Bà Bùi Thị Minh Hằng là ai?
Thiết nghĩ những người đã vào đọc các trang tin, blog không do nhà nước CHXHCNVN quản lý từ độ tháng 7/2011 trở lại đây đều đã biết và cả những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), lãnh đạo các cơ quan truyền thông ở Hà Nội ít nhiều cũng nghe nói tới bà Bùi Thị Minh Hằng (Bà).
Tôi viết bài này đứng dưới góc độ của một người quan sát như đã từng trước đây tôi phản đối kịch liệt một trang blog có số lượng người đọc đông đảo có ý định tôn vinh Bà là người phụ nữ của năm 2011. Tôi có 2 lý do nghiêm túc để phản đối:
- Thứ nhất : Ở thời điểm tôn vinh đó, Bà chưa bị cưỡng bức đưa đi trại giáo dục so với những người trong quá khứ phải vào tù ra khám chỉ vì đấu tranh cho xã hội, cho người nghèo khó, ở mức độ nhẹ hơn thì họ bị sách nhiễu gây khó khăn trong cuộc sống-công việc nói nôm na là “đấu tranh thì tránh đâu". Ấy là chưa kể tới những người hoạt động chính trị thì khốn khổ hơn nhiều, quá khứ càng xa thì những người trên càng bị đàn áp khốc liệt.
- Thứ hai : đó là tôi lo an toàn chung cho tất cả mọi người đã từng tham gia biểu tình yêu nước trong mùa hè 2011. Cho dù những người này có cái tâm trong sáng và nhiệt thành nhưng họ chưa chắc đã hiểu bản chất sâu xa Đảng của tôi (ĐCSVN) không bao giờ muốn các cuộc biểu tình xảy ra bất luận vì lý do gì kể cả ủng hộ chính quyền nếu như ĐCSVN không có khả năng chỉ đạo và kiểm soát. Độc giả tìm hiểu kỹ 2 sự kiện có nét tương đồng đó là Cách Mạng tháng 8/1945 ở Việt Nam và cái chết Nicolae Ceauşescu ở Rumani năm 1989 sẽ hiểu ngay điều tôi nói.
Chuyện về Bà từ dạo tháng 7/2011 cho đến gần đây gây sôi động trên Internet là chủ yếu. Thực tế số lượng người có biết đến tên Bà vẫn thấp hơn rất nhiều so với số người truy cập Internet nhưng phần lớn thờ ơ với các sự kiện chính trị, xã hội đang diễn ra ở Việt Nam. Đột nhiên mấy ngày gần đây, truyền thông chính thống của thủ đô Hà Nội dồn dập đưa tin về Bà. Thậm chí không hiểu bằng cách gì, tác động thế nào mà chính cả ruột thịt của Bà cũng đứng trước ống kính máy quay để phát biểu với một thái độ bình thản, dưng dưng thì không khỏi lạnh gáy.
Mời mọi người nghe và xem kỹ 3 seri phóng sự “đấu tố” dưới đây khá công phu và có chuẩn bị kỹ lưỡng :
Xem xong các phóng sự này, tôi tin rằng nhiều người không khỏi không liên tưởng đến bóng ma của “đấu tố cải cách ruộng đất” vẫn còn lảng vảng. Ngày hôm qua, tôi còn đấu tranh tư tưởng định kể một câu chuyện có thật liên quan đến cải cách ruộng đất, do người thân của tôi tâm sự phảng phất yếu tố đe dọa tinh thần để ruột thịt đấu tố ruột thịt, kết quả cay đắng là“Cha từ Con". Nhưng xét thấy một vài người anh - em họ bên nội của tôi thỉnh thoảng cũng vào các blog đọc tin nên rút cục tôi không có ý định này nữa. Vì đó là một câu chuyện không vui và cũng là nỗi đau như hằng nghìn, gia đình dòng họ khác ở miền Bắc Việt Nam đã trải qua trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc cải cách ruộng đất gây kinh hoàng và chấn thương ký ức dân tộc cho đến ngày hôm nay.
Chúng ta thử nghĩ xem một kẻ cướp của giết người, buôn bạc giả/ma túy, hãm hiếp trẻ em, nói chung là những tội tày đình bị xã hội lên án, đều được xét xử công khai nhưng bị cáo vẫn có quyền kháng án, thuê luật sư để bào chữa. Dù đúng hay sai ít nhiều họ có quyền được tự bảo vệ mình ở chốn công đường. Thậm chí ngay cả trong thời cải cách ruộng đất, cho dù nạn nhân sau đó phải chết tức tưởi cũng còn được cất lên tiếng nói trong khi xét xử công khai.
Một người phụ nữ thân cô thế cô như Bà, có cuộc sống bình thường như bao người ta gặp ngoài đường thì hà cớ gì cả 1 hệ thống chính trị phải chơi đòn tuyên truyền tổng lực, chí tử trong khi Bà đang bị cô lập trong ngục tù? Ngay cả những người có hoạt động lật đổ chế độ có tên tuổi trong quá khứ phải đi tù cũng chưa chắc có “diễm phúc” được truyền thông chiếu cố đến như vậy.
Bất luận lý do sâu xa là gì? Đạo diễn ngầm là một hay một nhóm người có quyền thao túng truyền thông? Đối với riêng tôi rõ ràng Bà xứng đáng là người phụ nữ gây tác động tâm lý tới chế độ, góp thêm cảm hứng và ví dụ minh họa cho chúng ta suy tư nhiều các vấn đề như hệ thống pháp luật, tập quán-văn hóa-tình cảm tâm lý đám đông của người Việt, đạo lý của chế độ cũng như tư thế-tầm vóc của người lãnh đạo thủ đô ngàn năm văn hiến như thế nào? Xa hơn nữa, gợi mở cho chúng ta tìm hiểu “lỗi hệ thống” của chế độ mà chính ông Nguyễn Văn An – cựu chủ tịch quốc hội nước CHXHCNVN chỉ dám phát biểu khi đã hồi hưu.
Nguyễn Chí Đức - Blog DongHaiLongVuong
0 comments:
Post a Comment