàn con cái ông lớn bà lớn, cán bộ cấp cao mới có tiền để xì ke, vì thừa mứa của dư của để, chứ dân đen thì đói nghèo suốt đời lấy gì xì ke. Ngoài ra, các vụ con nhà giàu có (thường là bọn móc ngoặc hoặc thân nhân cán bộ gộc) mới đủ tiền chơi những xa xí phẩm này. Họ là khách hàng tốt cho bọn công an hành sự.
Tép riu là công an xã:
Công an xã, công an khu vực, loại tép riu này cũng có nhiều cách làm tiền dễ dàng. Nhất là có người nước ngoài về, nếu vào thăm bạn bè hoặc thân nhân buổi chiều thì làm sao trình diện được. Thế là tối đến, chúng vào kiểm tra hộ khẩu. Dù chủ nhà bảo có báo ấp tạm trú đàng hoàng, nhưng chúng cứ hạch sách mãi, ít nhất phải kiếm đến hàng trăm đô la mới yên. Ngay vùng quanh Sài gòn đó chứ không phải vùng quê đâu! Ai Việt kiều về nước ít nhất bỏ bì cho công an xã 100 đô, có chỗ còn cho là ít không nhận, thế là các anh Việt kiều lo đưa thêm, có anh ra nước ngoài sợ mất mặt không dám nói đó thôi. Không chi là bị giữ “bát bo” liền. Có anh được công an mời đi, lúc đầu gia đình teo râu, nhưng thực chất là mời đi ăn và nói thật nhiều lý do, làm thế nào để anh Việt kiều phải chi số tiền từ 200 đô trở lên mới yên. Hình như ai cũng biết việc này, nhưng ai cũng giấu nhau việc này thì phải. Có phải không mấy anh chị Việt kiều? Ngay ở Sài gòn, anh chị Việt kiều về, nếu ở khách sạn thì họ đã thu tiền khách sạn rồi. Còn số khác về với gia đình, thì thân nhân đã đóng hụi chết cho họ rồi, cho nên các anh chị nào biết, cứ nghĩ là yên thân, tự do. Mất lòng công an thì hãy liệu chừng là có truyền đơn hay súng trong ba lô, hay trong hành lý dễ dàng.
Ở các nước tự do, tiên tiến. Công an hay cảnh sát là người mang lại sự bình yên, an lạc cho dân chúng, nhưng nước tôi công an là loại người đem đau khổ, tang tóc cho mọi người mọi giới. Công an như là một hung thần ám ảnh mọi người dân. Người dân cứ thế mà chịu thiệt thòi, oan ức. Những người dân lương thiện vẫn nghèo đến muôn đời, và luôn chịu mọi nỗi oan khiên.
Người làm công an phải là con cháu cán bộ, lý lịch phải ba đời và cha mẹ là đảng viên đảng cộng sản thì mới được tuyển dụng. Còn dân thường thì dù có học giỏi, có tư cách đạo đức, có khả năng thì cũng đứng xa mà nhìn. Bọn công an là thành phần ưu việt của đảng, lý lịch phải ưu việt, nên ăn cướp cũng ưu việt, cho nên càng ngày chúng càng lộng hành hơn, chúng ức hiếp người dân lành nhiều hơn.
Ai không tin mời về quê tôi, lật ngửa bàn tay thì mới biết. Vài dòng kể chuyện quê tôi làm món quà quê hương thấm đượm tình thương, với rất nhiều nước mắt, như bài ca “Quê tôi là chùm khế ngọt.” Thật ra khế không ngọt như bài ca, nhưng nó chua như khế thật đấy. Nước Việt mến yêu là cái tên, là lá bùa hộ mạng để cán bộ công an làm giàu và dân nghèo thì phải khổ suốt đời. Nhân dân có đói nghèo thì công an cán bộ mới sung sướng được chứ?
Đất Nước Tôi Bây Giờ Rất Lạ
Từ Bao Giờ Thói Hèn Hạ Thành Quen
Tàu nước Lạ đi vào vùng “nhạy cảm”
Tàu nước tôi bỏ bãi cá than trời
Ngư dân tôi cúi đầu nhẫn nhục
Hải quân Lạ ngang dọc khắp biển khơi
Công ty Lạ lên Tây Nguyên đào quặng
Dân xứ Lạ đến đập núi phá rừng
Cao nguyên ơi đâu rồi tiếng trống
Tiếng sáo buồn trôi tiếng đàn t’rưng
Đất nước tôi bây giờ rất Lạ
Phim Lạ lên ngôi, tiếng Lạ đổi đời
Hàng xứ Lạ khắp hang cùng ngõ hẻm
Em gái theo chồng Lạ kiếp đời trôi
Ôi lạ thật cái gì cũng Lạ
Đâu mất rồi con cháu Rồng Tiên
Trải bao đời lưu danh Lạc Việt
Mà bây giờ thói hèn hạ thành quen…
No comments:
Post a Comment