Friday, March 14, 2014

Trường Sa - Lưỡi câu Trung Cộng trong họng Việt Nam

Chưa có nước nào trên Thế giới như Cộng sản Việt Nam muốn xóa đi những di tích và bằng chứng lịch sử của ba cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng ở cuối Thế kỷ 20 để  được yên thân.

Những việc làm này đã được chứng minh thêm lần nữa trong 3 tháng đầu năm 2014:

- Ngày 18/01/2014, Bộ Chính trị buộc Chính quyền Thành phố Đà Nẵng phải hủy “Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa”, đã sẵn sang diễn ra vào lúc 19h00  tại Công viên Biển Đông.

- Ngày 19/01/2014 Nhà nước cho Công an trà hình công nhân cưa đá phủ bụi và dùng loa phóng thanh phá buổi tưởng niệm 74 Chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình vì Tổ quốc  vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Cộng đem  quân cưỡng chiếm tòan bộ quân đảo Hòang Sa.

- Ngày 17/02/2014, vào dịp  35 năm ngày 600 ngàn quân Trung Cộng  xâm lược  6 Tỉnh biên giới, nhà nước cho dựng  khán đài và tổ chức nhảy múa trơ trẽn, phản cảm và vô văn hóa với bài hát phản quốc “Trung Quốc Chính Nghĩa” trước Tượng đài Lý Thái Tổ  và cho Đòan Thanh niện Cộng sản Hồ Chí Minh ca hát “vô duyên” tại tượng đài Cảm Tử để phá cuộc biểu tình chống Trung Cộng và truy điệu ghi ơn trên 30.000 chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu anh dũng chống quân xâm lược.

- Đến lần kỷ niệm năm thứ 26  ngày quân Trung Cộng chiếm bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam 14/3, thì Bộ Quốc phòng lại tổ chức Chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung tại khu vực biên giới chung giữa hai nước từ ngày 10 đến 12-03 (2014) thay vì tổ chức ghi  ơn 64 chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ.

Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt- Trung đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng và sau đó đến lượt tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam,

Cuộc họp giao lưu bên Việt Nam đã diễn ra tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), nơi quân Trung Cộng đã giết hại nhiều người dân và bình địa nhà cửa trong cuộc chiến năm 1979. Phía Việt Nam dự hội nghị do Trung tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh làm Trưởng đòan và phiá Trung Cộng do Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc dẫn đầu.

Tướng Vịnh nói rằng: "Trong bối cảnh chung của quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Trung thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thực sự trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong việc duy trì, giữ vững và củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam- Trung Quốc". (báo Quân đội Nhân dân,QĐND, 11/03/2014)

Về phần mình, vẫn theo báo QĐND, tướng Thích Kiến Quốc cũng cho rằng: “Hoạt động giao lưu hữu nghị lần này mang tính sáng tạo và tính xây dựng cao. Các hoạt động trong khuôn khổ  giao lưu đã góp phần tích cực vào việc tăng cường sự tin cậy, tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy quan hệ hai nước, hai quân đội Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu.”

Mặt khác, khi tiếp Tướng Thích Kiến Quốc, Đại tướng Bộ trường Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, theo tường thuật của báo ViệtNamNet (11/03/2014) đã: “Khẳng định, thời gian qua, quan hệ hợp tác  giữa hai nước trên đất liền đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trên biển giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển, thông qua các hoạt động giao lưu ở các cấp, tuần tra chung, cứu hộ, cứu nạn, trao đổi thông tin…. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh,  quân đội hai nước phải luôn là lực lượng nòng cốt giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho nhân dân hai nước phát triển kinh tế, góp phần tăng cường  mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đánh giá cao  ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh….Trung tướng Thích Kiến Quốc cũng  cho rằng, hai bên cần lấy hợp tác biên phòng làm gương mẫu để thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.”

PHÙNG QUANG THANH CÓ BIẾT GÌ KHÔNG?

Không thấy bất cứ bài tường thuật nào trên báo Việt Nam nói về  việc liệu  vấn đề một số tầu đánh cá của Việt Nam đã bị lính Hải quân Trung Cộng liên tục tấn công trong khu vực Hòang Sa trong hai tháng 02 và tháng 03 có được đem ra thảo luận hay không?

Bằng chứng nhu Báo An ninh Thủ đô viết : “Khoảng 12h trưa 3-3, sau nhiều ngày bị tàu Trung Quốc tấn công, thu hết ngư cụ trên vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479ts của ông Võ Văn Lựu, SN 1966, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã về đến Cảng Sa Kỳ.

Tàu cá của ông Võ Văn Lựu cùng 14 thuyền viên đã cập Cảng Sa Kỳ trong tình trạng bị mất sạch ngư cụ. Mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc tịch thu, tổng trị giá trên 350 triệu đồng.

Ngày 9-2 tàu cá của ông Lựu cùng 14 thuyền viên ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, đến khoảng 15h, ngày 1-3 thì bị một tàu sắt của Trung Quốc khoảng trên 35 người, mang theo súng, roi điện bao vây, tấn công. Những người này bắt thuyền trưởng Võ Văn Lựu đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích và bẻ lá cờ Tổ quốc...”

Phóng viên Viết Hảo (báo Dân trí) tường thuật: “Sáng 8/3, nguồn tin của Dân trí cho biết, tàu cá Khánh Hòa KH 90746-TS của ông Phan Quang (SN 1965, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã cập biến an toàn sau khi bị một tàu “lạ” khống chế trên vùng biển Hoàng Sa và lấy đi nhiều tài sản.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 15h ngày 21/2, tàu cá KH 90746-TS (công suất 320CV) đang hành nghề câu cá nhám ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị một tàu “lạ” tiếp cận, đưa người xông lên khống chế 8 ngư dân. Số tài sản bị lấy đi gồm: 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ quan trọng khác.

Theo thông tin, 8 ngư dân trên tàu cá Khánh Hòa bị tàu “lạ” khống chế gồm: Lê Hữu Toàn (SN 1982), Phan Thanh Bình (SN 1988), Phan Thanh Minh (SN 1990), Nguyễn Thanh Thảo (SN 1988), Nguyễn Thành Tân (SN 1990), Nguyễn Văn Tô (SN 1984), Trần Quang Hiếu (SN 1970) và chủ tàu là ông Phan Quang (SN 1965); cùng trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Sau khi cập bờ vào 4h sáng ngày 7/3, chủ tàu cá KH 90746-TS đã báo cáo vụ việc cho lực lượng đồn biên phòng 366 (đóng ở Ninh Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc.”

Trong khi đó một tin đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: “Ngày 6-3, Đồn Biên phòng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) xác nhận tàu cá BĐ 94398 do ông Lê Đức Hoàng, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân đã được tàu bạn đưa vào bờ an toàn, hiện đang lưu trú tại Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn.

Theo tường trình của ông Hoàng, khoảng 1 giờ 15 ngày 5-3, trong lúc cho tàu neo đậu tại vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 7 hải lý, tàu cá của ông bị một tàu lạ đâm mạnh vào mạn phải khiến nước biển tràn nhanh vào các khoang tàu. Ông và một số thuyền viên trên tàu dùng điện thoại gọi tàu bạn đang neo đậu gần đó đến ứng cứu, đồng thời nỗ lực tát nước cứu tàu nhưng không được vì tàu bị đâm vỡ toác, phá nước và sau đó chìm hẳn. 12 ngư dân trên tàu đã được tàu bạn đến ứng cứu kịp thời. Thiệt hại sau vụ tàu lạ đâm này hơn 3 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng, dù bất ngờ bị chiếc tàu đâm chìm rồi tháo chạy nhưng một số anh em trên tàu đã kịp thời ghi lại một số thông tin liên quan đến chiếc “tàu lạ” ở phía trước mũi tàu dòng chữ “Dynamicocian 05 Hải Phòng” và “HaiPhong IM 096.56.515” để cung cấp cho cơ quan điều tra. Đến chiều 6-3, chiếc tàu bị đâm chìm ở độ sâu khoảng 57m vẫn chưa được trục vớt thành công dù được 8 tàu bạn nỗ lực hỗ trợ.”

TÀU LẠ CỦA AI?

Ô hay, tại sao cho đến bây giờ (tháng 03/2014) mà báo chí Việt Nam vẫn phải “nhắm mắt” viết hai chữ “tàu lạ” khi chính chúng là tầu của Trung Cộng?

Còn nhớ báo ViệtNam Express, trong số ra ngày 10/01/2013, cũng chỉ dám viết “các tàu chiến của đối phương” trong khi Đài Tiếng Nói Việt Nam (ĐTNVN), trong bản tin ngày 06/01/2013 cũng phải tránh đề cập đến lính Trung Cộng đã tấn công quân Việt Nam trên Trường Sa ngày 14/03/1988.

Bản tin của ĐTNVN đã viết trống không: “Cách đây 25 năm, tháng 3/1988 tại vùng biển Trường Sa ở các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Colin, 64 cán bộ chiến sĩ, cán bộ Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu kiên quyết giữ đảo.”

Nhưng “chiến đấu chống ai, quân thù nào” mà không giám mở miệng nói trắng ra ?

Trong lễ tưởng niệm tại Trường Sa ngày 09-05-2010,  ngay cả Sỹ quan Hải quân CSVN cũng chỉ dám nói  “lực lượng quân sự Nước Ngoài” đã tấn công và chiếm đóng một số vị trí của Trường Sa.

Hai Thông tín viên Mạnh Hùng và Việt Cường của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết: “Trong diễn văn đọc tại Lễ tưởng niệm, Thượng tá Trịnh Lương Vượng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn M46, vùng D Hải quân nhấn mạnh: Với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, lực lượng quân sự “nước ngoài” đã ngang nhiên chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với phương châm “không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển”. Bất chấp lẽ phải, quân đội “nước ngoài” ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta.”

Khi nói về tình hình hiện nay ở vùng biển Trường Sa, Thượng tá  Vượng nói tiếp: “Với toan tính và tham vọng thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của “nước ngoài”, Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên Biển Đông”. 

Câu hỏi đặt ra với đảng và nhà nước Việt Nam là ai đã chỉ thị cho Quân đội và Nhà báo không được nói thẳng quân Trung Cộng đã tấn công và chiếm đóng bãi Gạc Ma và 7 bãi dá ngầnm  khác của Việt Nam trong chuỗi Trường Sa?

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hay Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, ai là người phải chịu trách nhiệm cho nhục nhã này?

CÒN HỔ THẸN HƠN

Ngòai ra những chuyện trên, đảng CSVN còn làm nhiều chuyện khác đáng lên án nhu nhược trước kẻ thù Trung Cộng  như liệt kê dưới đây:

- Về  cuộc chiến biên giới 1979, Đảng và Nhà nước không cho thu góp, bảo qủan những bằng chứng, tài liệu lịch sử, phỏng vấn các nhân chứng quân nhân đã tham chiến còn sống sót và đồng bào nạn nhân của cuộc chiến xâm lăng của quân Trung Cộng.

- Hai Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự không có hồ sơ  ghi chép, lưu trữ lại đầy đủ, trung thực tài liệu về 3  cuộc chiến chống Trung Cộng ở Hòang Sa (1974), biên giới Việt-Trung (1979-1989) và Trường Sa (1988). 

- Nhà nước liên tục đàn áp các cuộc biểu tình của người dân chống chích sách bành trướng bá quyền của Bắc Kinh trong hai năm 2011 và 2013 tại Sài Gòn và Hà Nội.

Cũng cần  nhắc lại vào ngày 28/8/2011 trong lần họp “Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung lần thứ hai”  tại Bắc Kinh,  Trung tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh  đã cam kết sẽ dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Thông tín viên  Bảo Trung của  Báo Quân đội Nhân dân viết ngày 30-8-2011: “Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. 

Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. 

- Trong lĩnh vực giáo dục, nhà nước CSVN cũng không ghi lại trong sách sử giáo khoa hai cuộc chiến xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng trên Quần đảo Hòang Sa  năm 1974, bãi đá  Gạc Ma năm 1988  và 07 bãi Đá ngầm khác trong quần đảo Trương Sa, kể từ sau 1975.

- Về cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, sách Lịch sử lớp 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tháng 01/2012), chỉ viết chưa đầy 10 dòng tại  trang 207: “ Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đòan Pol Pot được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đòan mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Để bảo vệ lãnh thổ Tổ Quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.” 

Đáng chú ý  là khi sách này tái bản lần thứ tư tháng 01/2012 thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đã giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN được tròn một năm. Chẳng nhẽ ông Trọng, từng là Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung Ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và cũng là một gỉang viên chính trị cao cấp trường đảng, không biết tập sách lịch sử này đã viết bôi bác về cuộc chiến thảm khốc này như thế nào, hay là chính ông cũng đã không dám “sờ lông chân” Lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào nên đã đồng lõa bôi nhọ lịch sử đến như thế  ?

Vậy sự thật “sơ sài, hờ hững này” như thế nào ?

Theo ghi chép tại chỗ của Tác gỉa T.P.T được Tễu’s blog (Tiếc sỹ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện) phổ biến ngày 10/03/2014 thì tại  cuộc Tọa đàm về đề tài "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại"  của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam  tổ chức ngày 09/03/2014 tại Hà Nội, Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh đã buồn bã thổ lộ : “ Ta gọi cuộc chiến tranh này là gì. Học giả phương Tây thế giới gọi đây là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 3. Hay là cuộc chiến tranh giữa những người  anh em đỏ VN-TQ-Cam (Cambodia). TQ gọi là cuộc chiến phản kích tự vệ.

Còn ta là gì. Đợt 1 là kháng chiến chống thực dân Pháp. Đợt 2 kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đượt 3 là gì, ta chưa thống nhất, Với chúng tôi rất quan trọng vì liên quan đến SGK. Đợt vừa rồi có nhiều người nói SGK khôgn nói, xin được minh oan là SGK có đề cập, nhưng SGK còn nhạt hơn Bảo tàng. Nhạt lắm. Chỉ có 12 dòng thôi. Nhưng đây là sự cố gắng rất lớn của chúng tôi. Riêng vấn dề này đã phải thảo luận 1 buổi chiều và 1 buổi sáng hôm sau, có nên đưa SGK không, hay đưa như thế nào. Có một sự tế nhị vô hình nào đó luôn ngăn cản vấn đề này. Còn với chúng tôi, lịch sử là lịch sử, phải đưa vào. Song cuối cùng, quyết định đưa vào có mức độ. Ban dầu 3-4 trang, sau co lại còn 12 dòng. Đây là cố gắng rất lớn của chúng tôi, nhưng cuối cùng có ai hiểu đựơc khi chỉ thấy có 12 dòng. Nhưng trong bối cảnh đó, cả bảo tàng cũng bị ảnh hưởng  Cho đến nay, cái gọi là tế nhị đó cũng chưa kết thúc. Tất cả đều thấy cần đưa vào SGK, nhưng đưa thế nào thì còn bàn đấy.

Tên gọi sự kiện này nên gọi là cuộc chiến bảo vệ biên giới. Đây là cách gọi tế nhị, Vì cuộc kháng chiến  chống Mỹ xâm lược, kháng chiến chống thực dân Pháp. Còn ở đây ta không chống ai, ta chỉ bảo vệ biên giới. Thực chất ta có 3 cuộc: 1 Tây nam,, 2 Biên giới và 3 là bải đảo.

Nhưng quan trọng là nội dung. Bảo vệ vì có kẻ xâm lược, và ai xâm lược. Nhưng cái đó còn thiếu. Ta phải khẳng định dây là cuộc chiến bảo vệ biên giới và bản chất là cuộc chiến xâm lược và nhân dân VN đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, Như vậy, ta có những tấm gương anh hùng. Có như vậy mới đi vào được thế học sinh ngày nay. Ngày đó nào Lê Đình Chinh. Tôi dùng chữ anh Quốc là “lịch sử vô nhân sự ”vì chả có ai. Ta cần phải đưa những tấm gương tiêu biểu của cuộc chiến tranh đó thì mới đi được vào lòng các cháu.

1. Khẳng định đây là cuộc chiến tranh
2. Đây là cuộc hiến xâm lược và bảo vệ đất nước
3. Giới thiệu tấm gương các anh hùng chống xâm lược

Và chúng ta hãy nghe tiếp những lời nói  thống thiết của Cụ GS Bùi Đình Thanh:”Tôi năm nay 90 tuổi, nghỉ hưu 13 năm, sống cuộc đời phó thường dân nhưng rất quan tâm tình hình đát nước. Tôi khẳng định vai trò quan trọng của các viện bảo tàng, ở mức độ thể hiện hành trình dân tộc ta từ sơ khai đến lúc trưởng thành.

Tôi thấy rằng ta đang có sự tế nhị rất lớn trong vấn đề HS-TS (Hòang Sa-Trường Sa)  và cuộc chiến biên giới. Khi sống trong nhân dân, tôi nắm được tâm trạng mọi người băn khoăn vì sao Điện Biên Phủ kỷ niệm huy hoàng, mà chiến tranh biên giới rõ ràng là cuộc chiến xâm lược lại không thấy có tuyên bố gì về chính thống. Cũng không có ngày kỷ niệm xứng đáng. Anh hồn của các liệt sĩ hy sinh nghĩ gì? Họ chiến đấu vì tinh thần dân tộc, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, con tôi học cấp 3 mà rủ nhau đăng ký nhập ngũ để kháng chiến. Đó là điều xúc động.

Người dân băn khoăn, thì từ trên xuống dưới giải đáp là vì ổn định chính trị, vì không muốn căng thẳng. Vì đại cục quốc gia. Tôi suy nghĩ mãi. Vậy làm rõ, đại cục quốc gia là gì? Vì đại cục quốc gia là trói gọn trong 10 chữ “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”. Từ ông cha ta cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau này nữa cũng vì 10 chữ này. Chiến đấu vì độc lập, vì chủ quyền đất nước.

Bản ghi chép trong website của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện kể tiếp về lời phát biểu của Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự VN, nhân chứng sống, là Chính ủy Trung đoàn ở Vị Xuyên trong thời gian tương đối dài từ 1979-1986.

Ông nói : “ Rất buồn là di tích thời chống Pháp còn, chống Mỹ còn vài dấu vết, nhưng di tích thời TQ đánh sang thì hầu như mất dạng. Buồn hơn nữa là một lần giúp bảo tàng ở Pắc Pó để trưng bày thì lại vào hang để ngăm nghía hang Pắc Pó, khi ra có cháu ở bảo tàng Pắc Pó hướng dẫn cho khách của Hải Hưng, không hề nói đến TQ  (Trung Quốc) phá sập hang này. Sau đó, tôi hỏi tại sao không nói thì bạn đó nói trên không cho nói. Tôi đặt câu hỏi vì sao? Vì có vấn đề gì đâu. Ta phải nói với bà con mình, mà tại sao không nói, Nếu không, thì sao người dân hiểu TQ đã mang bộc phá đánh tan hang mà khi ta khôi phục vẫn không thể giống như trước được. Đây là điều đáng buồn. Mỗi lần đi lại, nhìn thấy giờ thành bãi đất trống trơn và nhà dân dựng lên là buồn lắm.

Trước cảnh “trên không cho nói” nhu nhược và phá họai lịch sử này, Đại biều Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam nói : “ Tế nhị ngoại giao rất cần thiết, nhưng cũng  cần tế nhị với dân. Chúng ta không chỉ tế nhị với người ngoài, sức đoàn kết của dân còn có sức  mạnh hơn cả tên lửa , tàu ngầm.”

Theo bản tin của T.P.T ghi tại hội trường trên Tễu's blog thì đến dự cuộc tọa đàm lịch sử này có đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia và nhà quản lý và một số phóng viên báo chí: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Trần Đức Cường, Nguyễn Thị Hậu, Bùi Văn Tiếng, Lê Mã Lương, Lê Mậu Hãn, Bùi Đình Thanh, Vũ Dương Ninh, Dương Trung Quốc, Lê Mạnh Hà, Trần Trọng Hà, Trịnh Vương Hồng, Lưu Trần Tiêu, Nguyễn Xuân Diện...Tổng cộng khoảng hơn 30 người.

GẠC MA - TƯỞNG NIỆM HAY CHIA RẼ THÊM?

Theo tài liệu của Bách khoa Tòan thư thì : “Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.”

Tài liệu viết tiếp : “Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không hề can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng Hiệp ước Liên minh Quân sự Đồng minh song phương (tháng 11-1978) trong đó ghi rõ là Liên Xô sẽ hỗ trợ Việt Nam hết sức mình về các mặt kinh tế, văn hóa và quốc phòng [23]. Sự việc này được ví von giống như trường hợp của Việt Nam Cộng hòa trong sự kiện Hoàng Sa 1974, khi Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ đóng tại Phillipines chỉ hỗ trợ về thông tin tình báo và không có bất cứ hành động thiết thực nào để hỗ trợ hạm đội Việt Nam Cộng hòa giao chiến với Trung Quốc[24], thậm chí từ chối cả việc cứu những thủy thủ Việt Nam Cộng hòa của tàu HQ-10 đang trôi dạt trên biển[25]. Tháng 5 năm 1988, hai tháng sau cuộc hải chiến này, một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương hóa”.

Vào tháng 4 năm 1988, Trung Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.”

Tình hình chiếm đóng và tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa đến tháng 03/2014 đựơc chia như sau:

- Việt Nam giữ ba đảo: Trường Sa (Spratly; diện tích 0,15 km²), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sin Cowe). Ngoài ba đảo, Việt Nam còn chiếm ba cồn cát là An Bang(Amboyna), Song Tử Tây (Southwest) và Sơn Ca (Sand Cay) cùng mười lăm đá san hô. Tổng cộng 21 đơn vị, nằm ở phía Tây.

- Philippines chiếm năm đảo: Bình Nguyên (Flat), Vĩnh Viễn (Nanshan), Bến Lạc (West York), Loại Ta (Loaita) và Thị Tứ (Thitu). Ngoài năm đảo, Philippines còn chiếm ba cồn, hai đá nổi và tám đá chìm, tổng cộng 18 đơn vị.

- Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba).

- Malaysia chiếm giữ 1 đảo và tuyên bố chủ quyền với một số đảo khác phía Đông. Brunei không giữ đảo nào nhưng tuyên bố chủ quyền đánh cá đặc quyền tại một bộ phận quần đảo.

- Trung Quốc chiếm hai đá là đá Chữ Thập (Fiery Cross) và đá Ga Ven (Gaven), cùng sáu đá chìm, tổng cộng 8 đơn vị ở phía Bắc quần đảo.

Vào tháng 4 năm 1988, Trung Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.”

Cũng nên biết kể từ ngày Gạc Ma bị Trung Cộng chiếm và sau đó Bắc Kinh  biến tất cả 8 bãi đá thành đồn bót quân sự kiên cố để kiểm soát phần lớn an ninh trong vùng đảo Trường Sa thì Việt Nam chưa có bất cứ hành động nào đòi lại các bãi đá này.

Và mặc dù được Phi Luật Tân mời cùng tham gia trong vụ nước Phi  kiện Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế về tranh chấp ở Trường Sa, Việt Nam cũng cũng không giám làm.

Cũng đã từ lâu, Nhà nước CSVN không giám tổ chức bất kỳ cuộc họp nào để “hướng về Hòang Sa” như đã làm với “Chương trình giao lưu nghệ thuật "Xuân Trường Sa" năm 2014”  của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Quân chủng Hải quân Việt Nam phối hợp thực hiện ngày 08/03 (2014)  tại Hà Nội. 

Trong khi đó thì ông  Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), đã kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Báo Lao Động, tiếng nói của TLĐLĐVN  viết: “Chương trình sẽ vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa) và hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn.”

Tuy nhiên đề nghị chỉ xây đền “tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma”  mà không có đền ghi công 74 chiến sỹ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược Hòang Sa năm 1974 đang gây tranh luận trong và ngoài nước.

Có dư luận cho rằng ông Đặng Ngọc Tùng, cũng như đảng CSVN vẫn còn mang nặng đầu óc kỳ thị hay vì mặc cảm mà không giám coi 74 người lính VNCH là công dân Việt Nam cũng phải được kính trọng như 64 người lính của Quân đội Nhân dân hy sinh tại Gạc Ma năm 1988.

Cũng có thắc mắc phải chăng  vì những điều cấm kỵ của Thỏa hiệp Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Cộng) năm 1990 mà Giang Trạch Dân đã buộc bộ ba Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng không được nhắc đến chuyện Hoàng Sa cũng như không được nhắc đến cuộc chiến biên giới 1979 như tiết lộ của Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh?

Nhưng nếu ông Tùng nghĩ rằng, sử dụng chiêu bài gây qũy để  cùng lúc “hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974)”  với  hy vọng nhận được đóng góp của người Việt Nam Cộng Hòa ở  trong và  ngòai nước thì ông sẽ thất bại vì hành động  có chủ tâm “phân loại những người cùng giống nòi vì Tổ quốc mà hy sinh”  của Tổng liên đòan Lao động Việt Nam chỉ đào sâu thêm hố chia rẽ  dân tộc và khóet to hơn mối hận thù vẫn chưa lành sau 39 năm kết thúc chiến tranh.

Để tránh hỏng việc, ông Đặng Ngọc Tùng nên  nghĩ tới việc làm cấp thời bây giờ của đảng CSVN là hãy làm sao gỡ được cái  lưỡi câu Trung Cộng ra khỏi cổ họng ở Trường Sa và tìm cách xóa đi Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Hòang Sa và Trường Sa để bảo vệ chủ quyền và sự vẹn tòan lãnh thổ, thay vì “xây đền một chiều”./-

03/2014

0 comments:

Powered By Blogger