Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Nhân dịp Tết Đinh Dậu, câu chuyện gộp hay không gộp cả hai loại Tết Dương và Âm vào làm một, lại được xới trở lại, nhưng có lẽ, rồi cũng lại như mọi năm, sẽ chẳng có một quyết định nào được đưa ra.
Nhưng, cái gì buộc phải đến, nó tất đến. Việc nhanh hay chậm phản ánh trình độ nhận thức chung không phải chỉ của quần chúng mà trước hết là của nhà cầm quyền. Trong một chế độ mà bộ máy quyền lực tập trung trong tay đảng cộng sản, chính sách và luật pháp đều từ ý chí và bàn tay của đảng mà ra. Sở dĩ chuyện tranh luận nên hay không nên này kéo dài nhiều năm nay, là một khẳng định não trạng và trình độ tư duy của những cái đầu lãnh đạo của đảng. Những con người này, phần đông và phần chủ chốt có xuất phát sâu thẳm từ nền văn hoá làng quê. Xét một cách biện chứng theo lý thuyết của Mác, thì việc đòi hỏi những con người này một lọai tư duy cất cánh khác, có thể cũng là việc khó, giống như việc đòi ông Lê Duẩn phải hiểu về chủ nghĩa Tư bản hay đòi ông Nguyễn Phú Trọng giải thích về Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vậy.
Người ta đưa ra lý do văn hoá, nét đặc trưng hàng nghìn năm. Bỏ Tết cổ truyền là bỏ di sản văn hoá, là bỏ truyền thống và những giá trị ngàn năm v.v... Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, các hủ tục, các thứ truyền thống hủ bại, cũng có tuổi hàng nghìn năm, nhưng sau khi bãi bỏ, hoặc thay bằng một hình thức khác, chỉ sau một thời gian, nếu cái thay đổi đó phù hợp với cuộc sống, tạo ra những tác động tích cực, không có ai tìm cách quay lại. Đảng cộng sản sẵn sàng tiêu huỷ những gì văn minh nhưng có hại cho chủ trương độc đảng cầm quyền của họ, và bỏ mặc, thậm chí còn nuôi dưỡng những hủ tục nếu những hủ tục đó đồng loã với họ che đậy sự lưà bịp và che chắn bảo vệ chế độ. Hai mươi ngày nghỉ một năm vào những ngày khởi đầu của một chu trình sản xuất kinh doanh mới, gay gắt cạnh tranh, là một việc cần tránh, nhưng những ngày nghỉ này có thể lôi con người ra khỏi những quan tâm chính trị, bỏ qua những tội ác của chính quyền, mà những kẻ lãnh đạo chóp bu cần và muốn che đậy, giấu diếm.
Mọi thứ bắt đầu từ nền sản xuất nông nghiệp và canh tác lúa nước.
Tất cả những thói quen, những tập quán hình thành và tồn tại hàng ngàn năm trong xã hội Việt Nam để được gọi là nét riêng văn hoá, thực ra không phải là cái gì đặc trưng, hay sản phẩm đặc biệt gắn với đặc tính riêng của con người Việt Nam, mà chỉ là kết quả của sự gắn kết cuộc sống con người với điều kiện đời sống canh tác nông nghiệp. Nếu có thể nói qúa một chút thì bản chất các tập quán này phản ánh sự trói buộc của số phận hàng ngàn đời của con người Việt vào sinh mệnh của cây lúa, cũng là sự trói buộc của số phận con người vào tính bất thường của giông bão, nắng mưa, vào sự giận giữ quở phạt của Thượng đế. Sự may mắn, yên bình, thuận mưa vưà nắng phụ thuộc vào sự quy phục của con người trước một thế lực quyền năng vô hình.
"Trông trời trông đất trông mây
trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
trông cho chân cứng đá mềm,
trời êm bể lặng mới yên tấm lòng"
"Mười chín tháng chín không mưa,
thì con bán cả cày bưà đi buôn."
Tết Ta là ngày cuối của năm Âm lịch, tức là lịch tính theo vòng quay một năm của mặt trăng, gọi là lịch của nông dân, lịch thời tiết gắn với chế độ canh tác nông nghiệp và chủ yếu là canh tác lúa nước. Thực tế, các quy luật về thời tiêt́, như mưa gió, lụt bão hay khô hạn gắn với chu kỳ quay vòng của mặt trời rõ rệt và tác động mạnh hơn nhiều. Chuyển động của mặt trăng chỉ ảnh hưởng tới mức lên xuống của thuỷ triều hàng tháng, ảnh hưởng không nhiều tới vòng sinh trưởng kéo dài thông thường từ 5 đến 6 tháng của cây lúa và thường chỉ vào sâu hạ lưu của các con sông chừng 50-60 km. Những quy luật thời tiết có thể quy chuyển về dương lịch tương ứng và thực tế người nông dân đã quen với cách tính theo lịch dương từ hàng trăm năm, đặc biệt từ sau khi chiụ sự bảo hộ của thực dân Pháp, khi mọi hoạt động xã hội được chính quyền ấn định theo Dương lịch.
Đương nhiên, nếu vòng quay của mặt trăng kết thúc vào đúng dịp người nông dân đang phải bận bịu với công việc đồng áng, không thể rời ra được, thì ngày kết thúc vòng quay đó không thể trở thành ngày Tết. Ngày Tết chính là ngày nông nhàn, chỉ một năm một lần. Vụ chiêm của đồng bằng bắc bộ từ xa xưa bắt đầu gieo mạ từ tháng 10, bắt đầu cấy từ cuối tháng 11 và cấy xong vào dịp cuối năm. Đó là thời kỳ kéo dài 25-30 ngày, buộc phải chờ cho cây lúa bén rễ, đẻ nhánh, để cào cỏ và bón thúc cho cây luá chuẩn bị làm đòng. Đây là thời gian ngoài đồng không có việc gì làm. "Tháng giêng là tháng ăn chơi". Vụ lúa mùa, là vụ lúa quan trọng nhất đối với nhà nông, mới gặt xong tháng 10. Thóc mới, gạo mới, sau một năm khó nhọc, vất vả, giữa một dịp nông nhàn kéo dài cả tháng, người đi cấy thuê xa có dịp về nhà, hàng xóm làng nước có dịp thăm hỏi lễ lạt, chúc tụng nhau. Hàng nghìn năm như vậy, thói quen và tập quán trở thành một phần của cuộc sống. Những sinh họat văn hoá, tinh thần phát sinh, phát triển từ những ngày nghỉ này dần biến thành tài sản cộng đồng và trở thành văn hoá dân tộc.
Sản phẩm văn hoá ra đời từ các phong tục tập quán. Các phong tục tập quán xuất hiện, hình thành và phát triển trên nền mối quan hệ sản xuất quan trọng nhất với đời sống cộng đồng. Một cách biện chứng, có thể thấy, khi quan hệ sản xuất của nền sản xuất chi phối xã hội thay đổi, thói quen sinh hoạt xã hội có thể thay đổi, từ đó văn hoá xã hội thay đổi theo.
Bản chất Nông nghiệp đã thay đổi.
1- Theo báo cáo của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, các giống lúa nhân tạo đã khắc phục nhiều chênh lệch phụ thuộc vào thời tiết và việc canh tác các giống lúa này không buộc phải nghỉ nghỉ vào cuối hay đầu năm.
Vụ Đông-Xuân:
- Sớm: Mạ 25-30/12, Cấy 5-10/2, Thu hoạch 20-25/5
- Chính vụ: Mạ 5-20/1, Cấy 20-25/2 Thu hoạch 1-15/6
- Muộn: Mạ 25/1-5/2 Cấy 25/2-05/3 Thu hoạch 25-30/6
Công việc gieo mạ cho vụ Đông-Xuân cả ba loại giống lúa kéo dài suốt từ 25/12 cho đến 5/2, vắt qua dịp Tết Ta thường rơi vào khoảng giữa tháng Một và giữa tháng Hai. Vì vậy với cơ cấu canh tác các giống lúa mới, những ngày cuối năm không còn là những ngày nông nhàn. Việc nghỉ làm nông vào những ngày này đã trở nên gượng ép. Tháng giêng đã không còn là "tháng ăn chơi" như cách đây vài chục năm.
2- Cùng với vịêc thâm canh nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất sản lượng không ngừng tăng, trong khi diện tích canh tác nhiều năm nay chậm lại và tỷ lệ giữa mở rộng diện canh tác với hiệu quả đầu tư tiến dần tới giới hạn, dẫn đến tất yếu dư thừa lao động nông nghiệp. Năng suất bình quân đầu người trong khu vực nông nghiệp vẫn còn rất thấp, phản ánh tình trạng lao động nhàn rỗi, không tạo ra sản phẩm, kích thích luồng di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Hiện nay, năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng một phần năm so với khu vực công nghiệp, cũng có nghĩa một phần rằng, lao động của khu vực nông nghiệp đang vượt quá nhu cầu ít nhất hai lần. Một nửa số lao động thường xuyên tại khu vực nông nghiệp có thể và cần phải được di chuyển ra khu vực công nghiệp và dịch vụ xã hội.
3- Tỷ trọng đóng góp của sản xuất nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc gia giảm dần tất yếu, nhường chỗ cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Ở Việt Nam hiện nay (2016), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%, trong đó riêng nông nghiệp chỉ chiếm không đến 10%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (Cơ cấu tương ứng của năm 2015 là: 17,00%; 33,25%; 39,73%; 10,02%). Trong vòng 10 năm nữa, sản lượng do Dịch vụ đem lại có thể lên trên 60%, sản lượng công nghiệp chiếm giữ khoảng ̃32-35% , ngành nông nghiệp sẽ chỉ còn đóng góp 5-8%.
4- Dân số Việt Nam năm 2014 tại khu vực nông thôn 66,9%= 60.693,50 triệu người, thành thị 33.1 %; = 30.035.40 triệu người. Trong khoảng 10 năm nữa, với tốc độ đô thị hoá tăng dần từ 3,4% năm 2012 tới 8.2% cuối năm 2024, dân số nông thôn sẽ chỉ còn khoảng 37.8 triệu, chiếm khoảng 38% dân số cả nước.
5- Trong khoảng 10 năm nữa, trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân, công nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm 92-95%, sản xuất nông nghiệp có thể chỉ còn tư ̀5-7%. Hiện nay, ở các nước phát triển, công nghiệp dịch vụ đem lại một đóng góp bình quân khoảng 70-80% (Mỹ 78%, Pháp 79 % PIB, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 1.45% PIB (Mỹ 2014) Pháp 1.68 % (2014).
6- Như vậy, trong khoảng 10 năm nữa, 90-95% các hoạt động kinh tế sẽ nằm ngoài khu vực nông nghiệp và cùng với nó sinh hoạt xã hội với sự cuốn hút tập trung của trên 62% dân số sẽ diễn ra tại khu vực đô thị và công nghiệp. Cùng với nó, các tập quán, các thói quen khác với truyền thống sẽ được xác lập và khẳng định. Các sản phẩm văn hoá tinh thần khác về bản chất vơí các sản phẩm có từ hàng ngàn năm trước sẽ có ảnh hưởng bao trùm. Đó chính là nền văn hoá hiện đại, phát triển căn cứ chủ yếu trên các tác phong sinh hoạt công nghiệp, chắc chắn có sự tiếp tục, kế thưà nhưng sẽ khác về bản chất với nền văn minh lúa nước.
7- Những níu kéo quá khứ là thuộc tính con người có tính quy luật, nó là một sản phẩm tự nhiên của tâm lý và tình cảm con người trước mọi sự thay đổi, nhưng chính bản tính này là nguyên nhân của những chướng ngại gây cản trở tiến trình của tiến bộ. Những quán tính của tác phong nông dân, những thói quen cũ hình thành từ môi trường lao động thiếu kỷ luật và áp lực năng suất là tất cả những nguyên nhân tạo ra sự thấp kém của năng lực cạnh tranh quốc tế của sản phẩm hàng hóa do lao động Việt Nam sản xuất. Tết âm lịch là một sự níu kéo của những toa tàu ì ạch, già cỗi. Giống như những bước chân lỗi nhịp trong hàng ngũ diễu hành của đội quân toàn cầu.
Nhập Gia tuỳ tục.
Những thay đổi hợp quy luật là những thay đổi có tính cách mạng, thúc đẩy sự thay đổi đúng hướng là tiết kiệm cho lịch sử.
Nếu không thể đảo ngược hay trì hoãn một chu trình, thì giải pháp đúng đắn nhất là tháo gỡ moị vướng mắc, tạo các điều kiện để nó xuất hiện sớm nhất có thể.
Xu thế hội nhập toàn diện và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới là một đòi hỏi chính đáng, hợp nhu cầu khách quan nhưng cũng hợp với nguyện vọng và tình cảm của người dân Việt Nam. Hoà nhập vào môi trường chung, tham dự sân chơi chung, đương nhiên là Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung, thừa nhận chuẩn mực những khái niệm và những quy ước phổ cập toàn cầu. Trong những cái phổ cập đó, có quy tắc quy ước mọi sinh hoạt theo dương lịch. Và ngày kết thúc của một năm là ngày kết thúc một chu trình sản xuất kinh doanh, là ngày tịnh kho, ngày khoá sổ kế toán, là một ngày thống nhất để đồng nhất mọi quy chiếu.
Việc tổ chức nghỉ làm việc khoảng 9 ngày từ 28 tháng chạp cho đến 6 tháng giêng năm mới là một việc làm không hợp với tinh thần hiện đại của kinh tế thị trường. Việc nghỉ quá dài gây ra hai hệ luỵ quan trọng. Một là người lao động khi ra khỏi guồng máy sản xuất quá lâu, quán tính làm việc biến mất và quán tính nghỉ ngơi hình thành. Đây là điều tối kỵ trong quản lý sản xuất. Trước khi nghỉ, tâm lý chuẩn bị cho chuyến nghỉ dài đã thực chất làm cho kỷ luật sản xuất rệu rã, năng suất lao động sụt giảm. Hai là, sau kỳ nghỉ, kỷ luật lao động và năng suất lao động rất khó khôi phục nhiều ngày sau đó. Có thể thiệt hại gây ra cho sản xuất ít nhất là hai tháng trên một năm. Chỉ riêng nguyên nhân này, năng suất giảm 17%, có nghĩa là giá sản phẩm tăng 17%, khả năng cạnh tranh giảm 17%. Để có thể cạnh tranh quốc tế, ít nhất cũng phải có được những điều kiện tự nhiên có của các nền kinh tế khác. Không cho phép tự huỷ hoại bằng chính những điều kiện tự mình chối bỏ. Nhập gia tuỳ tục. Hội nhập và hoà nhập chính là làm những gì mọi người làm, có những gì mọi người có.
Không có gì thay đổi ngoài dịch chuyển ngày lễ.
Kể từ năm 1873 Nhật Bản theo lịch Gregorian và năm mới là ngày đầu tiên của tháng giêng dương lịch. Nhưng những gì người Nhật Bản làm trong dịp tết nguyên đán trước đó, họ vẫn giữ nguyên và vẫn làm. Chỉ có ngày lễ là dịch chuyển về ngày cuối của năm Dương lịch, trùng với năm dương lịch áp dụng toàn cầu.Và một đất nước nghèo tài nguyên khoáng sản đã trở thành một cường quốc, nhiều thập niên nền kinh tế thư hai thế giới, một xã hội dân chủ hiện đại, một đất nước có nền khoa học hàng đầu thế giới. Nhưng một Nhật Bản không thể lẫn với những đặc trưng văn hoá riêng biệt và đặc sắc.
Dân tộc Nhật, nền văn minh Nhật có chiều dài và bề dày có thể còn hơn nền văn minh Việt Nam. Những truyền thống, những tập quán văn hoá chắc chắn có những phẩm chất bền vững có thể còn hơn Việt Nam, nhưng Hoàng đế Nhật, những tinh hoa trí tuệ của dân tộc Nhật Bản đã có quyết định như vậy từ cách đây hai trăm năm. Và người Nhật không bị Tây hoá, người Nhật không bị ngoại lai. Quốc tịch Nhật còn là niềm kiêu hãnh của nhiều công dân có nguồn gốc Tây Âu.
Có thể mất đi cái gì, nếu vào ngày nghỉ Tết Dương lịch, người Việt giữ nguyên những "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Tất cả những gì đang có, đang làm cho ngày Tết Âm lịch, nếu chỉ di chuyển thời điểm, về trùng với ngày Tết dương lịch, gộp hai ngày tết vào làm một, thì có thể mất gì?
31/01/2017
0 comments:
Post a Comment