Wednesday, June 10, 2015

Tự do báo chí bị hạn chế như thế nào mới là điều cần nói rõ

Mục Bình luận Phê phán báo trong mạng Nhân Dân ngày 08/06/2015 có đăng bài viết của TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bàn về quyền Tự do Báo chí với tựa đề: Tự Do Báo Chí Không Phải Là Vô Hạn. Đọc tựa đề không thôi cũng biết mục đích của bài viết muốn nói điều gì. Tác giả đã dẫn chứng rằng quyền tự do báo chí tại các quốc gia khác trên thế giới đều bị luật pháp của các quốc gia đó hạn chế để biện minh cho việc cần giới hạn quyền này trong khuôn khổ pháp luật tại VN.

Chuyện quyền tự do báo chí hay bất cứ quyền gì của người dân trong một quốc gia cũng đều phải chịu những sự hạn chế là chuyện đúng thôi. Không ai đòi hỏi phải được tự do tuyệt đối như kiểu một đứa bé lên ba chẳng biết sai quấy, chạy nhẩy la hét om xòm làm phiền mọi người trong nhà. Điều cần thiết hơn là phải nói cho rõ Tự do Báo chí đã bị hạn chế như thế nào. Nếu chỉ căn cứ vào lời diễn giải, ngôn từ biểu hiện bên ngoài, người ta có thể lầm tưởng rằng luật pháp VN cũng văn minh tiến bộ lắm và cũng lấy dân làm gốc, lo cho dân là chính, những hạn chế trong quyền tự do báo chí cũng là hợp tình hợp lý mà thôi.

Thử xem vài trích đoạn từ bài viết của ông Thứ trưởng TMT như sau: 

…“Trở lại vấn đề tự do báo chí, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia tự do báo chí. Tất cả các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương đều có báo hoặc tạp chí, có địa phương có gần 30 cơ quan báo chí; báo chí còn được phân theo giới tính, lứa tuổi: từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, người cao tuổi đều có báo và tạp chí của mình. Thậm chí hội của những người chơi cây cảnh, cá cảnh, chơi ten-nít đều có tạp chí. Hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh - truyền trình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông.”…

…“Trước sự phát triển của in-tơ-nét, các mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác, cho đến nay các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, bảo đảm quyền tự do thông tin của mọi công dân.” … 

…“Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân.”…

Trước hết cần xác định ngay là làm gì có tự do báo chí theo nghĩa đích thực tại VN hiện nay. Tự do báo chí theo như ông TS TMT nói là thứ tự do một chiều, tự do theo kiểu XHCN. Tất cả các tạp chí, sách, báo, ấn phẩm, đài truyền thanh, truyền hình, cơ quan thông tấn, trang mạng xã hội, đến cả lời ăn tiếng nói, giao tiếp hàng ngày trong quần chúng đều phải nằm dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của đảng, phải tuân theo mệnh lệnh của đảng cho phép nói cái gì, viết cái gì, khi nào được nói được viết và khi nào phải im lặng. Khi đảng CS đã tự cho mình còn cao hơn cả đất nước, cao hơn cả dân tộc thì những thứ "quyền" mà đảng ban phát ra cho người dân chỉ là những loại “quyền ảo”, là những lớp sơn vôi che đậy cho bản chất độc tài chuyên chính của chế độ, xa hơn nữa là công cụ để phục vụ cho riêng đảng mà thôi. Thử hỏi có ai đã từng dám vượt ra ngoài vòng cương tỏa ngôn từ của đảng, dám thực thi quyền tự do báo chí đúng nghĩa, đúng với đạo đức và lương tri của một nhà báo chân chính, tranh đấu cho quyền lợi của người dân nghèo bị bóc lột, tố giác các thành phần sâu dân mọt nước tham nhũng, móc ngoặc, ăn cắp, ăn hối lộ, thẳng thắn phê bình đường lối chính sách hèn với giặc ác với dân của đảng mà được yên thân?

Rồi:

“Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (ngày 12-6-1999) đã thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động... Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.”

Ông Tuấn trích dẫn Luật Báo Chí 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung 1999 như thế chỉ để làm dáng cho cái “Nhà Nước” của ông. Đúng là “nhà nước tạo điều kiện thuận lợi…, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở…, báo chí không bị kiểm duyệt…” toàn là những từ nghe rất bùi tai và dân cầm bút thấy rất hồ hởi phấn khởi. Nhưng lại thòng thêm một câu là: “…trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ” . Nói khác hơn, các công dân VN được tự do làm báo, viết bài, đăng tin, điều tra, phóng sự, phản ánh, phản biện, bàn chuyện trên trời dưới đất lung tung nhưng liệu hồn đừng chê bai hoặc tìm cách vượt ra khỏi “cái lồng chim” XHCN mà đảng đã vất vả đan cho mà ở trong đó.

Và đây nữa:

“Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Điều 2, Luật Báo chí năm 1989 nêu rõ: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Như vậy, đối với nhà báo, ngoài trách nhiệm thông tin đúng sự thật, vai trò công dân của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu với sứ mệnh đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, dân tộc.”

Ai mà chẳng biết không có quyền nào là tuyệt đối, là vô hạn - Nếu có thì chắc chỉ có quyền của đảng CSVN tự đặt ra là quyền ngồi xổm lên Hiến pháp, lên đầu lên cổ nhân dân, là quyền “Thà mất nước không mất đảng” mà thôi - Nhưng trong một thể chế tự do dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập như ở các nước văn minh tiên tiến, các hạn chế trong quyền tự do báo chí hay tự do ngôn luận của công dân chỉ nhằm cấm sử dụng quyền đó để cổ võ, xúi giục cho chuyện lật đổ chính quyền bằng vũ lực, bạo loạn (ông Tuấn cũng đã đưa ra điều này). Những hạn chế đó không cấm người dân viết báo, phát biểu hay bày tỏ những ý kiến phản đối chế độ hiện hành một cách bất bạo động. Người dân trong các nước đó còn tha hồ chỉ trích phê bình, thậm chí nói xấu những nhà lãnh đạo, các giới chức trong chính quyền, những chính khách tên tuổi mà chẳng phải lo bị công an mật vụ bắt bớ, khép tội là phản động hay chống phá chế độ gì cả. Khi trao cho người dân những quyền rộng rãi như thế, những chính trị gia, lý thuyết gia trong chế độ tự do dân chủ đã nhận thấy đó là cách thức hiệu quả nhất và nhanh nhất cho một quốc gia với guồng máy tam quyền phân lập rõ ràng luôn biết tự điều chỉnh kịp thời để hướng đến sự tiến bộ và hoàn thiện.

Ông Thứ trưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông thì phải viết để bênh cái đảng và nhà nước của ông thế thôi. “Ăn cây nào rào cây nấy” mà. Với người dân thì chẳng ai còn lạ gì chuyện đảng và nhà nước CSVN chỉ muốn độc quyền cai trị, lại nặng tính bảo thủ, kênh kiệu, lúc nào cũng che đậy dấu giếm nên chẳng thích ai phê bình, vạch ra những khuyết điểm sai lầm của mình. Mà cũng đúng thôi vì đảng và nhà nước đâu có lấy lợi ích của quốc gia và dân tộc làm điều tối thượng. Đảng cũng như nhà nước chỉ coi trọng lợi ích cốt lõi của riêng mình. Bởi vậy, báo chí tuyệt đối không được xâm phạm tới lợi ích của đảng và nhà nước bất kể đảng và nhà nước có làm bậy tới đâu. Báo chí thực chất chỉ là những công cụ để tuyên truyền những cái gì tốt cho đảng và nhà nước. Đó mới thực là những điều hạn chế rất tệ hại của cái quyền tự do báo chí trong nước hiện nay.

10/06/2015


0 comments:

Powered By Blogger