Wednesday, March 9, 2016

"Người gác cửa" của Tập Cận Bình gây bất ngờ ở hàng ghế lãnh đạo


Sau khi kết thúc phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc hôm 3/3, ông Vương Kỳ Sơn lập tức đứng dậy đuổi theo ông Tập để tiếp tục trao đổi ý kiến. (Ảnh: SCMP)
Phiên khai mạc hội nghị đầu tiên của "lưỡng hội" Trung Quốc 2016 đã chứng kiến một vài diễn biến bất ngờ liên quan đến cựu trợ lý của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cựu trợ lý Tập Cận Bình đổi vị trí trên hàng ghế lãnh đạo
Những năm trước đây các phiên khai mạc "lưỡng hội" Trung Quốc thường được công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng năm nay Bắc Kinh đã kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí.
"Lưỡng hội" bao gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khai mạc ngày 3/3 và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) diễn ra 2 ngày sau đó.
Lần đầu tiên tại kỳ họp này, một thông báo được đưa ra, nghiêm cấm các ký giả mang theo dụng cụ ghi hình như máy ảnh và máy quay phim lên khán đài.
Thông báo này chỉ được đưa ra vài giờ trước khi bắt đầu phiên họp khiến các phóng viên "không kịp trở tay".
Năm nay cũng là lần đầu tiên các nhân viên truyền thông bị cấm mang "gậy selfie" vào Đại lễ đường Nhân dân. Những năm trước, các ký giả đều được mang theo dụng cụ này để chụp hình cùng các đại biểu.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trên hàng ghế lãnh đạo Trung Quốc hôm qua (3/3), gây sự chú ý trong dư luận chính là quan chức được mệnh danh "người gác cổng" của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Đinh Tiết Tường.
Đây là lần đầu tiên ông Đinh được xếp ngồi ngay sau ông Tập và ngang hàng với các lãnh đạo cấp phó nhà nước của Trung Quốc.
9 năm trước, khi Tập Cận Bình còn giữ chức Bí thư thành ủy ở Thượng Hải, Đinh Tiết Tường chính là trợ thủ đắc lực của ông.
Sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc, Đinh được đề bạt lên chức Phó chủ nhiệm Thường vụ Văn phòng Trung ương vào tháng 5/2013.
Chiếc ghế phiên họp phiên năm nay của Đinh Tiết Tường chính là vị trí mà năm ngoái Trần Thế Cự đã ngồi.
Trần từng là Chủ nhiệm Văn phòng của Hồ Cầm Đào. Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm ngoái, ông này vẫn được xếp là Phó chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng Trung ương. Tại phiên khai mạc ngày 3/3, vị trí của ông này xếp sau Đinh Tiết Tường.
Theo SCMP, không lặng thinh như Trần Thế Cự, Đinh Tiết Tường thường quay sang bắt chuyện với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường, khi mà ông Chu ngồi ngay cạnh ông Trần.
Phiên khai mạc kết thúc, khi ông Tập rời khỏi chỗ ngồi, tất cả những thành viên trong phiên họp đều chủ động, hồ hởi bắt tay với Đinh Tiết Tường.


Ông Đinh Tiết Tường, cựu trợ lý của ông Tập Cận Bình. (Ảnh tư liệu: Takungpao)
"Trùm an ninh Trung Quốc" đuổi theo bắt chuyện ông Tập
Trong suốt lễ khai mạc, không chỉ tất cả Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đều tỏ thái độ lãnh đạm mà cả ông Tập Cận Bình, cũng như năm ngoái, cực ít giao lưu với các thành viên trên hàng ghế lãnh đạo.
Chỉ sau khi phiên họp kết thúc, hình ảnh Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn chạy theo bắt chuyện với ông Tập.
SCMP cho hay, nội dung vấn đề được trao đổi khi ông Vương vội vã đuổi theo ông Tập vẫn là điều bí ẩn.
Trước đó, Vương Kỳ Sơn luôn được biết đến là nhân vật có quan hệ thân thiết nhất với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong số các thành viên Bộ chính trị và là người cầm trịch cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" của Bắc Kinh.
Bài viết “Trăm lời khen không bằng một lời nói thật” được xuất bản trên Báo kỷ kiểm giám sát Trung Quốc (thuộc CCDI) cuối tháng trước đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Dư luận nước này cho rằng, nội dung bài báo nhằm khẳng định "ngầm" mối quan hệ mật thiết giữa hai ông Tập, Vương.
Bài báo được đăng trên trang điện tử chính thức của CCDI có đoạn “không sợ người nói sai, chỉ sợ người muốn nói mà không nói”, “sự tự do ngôn luận, tiếp thu ý kiến sẽ quyết định sự hưng vong của một triều đại".
Tháng 10 năm ngoái, CCDI đã thay đổi quy định kỷ luật đảng Cộng sản Trung Quốc với quy định hành vi “nói xấu Trung ương” là vi phạm kỷ luật.
Trước thềm kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, trùm bất động sản Nhậm Chí Cường đã công khai chỉ trích tuyên bố “truyền thông nhà nước mang họ đảng” của ông Tập. Hiện nay, tài khoản weibo của ông này đã bị đóng cửa.
Chính trường Trung Quốc chờ “ngôi sao đang lên”

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khai mạc ngày 3-3 và 2 ngày sau, Bắc Kinh bước tiếp vào Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội). Sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp theo vào năm 2017, 5 trong số 7 thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị đảng cộng sản Trung quốc sẽ về hưu, chỉ còn lại Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường. Hơn nữa, 6 trên 25 ủy viên trong danh sách hiện tại của Bộ chính trị hiện tại cũng hết nhiệm kỳ vào năm tới.
Do đó, giới phân tích sẽ tập trung quan sát những nhân vật nổi bật tại các phiên họp năm nay. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây cũng là dịp để giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá những thay đổi kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, như chiến dịch chống tham nhũng, chương trình cải cách quân đội hay quy định chặt chẽ đối với hành vi của đảng viên…



Phiên khai mạc của kỳ họp Chính hiệp ngày 3-3 Ảnh: REUTERS
Nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao đến mức độ nào cũng sẽ là tâm điểm mổ xẻ của các đại biểu trên khắp nước này, từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cách xử lý nợ của chính quyền địa phương đến tình hình việc làm... Hãng tin AP dự báo Bắc Kinh sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, có thể xuống mức 6,5%-7%, để tạo điều kiện cho quá trình cải tổ kinh tế.
SCMP đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có triển khai một gói kích thích tương tự gói 4.000 tỉ nhân dân tệ hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hay không. Tuy nhiên, theo AP, các đại hội sẽ không đưa ra các biện pháp cải cách lớn. Ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn báo chí của kỳ họp Chính hiệp lần này, khẳng định kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng” và các nguyên tắc cơ bản dài hạn vẫn không thay đổi.
Huệ Bình.

0 comments:

Powered By Blogger