Ngày 6/3/2016, tàu cá mang số hiệu QNA-91.939 của ông Võ Quang Thái (trú thôn 1, xã Tam Quang) bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp sạch ngư cụ. (*)
Các báo đưa tin đều có chi tiết tàu của ông Thái đang đánh bắt “trong khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”.
Lần thứ bao nhiêu tàu cá Việt Nam bị tấn công, bị cướp?
Nhiều quá khó mà nhớ nổi, và việc bảo vệ ngư dân được tiến hành từ “phản đối ngoại giao cấp cao” lùi dần đến địa phương, từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đến Chủ tịch Hội nghề cá.
Có ai có cảm giác thấy thật bất lực không?
Hy vọng gì hơn khi Trung Quốc đã bồi đắp xong các đảo nhân tạo, xây dựng khu vực đồn trú, lắp ráp radar và gia tăng sức mạnh quân sự ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nhà nước này vẫn luôn trấn an dân mình rằng “thuộc chủ quyền Việt Nam”?
Tôi nhớ cảm giác phân vân của bản thân rất rõ sau khi an ninh Bộ “làm việc” với tôi về chuyện ngư dân bị đánh, bị cướp năm 2009. Họ nhập vai khéo léo đến độ tôi hoang mang không biết mình có “quá khích” vì thiếu thông tin mà nói sai cho nhà nước hay không?
Và tôi tự đi Lý Sơn để tìm hiểu sự thật theo cách của mình.
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được tổ chức tại khu du lịch Suối Lương năm ấy, dưới sự kiểm soát của an ninh từ nhiều vòng đã là một câu trả lời dù muốn thừa nhận hay không chuyện né tránh gọi tên kẻ thù lịch sử.
Ở Lý Sơn, nghe ngư dân kể chuyện, về Quảng Ngãi rờ tay lên những thân tàu chứa vết đạn mới hiểu sự hoang mang của dân mình.
Ngư dân là cột mốc sống, bám biển bảo vệ chủ quyền để đổi lấy tình hữu nghị viễn vông và đại cục của hai đảng Cộng sản Việt Nam – Trung Quốc.
Những người phản đối chính sách ngoại giao mềm dẻo đến độ không tưởng lần lượt vào tù bằng kiểu này hay cách khác...
Và đến khi mà người ta thờ ơ, bàng quan trước các tin xâm phạm chủ quyền, cướp bóc đồng bào mình thì rõ ràng là đảng Cộng sản đã thành công trong việc trấn an toàn dân bằng lý luận “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”.
Tôi vẫn luôn tự đặt câu hỏi: làm sao tôi phải vui mừng khi có chủ trương thừa nhận chiến tranh biên giới 1979, sự kiện Hoàng Sa 1974 hay Gạc Ma 1988?
Tại làm sao tôi phải biết ơn hay ghi nhận động thái sửa sai của những người làm sai lệch lịch sử với mục đích bảo vệ lợi ích lãnh đạo của đảng Cộng sản với dân tộc này?
Tháng Ba – nhiều người nhắc về sự kiện Gạc Ma 1988, hình ảnh những người lính Việt Nam lần lượt ngã xuống sau hàng loạt pháo kích của Trung Quốc để rồi chúng ta được gì?
Chặc lưỡi và thở dài khi hay tin ngư dân bị bắn?
Đổ lỗi rằng làm mất Hoàng Sa là do quân lực Việt Nam Cộng Hòa?
Tự an ủi nhau rằng làm láng giềng của một nước có chủ trương thôn tính như Trung Quốc là phải biết mềm mỏng, hòa hoãn?
Và rồi tiếp tục chờ mong có phép màu xuất hiện ở biển Đông?
Tháng Ba, nhớ Gạc Ma, để nhắc mình, đừng bao giờ ngừng đau vì những gì đã diễn ra và tiếp tục tiếp diễn trên đất nước này.
0 comments:
Post a Comment