Gần đến ngày 14 tháng 3, tưởng niệm ngày quân Trung Quốc tấn công và giết chết 64 binh sĩ của Việt Nam đang giữ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, hơn 70 nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã đưa lên mạng Tuyên bố Tưởng niệm các Chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, Tự do cho người dân.
Tuyên bố đưa ra 6 điểm về quyền được tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì đất nước và kêu gọi mọi người tham gia ký tên.
Gia Minh hỏi chuyện một trong những người ký tên đầu tiên là ông Nguyễn Minh Cần hiện sống tại Nga. Ông là nhà hoạt động chính trị và là nhá báo. Ông từng là bí thư quận ủy ngoại thành Hà Nội, phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội năm 1945. Ông cũng là một nhân vật trong vụ án Xét lại Chống Đảng.
Gia Minh: Là người theo dõi tình hình Việt Nam lâu nay, ông đánh giá vì sao chính quyền (Việt Nam) lại không cho công khai tưởng niệm những ngày lễ 19/1 ( Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa), 17/2 (Chiến tranh Biên giới phía bắc), và 14/3 (Trung Quốc chiếm Gạc Ma) như thế không?
Ông Nguyễn Minh Cần: Đó là điều không những các nhà dân chủ và những người đấu tranh cho tự do thắc mắc mà ngay cả dân chúng Việt Nam cũng thắc mắc. Vì những việc vừa qua xảy ra chứng tỏ chính quyền này- chính quyền Việt Nam hiện nay không nghĩ đến tình cảm của người bình thường đối với tổ quốc của mình, đối với sự hy sinh của hằng ngàn chiến sĩ đã bỏ mình, và hằng nghìn đồng bào đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Trung Quốc đánh vào Việt Nam ở biên giới.
Tất cả những điều đó chứng tỏ mặt thật của chính quyền hiện nay là họ nhân nhượng, nói đúng hơn là khuất phục áp lực của Trung Cộng. Cho nên những người trí thức, những người yêu nước ký tên vào bản đó, theo tôi là chuyện bình thường. Điều đó biểu lộ sự quan tâm của tất cả mọi người đối với công việc của tổ quốc, đối với biên giới, biên cương, lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc chúng ta.
Tinh thần hăng hái ký tên vào bản tuyên bố đó thể hiện lòng bất khuất, bức xúc và lòng xót xa đối với tiền đồ dân tộc của mình.
Gia Minh: Ông thủ tướng Việt Nam, gần đây trong cuộc họp với Mặt Trận ( Tổ Quốc) lên tiếng nói rằng cần phải ‘khôn khéo’ để không tạo ra những căng thẳng vào lúc này. Theo ông đó có phải là biện pháp có thể chấp nhận được hiện nay hay không?
Ông Nguyễn Minh Cần: Theo tôi nghĩ, nhà cầm quyền trước sự phản ứng của dân chúng, họ phải tuyên bố ‘này, nọ’. Nhưng tuyên bố là một việc, mà làm lại là một việc khác. Từ trước đến nay, chắc anh cũng thấy, người ta nói một đường mà làm một nẻo. Cho nên những lời tuyên bố như thế không thể nào tin được.
Gia Minh: Trên mặt quan hệ công khai thì như thế, còn lâu nay thực tế đối với những người bỏ mình như thế, việc công nhận liệt sỹ và chế độ cho họ ông thấy thế nào?
Ông Nguyễn Minh Cần: Nhiều anh chị em đề nghị bây giờ phải coi những chiến sỹ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, vì Trường Sa dù bất kỳ ở phía nào cũng phải coi đó là những anh hùng của dân tộc, đó là những liệt sỹ chung của cả nước, của cả dân tộc mình. Nhiều người đã lên tiếng như vậy, theo tôi điều đó hợp lý.
Bây giờ không phải là lúc chia anh này là ‘Việt Nam Cộng Hòa’, anh kia là ‘Việt nam Dân chủ Cộng Hòa’…, mà đó là những người đã đứng lên để đấu tranh cho tổ quốc.
Theo tôi bây giờ phải có tinh thần (không phân biệt) như vậy, thì mới có thể mở đầu cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chứ còn kêu gọi hòa hợp, hoài giải dân tộc mà cứ chia rẽ, cứ đối xử; thì theo tôi chỉ là những lời nói suông thôi.
Gia Minh: Các sử gia ở Việt Nam và những người quan tâm hồi chủ nhật ngày 9 tháng 3 họ tọa đàm và nói phải gọi tên đúng nhưng biến cố lịch sử. Ông thủ tướng trước đây cũng có nói những vấn đề đó phải đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ tương lai biết sự thật lịch sử. Theo ông để làm được điều có thể nói rất lớn như thế phải làm thế nào để đạt được mong muốn?
Ông Nguyễn Minh Cần: Trước tiên không được phá hoại những cuộc nhân dân đứng ra tổ chức kỷ niệm ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, ngày Trung Quốc đánh vào biên giới của chúng ta và giết hại bao nhiêu người.
Tinh thần hăng hái ký tên vào bản tuyên bố đó thể hiện lòng bất khuất, bức xúc và lòng xót xa đối với tiền đồ dân tộc của mình.Đối với những ngày đó, việc phải làm đầu tiên là chính ông thủ tướng phải làm chuyện đó. Phải bắt đầu từ việc đó. Việc nói học về những điều đó là đúng; nhưng phải xem để người ta thi hành như thế nào!
- Ông Nguyễn Minh Cần
Trước áp lực của quần chúng nhân dân, họ nói để mà nói, chưa chắc đã làm.
Gia Minh: Vừa rồi có những người đứng ra lập quỹ như “Nhịp Cầu Hoàng Sa’, rồi gần đây trên báo Lao Động có đăng chương trình kêu gọi đóng góp.
Việc đóng góp thì đúng rồi, nhưng làm sao để có thể đến tay của người trong cuộc, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Cần: Đó còn là một vấn đề. Chuyện anh chị em đóng góp một phần công sức hay tiền tài vào một việc chung như vậy, rất đáng quí, rất đáng hoan nghênh. Nhưng làm thế nào để những thứ đó đến được đúng địa chỉ những người nhận, những chiến sỹ thực sự hy sinh, những chiến sỹ thực sự tham gia chiến đấu; như vậy ý nghĩa của sự đóng góp của bà con mới thật đầy đủ.
Hiện nay rất đáng tiếc vì các cơ quan chính quyền rất tham nhũng; do vậy không nên dựa vào các tổ chức đó, mà phải có những tổ chức xã hội gọi là ‘xã hội dân sự’ để đảm nhiệm những việc như vậy. Theo tôi, có làm được như thế mới có kết quả.
Gia Minh: Cám ơn ông Nguyễn Minh Cần.
0 comments:
Post a Comment