Wednesday, June 6, 2012

Cám ơn đời

Thói đời xưa nay, khi bần hàn đói khổ, có được miếng  ăn để sống, có đủ cơm no ngày ba buổi là đã phước đức ông bà, tạ ơn trời đất không kịp chớ dám đâu mà kén cá chọn canh hay tròm trèm nem công chả phụng, sơn hào hải vị chi chi. Nhưng một khi đã phủ phê thừa mứa, cuộc sống không còn chật vật lo toan thì người ta lại nghĩ tới chuyện sống để ăn. “Ăn” không phải chỉ để  no lòng chắc bụng thôi mà còn phải thưởng thức, tận hưởng cái ngon, cái tinh túy của mỗi món ngon vật lạ trên đời mà những khi cùng khổ đã phải ăn để sống bất kể dở ngon. Như thế mới không uổng phí kiếp làm người ở trần gian vốn rất ngắn ngủi chẳng có được bao nhiêu năm để ăn để hưởng . Vì thế cho nên, cái ăn từ đó đã được nâng cấp lên hàng nghệ thuật mặc dù miếng ăn trong tình huống, hòan cảnh nào đó bị coi là miếng tồi tàn. Phương chi, cái ăn ngòai là nhu cầu tối cần  nuôi sống con người còn là một lạc thú đứng đầu trong tứ khóai, nhứt là cái khóai này rất hiền hòa lành mạnh, không phương hại không ảnh hưởng liên lụy tới một ai như cái khóai rượu chè cờ bạc. Có tiền thì cứ đi ăn, thích cái gì ăn cái đó as much as you can, sức ăn sức chịu miễn cái bao tử mình cho phép. Do đó, phong trào “ăn” rất thịnh hành, rất được đại đa số người hoan nghênh hưởng ứng nhiệt liệt. Nhà hàng, quán ăn, câu lạc bộ, buffet, bistro ăn uống nổi lên nườm nượp, đâu đâu cũng đông nghẹt thực khách, nhứt là vào những ngày cuối tuần, muốn đi ăn nơi nào cũng phải book trước vài ngày mới mong có chỗ.
Như thường lệ, chiều thứ bảy nào hai vợ chồng Thành cũng tụm năm tụm mười với nhóm bạn theo “chủ nghĩa sống để ăn” săn lùng khắp các nhà hàng bốn miền đông tây nam bắc, khi thì Thai’s cuisine, khi thì ăn đồ Nhựt, Đại hàn, khi thì Italian food vv… Tuần này họ hẹn nhau ở Merryland RSL club để  “đánh một trận lớn” trong “chiến dịch All you can eat” cho thỏa chí bình sinh. Trong lúc đứng lơ mơ chờ các bạn ở tiền sảnh  thì Thành bất ngờ trông thấy một người bạn cũ mà ba mươi năm về trước đã từng học chung ở trường Vaucluse, Dover Height. Anh chàng này tên Thuận, Thuận và vợ con cũng đang đón người thân tới chưa đủ. Hai người bạn lâu ngày tình cờ gặp lại, tay bắt mặt mừng hỏi chuyện đời nhau từ lúc xong trung học, mỗi người đi một ngã. Thuận giới thiệu vợ mình và hai đứa con, một gái 17 và một trai 12 tuổi. Thành cũng giới thiệu bà xã của mình cho hai nàng bắt chuyện làm quen rồi quay qua vừa vò đầu thằng bé vừa nói với Thuận:
- Chà, ông có con lớn vậy rồi sao? Nhớ hồi tụi mình học chung lớp bảy, tuổi của mình chỉ mới mười bốn mười ba, còn nhỏ hơn con gái ông bây giờ. Thời gian thật dễ sợ, vù một cái biến tụi mình thành trung niên sắp sửa bạc đầu hết trọi. Bữa nay tình cờ gặp lại thiệt là mừng.
Thuận cười gật đầu:
- Ừ, tôi cũng vậy. Hôm nay nhân dịp sinh nhựt thằng cháu, con bà chị, đại gia đình của tôi cả thảy ba chục người tụ họp lại đây ăn mừng sinh nhựt cho nó.
Thành ngạc nhiên hỏi:
- Ở đâu ra mà đông dữ vậy? Hồi lúc đi học, tôi chẳng hề nghe ông đá động gì tới gia đình ông hết. Chỉ biết ông và tụi thằng Dụng thằng Thắng ở chung với ông Eric thôi. Hồi đó thỉnh thỏang tôi và thằng Bảo cũng có ghé qua ông chơi vài lần, thấy chỉ có mấy tên đực rựa chớ đâu còn ai khác nữa.
Thuận  nói:
- Hồi đó, tôi thuộc diện mồ côi, không cha mẹ, không người thân, qua đây chỉ có một mình sống vất vưởng không nơi nương tựa, ăn chưa no lo chưa tới, học chưa xong. Nếu không nhờ ông Eric thương tình bảo bọc, nuôi cho học hành thì chắc tôi và gia đình tôi không có được ngày hôm nay đâu. Khi về ở với Eric, ông ấy gợi ý cho tôi, bảo tôi hãy làm đơn xin bảo lãnh gia đình, ông ấy sẽ bảo trợ giúp cho. Thế là tôi bảo lãnh ba má tôi rồi tới anh chị em, hồi đó chính sách di trú còn dễ dãi nên lần hồi cả gia đình qua được hết. Anh chị em tất cả là bảy người, người nào qua cũng đi học rồi có việc làm và sau đó thì lấy vợ lấy chồng sinh con. Cứ mỗi người đẻ vài ba đứa cho tới bây giờ thành ba chục người. Lát nữa họ tới đông đủ thì ông sẽ thấy. Bởi vậy chúng tôi phải đặt trước mấy bàn, không thôi làm sao có đủ chỗ để ngồi gần nhau.
Thành chặc lưỡi xuýt xoa:
- Ông giỏi thiệt. Mà gia đình ông cũng may mắn quá, đi không sót một người, còn sản xuất thêm cho nước Úc một số mầm non, tương lai của đất nước nữa chớ. Có nhiều gia đình, một mống cũng không lọt, chết chùm cả đám với nhau ở bển. Tôi rất mừng cho ông. À, còn Eric bây giờ ra sao? Ông ấy khỏe không?
Thuận cười cười quay đầu về một góc đại sảnh nói:
- Kìa, ổng ngồi đó kìa. Bây giờ ổng ở chung với vợ chồng tôi. Từ lúc mới qua, ổng đã cưu mang tôi nên tôi coi ổng như là ba nuôi của tôi vậy.
Thành nhìn theo Thuận, thấy một ông Úc già khỏang bảy mươi đang ngồi ung dung trong chiếc ghế bành nhìn thiên hạ náo nhiệt đổ xô ra vào. Thành vội bước tới chào ông và nói:
- Hello Eric! long time no see. How are you? I’m so glad to see you today. (Chào Eric, lâu quá không gặp, ông khỏe không. Rất mừng gặp lại ông hôm nay).
Ông Eric bắt tay Thành cười rạng rỡ:
- Tôi cũng vậy. Thấy cậu rất quen mặt mà nãy giờ nhớ chưa ra đã gặp hồi  nào.
Thuận chen vào :
- Anh này là Tony, học chung với tôi và thằng Dụng thằng Thắng hồi xưa đó. Lúc đó mình còn ở Rose Bay, thỉnh thỏang anh ta và thằng Bảo có ghé lại nhà mình chơi và gặp ông ở đó, ông nhớ chưa?
Ông Eric vỗ đầu nói:
- À, phải rồi, ba chục năm rồi còn gì, ai cũng thay đổi hết, nếu tình cờ gặp ngòai đường chắc nhận không ra. Gia đình cậu thế nào? Có được đòan tụ hết không?
Chỉ Thuận, ông nói tiếp:
- Còn cậu này đây thì tòan thể gia đình đều ở Úc, dân số đã lên đến ba chục người, chả bù với lúc mới qua, cu ky có một mình, cậu có tưởng tượng nổi không.
Nói tới đây thì những thành viên trong gia đình Thuận bắt đầu lục đục kéo vô. Con nít lủ khủ, người lớn la liệt. Từ nhóc tì ngồi trong pram cho tới người già ngồi xe lăn đều tới đủ. Ba của Thuận bị stroke hồi năm ngóai đang trong thời kỳ chữa trị nên tạm thời phải ngồi xe lăn do một người con đẩy vào. Bên trong đã có bàn dành sẵn, mọi người vui vẻ, cảnh tượng huyên náo, tay con tay cháu hớn hở tiến vào. Ông Eric nói:
- Thôi, tôi theo họ vào trước, hai cậu cứ từ từ nói chuyện tiếp đi. Mấy khi được có cơ hội trùng phùng như ngày hôm nay.
Thành nhìn theo đám người với vẻ thích thú, tiếp tục câu chuyện:
- Cả nhà tôi gom lại cũng không bằng phân nửa nhà ông, chỉ có 14 người thôi là hết ga rồi. Tôi thì cưới vợ trễ nên không muốn có con, bà xã tôi cũng vậy. Già tới nơi rồi, sợ nuôi không kịp thì khổ cho nó. Vả lại tôi cũng muốn được stress free cho đỡ phải vật lộn với cuộc sống. Chúng tôi làm bạn đời với nhau để đi chơi cho có đôi có cặp vậy mà. À, tôi rất thắc mắc hồi mới qua, ông làm sao mà gặp được ông Eric vậy?
Thuận chậm rãi kể:
- Tôi với thằng Thắng, thằng Dụng lúc đó mới có 13 tuổi thôi. Ở Việt Nam, ba thằng tụi tôi là bạn hàng xóm, tối ngày thường chạy cà nhỏng ngòai đường chơi chung với nhau, nhứt là sau khi Việt cộng vô. Nhà nghèo đông con, cha mẹ ai cũng lo đi làm ít khi để ý tới mấy thằng choai choai có thể tự lo như bọn tôi. Lúc phong trào vượt biên cao điểm, ngày nào cũng có tàu đi chui, bọn tôi rủ nhau “canh me” phóng đại lên tàu may sao đi được tới Úc. Vì không có ai là thân nhân ở Úc, lại còn vị thành niên cho nên ba thằng tụi tôi được gởi đến ở chung với một nhóm thiếu niên khác ở tuốt Bowral cách Sydney 100km do một người trong giáo hội đứng ra làm giám hộ. Mỗi ngày tụi tôi đi học special English chờ vào trung học. Weekend, mấy đứa nào có thân nhân bà con thì được về nhà chơi thỏa thích. Còn ba thằng tôi không có chỗ đi nên người giám hộ gởi bọn tôi cho một tu sĩ ở nhà thờ gần đó nhờ trông chừng sau khi đã giao cho một số công việc nhà như lau chùi, hút bụi, giặt giũ, bắt bọn tôi phải làm hết trong lúc ông ta going out với girlfriend suốt hai ngày. Ông thầy tu đó là Eric. Ổng hỏi chuyện bọn tôi, biết hòan cảnh bơ vơ lạc lòai của ba đứa, ổng mới dạy cho bọn tôi biết rằng ở xứ này tất cả mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quyền lợi như nhau, không ai có thể hà hiếp bắt nạt mình như vậy được, bảo tụi tôi phải về nói thẳng với người giám hộ về sự đối xử bất công này. Tụi tôi lúc đó  là “ma mới” còn lạ nước lạ cái, lại là ba thằng oắt con tị nạn Việt Nam tiếng Anh mới bập bẹ, làm sao dám cả gan hó hé trả treo với ai. Ông Eric mới lên tiếng bênh vực bọn tôi. Vì vậy ông giám hộ mới tức giận lấy dây nịt lưng quần quất ba thằng tụi tôi túi bụi cho bõ ghét và hăm dọa đủ điều. Bọn tôi sợ quá lén chạy qua nhà thờ méc Eric, cầu cứu với ông.
Thuận ngừng lại một chút dằn sự xúc động khi nhắc lại quãng đời niên thiếu khổ sở bấp bênh của mình. Thành nói:
- Chuyện của ông nghe hào hứng quá. Vậy là sau đó mấy ông về ở với Eric hả? Nhưng mà ổng là thầy tu thì lấy đâu ra tiền để nuôi mấy ông?
Thuận lại tiếp:
- Lúc đó, ông Eric nhận thấy rằng nếu bọn chúng tôi còn ở lại với người giám hộ đó thì thế nào cũng sẽ bị tiếp tục ngược đãi nhưng ông cũng chưa nghĩ ra biện pháp nào đem chúng tôi rời khỏi ngay. Do đó ông bảo chúng tôi tạm thời rán nhẩn nại một tuần nữa, ông sẽ sắp xếp đem chúng tôi về Sydney cho đi học. Ông biết không, tôi thật cảm động và mang ơn ông ấy vô cùng. Trong tuần lễ đó, ông đi làm farm kiếm tiền, đồng thời tìm mướn nhà để bọn chúng tôi có chỗ ở. Hồi đó tôi còn quá nhỏ để thắc mắc nghĩ suy, thấy có người thương xót mở lòng giúp đỡ thì mình chỉ biết nhận rồi cám ơn chớ đâu biết tìm hiểu xem một Christian brother như ổng làm sao có khả năng chu cấp nuôi ăn ở học hành cho bọn nhóc tì côi cút như chúng tôi.
Thành cũng xúc động cảm kích trước tình người quá lớn lao đó buột miệng nói:
- Ông thật may mắn. Trên đời không phải không có người tốt nhưng lọai người biết hành xử thích đáng, đáp ứng được hòan cảnh cần thiết của người khác thì thật hiếm hoi, phải là một người có lòng nhân ái bao la mới làm được.
Thuận gật đầu :
- Ông Eric nói vậy thì bọn tôi hay vậy chớ cũng không dám chắc lắm, không ngờ đúng một tuần sau, ông ấy sang chỗ chúng tôi nói với người giám hộ là ổng sẽ chịu trách nhiệm take care ba đứa chúng tôi. Và như thế là bọn tôi theo ổng dọn lên Sydney. Về Sydney, chúng tôi ở  Rose Bay, ông Eric xin cho ba đứa vào Vaucluse boy high school. Mỗi ngày ông ấy đi làm, bọn nhỏ chúng tôi đi học. Tối về quây quần ăn cơm xong, ổng dạy chúng tôi làm homework và cho coi TV giải trí. Cuối tuần cả đám dẫn nhau đi chợ đi shopping. Đôi khi còn được đi coi movie hoặc đi picnic vui chơi cả ngày. Đối với tôi, ông Eric ngòai là một người giám hộ tận tình tốt bụng còn là một người cha nhân từ, một người cha độc thân gà trống nuôi con đã hy sinh lý tưởng hạnh phúc riêng của mình để cứu vớt bọn chúng tôi, cho chúng tôi một nơi nương tựa, một cuộc sống êm đềm, ấm áp đầy niềm tin và hy vọng ở tương lai. Sau này lớn lên, khi hồi tưởng, nhiều khi tôi nghĩ không biết mình sẽ ra sao nếu ngày xưa không gặp được ông Eric. Có thể tôi đã thành một thằng hư hỏng, homeless hận đời, làm hại xã hội  không chừng. Ông có nghĩ vậy không?
Thành đáp nhanh:
- Chưa chắc đâu. Có thể vậy mà cũng có thể là không. Con người ai cũng có số mạng. Biết đâu số ông tốt thì dù không gặp Eric, ông cũng sẽ gặp người khác chiếu cố giúp đỡ ông, không nhiều thì ít chớ đâu đến nỗi bi đát như ông nghĩ, huống chi xã hội này là một xã hội ưu tiên bảo vệ  trẻ em. Vậy còn thằng Thắng thằng Dụng bây giờ  ra sao, có liên lạc với nhau không?
Thuận thở dài nói:
- Thằng Dụng thì cũng khá, có gia đình và nghề nghiệp vững vàng, chỉ tiếc cho thằng Thắng đã phụ lòng Eric, đến bây giờ nó cũng vẫn lông bông, không chịu an cư lạc nghiệp, cứ bay qua bay lại Việt Nam như bắt cóc bỏ dĩa. Nó là bạn nối khố với tôi và thằng Dụng, từ nhỏ ba đứa đã chơi thân với nhau như anh em, tôi cũng thương nó, khuyên nhủ nó hòai nhưng rõ ràng là  mỗi người một số phận một hòan cảnh riêng, dù nó không chọn thì trời cũng sắp đặt cho nó vậy rồi. Thôi thì cứ để xuôi theo tự nhiên, mình thì thấy ái ngại cho nó nhưng biết đâu nó lại thấy vui, thấy thỏai mái khi không có trách nhiệm gì ràng buộc. Ba đứa tôi thỉnh thỏang cũng có gặp nhau nhưng chỉ nói tào lao chơi thôi chớ không can dự gì tới cuộc sống của nhau cả.
Thành gật đầu biểu đồng tình:
- Thì vậy là phải. Mỗi người một quan niệm, một cách sống riêng. Ai cũng có tự ái, cũng cho mình là đúng. Đừng can thiệp vào đời tư của nhau thì may ra còn giữ được tình bạn lâu dài. À, mà bây giờ ông ở đâu? Ông Eric chắc về hưu rồi hả? Ông với Eric chắc là có nợ nần với nhau từ kiếp trước cho nên kiếp này trời xui đất khiến kẻ đông người tây tình cờ gặp được nhau rồi chung sống với nhau chung một mái nhà như hai người thân. Thật là hi hữu.
Chợt nghĩ ra điều gì, Thành e dè nói tiếp:
- Người ngòai nghe ông kể chuyện này chắc hẳn có người sẽ đặt nghi vấn, chớ không đơn giản tin là  Eric cao cả quảng đại như vậy mà biết đâu chừng họ cho là ông ấy có tà tâm dụng ý bất chánh gì đó. Bởi vì với cương vị một nhà tu, Eric có thể gián tiếp giúp đỡ các ông bằng nhiều cách khác hơn là trực tiếp làm giám hộ, sống chung với ba thằng thiếu niên trong suốt một thời gian dài, năm này qua năm nọ, phải vậy không?
Thuận chận lại nghiêm nghị nói rằng:
- Chắc ông muốn nói tới chuyện ấu dâm chớ gì. Nếu Eric là người thấp hèn như vậy thì tôi đâu cần gì phải phụng dưỡng báo đáp ông ấy như bây giờ. Đứng ngòai nhìn vào một sự việc, người ta chỉ giỏi đóan mò, không ai có thể biết chính xác bên trong hư thực phải trái thế nào, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ mà thôi. Eric đã từng nghe qua lời đàm tiếu này, nhưng ông mặc kệ người đời phán đóan ra sao. Ông ấy đã dạy tôi rằng mục đích của mình thì mình cứ theo đuổi thực hiện, đừng lo thiên hạ nghĩ sao về mình miễn mình không làm gì sái quấy lương tâm. Cứ phải sống vừa lòng thiên hạ thì suốt đời mình sẽ không có cơ hội tọai nguyện cho mình. Eric đã  ra tay bảo bọc dẫn dắt tôi từ lúc ban đầu khi tôi tứ cố vô thân trôi giạt tới xứ này thì giờ đây khi ông già nua cô quạnh, tôi nghĩ mình có bổn phận phải chăm sóc đáp đền, cho quãng đời còn lại của ông có một mái ấm và một tình thân gia đình. Tôi mua một căn nhà ở lút miệt gần Camden, đất đai cả mấy mẫu cho ông mặc tình trồng trọt chăn nuôi vui tuổi già. Nhà tôi như cái sở thú, con vật gì không nguy hiểm ông đều nuôi, nhiều nhứt là gà chạy bộ được mệnh danh là gà Kathy Freeman. Ngày ngày ông đi vòng quanh lượm trứng, cho thú ăn, chăm sóc cây kiểng và coi chừng nhà trong lúc vợ chồng tôi đi làm, con cái đi học và dĩ nhiên là… bắt luôn nồi cơm trước khi chúng tôi về tổ. Đời có vay có trả là vậy. Hiện tại thì chúng tôi rất happy với cuộc sống như vậy. Đến ngày nào Eric chán cuộc chơi hoặc không còn khỏe mạnh nữa thì tôi sẽ thu gọn lại, bán chỗ này, mua chỗ khác gần thị tứ hơn.
Câu chuyện thật cảm động và lý thú với một kết cuộc có thủy có chung, ân nghĩa vẹn tòan. Thành vỗ vai Thuận thân mật nói:
- Thật là một happy ending. Eric thật vĩ đại, còn ông cũng rất tuyệt vời. Qua câu chuyện của ông, tôi nhận ra rằng đời có quá nhiều điều kỳ diệu mà ít ai ngờ tới để chiêm nghiệm biết ơn đời. Đời đôi khi rất hững hờ cay nghiệt nhưng đôi khi cũng rất ưu ái nhiệt tình với ta. Bởi thế, ta đừng vội hận đời khi chưa được đời đãi ngộ, hãy cứ biết ơn đời đã cho ta nhiều thử thách, cơ hội để ta có thể trở nên một con người biết sống đúng đạo làm người.

Dẫu sao cũng cám ơn đời
Dẫu đời đon đả hay đời chê bai
Dẫu rằng xấu tốt ngọt cay
Cũng là bài học cơ may nên người
Sinh ra vốn chẳng biết cười
Chính đời đã dạy niềm vui nỗi buồn
Nụ cười đâu mãi nở luôn
Lệ buồn nào chẳng thôi tuôn thôi tràn
Đời gây lắm cảnh phũ phàng
Thì đời cũng tặng vô vàn tin yêu
Nghĩ suy nghiền ngẫm bao điều
Thấy đời kỳ diệu thật nhiều lắm thay!

© Người Phương Nam
11/5/11
© Đàn Chim Việt

0 comments:

Powered By Blogger