Trần Quốc Việt (Danlambao) - Chúng ta phải cảm ơn lòng yêu nước vì, xét cho cùng, chính lòng yêu nước của muôn vàn thế hệ tiền nhân đã sinh thành ra người Việt chúng ta hôm nay và non sông Việt Nam ngày nay. Không có sự hy sinh vô bờ bến của họ, dân tộc Việt Nam, may mắn nhất, là một dân tộc thiểu số hiện nay trên phần đất Trung Quốc mà xưa kia là Việt Nam. Còn tệ nhất là không còn người Việt nào vì tất cả họ đã bị đồng hóa hoàn toàn sau hàng ngàn năm đô hộ. Cha mẹ sinh ra ta nhưng chính lòng yêu nước của người Việt mới sinh thành nên chính hình hài, tâm hồn, văn hóa, tiếng nói đặc trưng của người Việt chúng ta.
Hôm nay người Việt trên thế giới nhớ về sự hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến Hoàng Sa vào ngày này năm 1974. Máu của họ đã tan vào đại dương nhưng tưởng như vẫn chảy thầm lặng và vô hình trong tâm tưởng chúng ta. Họ chính là một trong vô vàn nhưng thế hệ tiền nhân đã dâng mình cho sơn hà ấy. Vô danh hay hữu danh họ đều là những bậc anh hùng và anh thư xả thân để cho non sông và giống nòi Việt Nam trường tồn đến tận ngày nay
Những thế hệ người Việt hôm nay ở trong nước hay ở góc bể chân trời nào hãy soi mình vào gương để chung cuộc nhận thức rằng chính nhờ họ mà ta vẫn còn thấy ta là người Việt. Họ như những chiếc lá cháy lên lần cuối cùng để duy trì lớp than hồng yêu nước gìn giữ nên nước Việt Nam muôn đời bất khuất trước bao nhiêu cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Tưởng nhớ họ là hãy quyết tâm nhận lấy trách nhiệm họ đã ký thác lại cho mình và hãy tiếp tục cuộc trường chinh sinh tồn in đậm dấu chân của biết bao nhiêu người Việt sẵn sàng chết cho quê hương và giống nòi được trường tồn.
Hãy cháy lên như họ để giữ lớp than hồng yêu nước không bao giờ nguội lạnh trong lòng người Việt. Thà chết cho lòng yêu nước Việt Nam ngày nay còn hơn kéo dài kiếp đời nô lệ dưới xiềng xích Bắc Thuộc ngày mai.
Nối tiếp con đường thấm đẫm máu của tiền nhân là trách nhiệm và sứ mệnh của từng người và từng thế hệ người Việt hôm nay và muôn đời về sau - những ai vẫn coi mình là người Việt.
20.01.2018
0 comments:
Post a Comment