Tuesday, February 12, 2013

NHỮNG Ý NGHĨ VỤN VẶT CỦA NGƯỜI LÍNH GIÀ TRONG NGÀY TẾT


Ngồi trên bàn ăn, đầy những thức ăn ngon lành, rất hợp khẩu vị  trong những ngày Tết, nhâm nhi ly rượu mạnh, với bà xã cùng đàn con cháu cùng ăn bửa ăn ngày đầu năm, người lính tuy đã  thất thập có dư, những vẫn nghĩ là mình còn đang tại ngũ, miên mang thả hồn về dĩ vãng, một quá khứ không thể nào quên.
Uống ly cognac của Pháp, nhưng thấy nó không ngon bằng ly rượu đế năm nào, sau khi nghỉ Tết, trở lại thực hiện công trình kiến tạo xa lộ Sóc Trăng Cà Mau. Cuối ngày, ngồi trên bờ vườn cạnh cầu Trâu, quận Phú Lộc xứ Bạc Liêu trong những năm đầu của thập niên 70 ở thế kỹ trước. Những ly rượu đế mà những người lính gọi là những giọt nước mắt quê hương, cùng uống chung với những anh lính Nghĩa Quân trong đồn cạnh bên đầu cầu, thật ấm tình Huynh Đệ Chi Binh.
Nhìn cảnh gia đình xum hợp, vợ con cháu vui vầy trong những ngày xuân, nhớ lại những ngày Tết phải bị cấm trại một trăm phần trăm (sau Tết Mậu Thân vì đơn vị phòng ngừa cảnh việt cộng tái tục hành động phá hoại không khí Tết cỗ truyền của dân tộc). Vợ con phải đến cùng ăn Tết với mình trong trại lính lúc ban ngày, chiều đến họ phải về nhà. Chỉ được ăn Tết có một ngày, tuy vậy cũng an ủi được phần nào cho riêng mình, vì mấy ai có được sự may mắn đó, vì gia đình họ không trú ngụ gần đơn vị, cho nên gia đình ăn tết không được xum họp chung một mái nhà.
Nhớ lại cảnh những người lính trận đóng quân ở những nơi đèo heo hút gió, hát bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân của Trần Thiện Thanh mà chạnh lòng cho người quân nhân VNCH, phải hy sinh hạnh phúc ngày xuân của riêng mình, để đồng bào được an ổn, hưởng những ngày Tết trong thời chinh chiến.
Nhớ lại đồng bào toàn quốc, nhất là Huế trong những ngày Tết Mậu Thân phải thịt nát xương tan, gây ra bởi những người Việt Nam cũng máu đỏ da vàng , mà khác chiến tuyến, khác cả tâm hồn, có lòng hung ác, gây ra cảnh tang thương để phục vụ cho mộng bá quyền của chủ nhĩa cộng sản ngoại lai vô nhân đạo.
Nhớ lại những cái Tết trong những trại cải tạo, những bửa ăn đã được gọi là yến tiệc nhưng chỉ với miếng thịt mở bằng ngón tay, bù lại cho quanh năm với bo bo, khoai sắn, rau muống, cải trời mà người tù nhặt được đâu đó trong ngày đi lao động khổ sai. Những ngày xuân đó, những người tù ăn với nước mắt, ăn với lòng căm giận, nuốt sâu vào tâm cang. Trong những ngày xuân, người tù cải tạo cũng “được thưởng thức” chương trình văn nghệ trong tù bằng những tiết mục ca ngợi chủ nghĩ tam vô, ca ngợi lãnh tụ phản quốc được thần thánh hóa một cách trơ trẻn. Lúc đó người tù cải tạo muốn hét lên những lời chưởi rủa bọn “người giải phóng” xã hội phồn vinh để trở thành nghèo đói khốn cùng, nhưng e ngại những họng súng AK của bọn cai tù đang bao quanh những người tù khốn khổ, nên đành phải nuốt giận im hơi.
Nhớ lại cảnh gia đình, người thân bị cướp của cướp nhà, bị đày đến “vùng kinh tế mới”, nơi mà chó ăn đá gà ăn cát, con người không thể sinh tồn vì nước độc rừng già, phải trốn về thành thị, nằm vất vơ vất vưởn bên vĩa hè, chịu đói chịu lạnh trong những ngày Tết khốn cùng nhứt trong đời. Nước mắt của người lính già cố kìm hảm, nhưng nó cứ chảy dài theo khóe mắt. Cháu hỏi sao ngoại khóc, người lính già gương cười, vội lau đôi dòng lệ nhưng không trả lời cho các cháu vì chúng còn non trẻ chưa hiểu được nỗi cãm xúc của người ông ngoại nầy.
Nhớ lại cảnh Tết trên sóng nước trùng trùng của biển khơi, trên chiếc thuyền gỗ mong manh, miệng lâm râm khấn vái Thần Linh, Trời Phật, phù hộ cho những người khốn khổ đang lẫn tránh chế độ súc vật tại quê nhà, mong tìm được bến bờ để được sống một đời đáng sống.
Nhớ lại những ngày đến được trại tỵ nạn ở đảo khơi, cuộc đời như đã bị chết đi được sống lại, được ăn Tết Tự Do đầu tiên trong đời kể từ ngày 30 tháng 4 năm mất nước 1975, trong lòng thấy cãm khái, dù rằng vẫn còn chưa sum hợp được với gia đình, nhưng nhìn về tương lai, chắc chắn sẽ được tươi sáng vì đã thoát khỏi được cái địa ngục trần gian.
Nhớ lại những ngày Tết đầu tiên trên quê hương mới, đã tham dự cùng Cộng đồng Người Việt Tự Do nơi địa phương định cư, người lính già tuy còn lẻ loi, bở ngở trong đời sống mới, nhưng cũng hòa hợp được với những đồng bào cùng cảnh ngộ, và tâm hồn cũng được bình an vì trong tương lai sẽ được đoàn tụ với gia đình qua chủ trương “đoàn tụ gia đình” của chính phủ Canada. Những ngày đầu tiên trên đất mới nầy, người lính già đã tìm đến Hội người Việt, để cùng những người có chung một hoài bảo là quang phục lại quê Hương. Lúc nầy đồng bào tỵ nạn tinh thần còn rất cao, ý chí còn rất vững, đã quy tụ lại dưới ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, cùng giúp đở, an ủi, khuyến khích nhau hảy giữ vững tinh thần “người việt Tự Do”, quyết không bị dụ dổ bởi bọn việt cộng nằm vùng, để khỏi bị mất nước lần thứ hai.
Nhớ lại những năm qua, Từ năm 1985, bọn cầm quyền việt cộng ác ôn đã tuyên bố “chế độ đổi mới”, nhưng người dân vẫn sống cuộc đời trong tăm tối, vẫn bị đè đầu cởi cổ, chẳng khác nào nô lệ cho bọn cầm quyền dốt nát, ngu muội, khố rách áo ôm từ trong rừng chui ra, đổi mới thành những tên tư bản đỏ, ăn trên ngồi trước, cơ ngơi đồ sộ, bạc vàng đầy kho vì bán nước buôn dân, với đặc quyền sinh sát trong tay. Người lính già cãm thấy bất nhẫn cho những người vì không chịu nổi sự dã man tàn ác của bọn cầm quyền, đã đứng lên đòi hỏi lại những gì người dân bị cướp đoạt như tài sản, sự tự do, quyền làm người, quyền yêu nước, đã bị bọn đầu trâu mặt ngựa cầm quyền đàn áp bỏ tù, hành hạ không chút nương tay. Trong những ngày Tết nầy chắc rằng tâm tư của họ không được bình an, gia đình họ rất đau xót không được cùng ăn Tết với những người thân yêu. Người lính già đã trải qua kinh nghiệm ngày Tết ở trong tù của việt cộng nên biết rất rõ. Ôi ! Có cảnh nào đau sót hơn trong ngày Tết đoàn tụ theo truyền thống mà phải bị cắt chia.
Nhìn lại cộng đồng Người Việt Hải Ngoại, lúc còn bở ngở nơi xứ lạ quê người, thiếu thốn vật chất mọi bề, nhưng tinh thần và ý chí Tự Do cho Việt Nam còn rất cao. Họ đã ủng hộ không so đo mọi tổ chức, mọi cá nhân nào có ý chí đánh đổ bọn việt cộng cướp nước, khôi phục lại quê hương. Do vậy có một thiểu số, lợi dụng lòng tin của cộng đồng đã ra tay lừa đảo, gạt gẫm để hưởng lợi. Tiếc thay vì hiện tượng đó mà cộng đồng Việt Hải ngoai đã “kinh cung chi điểu” nên có vẽ thờ ơ với những tiếng gọi tha thiết của những tổ chức, những cá nhân thật tâm với tiền đồ của Tổ Quốc. Mãi đến ngày Tết hôm nay vẫn chưa có sự đoàn kết thật sự trong cộng đồng hải ngoại, vẫn còn có kẻ nầy chê kẻ khác không yêu nước bằng mình, không tài giỏi hơn mình. Thật đáng tiếc cho một dân tộc bất khuất trước kẻ thù mà vẫn còn chia cách với người cùng chí hướng quanh mình. Đang suy tư, bổng nhiên có tiếng gọi: Ngoại ơi ! ăn lẹ đi rồi đi chơi Wii với con (Wii là một game chơi trên TV của trẻ nhỏ) .
Người lính già giờ chỉ còn niềm vui là chìu chuộng cháu, đành buông đủa, nuốt xuống lòng u uất, uống vội ngụm rượu còn dang dở. Sau khi chơi xong vài games trên computer với các cháu, người lính già vội viết lại vài suy tư lúc nảy ra đây, để gởi đến bạn đọc gọi là khai bút đầu năm. Kính chúc mọi người hưởng được những niềm vui nho nhỏ nơi viễn xứ,  trong những ngày đầu năm Quý Tỵ nầy, và cãm thông với những ý nghĩ vụn vặt nầy của người lính già.
Lão Ngoan Đồng.

0 comments:

Powered By Blogger