Tiêu Thổ Kháng Chiến Chống Trump |
...hiển nhiên là mọi bên, nếu không u đầu thì cũng bầm mặt...
Chỉ mới có hai tuần thôi mà ta đã thấy TT Trump đang xoá bàn cờ, làm lại hết mọi chuyện từ đầu. Tốt hay xấu chưa ai biết, nhưng đã bị đánh nhừ tử. Tương lai không biết thọ được bao lâu. Theo cái đà này thì chắc 6 tháng nữa, đảng DC sẽ xúc tiến thủ tục đàn hạch TT Trump với sự cổ võ vô điều kiện của TTDC.
Mối nguy lớn nhất cho đến nay chính là quan hệ giữa chính quyền Trump với đảng DC và nhất là với TTDC. Việc hai bên công khai tuyên chiến với nhau sẽ đưa đến những quan hệ khó khăn nhất cho cả hai, đặc biệt là cho TT Trump, khi mà TTDC sẵn sàng bóp méo, xuyên tạc, phóng đại, và cả tung tin phiạ để khích động quần chúng chống ông. Cựu phát ngôn viên của TT Bush con nhận định ngày trước TTDC đánh TT Bush tơi bời, nhưng bây giờ đánh TT Trump gấp ba lần.
TTDC bằng mọi cách muốn đánh tân tổng thống đến rớt đài ngay, hay ít nhất cũng tìm mọi cách hạ uy tín và tính chính danh của ông. Từ việc tấn công bất cứ lời nói hay hành động nào, tất cả những bổ nhiệm tân nội các, và tất cả mọi pháp lệnh. Cho đến những tấn công nhỏ mọn kiểu TT Trump được hậu thuẫn thấp nhất, ít người tham dự lễ tuyên thệ, bà Melanie mặc quần áo xấu, ông Trump uống thuốc mọc tóc, v.v... Hay những tấn công nặng ký hơn về những chuyện như giấy thuế, xung khắc quyền lợi, gia đình trị, di dân, cấm cửa dân Hồi, cãi nhau với đồng minh,...
Thử cái này không được thử cách khác, biết đâu sẽ có ngày thành công. Không ít anh nhà báo đang âm thầm ôm mộng đi vào lịch sử vì diệt được TT Trump như đã hạ được TT Nixon trước đây.
Thử cái này không được thử cách khác, biết đâu sẽ có ngày thành công. Không ít anh nhà báo đang âm thầm ôm mộng đi vào lịch sử vì diệt được TT Trump như đã hạ được TT Nixon trước đây.
Đọc báo hai tuần qua, ta thấy có hai chuyện lớn phe ta mang ra đánh TT Trump tàn bạo nhất.
Thứ nhất là việc TT Trump ký pháp lệnh. Trong vòng chưa đầy hai tuần, TT Trump, qua một loạt gần 20 pháp lệnh và cả chục ký chú [memoranda, cũng là chỉ thị tuy nhẹ tính pháp chế hơn], đã thay đổi nhiều hơn 8 năm của TT Obama là người ra tranh cử với khẩu hiệu “Thay Đổi”. Nhưng có gì đáng ngạc nhiên đâu? TT Trump đang làm những gì ông đã hứa khi tranh cử và ông đã được bầu vì những hứa hẹn đó mà. Hay là ngạc nhiên là có một chính khách khi nắm quyền lại có thể giữ những lời hứa khi ra tranh cử?
Sau một phút bàng hoàng vì ngạc nhiên, cả thế giới cấp tiến xúm vào đánh hội đồng tất cả mọi quyết định của TT Trump, không chừa bất cứ cái nào. Chẳng những đánh vào nội dung các quyết định, mà cũng đánh luôn về hình thức quyết định khi TTDC đặt vấn đề hợp pháp của các pháp lệnh. Cũng có lý khi ta hiểu nước Mỹ là nước pháp trị, có luật lệ đàng hoàng. Nhưng điều lạ lùng là với TT Obama, từ pháp lệnh đầu tiên đóng cửa nhà tù Guantanamo đến hàng loạt pháp lệnh những ngày cuối, sao không thấy TTDC hay ông giáo sư luật nào thắc mắc?
Ngay sau khi tái đắc cử năm 2012, TT Obama công khai thách đố thiên hạ, tuyên bố sẽ hành xử quyền tổng thống bất cần quốc hội. “Chúng ta sẽ không chờ lập pháp gì hết để bảo đảm chúng ta đáp ứng nhu cầu của dân Mỹ. Tôi có cây bút và điện thoại”. Đó là tuyên bố của TT Obama tháng Giêng 2014. TTDC tuyệt đối im ru bà rù.
Hay là xứ Mỹ này có hai bộ Hiến Pháp: một dành cho tổng thống DC và một dành cho tổng thống CH?
Hay là xứ Mỹ này có hai bộ Hiến Pháp: một dành cho tổng thống DC và một dành cho tổng thống CH?
Việc thứ hai liên quan đến chính sách di dân của TT Trump.
Trước hết là vụ xây tường tại biên giới Mễ.
Kiểm soát di dân gốc Nam Mỹ là lời hứa hẹn đầu tiên của ứng viên Trump. Ông đã long trọng hứa xây tường thì bây giờ ông phải xúc tiến thôi. Người ta có thể chất vấn về chi phí cũng như về hiệu quả của bức tường, nhưng đây là những chi tiết thực hành mà chúng ta chỉ có thể bàn đến khi có dịp nhìn vào kết quả thực tế.
Trong vấn đề di dân này, TTDC và phe cấp tiến, kể cả ông chủ Facebook Marc Zuckerberg hay tỷ phú George Soros,... đã là những tiếng nói thiếu lương thiện nhất. Họ hô hoán nước Mỹ là quốc gia xây dựng trên di dân, do đó chống di dân là đi ra ngoài truyền thống của Mỹ, là vô nhân, là kỳ thị màu da,... Điều họ cố tình không nhắc đến là TT Trump chưa khi nào chủ trương khoá cửa biên giới, không bao giờ nhận di dân nữa. Điều ông không chấp nhận là di dân vào lậu, bất hợp pháp. Ông đòi khoá biên giới, trục xuất di dân lậu, rồi sau đó, cho họ xếp hàng, vào lại nước Mỹ theo đúng luật lệ hiện hành, là những luật lệ đã có từ hồi nào đến giờ, không phải do ông Trump đặt ra. Chià khoá thực sự của vấn đề, cái danh từ chủ chốt mà mấy ông bà cấp tiến lờ đi, đó chính là danh từ bất hợp pháp, mà họ tô son vẽ phấn, ngụy trang thành undocumented, tức là không có giấy tờ.
Nhiều ông an-nam-mít so sánh di dân lậu Mễ với dân tỵ nạn Việt. Ngớ ngẩn! Di dân TT Trump muốn ngăn là đám di dân chui, vào Mỹ bất hợp pháp để kiếm cơm. Dân tỵ nạn ta vào Mỹ vì lý do tỵ nạn chính trị hay đoàn tụ gia đình, hoàn toàn hợp pháp.
Phe cấp tiến hậu thuẫn khối di dân này vì lá phiếu, các đại gia hậu thuẫn vì lý do kinh tế, nhân công rẻ, làm những việc tệ mạt nhất như tài xế, làm vườn, vú em, lau chùi quét dọn,..., đồng thời cũng giúp dìm mức lương chung của Mỹ xuống theo.
Đánh vào lòng trắc ẩn của dân Mỹ, TTDC hô hoán, báo động về việc mấy trăm ngàn trẻ em di dân lậu, gọi là Dreamers -những người đang ôm mộng- bị đe dọa đuổi ra khỏi xứ, nhưng cố tình lờ việc đám trẻ này chỉ là những mỏ neo mà bố mẹ chúng cố tình lùa qua Mỹ để có dịp bảo trợ bố mẹ chúng qua Mỹ theo thôi. Việc đúng đắn phải làm là trả chúng về cho bố mẹ chúng.
Hết chuyện di dân Mễ qua di dân Trung Đông.
Một trong những pháp lệnh có hiệu lực ngay lập tức và đang gây náo loạn là lệnh không nhận di dân từ nửa tá các nước Trung Đông.
Trước khi đi xa hơn, phải nói ngay theo cơ quan thăm dò Rasmussen, đa số (56%) dân Mỹ ủng hộ quyết định này của TT Trump. Nhưng dĩ nhiên cái đa số thầm lặng này đã bị khối thiểu số chống đối ồn ào lấn át hết. Từ những phong trào phản chiến thân cộng của thập niên 60 đến giờ, khối chống đối cấp tiến luôn luôn là khối ồn ào nhất, bất chấp luật pháp nhất.
TTDC, phe cấp tiến, và chính khách DC khua chiêng trống đinh tai luôn. Vi phạm nhân quyền, vi phạm Hiến Pháp, kỳ thị tôn giáo, vô nhân đạo,... không thiếu gì tội tầy trời. TTDC chạy tít khổng lồ: TT Trump cấm cửa dân Hồi giáo từ 7 xứ Libya, Sudan, Somalia, Iraq, Iran, Syria và Yemen.
Đây là chuyện gây tranh cãi nhiều nhất chỉ vì... TTDC tung ra nhiều tin phiạ nhất [được phần lớn truyền thông tỵ nạn sao y bản chính lại].
Trước hết, lệnh cấm không nêu danh bất cứ xứ nào ngoài Syria mà chương trình di dân bị đình hoãn vô hạn định. Lệnh cấm cửa 90 ngày chỉ ghi các xứ nằm trong danh sách của một điều khoản đặc biệt, gọi là các xứ đáng quan tâm. Danh sách các xứ đáng quan tâm này do TT Obama lập ra từ năm 2015, được Hạ Viện phê chuẩn, chứ không phải do TT Trump mới đặt ra. Đó là 7 xứ nêu trên.
TT Obama đặt những xứ đó trong thủ tục cần xét gắt gao trước khi cấp hộ chiếu. Khi đó, không nghe ai hô hoán kỳ thị Hồi giáo gì hết. Bây giờ, TT Trump chỉ đi thêm một bước nữa: ông cho rằng những thủ tục thanh lọc có thể chưa đầy đủ, cần 90 ngày để xét lại và củng cố thêm. Thế là phe ta nhẩy dựng như điả phải vôi.
Không khác gì luật của TT Obama, pháp lệnh của TT Trump bao trùm tất cả dân mấy xứ đó, không có một chữ nào về Hồi giáo, có nghiã là bao gồm Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay vô tôn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Bà La Môn luôn nếu có.
Tổng cộng số di dân các xứ này được nhận vào Mỹ năm 2016 khoảng 30.000, trong đó có khoảng 12.000 từ Syria, 9.000 từ Somalia, 8.000 từ Iraq, và 3.000 từ Iran. Mấy xứ kia không đáng kể. Tức là quyết định của TT Trump chỉ ảnh hưởng đến khoảng 30.000 người trong khi có gần 1.500.000.000 (một tỷ rưỡi) người Hồi giáo trên thế giới. Theo tỷ lệ, là 0,00002% (nhiều 0 quá, không biết có tính đúng không!), không phải 100% dân theo đạo Hồi. Khác rất xa nếu quý độc giả biết làm toán cộng trừ. Hơn 30 xứ Hồi giáo trên thế giới chẳng bị cấm gì, như Ai Cập, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Dương, các xứ Bắc Phi, các tiểu vương Vùng Vịnh, Pakistan, Bangladesh,...
Cuối cùng lệnh cấm cửa không phải vĩnh viễn, mà chỉ có hiệu lực ngắn hạn, 90 ngày cho tất cả những người từ 7 xứ trên muốn vào xứ Mỹ, kể cả du khách và du học sinh, và 120 ngày cho tất cả các di dân, mục đích để các cơ quan an ninh có thời giờ thiết lập các thủ tục thanh lọc chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn khủng bố len lỏi vào.
Nhiều người chất vấn dân những xứ bị cấm chẳng có anh nào dính dáng vào khủng bố ở Mỹ, trong khi Ả Rập Saudi là quê hương của 15 tên khủng bố 9/11, tại sao không cấm dân xứ này? Tại sao không cấm dân Ai Cập là xứ của ông chùm Al Qaeda hiện nay? Một nhà báo tỵ nạn mau mắn chép lại tin của TTDC nêu ra danh sách các nước TT Trump không cấm: toàn là những xứ TT Trump có quyền lợi kinh tế.
Luận điệu TT Trump tránh né những xứ này vì ông có quyền lợi kinh doanh chỉ là những xuyên tạc bôi bác rẻ tiền vì danh sách 7 xứ này là do TT Obama lập ra. Muốn hỏi chuyện này thì phải hỏi TT Obama.
Thật ra, chất vấn vậy là không hiểu tại sao TT Obama đã phân loại như vậy và tại sao TT Trump có biện pháp cấm cửa những xứ này. Đây không phải là hành động trả thù khủng bố Ả Rập hay Ai cập, mà là biện pháp phòng ngừa cho tương lai. Căn gốc của vấn đề là kiểm tra lý lịch, quá khứ của những người muốn vào Mỹ. Dân những xứ như Ả Rập Saud, Ai Cập, có một hệ thống chính quyền hữu hiệu, có thể kiểm tra tương đối dễ dàng nên những biện pháp hiện có đủ hữu hiệu không cần phải cứu xét lại.
Trong 7 nước bị lưu ý, có 4 xứ vô chính phủ đang đánh nhau loạn xà ngầu, là Libya, Sudan, Yemen và Somalia, một xứ không có liên lạc ngoại giao với Mỹ là Iran, và hai xứ vẫn còn chiến tranh mà chính phủ chỉ kiểm soát được một phần lãnh thổ là Iraq và Syria. Giấy tờ hồ sơ lý lịch bị thiêu hủy hết, giấy tờ giả tràn lan, làm sao truy cứu lý lịch? Đó chính là lý do tại sao TT Obama –chứ không phải TT Trump- đã xếp hạng những xứ này vào loại đáng quan tâm, cần thanh lọc kỹ hơn.
Những người hô hoán việc cấm cửa này “chà đạp lên những giá trị cao quý nhất” của Mỹ chỉ là vẹt lập lại những khẩu hiệu của TTDC, xuyên tạc theo phe phái. Khi TT Obama phân loại 7 xứ này thì sao không nghe ai nói chuyện chà đạp gì?
TT Trump không hề cấm cửa vĩnh viễn bất cứ một ai hết. Đây chỉ là những biện pháp nhất thời 3-4 tháng nhằm tăng cường an toàn cho nước Mỹ và dân Mỹ trong đó có ngay cả những người chống đối mạnh nhất. Trong lịch sử Mỹ, đã có nhiều lần những biện pháp tạm thời này được ban hành, cụ thể nhất là quyết định của 2 tổng thống DC:
TT Trump không hề cấm cửa vĩnh viễn bất cứ một ai hết. Đây chỉ là những biện pháp nhất thời 3-4 tháng nhằm tăng cường an toàn cho nước Mỹ và dân Mỹ trong đó có ngay cả những người chống đối mạnh nhất. Trong lịch sử Mỹ, đã có nhiều lần những biện pháp tạm thời này được ban hành, cụ thể nhất là quyết định của 2 tổng thống DC:
- Năm 1979, TT Carter cấm cửa vô hạn định tất cả mọi công dân Iran, 60.000 sinh viên Iran bị bắt ghi danh –register- với cảnh sát Mỹ ngay lập tức, gần 5,500 bị trục xuất hay tự ý bỏ về nước. TT Carter cũng ra lệnh hàng chục ngàn chiếu khán đã cấp cho du khách và du học sinh bị thu hồi lại hết.
- Năm 2011, TT Obama cấm cấp chiếu khán cho tất cả dân Iraq vào Mỹ trong 6 tháng để xét lại các thủ tục nhập cảnh của dân Iraq.
Cả hai lần, tuyệt đối TTDC im ru, và cũng vì vậy, chẳng ai biểu tình tố hai ông này kỳ thị Hồi giáo hay chà đạp lên cái gì hết.
Nhiều người cũng tố lệnh cấm ra quá gấp, không thông báo trước, không tham khảo ý kiến rộng rãi các bộ liên hệ theo đúng thủ tục hành chánh. Đúng là chỉ trích ngớ ngẩn. Nếu thông báo trước hay nếu tham khảo ý kiến các bộ khi các tân bộ trưởng chưa được bổ nhiệm, còn toàn là người của chính quyền Obama, thì bảo đảm ba phút sau, tin sẽ bị lộ, cả trăm ngàn người sẽ xếp hàng tại các tòa đại sứ Mỹ, trong đó sẽ có không ít cảm tử của ISIS, và các xử lý thường vụ tòa đại sứ do TT Obama bổ nhiệm sẽ ký cho cả ngàn người vào mỗi ngày ngay.
CNN công bố thống kê cho thấy con số khủng bố tại Mỹ rất ít, mối nguy rất nhỏ. Không sai. Đối với những người không là nạn nhân bị khủng bố giết thì 100.000 tên khủng bố cũng chỉ là một con số thống kê nhỏ. Nhưng đối với gia đình những nạn nhân bị giết thì chỉ một tên khủng bố cũng đã là quá nhiều rồi. Chẳng lẽ TTDC và những người chống Trump muốn đợi một vụ 9/11 thứ hai mới cần biện pháp phòng ngừa? Hay là đợi một người thân nào của mình bị khủng bố giết thì mới thấy mối nguy?
Phải nói cho ngay, lệnh cấm cửa đi quá xa khi cản luôn cả những người đã có thẻ xanh. Chính quyền Trump đã thấy vấn đề và thu hồi lệnh cấm hạng người này. Chỉ chứng tỏ tân chính quyền làm việc còn thiếu kinh nghiệm, rất luộm thuộm. Việc thi hành lệnh mới cũng đã đưa đến những rối loạn tại các phi trường vì khả năng yếu kém của đám công chức. Cũng giống như mấy ngày đầu của Obamacare, tuy khác ở điểm luộm thuộm Obamacare gây phiền toái cho cả triệu dân Mỹ trong khi vụ cấm cửa này chỉ phiền hà vài trăm anh chị Trung Đông.
Ngay cả các ông toà cũng bối rối. Một ông toà ra lệnh hoãn thi hành toàn bộ pháp lệnh, không cho trục xuất những người bị kẹt ở phi trường, nhưng lại cho tạm giam họ. Một ông toà khác hoãn thi hành pháp lệnh trong một tuần. Một ông tòa nữa ra quyết định pháp lệnh vô hiêu lực trên cả nước. Những chuyện này, tốt nhất không nên bàn góp nếu không phải là luật sư chuyên nghiệp. Dựa cột mà nghe.
Nhìn chung, ta thấy TT Trump nhìn Mỹ như là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, United States of America. TTDC và phe cấp tiến nhìn Mỹ như là... Liên Hiệp Quốc, United Nations of the World, thế giới đại đồng mở toang cửa cho cả tất cả tự do ra vào.
Riêng đối với dân Việt ta, trái với những báo động sảng của vài người chống TT Trump, quyết định này chẳng có hậu quả tai hại nào cho dân Việt tỵ nạn chính đáng vì chỉ nhằm ngăn cản khủng bố. Có thể thủ tục xin di dân nhất thời bị chậm trễ, nhưng rồi cũng qua.
xxx
Chuyện rõ ràng cả thế giới đang nhìn thấy, TTDC đã thẳng thừng từ bỏ trách nhiệm thông tin trung thực, để biến thành một thứ … bộ đội xung phong chống Trump. Cuộc chiến chống TT Trump của TTDC và đảng DC là một loại... tiêu thổ kháng chiến: đốt phá đập tất cả không chừa. Một sách lược nhiều chiến lược gia DC đã bắt đầu nghi ngờ vì tính quá khích cực đoan thường trực tự nó sẽ mất dần ý nghiã và hậu thuẫn của quần chúng.
Sự hung hăng của TTDC ngày nay còn hơn xa sự hung hăng đánh TT Nixon thời xưa. Có nhiều lý do giải thích sự hung hăng cực đoan này.
Lý do đầu tiên là vì khuynh hướng lịch sử tự nhiên. Quan hệ giữa TTDC với các chính quyền CH chưa bao giờ tốt đẹp từ thời TT Nixon đến nay, vì lý do rất giản dị là 80% các nhà báo, ký giả, chủ bút, chủ nhiệm, chủ tịch, giám đốc,... các cơ quan ngôn luận đều theo DC, yểm trợ tiền và bỏ phiếu cho DC.
Lý do thứ nhì là việc ông Trump đắc cử đã chứng minh tất cả những nhận định, những tiên đoán trước đây của TTDC về ứng viên Trump đều đã sai bét. TTDC ê mặt, nhưng không chịu thua, tìm mọi cách chứng minh những người sai chính là những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump. Cách TTDC cho là hữu hiệu nhất là đánh ông ta đến cùng để chứng minh họ đã nhận định chính xác và đánh giá ông đúng mức ngay từ đầu.
Lý do thứ ba là do chính TT Trump khiêu khích. Ông đã qua mặt TTDC bằng cách sử dụng Tweeter, Facebook,... Ông cũng dùng những câu tuyên bố nẩy lửa hay những hành động có tính khiêu khích rõ ràng để khích động, chọc cho TTDC phát điên, phản ứng quá trớn.
Trong khi tất cả các chính quyền tiền nhiệm lo o bế TTDC, thì TT Trump công khai và cố tình dìm TTDC xuống. Mở miệng là ông nhấn mạnh “dishonest media” – truyền thông không lương thiện.
Ý định của TT Trump rất rõ: ông muốn thay đổi vai trò và ảnh hưởng của TTDC. Ông khiêu khích họ, khiến họ càng ngày càng đánh chính quyền Trump mạnh, tức là càng ngày càng mang tính quá khích, cực đoan, khiến khối này ngày càng mất sự tin tưởng của quần chúng, đặc biệt là của khối độc lập không phe ta. Chưa kể đánh TTDC cũng sẽ khiến cử tri của ông vui mừng thích thú, hậu thuẫn càng tăng mạnh.
Cho đến nay, không ai nhìn thấy tương lai quan hệ giữa TT Trump và phe ta gồm TTDC và cả đảng DC sẽ đi về đâu, nhưng điều hiển nhiên là mọi bên, nếu không u đầu thì cũng bầm mặt, trong khi sinh hoạt chính trị Mỹ sẽ ngày càng bế tắc trong phân hoá. (05-02-17)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
Outlook for Android
0 comments:
Post a Comment