Không đâu trên Thế giới mà người dân được rảnh rỗi như ở Việt Nam, vì
mọi việc đã có Nhà nước lo. Cả cái bụng cũng được Đảng ăn giúp nên nếu
muốn sống tiếp, dân chỉ cần uống nước lã cầm hơi.
Đó là kết quả nhãn tiền từ 7 ngày họp của Trung ương đảng kỳ 12 từ ngày 05 đến chiều 11/10/2015.
Trước ngày khai mạc, nội bộ đã có hy vọng “đột biến” trong việc chọn
Nhân sự cho khóa XII, căn cứ vào quyết định của Hội nghị 11 (từ ngày 04
đến 07 tháng 5/2015), theo đó, những cán bộ tham nhũng, làm giàu nhanh
không chứng minh được, xa dân, mất phẩm chất, suy thoái tư tưởng v.v… sẽ
bị loại.
Nhưng cuối cùng, đảng vẫn bưng kín mọi chuyện. Lãnh đạo coi chuyện điều
hành việc nước là của riêng phe nhóm nên không cần phải cho “dân biết,
dần bàn, dân làm, dân kiểm tra” như đảng vẫn lu loa tuyên truyền từ xưa
đến nay.
Người dân chỉ nghe thấy ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bảo: “Ban
Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ Chính trị và
thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp "đặc
biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
khóa XI tái cử khóa XII, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội); về các
phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.”
Chả ai biết những “tiêu chí”, “tiêu chuẩn” và các trường hợp "đặc biệt"
được đảng tự biên, tự diễn, vẽ đường cho hươu chạy là cái chi chi nên
không ai dám thắc mắc khi ông Trọng tiếp xúc với cử tri Ba Đình và Tây
Hồ ngày 12/10/2015.
Khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về Sài Gòn tiếp xúc cử tri Quân 1
và Quận 4 ngày 12/10/2015 cũng không nói gì với người dân nên từ Bắc vô
Nam đều mù mịt như nhau.
Tuy vậy, người dân cũng đã nghe ông Trọng khoe: “Trung ương đã bỏ
phiếu biểu quyết lần thứ nhất danh sách nhân sự mới lần đầu được dự kiến
giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (cả Ủy viên Trung
ương chính thức và dự khuyết); Trung ương ghi phiếu đề xuất danh sách
các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đủ tiêu chuẩn,
điều kiện tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu đề xuất,
giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Bộ Chính trị, Ban
Bí thư khóa XII.” (Trích Diễn văn Bế mạc)
Như thế là đảng làm “trọn gói” từ chọn đến bầu ở địa phương cho đến
chuyện chấp thuận (hay thông qua cũng thế) ở Trung ương. Ai được lọt vào
Trung ương, ai phải về vườn, ai trong số 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 4
chức chóp bu gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ
ở lại và làm gì ở đảng khóa XII cũng không ai biết.
Sự thiếu minh bạch trong việc “bầu” và “bán” này, tuy vậy hãy còn nhiều tiếng bấc tiếng chì nên ông Trọng mới nói:
“Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ
Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị
và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp tục xem xét, rà soát thật
kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công
tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định tại các
Hội nghị Trung ương tiếp theo.”
Bộ Chính trị nuôi hy vọng mọi việc sẽ thu xếp xong ở phiên họp chót thứ
14 của Ban Chấp hành Trung ương XI, nhưng không cho biết bao giờ sẽ diễn
ra. Cũng như bao giờ thì phiên họp thứ 13 sẽ được tổ chức cũng chả ai
biết, nhưng chắc chắn phải sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự trù khai
mạc vào ngày 20-10, bế mạc ngày 25-11-2015. Nghị trình của Quốc hội kỳ
10 cũng có cả việc thảo luận về đề án nhân sự cho khóa đảng XII vừa mới
thông qua lần thứ nhất tại Hội nghị Trung ương 12.
Cách làm này của ông Trọng và Bộ Chính trị rất khôn vì khi có Quốc hội
dính vào thì coi như trách nhiệm cá nhân của ông Trọng, người đứng đầu
phe bảo thủ, giáo điều trong Bộ Chính trị sẽ được hóa giải, không ai quy
trách được ông!
Như vậy dự kiến ban đầu Đại hội đảng XII sẽ khai mạc vào tháng 1/2016 sẽ
khó xảy ra vì Lãnh đạo phải chuẩn bị đón Tổng thống Mỹ Barack Obama, dự
trù ghé thăm Việt Nam, sau Hội nghị APEC (18-19/11/2015) ở Manila, Phi
Luật Tân và ông bạn Chủ tịch “16 vàng, 4 tốt” Tập Cận Bình của Trung
Quốc cũng muốn thăm Việt Nam vào cuối năm, trước kỳ Đại hội đảng XII.
Thắc mắc đang xôn xao ở Việt Nam là tại sao Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng
Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình cũng muốn thăm Việt Nam trước ngày đảng
Cộng sản Việt Nam có Tổng Bí thư mới, hay trước khi ông Trọng tái trúng
cử?
Không hòa tan
Mọi nghi vấn đang lảng vảng giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì có tin Đại tướng
Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã rời Hà Nội đi tham dự cuộc gặp không chính
thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng các
nước ASEAN và Diễn đàn Hương Sơn từ ngày 14 đến 18/10 tại Bắc Kinh.
Thống Tấn Xã Việt Nam viết: “Tham gia đoàn có các đồng chí: Trung
tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; Trung
tướng Vũ Văn Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Vũ Chiến
Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Ngô Quang
Liên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện
trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng.”
Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tướng Thanh, người thân Trung
Quốc, kể từ ngày từ Pháp về nước ngày 25/07/2015 sau chuyến thăm và nằm
bệnh viện Georges Pompidou, Paris để được phẫu thuật một khối u phổi
(ngày 30/06/2015).
Nhưng thay vì ở lại nhà riêng thì tướng Thanh lại được bố trí ở và làm việc luôn tại Bộ Quốc phòng vì “lý do sức khỏe”.
Trước khi đi Trung Quốc, ông Thanh đã tiếp Phó Tổng Tham mưu trưởng
Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc ngày 10/08/ (2015), sau khi hai
nước tiến hành cuộc đối thoại chiến lược về quốc phòng tại Hà Nội.
Liệu tướng Thanh có mang thông điệp gì đặc biệt của ông Nguyễn Phú Trọng
sang Bắc Kinh hay không thì chưa biết, nhưng chuyện một Ủy viên Bộ
Chính trị có nhiều “quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc sang Trung Hoa ngay
sau Hội nghị Trung ương 12 có quyết định sơ bộ về nhân sự cho khóa đảng
XII cũng đáng chú ý.
Có tin tướng Thanh sẽ nghỉ hưu và người lên thay là Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trường Quốc phòng, Tổng Tham mưu Trưởng.
Trước đó 2 ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Việtnam,VOV) đưa tin: “Chuẩn
bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 12/10, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các thành viên
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri
quận Ba Đình và Tây Hồ.”
Ông Trọng đã nói chuyện với cử tri nhiều vấn đề, nhưng khi đế cập đến
hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và nước ngoài, ông lưu ý mọi người: “Đặc
biệt, trong thời gian tới, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận cả cơ hội và
thách thức trong quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN và Việt Nam đã ký
một loạt hiệp định thương mại song phương cũng như vừa kết thúc đàm
phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Tham gia những hiệp định như thế này có nghĩa sắp tới chúng ta hội
nhập vào sân chơi chung. Vấn đề là làm sao hội nhập nhưng không hòa tan,
vẫn giữ được độc lập, tự chủ, giữ được bản sắc riêng, giữ được thể chế
chính trị của chúng ta. Đó là bài toán rất là cơ bản và cũng rất khó.”
Lập trường “hội nhập nhưng không hòa tan” và “đổi mới nhưng không đổi
màu” đã được Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra từ khóa đảng VII thời Đỗ
Mười làm Tổng Bí thư, khi ấy ông Trọng là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa,
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Do đó, khi ông Trọng lập lại lập trường chính trị này chẳng qua ông muốn
khẳng định dù có hội nhập làm ăn với các chế độ chính trị khác thì vẫn
phải “giữ được thể chế chính trị của chúng ta”, hay chế độ Cộng sản độc
tôn và độc tài giống như chế độ ở Trung Quốc.
Quan điểm chính trị giữ vững chế độ dựa trên nền tảng Chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh của ông Trọng và của những
người Cộng sản giáo điều, bảo thủ, chậm tiến và lạc hậu ở Việt Nam đã bị
liên tục lên án đang làm cho dân nghèo, nước mạt.
Bằng chứng người dân Việt Nam đang lâm vào ngõ bí của mức “lợi tức trung
bình thấp”, sau 30 năm “đổi mới” vì đảng cứ tiếp tục ôm cứng chủ trương
kinh tế nửa nạc nửa mỡ gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã
hội chủ nghĩa”.
Nhưng tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam loan tin ngày 13/10/2015 rằng một báo
cáo về tình hình Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, dự trù khai
mạc ngày 20/10 (2015), sẽ nói ra nhiều sự thật không lạc quan.
Báo này viết: “Theo Ủy ban Kinh tế (Quốc Hội), nhiều chỉ tiêu kinh tế
xã hội đạt thấp so với Nghị quyết quốc hội và kế hoạch 5 năm 2011-
2015.
Đó đều là những chỉ tiêu cơ bản đo sức khỏe cho nền kinh tế.
Trước hết, về GDP, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 khoảng
5,88%/ năm, thấp hơn giai đoạn trước và thấp xa so với chỉ tiêu tăng
trưởng bình quân 6,5%- 7%.
Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng còn hạn chế ở
mức 24- 25% trong khi con số này ở một số nước trong khu vực là 35-40%.
Điều đáng chú ý là vào thời điểm năm 2010, yếu tố năng suất tổng hợp
vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt còn đạt được mức 28- 29%.
Năng suất lao động Việt Nam so với Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia
bằng 1/6,5…Tốc độ tăng của khu vực dịch vụ sụt giảm trong hai năm gần
đây, năm 2014 tăng 5,96% và năm 2015 tăng khoảng 6,4% thấp hơn mức 6,56%
của năm 2013.”
Vẫn theo báo cáo này thì mức “chi thường xuyên vẫn tăng nhanh, khiến
cho tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn
2011-2015 chỉ còn ở mức khoảng 18,1 % so với tổng chi cân đối ngân sách
Nhà nước, giảm mạnh so với 25% trong tổng chi ngân sách Nhà nước giai
đoạn 2006 – 2010.
Bội chi ngân sách dự kiến là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn
2011-2015. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm
2013 là 54,5%, ước năm 2014 là 59,6%, dự kiến năm 2015 là 61,3%.”
Như vậy, trên hết là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải giải thích
tại sao Nhà nước cứ nói mãi “đổi mới” và “tái cơ cấu kinh tế” hoài mà
kinh tế lại không tiến lên như các nước trong khu vực Đông Nam Á, nói
chi so với các nước tân tiến khác như Nam Hàn và Nhật Bản v.v…?
Vì vậy, câu nói sau đây của ông Trọng với cử tri Hà Nội ngày 12/10
(2015), khi ông nhấn mạnh: "Đổi mới nhưng không được chệch hướng, đổi
mới phải đúng đắn, phải đúng quỹ đạo” thì là “hướng nào” và “qũy đạo ở
đâu”?
“Đại hội XII sẽ tổng kết 30 năm đổi mới và đề ra chiến lược cho chặng
đường phát triển mới. Trong đó khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện,
mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,
quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổng Bí thư
nhấn mạnh: Đổi mới nhưng không được chệch hướng, đổi mới phải đúng đắn,
phải đúng quỹ đạo.
Đổi mới phải đúng quỹ đạo, tính toán cụ thể, không đi chệnh hướng.”
Nếu “qũy đạo” và hướng đi của ông Trọng vẫn làm kinh tế gọi là thị
trường, nhưng phải vùi đầu xuống cát “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”,
đang làm toàn dân điếu đứng và kìm hãm Việt Nam vươn ra biển khơi thì
ông và đảng CSVN thoát sao khỏi bị nhân dân lên án trước lịch sử?
Lập luận trái chiều
Ấy vậy mà báo Quân đội Nhân dân vẫn ngạo ngược viết rằng: "Sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu
của lịch sử, là ý nguyện của toàn dân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là
sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công
nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vừa
tuân theo quy luật chung, vừa tuân theo quy luật lịch sử đặc thù của
Việt Nam.” (QĐND, 5/10/2015)
Ý nguyện của dân muốn đảng đè đầu bóp cổ họ hay đảng đã tự tung tự tác nắm đấu dân lôi đi từ 85 năm qua?
Những gì đảng viết trong khoản 1 Điều 4 Hiến pháp đã chứng minh tính tự chiếm, tự khoác vào mình chiếc áo tự may: “Đảng
Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả
dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Đảng tự cho mình quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, bất chấp dân có muốn hay không mà dân chủ à?
Lại còn cái khoản nói văng mạng “không chấp nhân đa nguyên đa đảng” và
“ở Việt Nam không có báo tư nhân” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh mới chướng tai gai mắt,
chống lại quyền làm chủ đất nước của dân như thế nào.
Vì thế không lạ khi Tác giả bài viết trên báo Quân đội Nhân dân, Đại tá,
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cần đã tát nước theo mưa: “Hầu hết
những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình đều hiểu rõ một điều, trong hơn
85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không giành quyền lực với bất kỳ
đảng nào khác, mà Đảng ta đã được chính nhân dân tin tưởng, lựa chọn
giao cho trọng trách lãnh đạo đất nước, dù trong nhiều thời kỳ, ở Việt
Nam đã tồn tại các đảng khác. Còn nhớ, năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản, ở
nước ta còn có sự tồn tại của hai đảng (Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam
cách mạng đồng minh hội); khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng
này cũng cuốn gói chạy theo.”
Chả cần phải cãi nhau làm gì cho mất thời giờ nhưng rõ ràng ông Cần đã
quên mất vai trò “khủng bố” và “ám sát” đẫm máu của ông Hồ Chí Minh và
đảng CSVN đã giao cho 2 ông Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn lúc ấy để
loại phe Quốc gia trong Chính phủ liên hiệp năm 1946.
Các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và
Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) Nguyễn Hải Thần đã phải
chạy qua Tầu lánh nạn Cộng sản mà gọi là “chạy theo” thì lịch sử đã mù
mắt hay sao?
Tác giả Quân đội này cũng quên rằng, đầu phải cần chém giết lẫn nhau hay
gây ra chiến tranh huynh đệ tương tàn như đảng CSVN đã chủ động gây ra
cho nhân dân trong 2 cuộc chiến gọi là “chống Pháp giành độc lập” và
“chống Mỹ cứu nước”, mới có thể “Giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước”?
Cái giá máu xương phải trả cho “giải phóng” và “thống nhất đất nước” của
trên dưới 6 triệu con người Việt Nam trong 2 cuộc chiến nồi da xáo thịt
của đảng CSVN là quá đắng cay.
Con mắt lịch sử vẫn đang mở to ở giữa Thủ đô Hà Nội chứ chưa nhắm lại đâu mà nói huyên thuyên làm chi?
Do đó không gì sai lầm cho bằng khi Tác giả Nguyễn Văn Cần kết luận rằng: “Vì vậy, với tuyệt đại đa số nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân cho quyền lực chính đáng từ trong lịch sử.”
Lịch sử này cũng cho thấy sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm gọi
là “đổi mới” nhưng không đổi màu của đảng CSVN đã làm cho đất nước băng
hoại ra sao và con người Việt Nam ly tán chừng nào để cho Đảng ôm hết
quyền lực và ăn hết mọi thứ thì nhân dân còn gì ngoài bát nước lã ? -/-
(10/015)
0 comments:
Post a Comment