Tác Giả: Hải trình sưu tầm và minh họa. |
|
Ngày còn bé, tôi rất hay bị mắng là "vô duyên" mỗi khi cười nói nhăn nhở không có ý tứ gì cả.
Có người rộng lượng hơn thì mắng yêu: "Con gái mà chưa nói đã cười, vô duyên !". Sau đó thì tôi biết người nói câu ấy đã lấy ý từ câu: "Vô duyên chưa nói đã cười Có duyên gọi chín, mười lời chả thưa". Biết được câu này tôi thích chí lắm, vì nếu vô duyên chưa nói đã cười là một lời chê thì có duyên gọi chín, mười lời chả thưa càng không phải lời khen. Vậy phải thế nào mới đúng là "có duyên"? Tôi bắt đầu để ý xem đứa bạn gái kia làm thế nào mà được nhiều người khen là có ý có tứ, là "Con bé nhà ấy có duyên quá!". Tôi thấy ngoài chuyện thưa gửi lễ phép, nó còn rất có ý tứ mỗi khi đi đứng, ăn uống, nói năng, đặc biệt là khi cười bao giờ nó cũng chỉ cười mỉm và thường lấy tay che miệng. Thỉnh thoảng cũng có lần lỡ cười to nó liền nhớ ra và lập tức ngậm ngay miệng lại. Thế là tôi biết rồi, cười mỉm là có duyên chứ gì! Tuy biết vậy nhưng học theo không phải dễ. Vì cứ mỗi lần ngồi túm năm, tụm ba lại với nhau là lũ chúng tôi lại phá ra cười như pháo. Cười đến tắt lặng cả tiếng, ôm bụng mà cười, bò ra đất mà cười, cười đến giàn giụa nước mắt. (Ôi bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thèm). Tôi cũng hiểu ra rằng cái duyên của đứa bạn tôi không phải tự nhiên mà có, nó được mẹ nó chăm chút uốn nắn từng ngày. Còn cha tôi thì chả mấy khi để ý đến những chuyện ấy. Nhưng có lẽ cười có duyên hay vô duyên bây giờ không quan trọng. Chỉ cần cười được là tốt rồi. "Nụ cười bằng mười thang thuốc" mà lại. Tôi còn nhớ một truyện ngắn của Nam Cao có tên là Nụ cười. Truyện kể về một cậu bé mồ côi tên là Hoạt, lúc nào người ta cũng thấy cậu cười tươi, không bao giờ than van oán trách. Khi ở nhờ nhà một người bà con (thật ra là đi ở chăn trâu) cậu bị đối xử không được tốt lắm. Sáng sớm mùa đông đi ra đồng mà chỉ có một cái áo phong phanh, môi tím tái rét run cầm cập. Vậy mà vừa đến đầu làng gặp anh trai về thăm, cậu vẫn cười đùa vui vẻ, còn trêu chọc cả bà bán xôi, cốt để cho anh thấy là em không rét, em không đói, em không sao cả, anh đừng lo. Đến hồi phải đi bán lạc rang tự kiếm sống cũng vẫn thường cười vui vẻ với mọi người. Khi người anh qua cơn khó khăn, tìm được em thì thấy em đã tự lo cho mình được rồi và vẫn đùa nghịch như trước. Người anh rưng rưng nghĩ: “Nếu cha ta ở dưới suối vàng thấy em ta biết cười như thế này, chắc cha hài lòng lắm". Tất nhiên tiếng cười của cậu bé Hoạt không giống tiếng cười của kép Tư Bền trong truyện cùng tên của Nguyễn Công Hoan, vốn là bi kịch của người nghệ sĩ. Kép Tư Bền khi bước ra sân khấu làm trò cho khán giả cười để mua vui (để kiếm sống) mà trong lòng rối bời. Chỉ cần bước vào sau cánh gà là kép Tư Bền đã phải đối diện với cuộc đời thật nghiệt ngã đang chờ. Đó là chuyện trong sách vở. Còn bây giờ, mỗi khi chúng ta đến một cửa tiệm nào đó, chúng ta thường được tươi cười chào đón ân cần thắm thiết. Ta cảm thấy ta được quý trọng lắm. Nhưng khi hàng đã mua xong, tiền đã trả hết, ta bước ra khỏi cửa rồi nếu phát hiện ra điều gì đó và quay trở lại thì sẽ chẳng còn thấy đâu nụ cười khi nãy nữa. Một lần tôi được đến một khách sạn lớn trong ngày khai trương. Khách đông nườm nượp suốt ngày, nhân viên phục vụ rất vất vả. Vậy mà hai cô gái mặc áo dài, trang điểm đẹp vẫn luôn tươi cười. Tôi buột miệng hỏi một câu vô duyên: "Làm ở đây chắc lúc nào cũng phải cười?", không ngờ các cô gái thật thà thú nhận ngay: "Dạ, phải vậy thôi. Tụi em dù có mệt muốn chết cũng cứ phải nhe răng ra mà cười!". Cậu bé Hoạt của Nam Cao đi bán lạc rang cũng luôn cười với mọi người, nhưng không phải cười để bán hàng, mà là cười thật. Cậu cười với cuộc đời, cười với mọi người, cười với chính mình khi chỉ có một mình. Cười trong lúc rét, trong lúc đói, trong lúc bơ vơ. Cười để vượt lên hoàn cảnh. Năm quan đổi lấy miệng cười Mười quan chẳng tiếc, tiếc người có duyên. Tiếc người có duyên, không phải tiếc người có… xe. Đó là ca dao xưa nói vậy. Hay cười hay không hay cười là do bản tính của mỗi người, tuy vậy "Không phải tất cả những ai cười với anh đều là bạn". Tôi đã từng ghi câu nói này vào sổ tay. Song tôi cứ nghĩ nếu hằng ngày, bất cứ lúc nào từ trong nhà bước ra đường hoặc từ ngoài đường bước vào nhà ta đều có thể cười được và cũng đều được đáp lại bằng những nụ cười ấm áp thân thiện, thì có phải ăn gì ta cũng thấy ngon hay không? |
Saturday, May 19, 2012
Tiếng cười
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment