Sunday, October 18, 2015

Sinh hoạt chính trị: Nên hay không?

Một trong những lý do khiến người dân không chỉ trong nước mà cả ở hải ngoại ngần ngại, không muốn dính líu tới chính trị là vì hai từ này đã và đang bị các phần tử, thế lực hoạt đầu bôi đen ý nghĩa trong sáng, đúng đắn và thiết thực của chúng.

Tôi còn nhớ trong thập niên 1980 và phần nửa đầu của thập niên 1990 hồi thế kỷ trước các sinh viên Việt Nam ở tiểu bang New South Wales, Australia (Úc), nơi tôi cư ngụ rất ngại đụng chạm với chuyện sinh hoạt chính trị ngay trong cộng đồng người Việt chớ chưa đề cập tới sinh hoạt chính trị trong dòng chính của quốc gia mình tỵ nạn cộng sản.

Lúc đó với tư cách là một thành viên trong ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Học sinh Việt Nam Tiểu bang NSW, một tổ chức đại diện cho sinh viên học sinh Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng và trung học trong tiểu bang tôi và các bạn trong BCH chỉ dám tổ chức các dạ tiệc tất niên hoặc cuối học kỳ, hướng dẫn học sinh Việt Nam thi tốt nghiệp trung học phổ thông và về các ngành nghề trong đại học, các giải thi hát giọng ca vàng; phụ trách một đặc trang thanh niên, sinh viên và học sinh trên một tờ Tuần báo Việt ngữ; phụ trách một chương trình phát thanh của thanh niên, sinh viên và học sinh trên đài radio sắc tộc toàn nước Úc; ấn hành các bản tin và đặc san sinh viên học sinh tiếng Việt v.v… Nói chung, chúng tôi chỉ dám sinh hoạt trong lãnh vực văn hóa với khát vọng và hoài bão là duy trì văn hóa và Việt ngữ nơi xứ lạ, quê người. Bất thần, một lần nọ một anh bạn sinh viên cũng tích cực hoạt động nhưng ở một tiểu bang khác phán một câu xanh rờn rằng: “Tụi bây chỉ biết ăn chơi hát xướng. Tụi bây có biết đời sống của người dân mình trong nước cực khổ, khốn đốn như thế nào không. Tụi bây mang tiếng có ăn học mà lại vô cảm và hưởng thụ vậy sao?”. Thật ra, tôi chỉ nghe sự phê phán này từ một người bạn mà người đó lại nghe từ một người khác nữa. Tôi không biết khi tôi là người thứ ba nghe sự phê phán thì nó có bị tam sao, thất bổn không. Nhưng khi nghe được nó thì tôi và các bạn trong BCH cũng như các bạn sinh viên tích cực hoạt động trong các trường đại học khác sửng sốt, buồn và tự ái. Chúng tôi cảm thấy đau về lời trách móc, về thái độ lãng tránh của mình.

Sau đó, có lẽ nhận thức của chúng tôi về chính trị tiến bộ hơn. Chúng tôi bắt đầu chủ động liên hệ với quý chú bác trong các BCH Cộng đồng Người Việt tự do hoặc trong các đoàn thể như Hướng Đạo hoặc Hội đồng Văn hóa để tham gia phụ giúp hoặc đứng ra tổ chức các sự kiện ít nhiều liên quan tới chính trị hơn. Chúng tôi mạnh dạn đứng ra tổ chức các đại nhạc hội gây quỹ giúp những người Việt tỵ nạn còn kẹt lại ở các trung tâm tạm cư sau ngày các chính quyền sở tại chính thức đóng cửa các trại tỵ nạn. Chúng tôi đứng ra tổ chức các buổi hội thoại về tình hình chính trị ở Việt Nam, về tệ nạn công nhân Việt Nam bị bóc lột ở nước ngoài, về tệ nạn phụ nữ Việt Nam bị ngược đãi ở Đài Loan và Đại Hàn, về các tệ nạn xã hội; về sự diễn đạt thông tin giữa phụ huynh và con em người Việt, đặc biệt là các em ra nước ngoài tỵ nạn ở một lứa tuổi còn rất nhỏ và bị giằng xé giữa hai nền văn hóa. Chúng tôi còn giúp hoặc trực tiếp tổ chức hội chợ Tết Nguyên Đán hoặc Trung Thu…

Đến hôm nay, hai hoặc ba mươi năm trôi qua, các thế hệ người Việt Nam ngoài thời gian làm việc và học tập đã tích cực tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng. Nhiều anh chị em bạn bè của tôi hiện là các thành viên trong BCH Cộng đồng Người Việt tự do Tiểu bang hoặc Liên bang. Thậm chí, một số bạn đã và đang dấn thân vào sinh hoạt chính trị dòng chính trong các Hội đồng Quản trị Thành phố sở tại. Họ là những Nghị viên đang tranh đấu cho quyền lợi và nghĩa vụ của cư dân trên lãnh địa họ cư ngụ.

Hôm nay, nhân đọc bài “Chính trị là số phận” của Tác giả Trần Quốc Việt, hồi tưởng lại những chặng đường tham gia sinh hoạt chính trị của tôi và của nhiều sinh viên Việt Nam tôi thấy chúng tôi đã hành xử đúng đắn. Tôi vui vì đã đóng góp một ít công sức nhưng cần thiết cho cộng đồng người Việt của mình, và giúp tạo ra một môi trường, một tấm ván nhảy cho các bạn có hoài bão phụng sự cho các cấp chính quyền sở tại và cho một quê hương Việt Nam mến yêu.

Chính trị rõ ràng không phải là một điều gì đó xấu xa hoặc là cao siêu mà hiển hiện trong hầu hết mọi sinh hoạt thường nhật. Mục đích của sinh hoạt chính trị rất thiết thực. Ký tên vào một thỉnh nguyện thư với chính phủ, một việc làm rất phổ biến ở những quốc gia dân chủ, đã là làm chính trị. Tham dự một cuộc biểu tình yêu cầu một Hội đồng Thành phố không được xây dựng một thương xá trên mặt bằng một bãi đậu xe trong khi HĐTP chưa cung ứng nổi nhu cầu chỗ đậu xe cũng là sinh hoạt chính trị. Tự bản thân của việc sinh hoạt chính trị không có gì sai trái vì đó là dịp để chúng ta bày tỏ ý kiến của mình, là dịp để chúng ta tranh đấu cho quyền lợi của chính mình. Việc sinh hoạt chính trị có nhiều cấp bực và có đi từ mức thấp rồi tới mức cao. Chúng ta khởi đi từ những nhu cầu cấp thiết, nhỏ bé và cá nhân tới những nhu cầu to lớn và lâu dài hơn. Do đó, ngõ hầu mời gọi được nhiều người dân tham dự, thì những người hoạt động phải tiếp xúc càng nhiều và càng gần gũi với những người dân thấp cổ, bé họng càng tốt. Ngoài ra, những người hoạt động chính trị phải dè dặt lắm với ngôn ngữ và hành động của mình ngõ hầu có thể làm gương cho người dân. Động lực và cứu cánh tranh đấu cần phải được công khai, minh bạch và vị tha để người dân xóa bỏ thành kiến xấu. 

Số phận và định mệnh của hầu hết mọi người dân đều nằm trong tay của chính họ nhưng để họ ý thức được điều đó thì vẫn còn phải nhờ rất nhiều vào những người tích cực đi đầu trong công cuộc đấu tranh!

17/10/2015

0 comments:

Powered By Blogger