Saturday, March 19, 2016

Hệ thống ngân hàng VN: Sau nợ xấu, có thể đến sa lầy

 
SourceNgười ViệtPosted on: 2016-03-19
HÀ NỘI (NV) - Báo cáo tổng quan về thị trường tài chính 2015 của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính thuộc chính phủ Việt Nam cho biết, nợ xấu đã giảm, hệ thống ngân hàng có lãi nhưng dường như không phải vậy.
Tuy Ủy Ban Giám Sát Tài Chính của chính phủ Việt Nam loan báo rằng, nợ xấu - cách Việt Nam gọi những khoản nợ khó có khả năng thu hồi - của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 3.7% trên tổng số các khoản đã cho vay hồi năm 2014, xuống còn 2.9% trên tổng số các khoản đã cho vay hồi năm 2015 nhưng một số chuyên gia kinh tế khẳng định chưa thể hết lo.


Một giao dịch ở ngân hàng. Các số liệu về hệ thống ngân hàng ở Việt Nam luôn luôn “mờ mờ, ảo ảo.” (Hình: cafef.vn)
Thậm chí ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) - chương trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để đào tạo các chuyên viên kinh tế - còn cảnh báo, bởi phải nuôi nợ xấu, hệ thống ngân hàng đang lấy các khoản tiền gửi mới trả lãi cho những khoản tiền gửi cũ.
Dù các ngân hàng cho biết họ đã thu được lãi từ các khoản cho vay nhưng ông Thành khẳng định, tỷ lệ lãi 2.74% mới được công bố là “ảo.” Ông Thành nhấn mạnh, đó là “lãi dự thu” - lãi mà các ngân hàng dự trù sẽ thu được chứ không phải thật sự đã đạt được mức lãi đó. Nếu không tỉnh táo thì việc hoạch định chính sách sẽ bị lệch lạc do nhận định sai về hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cũng theo lời ông Thành thì các chuyên gia của FETP hiện có một báo cáo nhưng không thể công bố vì phải “điểm mặt, chỉ tên” các ngân hàng trong khi đó là chuyện rất nhạy cảm. Ông Thành khẳng định, “lãi dự thu” không chỉ là chuyện của các ngân hàng yếu kém đang trong quá trình “tái cơ cấu” mà xuất hiện cả trong báo cáo của “những ngân hàng có quy mô từ vừa trở lên.”
Ngoài khuyến cáo của ông Thành, tại cuộc thảo luận quanh “Báo cáo tổng quan về thị trường tài chính 2015,” một số chuyên gia kinh tế khác vẫn tỏ ra bi quan về tương lai của kinh tế Việt Nam. Ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính của chính phủ Việt Nam, cho biết, ngân sách của Việt Nam hiện rơi vào tình trạng càng ngày càng khó cân đối. Tỉ lệ bội chi này là 5.7%. Nợ nần đã chạm ngưỡng an toàn là 65% GDP. Vì nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô hiện là một thách thức lớn.
Ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, nhận định, tình trạng ngặt nghèo của ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Việt Nam.
Ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính của chính phủ Việt Nam, thừa nhận, năm 2015, Việt Nam tuy có tăng trưởng nhưng không bền vững vì cả bội chi ngân sách lẫn nợ nần đều tăng. Dẫu mức độ đầu tư của khu vực tư nhân có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động vẫn rất lớn và điều đó cho thấy tình hình không thật sự tốt. Nếu vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) vẫn giữ vai trò chính trong tăng trưởng thì Việt Nam sẽ đi từ rủi ro này đến rủi ro khác. (G.Ð)
------------

0 comments:

Powered By Blogger