Saturday, December 1, 2018

Hậu "cải cách ruộng đất" tại Nghệ An

x

Hương Giang (Danlambao) - Ngày 30/11/2018 tại xã Khánh Thành, huyện yên Thành, tỉnh nghệ An, chính quyền tỉnh nghệ An đã tổ chức "Phiên tòa" đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam. Điều kỳ lạ là “Phiên tòa” không có Chánh án, không có Bồi Thẩm đoàn, không có bị cáo, bị can.

Thành phần tham dự, ngoài lãnh đạo xã Mỹ Khánh và huyện Yên Thành, là một lô một lốc những thành phần ăn hại “sáng vác ô đi tối vác về” từ xã đến huyện, như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận huyện xã và thôn… Ngoài ra thành phần đông ảo nữa là công an chìm nổi tràn ngập khắp nơi.

Vì xã Khánh Thành là vùng có nhiều đồng bào công giáo, là giáo xứ Mỹ Khánh, giáo hạt Bảo Nham, nên nhiều người công giáo dù được vận động ráo riết với nhiều lời hứa ngon ngọt tham gia phiên đấu tố này, nhưng họ không tham gia. Vì vậy để cho cuộc đấu tố thêm xôm tụ, họ huy động một số cán bộ đảng viên các xã lân cận.

Vậy Linh mục Đặng Hữu Nam bị tội gì?

Nói đến LM Đặng Hữu Nam, người ta nhớ đến thảm họa môi trưởng do Formosa xả thải gây chấn động thế giới vào tháng 4 năm 2016, làm cho hàng ngàn tấn hải sản chết trôi dạt đầy bờ tại kéo dài 250km tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Làm cho hàng ngàn người dân nơi đây mất công ăn việc làm và phải bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực, làm cu ly tại xứ người.

Ban đầu chính quyền nhằm bao che cho thủ phạm chính là Formosa gây ra, nên họ giải thích nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ. Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh không phải do thủy triều đỏ gây cá chết một vùng rộng lớn như vậy, nên cuối cùng, sau một tháng lúng ta lúng túng, họ đành phải thừa nhận chính thủ phạm là Formosa gây ra. Ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã phải cúi đầu nhận tội. Và chính quyền đã “bắt tay dưới gầm bàn” với Formosa, nhận một khoản bồi thường tượng trưng, mà không hề có một cuộc điều tra khảo sát công bằng và khoa học, xem những thiệt hại do vụ xả thải này gây ra cho người dân trong bao nhiêu năm, đầu độc và hủy hoại môi trường biển như thế nào? v.v...

Và công tác gọi là bồi thường cũng làm chiếu lệ. Những người dân thiệt hại nhiều được bồi thường ít. Ngược lại nhà cán bộ và anh em nhà họ không thiệt hại hoặc thiệt hại ít lại được bồi thường nhiều. Đa số nguồn tiền này chảy vào túi quan tham.

Và cái anh chàng láu cá Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, lại như đổ dầu vào lửa khi nói: “Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”(1)

Không những người dân tại Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nạn nhân của Formosa gây ra, mà người dân Nghệ An cũng chịu thiệt hại.

“Từ ngày 22/5/2016, tại Nghi Lộc, Nghệ An đã xảy ra tình trạng người dân ăn cá, mực, tép biển bị ngộ độc, đã có người tử vong.

Nạn nhân trúng độc mới nhất hiện đang trong tình trạng nguy kịch là bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi), trú tại xóm 11, xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An do ăn tép biển mua từ chợ...

Ngày 26/5/2016, bệnh viện xã Đoài tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Liên trong tình trạng đau họng, rộp, bong hết niêm mạc, liệt, không ăn được, ngộ độc đã 4 ngày, tình trạng nguy kịch.

Ông Ngô Văn Linh (chồng bà Liên) cho biết, ở xóm 1, đã có hai vợ chồng ông Luyện cũng bị ngộ độc sau khi ăn mực biển. Ông Luyện đã tử vong, còn bà vợ đang trong tình trạng nguy kịch.

Cũng trên vùng biển Nghệ An, ngày 25/5/2016, người dân xóm 9B, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu đã giải cứu một con cá nặng hàng chục tấn bị mắc cạn. Hai ngày sau, ngày 27/5/2016, một con cá voi khác nặng hơn 7 tấn được phát hiện đã chết cũng tại vùng biển này.

Tại các vùng biển thuộc tỉnh Nghệ An có hiện tượng hàng chục con cá voi mắc cạn, chết dạt vào bờ bất thường, khiến nhiều người dân lo lắng và nghi là do biển bị nhiễm độc.

Đặc biệt, từ tháng 4/2016, sau khi thảm họa môi trường xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, tình trạng nước biển và thủy hải sản ở các khu vực xung quanh liệu có bị nhiễm độc hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa được các cơ quan chức năng trả lời.

Thảm họa môi trường, sinh thái biển nhiễm độc - đã có người dân thiệt mạng sau khi ăn đồ biển, nhà cầm quyền còn định im lặng”. (2)

Tuy người dân Nghệ An cũng là nạn nhân của vụ thảm họa này, nhưng không được nhà cầm quyền chấp nhận bồi thường thiệt hại. Họ nói rằng, dòng hải lưu chảy từ Bắc vào Nam, nên dân tỉnh Nghệ An không ảnh hưởng gì.

Đành rằng dòng hải lưu chảy từ Bắc vào Nam mang chất độc trôi theo hướng đó. Nhưng theo quy luật khuếch tán thì vùng nước biển Nghệ An cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc này.

Theo Thuyết Động học phân tử: “khuếch tán hay khuếch tán phân tử là sự dao động nhiệt của tất cả các phần tử (chất lỏng hay chất khí) ở nhiệt độ lớn hơn độ không tuyệt đối. Tốc độ của chuyển động nhiệt là hàm số của nhiệt độ, độ nhớt của dòng chảy và kích thước (khối lượng) của các phần tử nhưng không phải là hàm số của nồng độ.

Sự khuếch tán dẫn đến sự dịch chuyển các phân tử từ một khu vực có nồng độ cao hơn đến khu vực có nồng độ thấp hơn, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là sự khuếch tán cũng xảy ra khi không có gradient nồng độ. Kết quả của sự khuếch tán là một pha trộn vật chất. Trong một giai đoạn với nhiệt độ đồng nhất, không có sự tác động của lực từ bên ngoài lên các phần tử thì kết quả cuối cùng của quá trình khuếch tán là sự san bằng nồng độ” (3).

Vì vậy nước độc thải ra từ Formosa Hà Tĩnh bị nhiễm qua vùng biển Nghệ An là hợp theo quy luật tự nhiên. Hơn nữa với lượng nước thái bình quân mỗi ngày 12.000 m3 nước cực độc khủng khiếp như thế, vẫn có khả năng gây nhiễm biển Thanh Hóa nữa là khác.

Ngoài những cuộc biểu tình nổ ra rầm rộ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình v.v... đòi Formosa bồi thường thỏa đáng và cút khỏi Việt Nam, thì tại Nghệ An, LM Đặng Hữu Nam và LM Nguyễn Đình Thục đã hướng dẫn giáo dân Nghệ An đi nộp đơn khởi kiện Formosa, vì người dân Nghệ An cũng chịu thiệt hại do thảm họa này gây ra.

Ngoài ra, LM Đặng Hữu Nam là người dám vạch trần những sự áp bức của nhà cầm quyền để bênh vực kẻ cô thân cô thế, dám đấu tranh chống lại cái ác.

Vì vậy đối với nhà cầm quyền Nghệ An, LM Đặng Hữu Nam là một cái gai trước mắt họ. Do đó đã nhiều lần họ đề nghị Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, GM Giáo phận Vinh, tước bỏ thiên chức linh mục của ông, nhưng bất thành.

Và từ tháng 3 năm 2018, LM Đặng Hữu Nam được thuyên chuyển từ giáo xứ Phú Yên thuộc xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An, về phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, nơi tổ chức cuộc đấu tố này.

Không vô hiệu hóa được LM Đặng Hữu Nam theo mong muốn, trong cơn bí bách, nhà cầm quyền Nghệ An lại “phát minh” ra hình thức đấu tố theo bài cũ.

Phải thừa nhận nhà cầm quyền Nghệ An, dòng dõi Hang Pắc Bó có nhiều sáng tạo. Là chiếc nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa được phát động để cướp ruộng đất của người dân, cướp xí nghiệp nhà máy của giới chủ, nhưng đã hoàn toàn thất bại. Thì vài năm qua, nhà cầm quyền Nghệ An lại tổ chức phong trào “Bò đỏ”, quy tụ loại siêng ăn nhác làm, loại vô công rồi nghề, du thủ du thực, đâm thuê chém mướn, tập hợp lại và được nhà cầm quyền nuôi dưỡng,bảo kê, mà kẻ cầm đầu thực chất là công an khoác áo côn đồ, để bao vây phá rối các ngày lễ tại các giáo xứ.

Hành động này đã bị quốc tế lên án, coi đây là tổ chức khủng bố. Vì vậy nhóm này không dám hoạt động công khai, nhưng vẫn lẻn lút hoạt động.

Nếu là một chính quyền quang minh chính đại, đúng nghĩa là một “Chính quyền”, và nếu như LM Đặng Hữu Nam vi phạm tội gì, thuộc điều luật nào, thì cứ tróc cổ ra mà bắt, mà truy tố, mà tống vào tù. 

Việc nhà cầm quyền Nghệ An tổ chức đấu tổ LM Đặng Hữu Nam lần này là họ muốn dựng cái thây ma cuộc “Cải cách ruộng đất” “long trời lở đất”, năm xưa, đã giết oan hàng vạn người dân vô tội, mà đa số những người này lại là những cán bộ, những người có rất nhiều công trạng với đảng, đã đem gia tài điền sản và của cải tiền bạc của mình ra cung phụng và nuôi dưỡng đảng thuở đảng còn chui rúc trong hang. Như bà Cát Hanh Long-Nguyễn Thị Năm, và hàng vạn người khác.

Cũng tại cuộc đấu tố này, họ đòi trục xuất LM Đặng Hữu Nam, là một công dân, ra khỏi nơi cư trú, bằng cái gọi là “cuộc hội nghị” của một đám ô hợp, được cầm đầu bởi những phần thử thoái hóa biến chất trong đảng, hay nói theo từ của ông trọng là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để lập công chuộc tội.

Cùng với công cuộc thanh trừng phe phái, đấu đá nội bộ giữa các nhóm lợi ích để tranh giành những miếng mồi bẻo bở tại các địa phương hiện nay ở cấp thượng tầng, được mệnh danh là chiến dịch đốt lò, và qua những hành động điên cuồng và đê hèn này của nhà cầm quyền nghệ An, báo hiệu ngày tàn của một tà quyền sắt máu không còn xa.



_________________________________

Chú thích:




(Nguồn: Fb Võ Tá Duẩn có một số hình ảnh)

0 comments:

Powered By Blogger