UN Chronicle * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Người ta chỉ sống cuộc đời trọn vẹn dưới ánh sáng nhân quyền.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền là ánh sáng của rất nhiều cuộc đời, cực kỳ quan trọng cho mọi người trong tất cả những gì họ làm. Lời văn mộc mạc của bản Tuyên ngôn nêu ra những quyền bất khả xâm phạm- về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa-mà tất cả mọi người đều có quyền có. Những tín điều của Tuyên ngôn làm sáng tỏ tình cảnh con người và làm cho cuộc đời đẹp hơn bằng cách cho chúng ta thấy thế giới mà nên như là một nơi nhân từ, tự do, và học thức. Chúng ta không được để cho ánh sáng ấy leo lét hay mờ dần. Chỉ sáng hơn thôi.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền là sự kiện rất quan trọng trong lịch sử con người và pháp lý. Lần đầu tiên, chính phủ các nước đồng ý về tiêu chuẩn để đánh giá cách họ đối xử với công dân. Mãi cho đến khi thành lập Liên Hiệp Quốc, chính phủ các nước trước đấy cho rằng những vấn đề như thế là mang tính nội bộ, và không phải là mối quan tâm chính đáng của cộng đồng thế giới. Khi thông qua bản Tuyên ngôn, các nước đã cam kết thừa nhận và tôn trọng những nhân quyền như quyền sống, tự do và an sinh của con người; bình đẳng trước pháp luật; tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; tự do ngôn luận và biểu đạt; quyền làm việc và tự do chọn công việc; quyền được hưởng mức sống đầy đủ về y tế và phúc lợi; quyền giáo dục; quyền tham gia vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mình.
Bản Tuyên ngôn ban đầu được cho là bản tuyên bố những mục tiêu mà chính phủ các nước nên đạt được, vì thế không thuộc về luật pháp quốc tế bắt buộc. Nhưng bây giờ 40 năm sau, rất nhiều nước công nhận bản Tuyên ngôn đến độ hiện nay Tuyên ngôn được coi là tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá hành vi của họ.
Trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, bản Tuyên ngôn được viện dẫn không ngừng. Bản Tuyên ngôn thường xuyên được trích dẫn trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Bản Tuyên ngôn được viện dẫn trong nhiều hiến pháp quốc gia. Bản Tuyên ngôn đã khích lệ và đôi khi trở thành một phần của pháp luật quốc gia của các nước; bản Tuyên ngôn cũng được chấp thuận cho trích dẫn trong các tòa án quốc gia.
Hai công ước đã ban sức mạnh pháp luật cho những nguyên tắc của bản Tuyên ngôn-một công ước về các quyền kinh tế và xã hội, công ước kia về các quyền dân sự và chính trị. Hai công ước này được Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng Mười Hai 1966. Ngày nay, hơn một nửa các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã trở thành thành viên của những công ước này, do vậy bắt buộc phải bảo vệ những nhân quyền cụ thể như được giải thích rõ ràng và chi tiết trong hai văn kiện này.
Trong nỗ lực vẫn đang tiếp tục dựa trên những nguyên tắc có trong bản Tuyên ngôn, Liên Hiệp Quốc đã thông qua gần 50 văn kiện pháp lý khác nhau về nhân quyền. Những văn kiện này bao gồm những tuyên ngôn và hiệp định về diệt chủng, nô lệ, tra tấn, kỳ thị chủng tộc, phân biệt chủng tộc, bảo vệ người tỵ nạn và trẻ em và kỳ thị phụ nữ. Qua các nghị quyết của Đại Hội đồng, Liên Hiệp Quốc tập trung sự chú ý của thế giới vào những vi phạm nhân quyền tập thể như chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và sự kỳ thị chủng tộc xảy ra bất kỳ ở đâu.
Ủy ban Nhân Quyền- tổ chức nhân quyền chính của Liên Hiệp Quốc-hằng năm đều xem xét hàng ngàn khiếu nại về vi phạm nhân quyền. Ủy ban chỉ định những chuyên gia xem xét các tố cáo về những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo. Ủy ban đã bắt đầu đối thoại với chính phủ các nước về những vi phạm nhân quyền, và trong nhiều trường hợp góp phần thành công tạo ra những thay đổi.
Nguồn:
Dịch từ tạp chí Liên Hiệp Quốc UN Chronicle, bộ 25, số 1, tháng Ba, 1988.Tựa đề tiếng Anh "People only live full lives in the light of human rights"
0 comments:
Post a Comment