BS Đỗ Hồng Ngọc
Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa !
Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa ngoái
đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang
vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm,
chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính “bảo hộ”! Ở trên cao nhìn xuống
người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu
cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến. Đi bộ trên
đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai,
đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn. May thay, con
gái Saigon bây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi! Họ mặc quần short thật
ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối.
Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều hơi nguy hiểm cho
giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa. Áo dài thì
khó mà tìm thấy nữa rồi - trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang. Con
gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa. Ngay cả
những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm
thấy một tà áo dài. Mọi người trở nên hấp tấp, vụt chạc, căng thẳng hơn
bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người
như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực. Môi
trường đô thị ngày càng xấu đi. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc
lên!
Saigon bây giờ béo phì ngày càng tăng !
Một sự phồn vinh thực chớ không phải giả tạo. Béo
phì nhanh nhất ở phụ nữ và trẻ con. Các chuyên gia dinh dưỡng la ơi ới,
báo động hoài mà chẳng ai thèm nghe. Nghe chi cho mệt. Các cửa hàng
fastfood cứ mọc ra như nấm. Ai cũng biết fastfood tới đâu, béo phì, tim
mạch, tiểu đường, huyết áp theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng thì … càng
tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo ồn ào thì kinh
tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn hương liệu, hoá chất, bột nêm
các thứ làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản. Cứ xem TV thì biết.
Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt
nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!
Saigon bây giờ cận thị quá trời !
Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận
thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có. “Chỗ nào rẻ
hơn trả lại tiền!” Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV ... các thứ ngày
càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con sướng như tiên.
Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp. Lâu lâu kêu có hóa
chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi. Kể cả thuốc “cam” nổi
tiếng một thời nay gây ngộ độc chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn
cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càng! Các loại sữa “thông minh” dành cho
trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình
nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có
vẻ kém … thông
minh!
Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều.
Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng
gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng,
đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai
cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa,
một vài loại thuốc chống loãng xương là xong.
Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp.
Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên
sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân.
Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẻ cằm rào rào. Ai cũng thành người mẫu ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ … bí không còn làm thơ được nữa!
Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm.
Không dậy thì sớm cũng uổng! Mọi thứ kích thích cứ
rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo … các thứ. Thức ăn
thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên. Tỷ lệ phá thai vị thành niên
tăng một cách đáng ngại. Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng mau.
Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Trẻ sanh non, suy hô
hấp, thiếu dưỡng khí não, lớn lên tâm thần cũng độn!
Tóm lại, sức khỏe cộng đồng ở Saigon bây giờ có nhiều điều đáng suy gẫm. BS Đỗ Hồng Ngọc 29-4-2012 |
Friday, June 8, 2012
SÀIGÒN BÂY GIỜ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment