Saturday, February 16, 2013

Miến Điện bác bỏ cáo buộc sử dụng chất phosphore đàn áp biểu tình

Bà Aung San Suu Kyi điều hành ủy ban điều tra, gặp dân làng Monywa, nơi có mỏ đồng đang được khai thác (REUTERS)
Lê Phước_RFI
Hôm nay, 16/02/2012, chính phủ Miến Điện đã chính thức lên tiếng bác bỏ tất cả cáo buộc trong bản phúc trình do một tổ chức luật sư độc lập công bố cách đây hai ngày, theo đó cảnh sát Miến Điện hồi năm ngoái đã dùng chất hóa học phosphore để giải tán đám đông biểu tình. Tuy nhiên, Naypyidaw không bình luận bất cứ điểm nào trong bản báo cáo nói trên.
Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên phủ tổng thống Miến Điện đã chính thức bác bỏ bản báo cáo, và nói rõ là chính phủ Miến Điện chỉ chấp nhận kết quả điều tra của ủy ban điều tra chính thức của nhà nước Miến Điện, hiện do lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi điều hành.
Trả lời hãng tin Pháp, phát ngôn viên phủ tổng thống Miến Điện cũng không bình luận một chi tiết nào trong báo cáo và nói rõ : « Chúng tôi không nghiên cứu cũng chẳng bình luận các cuộc điều tra cá nhân ». Nhân vật này cho rằng, bản báo cáo có thể « làm rối loạn » công việc của ban điều tra của bà Aung San Suu Kyi.
AFP nhắc lại, một tổ chức luật sư tại Miến Điện đã gửi ra nước ngoài xét nghiệm một quả lựu đạn cay nhặt được tại hiện trường vụ biểu tình năm ngoái. Kết quả xét nghiệm công bố hôm 14 vừa rồi cho thấy : lựu đạn có chứa phốt pho trắng (WP). Đây là một chất hóa học có khả năng gây cháy được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, chủ yếu nó được nhồi vào các loại bom cháy, bom khói với mục đích tạo ra các màn khói. Phosphore trắng cũng được coi là loại vũ khí hóa học.
Bản báo cáo cũng lên án việc nhà cầm quyền đã dùng biện pháp thái quá để đàn áp người dân biểu tình. Sau vụ trấn áp đó, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra yêu cầu chính phủ điều tra và xin lỗi. Chính phủ Miến Điện đã quyết định thành lập một ban điều tra chính thức do bà Aung San Suu Kyi điều hành.
Xin nhắc lại, vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 11 năm ngoái, cảnh sát Miến Điện đã nhiều lần bắn đạn có chứa phốt pho trắng vào khu lều trại của dân làng. Những người này đã bám trụ tại hiện trường từ 10 tháng để phản đối việc trưng thu đất đai của họ cho dự án mở rộng một mỏ đồng, do quân đội Miến Điện và một tập đoàn Trung Quốc cùng khai thác. Đa số các nạn nhân bị phỏng nặng là các nhà sư. Đây được coi là một chiến dịch đàn áp biểu tình bạo lực nhất kể từ khi Miến Điện có chính phủ dân dự vào tháng 3/2011.

0 comments:

Powered By Blogger